Friday, May 6, 2011

5 sai lầm của chính quyền Mỹ sau cái chết của Osama bin Laden

(Dân trí) - Tổng thống Barack Obama, quân đội và tình báo Mỹ đã nhận được những lời khen ngợi cho chiến dịch nhằm tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda tại Pakistan. Nhưng trong 48 giờ qua, chính quyền Mỹ đã vấp phải những sai lầm sau cái chết của Osama bin Laden.
Osama bin Laden bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt tại Pakistan hôm 2/5.


1. Không trung thực

Osama bin Laden có mang vũ khí hay không? Người phụ nữ nào trong căn nhà của Bin Laden trở thành bia đỡ đạn? Ai thực sự đã bị giết ngoài mục tiêu chính? Chính quyền Obama xứng đáng với những lời khen ngợi về nỗ lực kiên trì và đáng chú ý nhằm thông báo với thế giới về sứ mệnh, dù biết rằng rất nhiều thông tin cần được giữ lại để bảo vệ các nguồn tin, mật vụ, các phương thức và những dữ liệu nhạy cảm. Nhưng việc Nhà Trắng không nhất quán và trung thực trong việc công bố thông tin đã gây ra các hệ quả là truyền thông đưa tin kém, các đối thủ của Tổng thống lên tiếng chỉ trích, các chi tiết khác của sứ mệnh bị nghi vấn, những kẻ tìm kiếm thuyết âm mưu và các giả thuyết về những tên tội phạm toàn cầu đã có chỗ để tồn tại.

2. Không đánh giá cao George W. Bush trong việc giúp đưa Bin Laden ra công lý

Thậm chí nếu Nhà Trắng tin rằng người tiền nhiệm không giúp ích gì với sứ mệnh cuối cùng của Bin Laden, sẽ tốt hơn cho sự đoàn kết dân tộc và vận mệnh chính trị của chính Tổng thống Obama nếu ông cảm ơn người tiền nhiệm. Lời mời ông Bush tham gia một sự kiện tổ chức vào ngày 5/5 tại Khu vực số Không (ông Bush đã từ chối) là sáng kiến đúng đắn, nhưng đến muộn.

3. Để cuộc tranh luận về ảnh thi thể của Osama bin Laden vượt ra khỏi vòng kiểm soát

Quyết định về việc có công bố ảnh trùm khủng bố sau khi chết hay không là một điều không dễ dàng. Nhưng các tuyên bố mẫu thuẫn của chính quyền Mỹ và sự tò mò của công chúng đã khiến vấn đề càng trở nên rối hơn. Nhà Trắng đã trượt chân khi phạm phải một quy định sắt đá của Washington: Khi một điều gì đó trở nên nổi tiếng vì không được công bố, áp lực từ truyền thông để công bố nó là rất lớn.

4. Không kiểm soát được cuộc tranh luận về cuộc chiến tại Afghanistan

Đã có những dấu hiệu cho thấy một số cố vấn của Tổng thống đang tìm cách giảm bớt cam kết của Mỹ tại Afghansitan sớm hơn. Nhưng do thất bại trong việc xác định và bảo vệ bất kỳ chính sách nào mà Tổng thống muốn theo đuổi, Nhà Trắng đã cho phép những người hối thúc chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan sử dụng cái chết của Bin Laden để làm đòn bẩy.

5. Để cuộc tranh luận về Pakistan vượt ra ngoài vòng kiểm soát

Kêu gọi của quốc hội và truyền thông về một sự thay đổi quyết liệt trong quan hệ giữa Mỹ với Pakistan đang sôi lên như một trận cháy rừng. Chính quyền biết rằng một sự thay đổi trong chính sách là rất phức tạp và gây tổn hại, và không nhất thiết xét về mặt quyền lợi của Mỹ. Các quan chức đang bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu người Pakistan có biết Osama bin Laden đã ẩn náu sâu bên trong lãnh thổ nước này hay không. Nên và sẽ có một cuộc tranh luận về vấn đề này, nhưng những hành động của chính quyền Mỹ đang cho thấy dường như điều đó sẽ không là vấn đề thảo luận của họ.
An Bình
Theo Time

Mỹ tiêu tốn bao nhiêu cho
Osama bin Laden?

(Dân trí) - Theo ước tính, 10 năm tìm kiếm tên trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Osama bin Laden, đã tiêu tốn của nước Mỹ hàng ngàn tỷ USD. Chính vì vậy mà thủ lĩnh al-Qaeda được gọi với cái tên “kẻ nghìn tỷ đô la”.

Mỹ chi tiền tấn để làm cho nước Mỹ an toàn hơn.
Số tiền hàng ngàn tỷ USD này được chi cho các cuộc chiến, củng cố an ninh, như bảo vệ các bến cảng, các hoạt động quân sự khắp thế giới, cùng hàng tỷ đô la để xây dựng lại Ground Zero, chăm sóc y tế cho các cựu binh, phần lớn là trong cuộc chiến Iraq, mà chính phủ Bush từng cho rằng có liên hệ giữ Bin Laden và Saddam Hussein.

Số tiền khổng lồ được chi nhằm làm cho nước Mỹ an toàn hơn sau vụ khủng bố 11/9. Các cơ quan được tạo ra, mở rộng hoặc được trao nhiệm vụ mới. Chính phủ thuê hàng ngàn nhân viên mới để phân tích tình báo, lần theo các nguồn tài chính hỗ trợ cho khủng bố…(Mỹ đang chi 50 tỷ USD mỗi năm cho công tác tình báo)

Theo tính toán của hai giáo sư khoa học chính trị, John Mueller, Đại học bang Ohio và Mark Stewart, Đại học Newcastle tại New South Wales, kể từ sau vụ 11/9, chính phủ Mỹ cùng các công ty tư nhân đã chi hơn 1 ngàn tỷ đô la để củng cố an ninh nội địa. Thêm vào đó, theo hai giáo sư này, thời gian trung bình phải đợi ở sân bay để kiểm tra an ninh đã tăng lên khoảng 20 phút, tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Theo hai chuyên gia này, tổng cộng Osama bin Laden đã “tiêu tốn” của Mỹ con số khổng lồ từ 280 tỷ USD đến 5 ngàn tỷ USD.

Chính quyền Tổng thống Bush đã nhanh chóng mở hầu bao sau vụ khủng bố 11/9 năm 2001. Quốc hội Mỹ ngay lập tức phê chuẩn khoản quỹ 40 tỷ USD để mở rộng an ninh quốc phòng, nhằm tìm kiếm tên khủng bố quốc tế Bin Laden.

Bộ an ninh Nội địa Mỹ đã được trao quyền lực rộng khắp và ít nhất 20 cơ quan liên bang được củng cố với một nhiệm vụ chính: ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trong lòng nước Mỹ. Trong suốt 10 năm qua, Bộ này đã chi tiêu ước tính 424 tỷ USD và tuyển dụng 216.000 người.

Khi Bộ an ninh Nội địa mới được thành lập, chính phủ Mỹ đã chi 37,7 tỷ cho ngân sách của cơ quan này và tăng lên 50,6 tỷ vào năm 2008. Năm 2012, chính phủ Mỹ dự kiến chi khoảng 71,6 tỷ cho an ninh nội địa.
Số tiền trên lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội của ít nhất 132 quốc gia vào năm 2009, trong đó có Iraq, Croatia và Cuba.

Nhưng số tiền chi tiêu không dừng lại ở đó. Bộ Quốc phòng, hiện đang “bận rộn” với hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan, cũng được tăng ngân sách. Kể từ năm 2001, ngân sách quốc phòng của Mỹ tăng lên ít nhất 700 tỷ USD vào năm 2010. Con số này chiếm khoảng 20% tổng ngân sách toàn liên bang Mỹ.

Từ năm 2001-2011, Mỹ đã chi 18 tỷ USD cho Pakistan để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố, mà chủ yếu là để truy lùng Osama bin Laden.

Tại quê nhà, các nhà hoạch định chính sách cũng xây dựng một bộ máy khổng lồ mới, tập trung vào an ninh biên giới, bom bẩn, những kẻ cực đoan trong nước và mối đe dọa về một cuộc tấn công khác của al-Qaeda. Quốc hội không ngại chi tiền cho Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan khác tất cả những gì họ yêu cầu.

Chris Hellman, nhà phân tích chính trị cấp cao tại Dự án các ưu tiên quốc gia, nhóm giám sát ngân sách liên bang Mỹ cho hay: “Không ai muốn bị ngồi trong cảnh giống như vụ 11/9”. Còn Travis Sharp, nhà nghiên cứu tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ bình luận, rất “hiếm khi” thấy các thành viên Quốc hội chất vấn về các yêu cầu tăng quỹ cho an ninh.

Trong khi đó, thiệt hại kinh tế đối với riêng thành phố New York, trong năm đầu tiên sau vụ khủng bố 11/9, từ năm 2001-2002 ước tính lên tới 83-95 tỷ USD. Còn thiệt hại đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ do vụ khủng bố 11/9 gây ra lên tới 2,5 nghìn tỷ USD.
Phan Anh
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment