Wednesday, May 4, 2011

30-4: Lòng dân không thống nhất

Trần Gia Phụng - (Trình bày ngày Thứ Bảy 30-4-2011 tại Montreal.)Ngày 30-4-1975, Bắc Việt Nam thành công trong việc đánh chiếm Nam Việt Nam và tự hào là đã thống nhất đất nước. Đúng là ngày 30-4-1975, chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, ranh giới sông Bến Hải bị xóa bỏ, đất nước quy về một mối dưới chế độ cộng sản, nhưng cho đến nay,
36 năm sau ngày 30-4-1975, thực tế cho thấy rõ ràng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chỉ thống nhất lãnh thổ Việt Nam, chứ không thống nhất được tinh thần và tình cảm của dân chúng Việt Nam, nghĩa là không thống nhất lòng dân Việt Nam.

1.- Tự sát chống chế độ cộng sản

Đầu tiên, khi CS chiếm được miền Nam, khá nhiều người đã tự sát. Báo chí thường ca tụng các vị sĩ quan và tướng lãnh đã tuẫn tiết. Tuy nhiên, còn biết bao nhiêu người vô danh khác nữa cũng đã tự sát trước và trong ngày 30-4-1975, nhất là tại vùng II và Vùng I Chiến thuật, nơi thất thủ sớm nhất. Những người tự sát chứng tỏ hai điều: 1) Thứ nhất, trung thành với chế độ cũ. 2) Thứ hai, không chấp nhận chế độ mới. Việt Nam nhiều lần thay đổi chế độ, nhưng lần nầy là lần đầu tiên trong lịch sử, rất nhiều người thà chết chứ không chấp nhận sống dưới chế độ mới. Một chế độ mới lên cầm quyền mà người ta không muốn sống dưới chế độ đó, đến nỗi phải tự sát, chứng tỏ rằng ngay từ đầu chế độ đó không được lòng dân, đó làm thảm họa cộng sản mà nhà văn Phan Khôi gọi là “cây cứt lợn” hay “cây chó đẻ”. (Phan Khôi, “Cây cộng sản” (bút ký) trong tập Nắng chiều, Hoàng Văn Chí trích dẫn, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959, tr. 91.)

2.- Phong trào di tản và vượt biên

Thông thường, người ta tản cư hay di tản khi chiến tranh xảy ra. Người ta bỏ chạy vì sợ lửa đạn. Đàng nầy, chiến tranh chấm dứt, lửa đạn không còn, mà người ta bỏ chạy, nghĩa là người ta sợ cái gì còn hơn súng đạn.

Ngay khi CS chiếm Sài Gòn, khoảng 150,000 người Việt đã di tản ra nước ngoài, trong đó khoảng 140,000 đến Hoa Kỳ và khoảng 10,000 đến các nước khác. (Nguồn: UNHCR, The State of the World’s Refugees – Fifty Years of Humanitarian Actions, ch. 4, tr. 81.) Cộng sản Việt Nam tố cáo những người di tản là tay sai đế quốc Mỹ. Theo luận điệu nầy, trưa ngày 30-4-1975, Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn phát biểu rằng: “Những kẻ ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.” (Trích nguyên văn:

http://ngoclinhvugia.wordpress.com/). Viên nhạc sĩ nầy còn hát bài “Nối vòng tay lớn”, nhưng dân chúng không chấp nhận vòng tay lớn của CS, tiếp tục ra đi dù bị kết tội “phản quốc”.

Sau ngày 30-4-1975, càng ngày càng có nhiều người kiếm cách ra nước ngoài, dầu phải hy sinh chính mạng sống của mình, tạo thành phong trào vượt biên. Theo thống kê của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, từ ngày 30-4-1975 cho đến cuối năm 1995, tổng số người di tản và vượt biên đến được các trại tỵ nạn là 989,100 (gần một triệu) kể cả đường biển lẫn đường bộ. Người ta phỏng chừng có khoảng từ 400,000 đến 500,000 thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết. Ngoài ra, phải kể thêm số người rời Việt Nam qua các hải đảo nhưng không đậu thanh lọc và bị đuổi về nước. Nếu kể thêm chương trình ODP (Orderly Departure Program) và chương trình HO do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đưa vài trăm ngàn người nữa ra nước ngoài bằng đường chính thức, thì tổng cộng tất cả các số liệu trên đây, sau khi CS chiếm miền Nam Việt Nam, trên 1,500,000 người Việt đã bỏ nước ra đi.

Đây chỉ là những người có điều kiện ra đi. Còn biết bao nhiêu người muốn ra đi mà không đi được. Nghệ sĩ TrầnVăn Trạch đã từng nói một câu bất hủ: “Ở Việt Nam hiện nay, cây cột đèn cũng muốn ra đi.”

3.- Phong trào đối kháng trong nước

Di tản hay vượt biên là bất tín nhiệm nhà cầm quyền trong nước, nhưng quan trọng hơn những người ở lại và cả những người xuất thân từ chế độ CS, được đào tạo từ trường lớp CS, cũng đối kháng với CS. Có thể chia thành nhiều nhóm đối kháng.

Nhóm thứ nhất xin tạm gọi là nhóm “Cộng hòa” vì những người đứng lên đối kháng là những người thời chế độ Cộng hòa còn lại. Cuộc nổi dậy bộc phát ngay từ năm 1975 và những người nổi lên chống đối bị ghép vào thành phần phản động. Trong số những cuộc nổi dậy trên toàn quốc, nổi tiếng nhất có thể là hai vụ ở Huế và ở Sài Gòn.

Vào năm 1976, một tổ chức chống cộng gồm nhiều thành phần khác nhau được thành lập tại Huế. Sau khi bị phát hiện, tám người bị án tử hình, trong đó có giáo sư Nguyễn Nhuận ở trường Đại học Khoa hoa Huế và giáo sư Đặng Ngọc Quờn ở trường Đại học Văn khoa Huế. Tại Sài Gòn, cũng vào năm 1976, tại nhà thờ Vinh Sơn, trên đường Trần Quốc Toản (tên đường trước 1975), Nguyễn Việt Hưng (sĩ quan chế độ cũ) cùng linh mục Nguyễn Hữu Nghị đứng ra tổ chức lực lượng võ trang phục quốc, nhưng bị phát hiện ngày 12-2-1976. Những người cầm đầu đều bị tử hình.

Ngoài hai cuộc nổi dậy quan trọng trên đây, khắp các địa phương đều có nhiều nhóm hoạt động chống đối ở các tỉnh. Tại Đà Nẵng, hai giáo sư trường Kỹ Thuật là NguyễnVăn Bảy, Trần Ngọc Thành bị tử hình ở Hoà Khánh. Trước khi bị bắn, hai ông đều hô lớn “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm”. Ở Tam Kỳ (Quảng nam) có nhóm thanh niên và học sinh Quốc Dân Đảng. Ở miền Tây Nam phần, rải rác các nhóm thanh niên Phật Giáo Hòa Hảo… Cộng sản thẳng tay đàn áp tất cả những cuộc đối kháng.

Nhóm thứ hai xin tạm gọi là “nhóm tôn giáo”: Năm 1977, tại Huế, linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt giam vì đã phổ biến hai bài tham luận của giám mục Nguyễn Kim Điền, lên án nhà cầm quyền CS chủ trương tiêu diệt tôn giáo. Linh mục Lý bị bắt giam và bị CS cấm làm linh mục. Từ đó, linh mục Lý không ngừng tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Phía Phật giáo, thượng tọa (nay là hòa thượng) Thích Quảng Độ bị nhà cầm quyền bắt giam cũng từ năm 1977. Thượng tọa liên tục tranh đấu bất bạo động, và bị bắt giam hay quản thúc nhiều lần. Ngoài hai tu sĩ trên đây, còn có nhiều tu sĩ của Công giáo, Phật giáo, đạo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đã hoạt động cho đến nay, lên tiếng kêu gọi tự do tôn giáo, tự do dân chủ cho dân tộc, nhưng đều bị đàn áp, cô lập bằng nhiều cách khác nhau.

Chính sách tôn giáo của CSVN là: Đối với các tôn giáo có ảnh hưởng quốc tế như Phật giáo, Ky-Tô giáo thì CSVN cô lập các tu sĩ chứ không gây ra những vụ án tử đạo vì sợ dư luận thế giới lên án. Đối với các tôn giáo địa phương như Đạo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, CSVN thẳng tay đàn áp, giam cầm, ngược đãi, thủ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay tu sĩ các tôn giáo vẫn tiếp tục hoạt động và liên kết với các nhóm khác để tranh đấu đòi hỏi tự do tôn giáo và tự do dân chủ cho đất nước.

Nhóm thứ ba xin tạm gọi là “cán bộ CS hưu trí”, bắt đầu từ Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ do Nguyễn Hộ thành lập năm 1986. Nguyễn Hộ là một cán bộ cộng sản miền Nam. Sau năm 1975, ông làm phó chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, thư ký Liên hiệp Công đoàn TpHCM (tức Sài Gòn cũ), chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TpHCM. Tháng 9-1988, Nguyễn Hộ ra mắt báo Truyền Thống Kháng Chiến, chỉ trích nhà cầm quyền CS nên bị đình bản. Năm 1989, CLB Những Người Kháng Chiến Cũ bị giải tán. Năm 1991 Nguyễn Hộ trả thẻ đảng viên, dầu lúc đó ông đã vào đảng 53 năm. Lúc đầu, ông bị quản thúc tại gia, rồi bị bắt năm 1994. Nguyễn Hộ chết già năm 2009. Trong hồi ký của mình, Nguyễn Hộ tự thú nhận: “Chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.” (BBC Vietnamese, 3-7-2009.)

Sau Nguyễn Hộ, nhiều cán bộ mạnh dạn lên tiếng chỉ tích chủ trương của nhà cầm quyền CS, kể cả những tướng lãnh, đảng viên cao cấp (Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Anh Kim…). Nhà cầm quyền cộng sản cho rằng những người chỉ trích chỉ là những đảng viên hưu trí, mất quyền lợi nên mới phản đối nhà cầm quyền CS mà thôi.

Nhóm thứ tư xin tạm gọi là nhóm “truyền thông”, phản đối bằng báo chí, internet. Có thể nói cuộc phản đối nầy rất sôi nổi, do chính những người sinh ra, lớn lên và được đào tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả những người xuất thân từ gia đình cán bộ cao cấp của chế độ. Đó là một loạt những luật sư, kỹ sư, mục sư, giáo viên, phóng viên, nhà báo, mà ngày nay rất nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Đó là Lê Thị Công Nhân, Đỗ Nam Hải, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy, Phan Thanh Nghiên, Nguyễn Tấn Hoành, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Trí Tuệ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng…(Danh sách nầy còn dài…)

Những nhân vật trên đây sinh ra, lớn lên và học hành trong lòng chế độ cộng sản. Vì vậy không thể kết án những người nầy là tàn dư “Mỹ ngụy”, cũng không thể quy tội những người nầy là “tay sai ngoại bang”, hay là những người hưu trí bất mãn. Họ là những ngưòi trẻ, có khả năng, có địa vị, danh vọng và giàu có, nhưng họ đã hy sinh tất cả, can đảm đứng lên tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ, công bình xã hội cho toàn thể dân tộc. CSVN liền quy chụp họ là “đánh phá cách mạng, âm mưu, lật đổ chính quyền”.

Những người tay không, không súng không đạn, chỉ bằng suy nghĩ phổ biến qua phương tiện truyền thông mà làm sao “âm mưu lật đổ chính quyền”? Họ chỉ là những người trình bày quan điểm của mình một cách bất bạo động nhằm xây dựng chế độ mà vẫn bị trù dập, chứng tỏ chế độ CS không chấp nhận bất đồng chính kiến, nghĩa là CSVN không cần đến ý dân, lòng dân.

Nhóm thứ năm xin tạm gọi là nhóm “nhân dân”: Cộng sản luôn luôn tự hào là được hậu thuẫn của nhân dân và tâng bốc nhân dân là” anh hùng”. Trong thực tế, “nhân dân anh hùng” đứng hạng thứ tư tức hạng chót trong xã hội CS . “Tôn Đản là chợ vua quan, / Vân Hồ là chợ những gian nịnh thần./ Đồng Xuân là chợ thương nhân,/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.” Cộng sản lợi dụng khai thác nhân dân tối đa, nhưng CS cũng đàn áp nhân dân tối đa. Bị đàn áp, nhân dân thấp cổ bé miệng không biết làm sao, chỉ còn có cách phản kháng thụ động bằng những câu vè, tục ngữ, ca dao, những câu chuyện tiếu lâm, tạo thành nền văn chương truyền khẩu xã hội chủ nghĩa rất phong phú.

Tục ngữ, ca dao, chuyện tiếu lầm bàng bạc trong dân chúng quá nhiều, xin khỏi cần ghi lại; chỉ xin lưu ý rằng ngày trước đề tài văn chương truyền khẩu có tính cách xã hội nói chung. Riêng đề tài văn chương truyền khẩu thời CS, đặc biệt chỉ tập trung vào vấn đề chính trị, chỉ trích giới lãnh đạo CS mà thôi. Điều nầy cho thấy dầu CS luôn luôn khoe khoang rằng chế độ CS là chế độ của nhân dân, nhưng thực sự CS không bao giờ được lòng dân và luôn bị nhân dân oán ghét, đả kích.

4.- Vì sao đảng CSVN không thống nhất được lòng dân?

Như thế, chế độ CS bị chống đối từ mọi phía, từ những người ở ngoài nước đến những người trong nước, từ những người bị chụp mũ “Mỹ ngụy”, đến những cán bộ CS và cả những thanh niên, trí thức do CS đào tạo. Sự chống đối của những người do chính chế độ CS đào tạo, hay những người sống trong lòng chế độ CS cho thấy rằng sau 36 năm cầm quyền, đảng CSVN vẫn không thu phục được nhân tâm, vẫn không thống nhất được lòng dân. Câu hỏi cần được đặt ra là vì sao CSVN lâm vào tình trạng nầy?

Đảng CSVN không thống nhất được lòng dân vì các lý do sau đây:
Chủ nghĩa CS vào Việt Nam là một chủ nghĩa không tưởng. Ngày nay, các nước Âu Châu đã loại bỏ và lên án chủ nghĩa CS. Trong khi đó, tại Việt Nam ngày nay, triết học CS vẫn còn là môn học bắt buộc cho học sinh và sinh viên Việt khi thi ra trưòng.

Chế độ CS chủ trương độc tài toàn trị. Từ khi chiếm quyền lực năm 1945, Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương độc quyền cai trị đất nước. (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Editions du Seuil, 1952, p. 143.) Cho đến năm 1992, Điều 4 hiến pháp quy định rằng “đảng Cộng Sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Đất nước Việt Nam là của chung do tổ tiên để lại cho toàn dân, tại sao đảng CSVN lại được quyền đứng trên tất cả, để lãnh đạo đất nước, không chấp nhận bất đồng chính kiến, đa nguyên, đa đảng? Trào lưu trên thế giới ngày nay là dân chủ đa nguyên. Chủ trương độc quyền cai trị đất nước của CSVN đã quá lỗi thời, và bị dân chúng chán ghét.

Từ năm 1975, chính sách kinh tế chỉ huy của CSVN hoàn toàn thất bại. Cộng sản lo ngại, quay lại nền kinh tế tự do mà CS gọi là kinh tế thị trường, nhưng vẫn do nhà nước điều khiển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cởi trói phần nào cho dân chúng làm ăn, nhưng chỉ có cán bộ CS và một thiểu số ở thành thị được hưởng lợi, trong khi đại đa số dân nông thôn vẫn nghèo khổ. Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì nếu không phải để CSVN tiếp tục chỉ huy kinh tế?

Cộng sản cai trị tùy tiện theo nghị quyết của đảng CS, tức cai trị theo ý đảng, chứ không theo pháp luật, không có tính cách pháp trị. Nghị quyết của đảng luôn luôn đứng trên luật pháp. Cách cai trị tùy tiện gây nhiều phiền hà và khó khăn cho người dân trong cuộc sống. Luật quy định một đàng, nghị quyết đảng đi một nẻo, những kẻ thi hành lại làm cách khác.

 Nhà nước CS tham nhũng từ trên xuống dưới. Trước đây, dưới chế độ Cộng hòa, nạn tham những cũng xảy ra, nhưng ở quy mô nhỏ cả về người tham những và cách tham nhũng, và nếu bị phát giác thì sẽ bị luật pháp trừng trị. Đàng nầy, sau năm 1975 chế độ CS tham nhũng từ “vi mô” đến “vĩ mô”, bất cứ chức quyền nào cũng tham nhũng, công khai, trắng trợn và không bị luật pháp chế tài.

Chế độ CS sai lầm lớn lao trong chính sách ngoại giao, lệ thuộc nặng nề đảng CS Trung Quốc. Cộng sản Việt Nam là nhà cầm quyền đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm mất đất đai, mất ải Nam Quan, mất một diện tích mặt biển lớn lao vào tay Trung Quốc. Việt Nam thời Pháp thuộc cũng không bị mất một tấc đất nào cho Trung Quốc.

Kết luận

Tóm lại, tuy CSVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam ngày 30-4-1975, thống nhất lãnh thổ, nhưng rõ ràng CSVN không thống nhất được lòng dân. Đảng CSVN chẳng những độc tài đảng trị toàn trị mà còn phạm nhiều sai lầm quan trọng, nhất là tham nhũng tràn lan, nên cho đến nay, sau 36 năm cai trị độc tài, CSVN cũng không thu phược được lòng dân.

Trong các thập kỷ qua, CSVN tồn tại bằng bạo lực và áp bức. Bạo lực và áp bức không mở cửa được lòng dân. Có người đã viết: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Vì vậy khi nào Việt Nam còn nạn CS độc tài đảng trị toàn trị, thì chắc chắn dân chúng Việt Nam còn tranh đấu đối kháng. Nếu CSVN tiếp tục đàn áp để tồn tại, bạo lực không thể mở được lòng người, mà bạo lực chỉ tạo thêm đối kháng.
Do đó, chỉ còn hai con đường là: 1) CSVN phải tự mình làm một cuộc cách mạng bản thân, từ bỏ nạn độc tài đảng trị, xây dựng một chế độ dân chủ tự do, đa nguyên, đa đảng để thu phục nhân tâm. Điều nầy xem ra khó thực hiện đối với đảng CSVN. 2) Vậy chỉ còn cách khác là một lúc nào đó, toàn dân đoàn kết nổi dậy chống độc tài đảng trị, tự mình giành lấy quyền tự do dân chủ.

Điều nầy cũng khó khăn không kém, nhưng đường không đi không đến. Phải bắt đầu mới có kết thúc. Lịch sử luôn luôn tiếp tục tiến tới. Trước sau gì cách mạng cũng sẽ bùng nổ ở Việt Nam. Chắc chắn sẽ có ngày đó.

 (Montreal, 30-4-2011)

© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment