Saturday, April 30, 2011

Việt Nam điên lên vì sức mạnh của internet

Phạm Trần - Không phải tự nhiên mà Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ trong một số báo (số 4 (220) năm 2011) đã đăng năm bài viết cáo buộc Hoa Kỳ đứng sau lưng các biến cố chính trị đang tiếp diễn ở Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời lên án Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã công khai yểm trợ kế hoạch dùng các phương tiện thông tin của Internet để thúc đẩy các dân tộc nổi lên chống chính phủ của họ.


Trong số các bài này, đáng chú ý nhất là bài viết “Vì sao người ta đòi Việt Nam không được “hạn chế Internet” ? của tác giả Bắc Hà. Ngoài ra còn phải kể đến bài “Tự do báo chí vì lợi ích quốc gia, dân tộc” của Hưng Hà đăng trong báo Quân Đội Nhân Dân ngày 27/2/1011.

Cả hai bài báo đếu tập trung lên án những người bị vu cáo là “các phần tử phản động, chống đối ở trong và ngoài nước” và những cá nhân và tổ chức quốc tế lên án chính sách kìm kẹp tự do ngôn luận và tự do sử dụng Internet tại Việt Nam.

Bắc Hà phản ảnh sự lo ngại của đảng CSVN trong bài viết của mình: “Ở Việt Nam, ngay sau khi xảy ra sự kiện bạo loạn, khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông, các phần tử phản động, chống đối ở trong và ngoài nước như vớ được vàng, họ xem đây là cơ hội để kích động các lực lượng chống đối đẩy mạnh hoạt động chống phá Nhà nước theo kịch bản mà người ta đã thực hiện thành công ở Ai Cập, Tuy-ni-di. Chúng tung lên mạng nhiều bài phân tích, bình luận, gợi ý vận dụng những kinh nghiệm thắng lợi ở Bắc Phi, Trung Đông vào Việt Nam. Người ta cho rằng “tình hình Việt Nam và Ai Cập khác nhau - sự độc tài ở Việt Nam là “đảng phiệt”, do đó, chống độc tài ở đây là chống lại vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”; hoặc cộng sản sẽ không bao giờ nhượng bộ, “ra đi” như ở Ai Cập, Tuy-ni- di, cho nên phải dùng sức mạnh áp đảo của đông đảo nhân dân; Tranh thủ sự ủng hộ của quân đội là việc người ta đã nghĩ đến, họ nói: “nếu quân đội chọn thái độ đứng về phía nhân dân và bảo vệ đất nước, đồng bào, thay vì bảo vệ Đảng Cộng sản thì tình hình chính trị sẽ có cơ hội ổn định sớm hơn”.

Không phải như vậy sao?

Sở dĩ đảng CSVN còn đứng vững được cho đến hôm nay không phải vì đã được “nhân dân đồng tình ủng hộ”, hay “đảng đã có quan hệ máu thịt với nhân dân” như đảng tuyên truyền mà hoàn toàn do quân đội và lực lượng cảnh sát công an ăn lương của dân để bào vệ chế độ, làm chỗ tựa lưng cho đảng tồn tại.

Bằng chứng đảng không thật lòng khi viết rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. (Điều lệ Đảng mới bổ sung, sửa chữa tại Đại hội đảng XI ngày 19/1/2011)

Tại sao ? Bởi vì hai giai cấp “công nhân” và “lao động” lại là những thành phần bị đảng bóc lột và phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội ngày nay.

Những người cầm đầu đảng cứ thử đốt đuốc đi tìm xem trong số 200 Uỷ viện Trung ương đảng khoá XI có người nào là đại biểu của giới công nhân và lao động khố rách áo ôm được ngồi mát ăn bát vàng không hay toàn là người của phe cánh ăn trên ngồi trốc đã tự cho mình có quyền ngồi trên đầu dân lãnh đạo. Đến khi hết nhiệm kỳ hay nghỉ hưu, hoặc có địa vị cao trong đảng, trong chính quyền đã gài con cháu mình vào Trung ương để tiếp tục ăn theo theo chế độ cha truyền con nối ? Bằng chứng: Nông Quốc Tuấn, con cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyễn Thanh Nghị,con Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng; Nguyễn Xuân Anh,con Nguyễn Văn Chi, cựu Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đảng và Nguyễn Chí Vịnh, con tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã bị ngăn lại nhiều lần vì kém tiêu chuẩn đạo đức đã được vào Ban Chấp hành Trung ương đảng Khoá XI.

Thế rồi đảng cũng nói trong Điều lệ rằng: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản” là những mục đích và tiêu chuẩn chỉ mới đạt được một điều đó là “độc lập”.

Các mục tiêu cơ bản còn lại, kể từ năm 1946 cho đến bây giờ (2011), vẫn còn nguyên trên giấy với nhửng tấm bánh vẽ khổng lồ đã tả tơi hay tan theo mây gió.

Vì vậy, cho dù tất cả những nguyên nhân như độc tài, gia đình trị, tham nhũng, bất công xã hội và không có tự do đã khơi ngòi cho cuộc cách mạng tự phát của nhân dân các nước Bắc Phi và Trung Đông đã hội dủ trong xã hội Việt Nam cho điều kiện một cuộc nổi dậy của nhân dân bị trị. Vấn đề còn lại là thời gian mà thôi.
Do đó, nếu đảng CSVN vẫn đứng nguyên để đi theo Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh , hoàn toàn không do dân yêu đảng, muốn trao quyền lãnh đạo cho đảng như đảng đã tuyên truyền mà đảng phải trông cậy vào lượng công an, cảnh sát và trên một triệu quân đội được đảng nuôi ăn để đổi lấy sự trung thành tuyệt đối.

Nhưng bài học ở Tunisia và Ai Cập vẫn còn nóng hổi. Một quân đội dưới quyền lãnh đạo trên 20 năm của Tổng thống Ben Ali của Tunisia và 30 năm dưới quyền cai trị độc tài của Tổng thống Hosni Mubara ở Ai Cập đã quay lưng đứng về phía nhân dân tự phát vùng lên đòi dân chủ, tự do và cải tạo xã hội.

Bắc Hà phê bình tiếp rằng, khi có người hy vọng quân đội nhân dân sẽ có lúc sẽ xoay chiều khi nhận ra đâu là chân lý để đưa đất nước tiến lên ngang tầm với các dân tộc láng giềng và để được sống trong một quốc gia có dân chủ và quyền bình đẳng được tôn trọng thì những người “ở nước ngoài sẽ tưởng rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tính từng ngày! Còn những người đang sống ở trong nước thì ngỡ rằng những kẻ viết những bình luận phân tích trên đang nằm mơ hoặc mắc chứng hoang tưởng”.

Đúng hay sai chỉ có tương lai mới trả lời được, nhưng nếu Bắc Hà và đảng CSVN can đảm thì thử tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân, có quốc tế và các tổ chức nhân dân bên ngoài Việt Nam kiểm soát, xem đảng CSVCN có còn được người dân tín nhiệm nữa hay không?

Vì vậy, chừng nào đảng CSVN chưa dám lấy vàng thử lửa thì hãy khoan nói những điều chủ quan.

Tác giả Bắc Hà viết tiếp để biện bạch cho hành động đàn áp tự do ngôn luận, một điều đã được Hiến pháp 1992 công nhận: “Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, phụ hoạ cho ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ, người ta đã post lên mạng nhiều bài chỉ trích Việt Nam bắt bớ, cầm tù một số blogger như trường hợp cogaidolong – Lê Nguyễn Hương Trà hoặc “Điếu cày”- Nguyễn Văn Hải và cả Cù Huy Hà Vũ đã tung lên mạng những bài viết và trả lời phỏng vấn… rằng họ là những người yêu nước, họ có quyền tự do ngôn luận, báo chí theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết… Ai cũng biết vấn đề ở đây không phải là sử dụng phương tiện thông tin gì mà là ở nội dung thông tin đó ra sao. Việc những blogger nói trên bị bắt là do họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Có nhiều nội dung, trong đó cả việc xâm phạm bí mật riêng tư của cá nhân, nhất là việc tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam bằng những hình thức khác nhau”.

Lý do bắt giữ những tiếng nói đòi dân chủ, tự do và chỉ trích những việc làm sai trái của nhà nước như trường hợp Tiến sĨ Cù Huy Hà Vũ được nguỵ tạo như “vi phạm pháp luật Việt Nam”, hay “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” hoàn toàn không đứng vững. Nếu những người bị nhà nước quy kết tội danh được xét xử tại các toà án không phải của nhà nước CSVN thì họ hoàn toàn vô tội, bởi vì toà án của Việt Nam là thứ toà án, trong các vụ án chính trị, đều là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” xét xử theo lệnh đảng chứ không theo luật.

Vì vậy, khi tranh luận về quyền tự do thông tin trên làn sóng điện tử Internet thì Bắc Hà cũng phân bua: “Lại nói về khái niệm “tự do Internet”- chưa có cá nhân, tổ chức nào định nghĩa về khái niệm này. Song, nếu đọc qua những bài nói về chủ đề này của các nhà dân chủ, nhân quyền phương Tây thì người ta thấy ngay đây là một thủ thuật chơi chữ của các chính trị gia. Khía cạnh mập mờ ở đây chính là ở chỗ Internet là một thành quả của nền văn minh nhân loại, khi một quốc gia nào bị vu cho tội vi phạm “tự do Internet” thì có nghĩa chính phủ đó đang đi ngược lại nền văn minh nhân loại, là chế độ độc tài, là lạc hậu, bảo thủ, quân phiệt…, làm như vậy người ta dễ tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân, nhất là giới trẻ”.

Lối cãi lý của Bắc Hà chỉ lọt tai những ai muốn cãi chày cãi cối thế nào là quyền tự do của nhân loại khi sử dụng Internete để liên lạc hay thông tin cho nhau.

Bằng chứng khi Nhà nước CSVN bắt những người sử dụng Internet để truyền tài tư tưởng của họ mà không có có hành động bạo lực hay cổ võ bạo lực gây bất ổn định xã hội hay lật đổ chính quyền thì không phải là độc tài, đàn áp tự do ngôn luận và dân chủ thì là cái gì?

Việt Nam cũng xây hết bức tường lửa này đến bức tường lửa khác để ngăn chận thong tin từ nước ngoài vào Việt Nam, ngoại trừ những kênh riêng được dành riêng cho các cơ quan đảng và nhà nước thì việc làm này có phản dân chủ và chống quyền được thông tin của người dân không?

Do đó khi Bắc Hà khoe rằng: “Những ai quan tâm đến tình phát triển Inernet ở Việt Nam thì đều nhận thấy rằng: Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu trong khu vực trên lĩnh vực này. Hiện nay có tới gần 27 triệu người sử dụng Internet, chiếm 31% dân số. Một chuyên gia nước ngoài nhận định rằng Internet không chỉ phát triển rộng rãi ở Việt Nam mà “công nghệ 3G đang phổ cập tại đây, loại công nghệ mà không phải nước nào cũng có”, thì không khác gì bảo rằng: “Ở Việt Nam hàng gì cũng có, nhưng bạn chỉ được mua hàng của chúng tôi làm ra hay phải có phép của chúng tôi bạn mới được mua hàng khác”.

Nhưng những mạng nhà nước cho phép không phải là những kênh bị liệt vào loại “nhạy cảm” có nội dung làm chói tai đảng.

Hay còn biện bạch như người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nan Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báp chiều 17/2/2011 thì: “Việt Nam coi trọng quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận. Điều này đã được ghi nhận trong Hiến Pháp và thực tế. Ở Việt Nam, Internet được tạo điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh mẽ.

Cũng như các quốc gia khác, mọi thông tin trên Internet đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Nếu vi phạm, mọi đối tượng đều bị xử lý theo pháp luật”.

Bà Nga đã nói như thế khi được yêu cầu lên tiếng về lời chỉ trích Việt Nam đã vi phạm quyền tự do sử dụng Internet của các nhà báo tự do (bloggers) của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton trong bài diễn văn nói về sức mạnh và quyền tự do thông tin của Internet tại Đại học George Washington ngày 15/2/2011.

Bà Nga còn nói thêm rằng: “Trong các quan hệ quốc tế, mọi khác biệt cần được trao đổi trên cơ sở xây dựng, tôn trọng hiểu biết lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Các bài viết trong Tạp chí Cộng sản và một số báo điện tử của đảng CSVN còn lên án kế hoạch viện trợ tài chính 25 triệu Mỹ kim của Hoa Kỳ dành cho các tổ chức muốn bành trướng tự do thông tin và quyền sử dụng Internet của các dân tộc trên thế giới như là hành động của Hoa Kỳ muốn xúi bẩy các dân tộc nổi lên chống chính quyền của họ theo ý muốn của Mỹ.

Đến lượt Hưng Hà của báo Quân Đội Nhân Dân thì tác giả này đã quay mũi súng vào các lực lượng tưởng tượng để bênh vực cho điều được giọi là “tự do báo chí” của Việt Nam.

Trong bài viết ngày 27/02/2011, Hưng Hà nói: “Trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng Việt Nam, bên cạnh các vấn đề về "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tự do tôn giáo"... các thế lực thù địch thường sử dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Mục tiêu là làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí, tiến tới gây mất ổn định và rối loạn về tư tưởng xã hội.

Mới đây, có tổ chức báo chí và quan chức ngoại giao nước ngoài lại đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch về tình hình tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Họ xuyên tạc rằng Việt Nam "có nhiều hoạt động chống lại giới bloggers khi họ phổ biến các thông tin về các dự án bauxite ở Tây Nguyên"; rằng Việt Nam đang "siết chặt kiểm soát internet, từ các quán cà phê internet tới trang mạng Facebook"; rằng Việt Nam là nước trong số các quốc gia "hạn chế ngôn luận trên internet", và đòi thúc đẩy "tự do báo chí", "tự do internet"!”.

Tác giả của những lời chỉ trích không ai khác hơn là tổ chức Freedom House và bà Ngoại trưởng Clinton, người đã đánh trúng “tim đen” của đảng CSVN trong Bài diễn văn ngày 15/2/2011.

Hưng Hà phê bình bà Clinton rằng: “Đó là cách nhìn nhận và đánh giá thiếu khách quan, vô căn cứ, không đúng với tình hình tự do báo chí và sự phát triển internet ở Việt Nam, cho thấy thái độ thiếu thiện chí của họ đối với Việt Nam. Những luận điệu trên không có gì mới và chúng được tung ra nhằm hậu thuẫn những người cố tình lợi dụng tự do internet và tự do báo chí để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa những thông tin nguỵ tạo, truyền bá những thông tin thiếu xác thực, chưa được kiểm chứng, thậm chí cả những ý kiến mạo danh các lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên blog cá nhân, lên các trang mạng phục vụ ý đồ cá nhân”.

Hưng Hà ngon trớn nói tiếp: “Những ai đòi Việt Nam mở rộng hơn nữa "tự do báo chí", "tự do internet" cần phải hiểu đúng hơn về các khái niệm trên. Tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền căn bản của con người, nhưng tự do báo chí không có nghĩa là vô tổ chức, là đổi trắng thay đen, là tự do đảo lộn chính-tà... Chúng ta khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và lẽ tất nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do internet để gây mất ổn định, chống lại tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân. Thực chất "tự do báo chí" và tự do internet mà một số thế lực mong muốn là kiểu tự do vô chính phủ, hoàn toàn trái với dân chủ đích thực. Quyền tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam được pháp luật bảo vệ. Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào lợi dụng tự do báo chí để chống lại tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, vi phạm pháp luật, đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điều này là hiển nhiên mà bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào cũng đều phải thực hiện”.

Những ngôn ngữ đao to búa lớn đe doạ kiểu hàng tôm hàng cá, cả vú lập miệng em chỉ phản ảnh một thái độ sợ hãi tự do báo cghí, khiếp đảm trước sức mạnh của tự do Internet như đã và đang xẩy ra trong các Cuộc cách mạng tự phát đứng lên chống độc tài của các dân tộc ở Bắc Phi và Trung Đông.

Khi khoe có tự do báo chí hay tự do Internet phải trong vòng kỷ cương của luật pháp không được phát biểu trái chiều với hệ thống thông tin một chiều của nhà nước thì tự do ngôn luận này chỉ còn là thứ tự do trong rọ mõm lợn (heo), như Công an đã để lại tấm ảnh lịch sử bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý trước toà án cách nay ít năm.

Ngoài ra khi bênh vực chính sách tự do báo chí và Internet của đảng thì Hưng Hà cũng quên không giải thích tại sao khi đã có tự do mà lại chỉ có báo nhà nước, không cho ra báo tư nhân?

Và tại sao đảng lại sợ đa nguyên, đa đảng đến hơn sợ Cọp?

Như vậy có phải đội ngũ tuyên truyền của đảng đã sợ đến phát run trước các phong trào quần chúng nổi lên ở Trung Đông hay lãnh đạo đảng đang điên lên vì các yếu tố cho một cuộc cách mạng hoa Nhài ở Việt Nam cũng đã chín muồi?

Phạm Trần
03/03/2011
© Thông Luận 2011

No comments:

Post a Comment