
Bài này sẽ thử tìm hiểu về quá trình dân chủ hóa trường hợp Đài Loan. Tức là nghiên cứu về quá trình phát triển kinh tế của xã hội này, đồng thời ghi nhận những
nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người dân ở đây để làm căn cứ so sánh với trường hợp Việt Nam. Đã đến thời điểm để Việt Nam chuyển hóa từ một chế độ độc tài đảng trị sang một nền chính trị dân chủ đa nguyên hay chưa ?
Trường hợp Đài Loan, một cách tóm tắt, việc dân chủ hóa được thực hiện qua quyết định ngoạn mục về chính trị của những người đối lập, còn gọi là « đảng ngoại », tức người ngoài đảng (Đảng ở đây là Quốc Dân Đảng), trước cuộc bầu cử bán phần ở Viện Lập Pháp và Quốc Hội, tổ chức vào tháng 12 năm 1986. Những người « đảng ngoại » đã lấy một quyết định táo bạo: thành lập các đảng chính trị và ra ứng cử. Có ba đảng được thành lập và dịp này đảng Dân Tiến đã chiếm được 22% số phiếu. Từ các quyết định đó sinh hoạt chính trị Đài Loan bước vào khúc quanh chuyển hóa dân chủ.
Tại Việt Nam, việc cho người « ngoài đảng » tự ứng cử vào Quốc Hội đã được đảng CSVN chấp nhận từ nhiều năm trước, thấy được qua các nhiệm kỳ Quốc Hội 2001-2006 và 2006-2011. Tỉ số đắc cử của người ngoài đảng, đúng theo qui định trước đó của đảng CSVN, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, là vào khoảng dưới 20%. Nhưng sự sinh hoạt chính trị của thành phần ngoài đảng này, ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ đại biểu (con số ít hơn số ngón tay trên một bàn tay) đã biểu lộ được tư cách của một người « đại diện dân », làm chính trị vì quyền lợi của dân (và đất nước), thì đa phần còn lại chỉ có vai trò làm cảnh.
Đây là một thí dụ điển hình về hình thức « ngụy » dân chủ, tức hình thức giả mạo dân chủ. Sinh hoạt quốc hội, có thể ví những đại biểu này với những con chim sắc lông sặc sở, hoặc như những cánh hoa rất đẹp. Nhưng là chim trong lồng, hoa trong bình, chỉ có mục đích làm cảnh. Nếu so sánh với Đài Loan ở thập niên 80 thì sự khác nhau rất lớn, có thể là ánh sáng đóm đóm với ánh mặt trời. Đài Loan đi trước VN đã hơn 3 thập niên, xem ra vẫn là ít. Nhiệm kỳ Quốc Hội 2011-2016 có nhiều dấu diệu cho thấy sẽ còn tệ hại hơn các nhiệm kỳ trước. Không những người dân lơ là với việc bầu cử Quốc Hội, mà thành phần « ngoài đảng có quan tâm đến đất nước » cũng thể hiện một dấu hiệu chán chường. Thật là một điều đáng quan ngại cho tương lai của đất nước. Thái độ này cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự mất sức hấp dẫn của sinh hoạt nghị trường là phe « ngoài đảng » chỉ là những người đơn lẻ, làm việc theo lối « đơn thân độc mã », hoặc là « đi tìm giải pháp cho cá nhân ». Nhiều trường hợp tự ứng cử bị thất bại. Có người thất bại vì thua phiếu. Nhưng co rất nhiều trường hợp thất bại vì « phường, khóm » không « cho ra ». Sự thất bại đã làm cho giới trí thức đối lập chùn chân, một số chán nãn và việc này góp phần không nhỏ vào hiện tượng lơ là của đại đa số người dân. Đây là một tai họa lớn cho đất nước nhưng người vui mừng trước hết sẽ là đảng CSVN.
Làm sao để vượt qua các trở ngại? Nếu sinh hoạt chính trị nghị trường không phát triển được thì vấn đề « dân chủ hóa Việt Nam » sẽ không bao giờ thực hiện được, ngoại trừ một phép lạ!
Thử đặt một giả thuyết, lấy từ kinh nghiệm Đài Loan: Nếu số 20% người « ngoài đảng » trong Quốc Hội được kết hợp lại thành một, hai, thậm chí ba đảng (hay khuynh hướng chính trị, nếu kỵ chữ « đảng »); sự bế tắc về chính trị độc tài đảng trị của VN có thể đã được giải tỏa. Hoặc là, những người tự động sắp ra ứng cử, thay vì đi tìm giải pháp cho cá nhân, mà phần chắc là thất bại, thử tập họp với nhau lại, tổ chức thành đảng chính trị. Nếu cá nhân tự ứng cử thất bại, sẽ là một thất vọng lớn cho bản thân và gia đình, giòng họ. Nếu thắng cử thì cá nhân cũng không vinh quang gì, những vấn đề của đất nước vẫn không được giải quyết, vì tiếng nói của cá nhân chỉ là tiếng nói đơn lẻ của một người. Trường hợp đảng phái chính trị thì hoàn toàn khác. Ở trường hợp Việt Nam hôm nay, sự thất bại của các ứng cử viên của một đảng tương đương với một sự thành công lớn cho dân chủ, cho sự tiến bộ của cả dân tộc. Thất bại cũng có thể là một đầu tư lớn của đảng vào tương lai. Nếu thắng, chỉ cần chiếm 20% trong Quốc Hội, thì nhiều vấn nạn lâu đời của VN hiện nay, như các vấn đề về giáo dục, tham nhũng, lãng phí… có thể sẽ được chú trọng một cách đúng đắn hơn. Rốt cục toàn thể người dân trong nước được lợi.
Tuy nhiên, sự so sánh nào cũng có khập khểnh. Nhất là khi nói đến trường hợp Việt Nam, một thể chế đặt trên nền tảng « dân chủ marxiste », một chế độ dân chủ được đặt nền tảng trên học thuyết của Marx. Xã hội này các giá trị cơ bản về cá nhân không được tôn trọng, mà thế vào đó là việc biểu dương các giá trị về giai cấp và con người vô sản. Quyền tự do và sở hữu của cá nhân bị hy sinh cho quyền lợi của tập thể. Tuy nhiên sự sụp đổ của mô hình chính trị này cho thấy hiệu lực đích thực của nó đã không được chứng minh. Nhưng dầu vậy việc so sánh Đài Loan với trường hợp của Việt Nam, cho dầu là một khó khăn, vì những bất đồng đến ngay trong xã hội, từ các yếu tố cơ bản nhất, đó là quan niệm đối nghịch nhau về các giá trị cơ bản của con người, nhưng hy vọng rằng bài viết này sẽ « gợi hứng » cho những người trí thức trong nước còn đang trăn trở về tình hình của đất nước.
I. Khái niệm về dân chủ và quá trình chuyển hóa dân chủ:
Kinh nghiệm cho thấy, trong một chế độ độc tài, khi mà kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, một tầng lớp trung lưu được hình thành và thành phần này chiếm một tỉ số quan trọng trong xã hội, thì các lãnh vực trước đây bị hạn chế, hay cấm cản, như về văn hóa, xã hội, tín ngưỡng… được lần hồi cởi mở. Lãnh vực chính trị, là lãnh vực nhạy cảm nhất, luôn bị đàn áp và cấm cản, cũng không còn là khu vực cấm, là đặc quyền dành riêng cho một số người. Mọi người trong xã hội đều có quyền như nhau trong các sinh hoạt về chính trị, như được tự do bầu cử và ứng cử. Đó là sự chuyển hóa từ một chế độ độc tài sang một chế độ dân chủ.
Quá trình chuyển hóa thường tiệm tiến. Song song với sự phát triển kinh tế, đời sống người dân lần hồi được cải thiện, tầng lớp trung lưu trí thức xuất hiện, họ cảm thấy có những nhu cầu khác về tư tưởng, về tâm linh… tức về các mặt khác của đời sống con người, ngoài nhu cầu vật chất. Chính quyền độc tài, sau khi thấy không thể dập tắt những đòi hỏi, thể hiện qua các cuộc biểu tình hay xuống đường ngày càng cương quyết của người dân, lần hồi nhượng bộ. Những nhu cầu ngoài kinh tế như các quyền tự do cá nhân về văn hóa, xã hội, chính trị, tín ngưỡng v.v… nói chung là các quyền tự do căn bản của con người (đã được qui định trong bản Tuyên Ngôn quốc tế Nhân quyền), như thế được nhà cầm quyền thỏa mãn. Các đảng phái, tổ chức chính trị được kết tinh theo quá trình chuyển hóa. Nhân sự các tổ chức chính trị hầu hết là các nhân tố trung tâm của các cuộc vận động dân chúng áp lực với nhà nước độc tài trước đó.
Về ý nghĩa của « dân chủ », trước hết dân chủ là hình thức thể hiện mối tương quan giữa cá nhân – quyền lực hay nhân dân – quyền lực trong một quốc gia.
Từ thời con người còn ăn lông ở lỗ cho đến lúc văn minh như ngày hôm này, vấn đề xác định vị trí « chủ tể » trong cộng đồng luôn là một vấn đề « thời sự ». Con người (cũng như con thú) ngày xưa việc tranh dành ngôi chủ tể luôn dựa lên sức mạnh. Khi văn minh hơn, con người biết tụ tập thành xã hội, việc xác định ngôi chủ tể cũng dựa lên tương quan sức mạnh, kể cả tương quan giữa các cộng đồng hay bộ tộc khác nhau. Cá lớn nuốt cá bé, kẻ yếu phải chịu phục dịch cho kẻ mạnh. Bộ lạc yếu sẽ bị bộ lạc mạnh hơn tàn phá, cướp bóc, mọi người trong bộ lạc đều bị bắt làm nô lệ, phục dịch. Văn minh hơn một mức, tổ chức xã hội tinh vi hơn, ta thấy vấn đề tranh dành ngôi chủ tể tuy vẫn còn là việc của cá nhân nhưng được mở rộng ra cho nhiều người, vì quyền lực tuy vẫn có ngôi vị chủ tể nhưng được chia sẻ cho nhiều người. Quyền lợi và quyền lực luôn đi đôi với nhau, thể hiện qua nhân sự trong (triều đình) vương triều lãnh đạo xã hội. Sức mạnh của người chủ tể, nay là sức mạnh và trí tuệ tập thể (thể hiện qua ý kiến của các quân sư, hiền sĩ), không chỉ dựa lên các tổ chức về quân sự mà còn do các phương cách phát huy trí tuệ (chiến lược) để khai triển hiệu năng của sức mạnh đến mức tối đa. Ngôi vị chủ tể dầu vậy không đơn thuần được giữ bằng sức mạnh mà còn do một danh nghĩa về sự chính đáng (légitimité) như « thiên mệnh », « thuợng đế » v.v… Các việc này nhằm tạo sự qui phục (đồng thuận) của mọi thành tố trong xã hội. Vai trò của tôn giáo cũng như các học thuyết về chính trị, xã hội do đó được phổ biển để làm nền tảng cho xã hội. Văn minh hơn, lúc con người chiêm nghiệm ra rằng các tín điều của « thuợng đế » vẫn sai, trái đất tròn chứ không vuông, thì câu nói « quyền lực thuộc về thuợng đế » bị đặt vấn đề. Về vai trò thiên mạng, khi vị chủ tể xa hoa phí phạm, trong lúc đại đa số người dân đói kém, « thiên mệnh » cũng bị đặt lại vấn đề. Người thay mệnh trời cai trị dân là đem lại ấm no cho người dân. Khi không thực hiện được việc này thì mệnh trời cũng bị mất đi. Xã hội do đó loạn lạc. Cho đến khi con người đạt trình độ văn minh hơn nữa, đến lúc trong xã hội mọi người đồng thuận rằng mỗi con người đều có giá trị ngang nhau, việc định đoạt ngôi vị chủ tể trong một cộng đồng không (hay ít) còn dựa trên sức mạnh nữa. Con người bắt đầu bước vào kỹ nguyên « quốc gia » tiên tiến với những định chế qui mô về « quyền chủ quyền (quyền làm chủ quốc gia, quyền chủ tể) – souveraineté », « quyền lực – pouvoir », « nhà nước – état » và « luật pháp – droit ». Sức mạnh không còn là sức mạnh cơ bắp mà trở thành « quyền lực hiến định ». Xã hội được duy trì trật tự bằng « pháp luật ». Người « chủ tể » trở thành « nhà nước hiến định », trong đó việc chuyển giao « quyền chủ quyền » được thể hiện theo qui định của pháp luật (hiến định). Nhà nước do đó trở thành « Nhà nước Pháp trị (hay pháp quyền, tùy theo cách diễn giải) – Etat de Droit ». Nếu xem « chính quyền của dân, do dân và vì dân » ; chính quyền ở đây là « quyền chủ tể », thuộc về người dân. « Dân chủ » được xuất hiện ở đây như là một phương pháp chỉ định người nắm quyền chủ tể. (Quyền chủ tể được chia đồng đều cho mọi người dân, tức mỗi người nắm một phần « quyền chủ tể », theo J.J. Rousseau). Mọi người sẽ ủy nhiệm một phần « quyền chủ tể » của mình cho một người đại diện. Như thế, trên nền tảng này dân chủ được hiểu như là một mô thức chính quyền được phía đa số người dân ủng hộ. Ý nghĩa của « dân chủ » trong chừng mực có thể hiểu như là thể thức chỉ định nhân sự lãnh đạo cộng đồng xã hội.
Chính trị dân chủ là chính trị chấp nhận đối lập, thể hiện qua các đảng phái. Các quốc gia có cùng lề lối sinh hoạt chính trị dân chủ tự do đều có chung nhận thức về các giá trị cơ bản và bất biến của con người. Nhận thức chung trở thành sự đồng thuận, được đúc kết trong bản « Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ». Có thể nói, bản Tuyên ngôn này là nền tảng của các chế độ dân chủ. Nếu con người trong một xã hội nhứt định, các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa của bản Tuyên ngôn không được tôn trọng, chế độ này không thể gọi là chế độ Dân chủ tự do. Như thế, đôi khi người ta nói về « tranh đấu cho nhân quyền », tức dành lại các quyền tự do cá nhân như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do chính kiến v.v… đã bị nhà cầm quyền tước đoạt, là người ta đấu tranh cho (hay vì) môt thể chế dân chủ tự do. Chế độ dân chủ tự do về kinh tế sau này thêm vào tự do về tư tưởng, văn hóa, tín ngưỡng, chính kiến v.v…., còn được gọi là « dân chủ kinh tế và xã hội ».
Hình thức chính trị dân chủ không hiện hữu ở các quốc gia có chế độ dân chủ marxiste, tức nền dân chủ đối nghịch với nền dân chủ tự do. Nền dân chủ này còn được gọi là « dân chủ nhân dân ». (Có nhiều hình thức chế độ dân chủ, sự khác biệt ở các chế độ này là lề lối sinh hoạt kinh tế. Dân chủ tự do – démocratie libérale - là dân chủ đặt trên nền tảng tự do về kinh tế. Các nước có chế độ này còn được gọi là các nước « tư bản »). Dân chủ marxiste là mô hình dân chủ phản biện với mô hình dân chủ tự do. Mô hình này đặt căn bản xã hội lên nền kinh tế quốc doanh và sở hữu tập thể.
II. Sơ lược lịch sử Đài Loan:
1/ Từ thuợng cổ đến trước thời kỳ thuộc Nhật 1895:
Theo khảo cổ thì đã có dấu vết con người sinh sống tại Đài Loan từ 20.000 đến 30.000 năm trước. Lý thuyết của phe Bắc Kinh mới đây thì cho rằng dân chúng ở đây bắt nguồn từ lục địa. Tức là dân lục địa và dân nguyên thủy trên đảo này có cùng nguồn gốc. Họ giải thích đảo Đài Loan tách rời khỏi lục địa là do sự đụng chạm giữa hai địa tằng địa cầu (plaques tectoniques) Âu Á và Phi Luật Tân, cũng như do sự chuyển động của các mảng băng trên mặt địa cầu trong thời kỳ băng giá cuối cùng. Khi băng giá tan đi thì con người sinh sống trên đảo bị cô lập với lục địa. Nhưng theo các khảo cứu khác thì cho rằng dân chúng ở đây thuộc gốc Austronesians (Nam đảo), đến đảo vào cuối thời kỳ đồ đá cũ hoặc đồ đá mới. Các nhà khảo cổ học thì tin tưởng rằng dân đầu tiên sinh sống ở Đài Loan có cùng nguồn gốc với dân chúng các quần đảo trong vùng Đông Nam Á, tức thuộc nhóm Bách Việt.
Đảo này không được các triều đại Trung Quốc quan tâm, vì không có tài nguyên dồi dào, vả lại dân chúng ở đây không có chung nguồn gốc (Hán) và văn hóa, sống rải rác trong rừng núi. Một số khai quật sau này cho thấy có vết tích của người Hoa sinh sống tại Đài Loan từ thời Tần (608-907). Tấm bản đồ cổ xưa nhất của Trung Hoa có ghi địa danh Đài Loan là vào năm 1592, vào đời Minh. Vào thời điểm đó nhà Minh gọi Đài Loan dưới tên « Tiểu Lưu Cầu ». Cũng dưới thời Minh, thế kỷ 16, một số dân thiểu số vùng Hồ Nam và Sơn Tây vượt biển ra đảo sinh sống để tránh áp bức và truy diệt (do không cùng văn hóa và chủng tộc). Đó là giống dân Khách Gia, còn được gọi là dân « Hẹ » (Hakka – Khách Gia Nhân - 客家人). Những người di dân đầu tiên này sau này tự nhận mình có nguồn gốc Đài Loan, để phân biệt với các lớp di dân từ lục địa khác. Người Châu Âu đến đây từ năm 1544. Bồ Đào Nha chiếm Đài Loan và đặt tên là Ilha Formosa (có nghĩa là Đảo Đẹp – Mỹ Lệ Đảo). Nhờ vị trí chiến lược nằm trên hải lộ của các thuyền buôn, từ Châu Âu, Trung Đông đến Trung Hoa, đảo này lần hồi trở thành quan trọng. Năm 1624 Công Ty Đông Ấn Tổng Hợp (Compagnie Unie des Indes Orientales) của Hòa Lan lập thương quán ở phía Tây Nam, xây hai thành lũy, một ở An Bình (Fort Zeelandia) và một ở Đài Nam (Fort Providentia). Năm 1629, Tây Ban Nha cũng đến Đài Loan mở thương quán và xây một thành lũy ở cửa sông Tamsui nhưng bị Hòa Lan đuổi đi năm 1642. Năm 1661, Trịnh Thành Công (Quốc Tính Gia), nguyên là một hải tặc, nhưng được nhà Minh trọng dụng, không chấp nhận hàng quân nhà Thanh, dẫn đông đảo quân binh cùng gia đình ra đảo sinh sống. Đây là đợt di dân thứ hai. Với số dân quân này Trịnh Thành Công đuổi được quân Hòa Lan ra khỏi đảo. Từ đó họ Trịnh xưng vương và lo binh bị mong ngày về lục địa quang phục nhà Minh. Nhưng không thành, đến năm 1683 nhà Thanh bình định được Đài Loan. Từ thời điểm này đảo Đài Loan chính thức thuộc về chủ quyền của Trung Quốc và được sát nhập vào tỉnh Phúc Kiến, như là một Phủ. Nhưng Đài Loan vẫn không được nhà Thanh xem là một vùng đất quan trọng, nhà cầm quyền không có một chương trình qui mô nào nhằm phát triển kinh tế nơi đây. Vì thế chính quyền địa phương lỏng lẻo, do vậy thu hút được nhiều thành phần dân chúng lục địa không thần phục nhà Thanh ra sinh sống. Đây có thể gọi là lần di dân thứ ba. Phần lớn số dân này thuộc các tỉnh vùng Hoa Nam và cận biển như Quảng Đông và Phúc Kiến. Hậu duệ của các thành phần di dân nói trên đều tự xem mình là dân « bản xứ » Đài Loan. Danh xưng « dân bản địa » được người người dân ở đây sử dụng để phân biệt với « dân lục địa », đến đảo sau khi Tưởng Giới Thạch thất trận rút tàn quân ra đây ẩn náu. Dân thật sự bản địa nguyên thủy Đài Loan, hiện nay chỉ còn số luợng rất nhỏ, sống quây quần thành bộ lạc trên vùng núi non hiểm trở hay tại các đảo nhỏ chung quanh.
Đến thế kỷ 19, lý do thuyền buôn qua lại đông hơn, và qua cuộc chiến 1885 với Pháp, Đài Loan đóng một vị trí chiến lược quan trọng như là một cửa ngõ dòm ngó lục địa. Hơn nữa tại đây có mỏ than đá, năng lượng chiến lược thời đó, năm 1886 Thanh Triều nâng Đài Loan trở thành một « tỉnh », thay vì một phủ như trước. Đến năm 1895 thì Đài Loan nhượng cho Nhật Bản qua hiệp ước Shimonoseki. Dân số Đài Loan lúc này khoảng dưới 3 triệu người. Tài nguyên khai thác khá dồi dào và kinh tế phát triển trên căn bản nông nghiệp (lúa gạo, đường, trà v.v…) khá quan trọng.
2/ Đài Loan dưới Thời Nhật thuộc:
2.1 Hiệp định Shimonoseki:
Người Nhật từ lâu đã dòm ngó Đài Loan. Năm 1871, lợi dụng cơ hội vụ 54 ngư dân Nhật bị sát hại, Nhật hoàng gởi 3.000 quân đến đánh chiếm Đài Loan. Nhưng sau 3 tháng quân Nhật vẫn không chiếm được, với thiệt hại khá nhẹ khoảng 50 người chết vì bệnh. Do đó Nhật chuyển hướng sang mặt trận ngoại giao, nhờ trung gian để thuơng lượng với Lý Hồng Chương, là một thành viên của Tổng Lý Nha Môn (tương đương bộ Ngoại giao hôm nay). Cuối cùng nhà Thanh nhượng bộ, đền bồi cho Nhật 400.000 lượng bạc, để quân Nhật rút về. Nhưng tham vọng của Nhật là muốn chiếm bán đảo Liêu Đông và đảo Đài Loan, do đó họ ráo riết hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân, chuẩn bị động quân với nhà Thanh. Một quan lại nhà Thanh là Trương Chi Động, nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan cũng như tham vọng của Nhật, do đó gởi thư cho Lý Hồng Chương vào tháng 12 năm 1894, nhấn mạnh việc phải giữ Đài Loan bằng mọi giá. Ông này đề nghị thuyết phục Anh Quốc và Nga can thiệp nếu quân Nhật đánh Đài Loan lần nữa. Tháng 2 năm 1895 một kế hoạch cụ thể được lên khung, theo đó sẽ mượn Anh quốc một số tiền khoảng 20 đến 30 triệu lạng bạc (một lạng bạc trị giá khoảng 0,75 đô la thời đó). Số tiền này dùng để « mướn » Anh và Nga bảo vệ Đài Loan trong vòng 20 năm. Trong lúc ngoại giao các bên còn thuơng lượng thì quân Nhật tấn công nhiều mặt, gồm vùng Mãn Châu để chặn quân Thanh ở mạn bắc, sau đó bán đảo Liêu Đông. Tiếp theo đó Nhật đánh thần tốc chiếm đóng căn cứ hải quân Weihaiwei đồng thời tiêu diệt hạm đội thuộc hải quân nhà Thanh và đe dọa tiến đánh Bắc Kinh. Ngày 17 tháng 4 năm 1895 Thanh triều phải ký hòa ước với Nhật tại Shimonoseki, nhượng cho Nhật đảo Đài Loan và bán đảo Liêu Đông cũng như buộc nhà Thanh phải « trả » lại « độc lập » cho Đại Hàn, vốn trước đây thần phục Thanh triều. Hòa ước cũng buộc Trung Hoa phải bồi thường chiến phí cho Nhật một số tiền là 200 triệu lạng bạc (trong khi bỗng lộc hàng năm của Thanh triều chỉ có 89 triệu lạng bạc). Nhưng việc nhượng bán đảo Liêu Đông cho Nhật đã bị các nước như Nga, Pháp và Đức phản đối. Theo các nước này, việc chiếm bán đảo Liêu Đông sẽ đe dọa an ninh Bắc Kinh và không thể bảo đảm độc lập cho Đại Hàn. Cuối cùng Nhật nhưọng bộ, « bán » lại bán đảo Liêu Đông cho nhà Thanh với giá tiền là 30 triệu lạng bạc.
Nhưng việc chuyển giao Đài Loan cho Nhật cũng gặp sự chống đối của dân bản xứ. Ngày 23 tháng 5 năm 1895, ông Đường Cảnh Tung (Tang Jingsong - 唐景崧 –) tuyên bố Đài Loan độc lập: Đài Loan cộng hoà quốc. Ông Đường được các nhân sĩ trên đảo bầu làm tổng thống. Nhưng dầu vậy, đảo này được long trọng trao cho Nhật qua buổi lễ bàn giao vào ngày 17 tháng 6 năm 1895 do sứ thần nhà Thanh đến từ lục địa làm chủ lễ.
Tháng 6 năm 1895, một cuộc đụng độ khá lớn giữa quân Nhật, lúc mới đổ bộ lên đảo, với quân kháng chiến. Nhưng quân kháng chiến nhanh chóng thất bại do thiếu thốn đạn dược và không có đồng minh trợ thủ. Cuộc nổi dậy nhanh chóng bị đàn áp khiến khoảng 7.000 người thiệt mạng, trong đó một số không nhỏ là dân chúng. Việc bình định đảo kéo dài trong vòng hai năm. Một số thành phần phản đối phải bỏ chạy về lục địa. Một cuộc nổi dậy đáng ghi nhận khác, 20 năm sau, ở phía nam đảo, còn gọi là cuộc khởi nghĩa Tapani. Nhưng cuộc nổi dậy này cũng nhanh chóng bị quân Nhật đàn áp và truy diệt.
2.1 Thời Nhật thuộc:
Việc cai trị của Nhật bản tại đảo có thể chia làm ba thời kỳ : a) 1895-1918 thiết lập và củng cố chính quyền thuộc địa, b) 1919-1937 thời kỳ đồng hóa và c) thời kỳ Thế chiến thứ II cho đến khi Nhật đầu hàng đồng minh 1945.
a) Thời kỳ 1895-1918: Thiết lập và củng cố chính quyền thuộc địa.
Ngay sau khi tiếp thu Đài Loan, nhà cầm quyền Nhật đã đặt tại đây một hệ thống an ninh gắt gao, nhằm mục đích tiêu diệt mọi mầm mống chống đối. Việc tiếp theo là làm những thống kê cũng như mở những cuộc nghiên cứu trên thực địa tình hình địa lý cũng như về các nguồn tài sản điền địa, hầm mỏ trên đảo. Họ cũng cho kiểm tra dân số. Các cuộc nghiên cứu về dân thiểu số (tức dân bản địa nguyên thủy) cũng được xúc tiến. Chính sách của Nhật là thiết lập tại vùng đất mới một nền quản trị hành chánh khá phù hợp với văn hóa và phong tục tập quán của người bản địa. Họ tôn trọng tín ngưỡng cũng như lề lối sinh hoạt của người dân, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân bản địa tham dự vào tổ chức hành chánh ở địa phương. Cơ quan hành chính trung ương được dời về Đài Bắc, cửa khẩu chính là Cơ Long (Keelung), đều ở phía bắc Đài Loan, lý do vì gần Nhật Bản (hơn Đài Trung và Đài Nam). Chính sách uyển chuyển này nhắm vào việc đồng hóa dân Đài Loan trong lâu dài.
b) Thời kỳ từ 1919 đến 1937: Là thời kỳ đồng hóa và phát triển kinh tế.
Về tổ chức xã hội, chính quyền Nhật tổ chức hệ thống pháp lý ở Đài Loan tương tự như ở chính quốc. Giáo dục cũng được cải cách. Các chương trình giáo dục được dạy bằng tiếng Nhật. Vấn đề giáo dục được phổ cập, nạn mù chữ giảm mạnh trong mọi tầng lớp dân chúng.
Tiếng Nhật được khuyến cáo sử dụng trong các giao tiếp hành chánh, tiếng bản xứ chỉ được lưu truyền trong gia đình, hay các vùng làng xã xa xôi. Dân Đài Loan được khuyến khích lấy họ và tên Nhật. Việc ăn uống, trang phục cũng được hướng dẫn theo lối Nhật. Về y tế và an sinh xã hội, người dân Đài Loan cũng được chính quyền Nhật lo lắng.
Về kinh tế, vì có chiến lược lâu dài, thời gian này các cơ sở hạ tầng như hệ thống điện lực, hệ thống đường bộ và đường sắt, cầu cống và các hải cảng… được xây dựng. Có khoảng 5.000km đường sắt và đường bộ được đưa vào sử dụng. Nhiều đập nước nhằm vào việc dẫn thủy cũng như công trình thủy điện được được đưa vào hoạt động. Ngành nông nghiệp được hiện đại hóa do đó năng suất tăng rất cao. Chỉ tính về mía làm đường, diện tích trồng trọt tăng lên tới 500%. Điều đáng chú ý là các ngành công nghiệp nặng cũng được Nhật cho xây dựng, như kỹ nghệ luyện thép, hóa chất và kỹ nghệ đóng tàu. Các nỗ lực đầu tư vào vùng thuộc địa này so ra không kém ở Nhật, vì khuynh hướng của Nhật là đồng hóa và xem Đài Loan như là một phần lãnh thổ của Nhật. Hiệp ước Shimonoseki qui định Trung Hoa phải nhượng « vĩnh viễn » Đài Loan cho Nhật. (Nếu so sánh với các thuộc địa khác như Việt Nam thuộc Pháp, thì Đài Loan được hưởng nhiều đầu tư từ mẫu quốc hơn là Việt Nam, nhất là về giáo dục, hạ tầng cơ sở và công kỹ nghệ nặng). Dĩ nhiên, người gốc Nhật được ưu tiên hơn người bản xứ trong sinh hoạt kinh tế. Các ngành nghề có tính chiến lược hay an ninh quốc gia, hay các ngành nghề có lợi nhuận cao, đều dành cho người Nhật. Hai nguồn sản xuất muối và đường, là các ngành mang lại rất nhiều lợi nhuận, được dành ưu tiên cho người Nhật.
Về chính trị, người dân Đài Loan đã làm quen với lối sinh hoạt dân chủ khá sớm. Họ có quyền bầu phân nửa nhân sự gốc bản xứ vào các cơ quan chính trị hay hành chánh trên đảo, phân nửa còn lại do nhà cầm quyền Nhật bổ nhiệm. Việc lựa chọn thể hiện qua các cuộc bầu cử. Từ năm 1935 nhiều cuộc bầu cử đã được tổ chức.
c)Thời kỳ từ năm 1937 đến khi Nhật đầu hàng năm 1945.
Từ khi chiếm được Đài Loan, Nhật đã nỗ lực phát triển tại đây về mọi mặt. Đài Loan trở thành một hậu phương lớn của Nhật, cung cấp cho quân đội Thiên Hoàng lương thực cùng các sản phẩm thuộc về công kỹ nghệ. Về quân đội, trong thời gian này Nhật đưa ra chính sách mới về Nhật hóa, nhằm khuyến khích thanh niên Đài Loan nhập ngũ, với khẩu hiệu trách nhiệm và quyền lợi tương đồng. Một thanh niên Đài Loan có thể trở thành công dân Nhật, với đầy đủ quyền lợi như người Nhật, nếu người này xung phong vào đội ngũ của Thiên Hoàng. Chính sách này đưa ra vì Nhật cần sự ủng hộ của dân chúng Đài Loan, không chỉ về cung cấp lương thực và các sản phẩm công nghiệp mà còn xương máu của thanh niên Đài Loan. Chiến cuộc ngày càng mở rộng với cường độ khốc liệt trên khắp vùng Châu Á.
Có khoảng 200.000 thanh niên Đài Loan nhập ngũ vào quân đội Thiên Hoàng và khoảng 20.000 phụ nữ Đài Loan bị cưỡng ép vào đội ngũ « gái giải trí » cho quân Nhật. Tàn cuộc chiến có khoảng 30.000 lính Đài Loan bị hy sinh. Nhưng Đài loan không bị tàn phá bởi bom đạn như các thành phố ở Châu Âu, Trung Hoa lục địa hay ở Nhật, ngoại trừ một vài trận bom vào khoảng cuối cuộc chiến. Có lẽ việc này do thỏa thuận của Tưởng Giới Thạch trong Hội nghị Yalta. Theo đó Đài Loan và các đảo Bành Hồ được trả lại cho Trung Hoa.
Đến năm 1945 thì dân số Đài Loan gồm khoảng 6 triệu người, trong đó 90% là dân « bản địa », tức dân lục địa di dân từ nhiều thế kỷ trước, 10% còn lại là dân thiểu số nguyên thủy sinh sống ở Đài Loan. Ở thời điểm này thì xã hội Đài Loan đã có được một tầng lớp trí thức khá đông đảo, hầu hết được đào tạo tại các trường đại học tại Nhật, hay tại bản xứ do Nhật thành lập. Một số không nhỏ những người này đã đóng vai trò tích cực trong quá trình tranh đấu cho dân chủ ở Đài Loan, bắt đầu từ đầu thập niên 50 cho đến năm 1987. Về kinh tế, do hạ tầng cơ sở giao thông cũng như công kỹ nghệ đã được xây dựng vững chắc, nông nghiệp khá phong phú, lề lối sinh hoạt kinh tế cá nhân đã thành tập quán. Về nhân sự, phần lớn dân chúng Đài Loan dân trí đã được khai mở do chính sách khuyến khích giáo dục. Hơn nữa, trong 50 năm thuộc Nhật, dân Đài Loan chịu ảnh hưởng về tâm lý của Nhật rất sâu đậm. Chính sách đồng hóa có thể không « hóa » được dân chúng ở đây thành dân Nhật, nhưng đã khiến cho dân ở đây không còn nguyên thủy là người Hoa. Nhất là về các việc như tinh thần thuợng tôn pháp luật, tinh thần kỹ luật và tôn trọng trật tự xã hội. Do đó, ngoài « vốn tư bản » đã được đầu tư lớn lao, thể hiện qua hệ thống hạ tầng cơ sở đã được xây dựng vững chắc, vốn « con người » cũng được đầu tư rất lớn.
(Còn tiếp)
Trương Nhân Tuấn
© Thông Luận 2011
© Thông Luận 2011
No comments:
Post a Comment