Monday, April 11, 2011

Thay đổi nhân sự có thể khiến Mỹ đổi giọng điệu trong chính sách đối với Trung Quốc

Mark Landler (có sự đóng góp của Steven Lee Myers)
WASHINGTON — Giữa lúc căng thẳng đang dâng cao xung quanh việc Trung Quốc đàn áp người bất đồng chính kiến thì chính quyền của Obama sắp sửa mất ba nhân vật có ảnh hưởng tới chính sách Trung Quốc – một sự thay đổi nhân sự có thể tác động tới việc Mỹ tăng cường các nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các nước châu Á khác để tạo sự cân bằng ảnh hưởng trước một Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ thái độ quyết đoán.
Jeffrey A. Bader, cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Tổng thống Obama, sắp rời Nhà Trắng, các quan chức cao cấp đã nói như vậy vào hôm thứ Sáu. James B. Steinberg, thứ trưởng ngoại giao đặc trách về Trung Quốc, vừa tuyên bố ý định nhận một công việc mới trong giới học thuật, trong khi đó thì đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Jon M. Huntsman (con), sẽ ra đi vào cuối tháng 4 để nghiên cứu khả năng sẽ được Đảng Cộng hòa bầu làm người ra tranh cử tổng thống.

Nhìn tổng thể, ba cuộc ra đi này có thể khiến chính quyền của Obama thay đổi giọng điệu trong cách tiếp cận Trung Quốc, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất song cũng khó khăn nhất đối với nước Mỹ. Tại Hội đồng An Ninh Quốc gia, người thay Bader sẽ là phó của ông, Daniel R. Russel, một chuyên gia về Nhật Bản. Việc ông Steinberg ra đi đang khiến mọi người chú ý tới Kurt M. Campbell, hiện đang là phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề châu Á, ông cũng là người có rất nhiều kinh nghiệm về Nhật Bản.

Mặc dù trong hai năm qua cả ông Russel và ông Campbell đều có các chuyến công tác đều đặn tới Trung Quốc song kinh nghiệm nổi bật về Nhật Bản của họ nhắc nhở với Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang có những người bạn cũ khác tại khu vực này. Kể từ khi ông Obama nhậm chức, Hoa Kỳ đã nỗ lực củng cố liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời làm đằm thắm hơn mối quan hệ với Indonesia, Việt Nam và các nước lân bang khác đang lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc ở khu vực này.

Các quan chức Nhà Trắng cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của những thay đổi nói trên, họ lưu ý rằng chính sách Trung Quốc đang được điều phối bởi Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas E. Donilson và rằng ông Obama đã gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến tám lần – số lần gặp gỡ nhiều hiếm có này chứng tỏ chính quyền Obama coi Trung Quốc có tầm quan trọng.

“Chúng ta có những thách thức ở phía trước,” ông Donilson đã trả lời một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Năm. “Nhưng chúng ta đang hành động đi từ một nền tảng tốt hơn trước, và quan trọng hơn, chúng ta đang hành động đi từ một nền tảng vững chắc hơn tại khu vực.”

Trong số những thách thức nói trên có việc Trung Quốc gần đây đã bỏ tù hàng chục luật sư, nghệ sĩ và nhà hoạt động vì nhân quyền mà theo các quan chức Mỹ thì đó dường như là nhằm vào việc ngăn cản ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập lan tới Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viện dẫn các vụ bắt giữ nói trên trong bản báo cáo nhân quyền thường niên được công bố hôm thứ Sáu và Ngoại trưởng Hilary Rodham Clinton đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc.

Hôm thứ Tư vừa qua, Đại sứ Huntsman nhân diễn văn chào từ biệt đọc tại Trung Quốc đã trách Trung Quốc bắt giam Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ người Bắc Kinh khi ông sắp lên một chuyến bay tới Hồng Kông hôm Chủ nhật tuần trước. Ông Huntsman còn nói rằng Trung Quốc đã vô cớ bắt giữ một nhà địa chất Mỹ, Thảo Phong [Xue Feng], vì buộc tội người này ăn cắp bí mật quốc gia trong khi đang thu thập thông tin về ngành dầu khí của Trung Quốc.

Ông Huntsman đang ở trong tình thế khó xử, ông vẫn đang tiếp tục phục vụ với tư cách đại sứ của ông Obama mặc dù đang có những chỉ dấu cho thấy ông có thể sẽ là đối thủ của ông Obama trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2012. Song, các quan chức chính phủ nói rằng nhận xét của ông phản ánh trung thực thái độ chỉ trích của chính phủ.

Người kế nhiệm ông Huntsman sẽ là Gary Locke, nguyên thống đốc tiểu bang Washington người hiện đang là bộ trưởng thương mại. Một quan chức cao cấp đã dự đoán rằng ông Locke sẽ được chào đón nhiệt liệt tại Trung Quốc do ông là một trong những người Mỹ gốc Hoa từng giữ chức vụ thuộc hàng cao nhất trong chính phủ Mỹ đồng thời nhờ thành tích của ông tại tiểu bang Washington nơi ông đã có tác động tới quan hệ thương mại với Trung Quốc vì các nhà xuất khẩu tại tiểu bang này chẳng hạn như hãng Boeing.

Xích mích trong quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã dịu đi trong những tuần lễ gần đây cùng với sự thay đổi đi lên của kinh tế Mỹ và đồng tiền của Trung Quốc tăng giá trị một cách vừa phải. Vào tháng Hai vừa qua, Bộ Tài chính trong một bản báo cáo hai lần một năm đã một lần nữa từ chối không viện dẫn Trung Quốc là nước đang thao túng đồng tiền của họ, mặc dù bộ này nói rằng đồng Nhân dân tệ vẫn tiếp tục “về thực chất là bị phá giá” so với đồng đô-la Mỹ.

Nhà trắng đã chỉ ra những dấu hiệu cải thiện trong đó có việc Trung Quốc đã quyết định không phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc cho phép hành động quân sự tại Lybia cũng như họ ủng hộ các biện pháp trừng pháp chống lại Iran. Các quan chức Trung Quốc hạ giọng trong những yêu sách chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa [chữ được dùng trong bài báo tiếng Anh], một vấn đề từng bùng lên năm ngoái khi bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ mong muốn giúp giải quyết những tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước làng giềng.

Sau một giai đoạn hai nước có rất nhiều bất đồng trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và Bắc Triều Tiên, ông Hồ Cẩm Đào đã làm dịu tình hình bằng một chuyến viếng thăm chính thức tới Hoa Kỳ vào tháng 1. Chuyến thăm này đã được ông Donilon và ông Bader chuẩn bị rất kỹ lưỡng, hai người đã tới Bắc Kinh vào mùa thu năm ngoái cùng với cố vấn kinh tế của ông Obama, Lawrence H. Summers. Nhờ chuyến đi này ông Donilson đã tạo dựng được hình ảnh vững chắc như là nhân vật chủ chốt về Trung Quốc trong chính phủ Mỹ.
Ông Donilon vẫn thường xuyên duy trì mối tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc, song xét lai lịch và học vấn thì ông không phải là một nguồn nhân sự cho vị trí liên quan đến Trung Quốc.

Với việc ông Bader chuyển tới làm việc tại Viện Brookings, chính phủ đang chịu tổn thất một quan chức biết nói tiếng Trung đã từng giữ chức vụ liên quan đến Trung Quốc ngay từ thời điểm bình thường hóa quan hệ hồi năm 1979. Ông cũng là người đề xuất bổ nhiệm ông Huntsman làm thống đốc tiểu bang Utah, người trước đó từng là một nhà truyền giáo của giáo phái Mormon tại Đài Loan.

Ông Russel, người thay ông Bader, biết nói tiếng Nhật và từ năm 2005 đến 2008 là tổng lãnh sự tại Osaka, Nhật Bản. Nhận xét về việc ông từng làm việc tại Liên Hợp Quốc và châu Âu, ông Russel nói rằng không thể suy ra điểm trọng tâm của một quan chức từ lý lịch của người đó “bởi vì điểm trọng tâm của họ cũng chính là điểm trọng tâm của tổng thống”

Nhờ toàn bộ quá trình lâu dài làm việc liên quan đến Trung Quốc, ông Bader là kiến trúc sư của một chính sách nhấn mạnh việc thắt chặt mối quan hệ với tất cả các nước nằm xung quanh Trung Quốc. Ông nói rằng việc ông Russel coi khu vực này là điểm trọng tâm đã giúp ông trở thành sự lựa chọn đúng đắn cho việc tiếp tục thúc đẩy điều đó.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

No comments:

Post a Comment