Wednesday, October 12, 2011

Thời đại “đồ đểu” tình nghĩa không còn!



Văn Quang - Từ hơn 2 năm nay tôi mới được ông bạn già đến thăm, không cần hỏi nguyên do, tôi hiểu vì sao ông không đến. Nhưng ông bạn vốn tính bộc trực, mới bước chân vào nhà, ông đã thanh minh ngay: “Xin lỗi bác, tôi không đến bác vì nghe thiên hạ nói bác bị “làm phiền” nên anh nào đến cũng có thể bị ghi sổ bìa đen hoặc bị sờ gáy. Có ông khuyên tôi không nên đến. Tôi không tin hẳn là như thế, nhưng cứ cẩn tắc vô áy náy”.


Rồi ông cười khành khạch triết lý vụn: “Cuộc đời là thế, anh nào cũng muốn yên thân, nhắm mắt, bịt tai cho qua mọi chuyện. Lắm lúc nghĩ đất nước cứ như thế thì làm sao mà khá được”.

Tôi mời ông ngồi và nói giỡn: “Vậy bác đến tôi hôm nay là muốn làm cho đất nước khá lên hay sao?” Ông bạn già của tôi xua tay giãy nảy: “Tôi là cái thá gì mà dám mon men vào chuyện nước non, dù tôi biết cái thế hệ già mình mà như thế là hỏng, hỏng lắm nếu không muốn nói là nhát, là hèn. Anh nào cũng muốn giữ nồi cơm, khư khư ôm lấy cái mình đang có, sống chết mặc bay. Làm sao dạy con cái sống cho ra con người. Tuy nhiên, người ta thế cả, tôi cũng thế thôi. Gặp thời thế, thế thời phải thế, bác hiểu cho”.

Tôi thân mật vỗ vai ông: “Tôi không trách bác đâu, mỗi người có một cách sống, bác cẩn thận như thế cũng không phải là thừa”. Ông gật gù, dù tôi biết trong lòng ông vẫn có một chút gì đó như sự ân hận nhỏ nhoi. Ông thở dài lảng chuyện: “Thôi không nói chuyện nước non làm gì cho mệt, hồi này bác sống thế nào, sức khỏe ra sao ?” Tôi ừ ào cho qua chuyện bởi tôi quá rõ, ở Việt Nam bây giờ, có những ông rất hăng nhưng có những ông “thủ” rất kỹ. Ông bạn già của tôi chậm rãi uống nước rồi thú nhận: “Tôi vừa qua cửa hàng vàng, hôm nay giá xuống 44 triệu một lượng, nhưng chờ mỏi mắt chưa mua được, chen chúc như đi ăn xin, giá cả mỗi giờ lại một tăng, không dám mua vội. Tiện đường ghé thăm bác thôi”.

chen chúc mua vàng
Sơ lược về cuộc đời một ông bạn “tư sản”

Ông bạn tôi, trước năm 1975 khá giàu. Tôi chỉ biết ông có 2 cái hotel thuộc loại trung bình ở Chợ Lớn và 1 cái garage xe hơi ở Tân Định. Ngày 30 tháng 4 năm 75, ông chui vào phi trường Tân Sơn Nhất, yên trí kiếm được một chỗ trên máy bay ra đi. Nhưng ông bị bỏ rơi như một số ông tư sản khác chui vào không đúng chỗ. Ông kẹt lại, sau tháng 4 năm 1975 ông bị quy vào thành phần “tiểu tư sản thành thị”. Chẳng hiểu lúc đó ông có “rét quá” mà đem “hiến” hai cái khách sạn và cái garage xe hơi cho “Ủy ban Quân Quản” hay không. Tôi chỉ biết ông nhanh chân chuồn về quê vợ ở tuốt Năm Căn – Cà Mau sống. Ở đấy ông có người em vợ đi “tập kết” trở về được làm một chức khá lớn trong huyện che chở. Có thể nhờ vậy ông không bị “đánh tư sản”, không phải đi tập trung “học tập cải tạo” như những người khác.

Tuy nhiên, theo lời khuyến cáo của người em vợ, ông phải làm ra vẻ đói rách cho phù hợp với “nhân dân lao động”. Ông mặc áo tơi lá đi cấy mạ, mặc quần áo vá, đi dép lốp. Ông có vẻ thú vị vì đã đóng vai “than nghèo kể khổ” rất giỏi. Thật ra thì gia đình ông chưa đến nỗi phải túng thiếu, ông còn mang được chút vàng và đô la về cho vào bao ni-lông giấu kỹ vào cái vại sau vườn, sát vách nhà. Lâu lâu lại mở lên xem có bị thấm nước hoặc mối mọt gì không. Mỗi lần như thế cứ như đi ăn trộm của nhà mình, vợ con phải canh gác rất cẩn mật. Nhờ vậy ông mới có chút vốn mang về Sài Gòn làm ăn.

Nhưng ông không lấy lại được sản nghiệp cũ của mình. Bây giờ những nơi đó đã là trụ sở của mấy cái cơ quan lớn, sân sau là mấy cái biệt thự mua đi bán lại đến nay là của ai chẳng biết, ông theo đuổi vụ lấy lại nhà, làm hàng trăm lá đơn cũng chẳng đi đến đâu. Ông chán, chẳng thèm nhắc đến những của cải đã bị mất trắng này.

Nhưng ông vốn là dân làm ăn buôn bán ở Thành phố Sài Gòn nhiều năm nên chỉ một thời gian sau, ông trở lại Sài Gòn nhờ có “chỗ dựa”, ông lại phất lên khá nhanh, so với đống gia tài cũ, có lẽ cũng không kém là bao nhiêu. Cho nên ông chú trọng đến việc giữ của, thời buổi này mà không biết giữ của thì chẳng mấy lúc mà sạt nghiệp vì nhiều lý do khác nhau. Ông kể: “Nhà nào có máu mặt cũng phải đề phòng trộm cướp, giết người, lừa lọc, quỵt nợ, hàng gian hàng giả, chạy cửa trước cửa sau nộp những khoản “phí” không tên, chi những khoản quyên góp “không tự nguyện”, mua bảo hiểm trời ơi, chung vốn vào những công trình “bắn vịt trời”… Nói ra có hàng trăm thứ chuyện rắc rối chỉ thời nay mới có.
Ép lãi suất và lách lãi suất như chạy loạn

Trở lại chuyện tuần này ông đến thăm tôi vì ghé qua một cửa hàng vàng gần đó. Ông giãi bày:

- Bác biết không, tôi phải lấy tiền gửi ngân hàng ra mua vàng, lúc này hầu hết những bạn hàng của tôi đều tính như vậy. Bởi Ngân Hàng Nhà Nước nghiêm ngặt hạn chế lãi suất đầu vào của ngân hàng chỉ còn 14%. Vậy mà tốc độ lạm phát, trượt giá hay nói cho đúng là đồng tiền mất giá cứ tính trung bình là 20%. Như thế gửi ngân hàng (NH) chỉ lời có 14% là mỗi năm anh mất toi 6% chứ có lời đâu. Anh mà tiêu vào tiền lời gửi ngân hàng là anh “tự cắn vào tay mình”, anh phải tính đó là tiền bù vào khoản mất giá. Không biết mấy ông ở NH nhà nước có tính đến khoản này không mà cứ “ép” lãi suất như vậy? Ai kêu thì mặc, “ép” được cứ “ép”. Vấn đề cốt lõi là giảm lạm phát, giảm bão giá rồi mới hạ lãi suất chứ sao lại làm ăn ngược đời như thế! Thế nên từ anh giàu đến anh nghèo, anh nào cũng chết. Ngân hàng cũng rối bời cứ như chạy loạn, tìm đủ cách lách lãi suất, lãi suất ngày, lãi suất tuần, lãi suất tháng để hòng giữ chân khách cũ, câu khách mới.

Ông ngừng lại một chút rồi lắc đầu nói tiếp:

- Nếu không gửi ngân hàng, anh còn mất nhiều nữa. Anh có 100 đồng để dành, mỗi năm trượt giá, anh mất 20 đồng, hai năm mất 40 đồng, chỉ còn lại 60 đồng. Như thế anh nghèo có tí tiền để dành mua nhà, sắm cái xe gắn máy cũng thiệt, có khi vài năm sau tiền để dành 3-4 năm chỉ còn mua được cái lốp xe đeo vào cổ đi chơi chứ làm sao mua được xe. Còn anh có nhiều tiền càng “chết” nặng hơn. Có mười tỉ chỉ còn 6 tỉ, buôn bán gì cho lại? Có nhiều mất nhiều, có ít mất ít, nói tóm lại thằng nào cũng chết nhăn nếu cứ giữ tiền trong tủ hoặc gửi ngân hàng. Phải tìm cách xoay xở đường khác thôi. Người rút tiền mỗi lúc một đông. Tôi lo ngân hàng sẽ có lúc phá sản vì thiếu vốn. Khi ngân hàng thiếu vốn thì doanh nghiệp cũng chẳng thể cho doanh nghiệp to hay nhỏ vay được, dù có sản xuất hay phi sản xuất với bất kỳ lãi suất nào. Nếu chẳng may, một ngân hàng phá sản thì tôi cam đoan với bác, một loạt sẽ phá sản theo. Người dân sẽ ùn ùn kéo đến rút tiền cho chắc ăn. Bác còn nhớ vụ “Nước Hoa Thanh Hương” chứ? Vỡ nợ, dân kéo đến làm loạn, có anh đến đòi tiền, chỉ còn bộ bàn ghế, cũng phải nhặt. Rồi chuyện tối hôm trước thông báo không đổi tiền, sáng sớm hôm sau ra lệnh đổi làm người dân trắng mắt. Người ta bị “cái dớp” đó rồi nên lúc nào cũng phòng thủ. Tốt nhất là không nghe ai cả, nghe mình thôi”. Ông nhắc đến chuyện một anh giám đốc ngân hàng vừa bị một anh bạn thân chơi một vố khá đau.
Cú chơi “độc” của ông giám đốc ngân hàng Tây Ninh

Xin tóm lược về vụ chơi xấu này của ông “bạn” cùng là giám đốc ngân hàng.

Ông Nguyễn Thái Hậu, Giám đốc chi nhánh Đông Á Tây Ninh, bị tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đình chỉ công tác từ ngày 14/9 do không tuân thủ “chỉ đạo về việc giữ trần lãi suất huy động”. Sự việc xảy ra như sau:

Vào lúc 8g sáng ngày 8/9 ông Nguyễn Thái Hậu, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Đông Á Tây Ninh, nhận được điện thoại của người bạn là ông Nguyễn Lê Nam, Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Tây Ninh (cùng địa phương), đề nghị được gửi một tỷ đồng kỳ hạn một tháng với lãi suất 15,5% một năm. Vì là bạn bè ông Hậu đồng ý.

Đến 11g trưa cùng ngày, vị giám đốc Nguyễn Lê Nam, Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Tây Ninh, đem tiền đến gửi và yêu cầu chi nhánh Tây Ninh của Đông Á ngoài sổ tiết kiệm ghi lãi suất 13,94% thì phải có giấy xác nhận sẽ trả lãi suất 15,5% một năm cho số tiền trên. Giấy xác nhận này sau đó đã được ông Nam chuyển cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh để tố cáo làm ông Hậu bị giáng chức!

Dư luận đang râm ran về chuyện bạn bè gài bẫy nhau trắng trợn như thế này. Trước đó hai người không hề có xích mích gì nên giao thiệp khá thẳng thắn thân tình. Vậy mà bỗng dưng “ông bạn” trở mặt.
Chỉ có ông NH Nhà Nước khen, dân thì chê

Ngày 28/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản về sự việc này. “Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc phát hiện sai phạm và cho rằng không nên xem đây là hành vi chơi xấu của các ngân hàng thương mại mà nên coi đó là cách tích cực phát hiện sai phạm”.

Ông Ngân Hàng Nhà nước phải khen là việc tất nhiên rồi. Vì đó là về “phương diện quốc gia”, có khi trong bụng chính ông này lại nghĩ rằng: “Thằng cha này chơi với bạn thế thì chỉ có nước chơi với cọp. Có khi nó tố cả mình cũng chưa biết chừng! Phải cẩn thận với loại người này”.

- Bạn Tuấn Anh trả lời ngay trên diễn đàn báo chí: “Mọi người đều đồng ý việc gài bẫy bạn là chơi xấu! Xét kết quả cuối cùng thì là tìm ra sai phạm trong việc vượt trần lãi suất của các nhà băng, đương nhiên ngân hàng nhà nước phải nói vậy rồi. Nhưng xét đến việc cố tình đưa người ta vào bẫy, thì đó là hèn hạ.

- Bạn Mạnh mỉa mai: “Hay quá, vì vị giám đốc chi nhánh Á Châu làm “đúng” quá nên tôi và họ hàng mình cùng những người bạn và nhiều người truyền tai nhau cùng rút sạch tiền gửi ở ngân hàng Á Châu đem gửi ngân hàng khác rồi.

- Bạn Hoa Cỏ May đã viết trên báo: “Thực chất là xấu. Giám đốc ACB rõ ràng chơi xấu. Là bạn nên mới hỏi và trả lời thật lòng, nếu thấy rủi ro cho bạn phải nhắc nhở bạn còn ông ta đã cố tình gài và tố bạn. Thật là xấu xa cho loại bạn như vậy. Con người ta ai cũng đi làm thuê để đổi lấy chén cơm cho gia đình, con vật còn biết thương nhau con loài người thì không. Giám đốc ACB khi thấy bạn vì sự dối trá của mình mà mất việc có cảm thấy thỏa mãn hay không? Thật đáng khinh! Lãnh đạo cấp cao của ACB cũng không nên dùng loại người này vì đến một ngày nào đó chính họ sẽ là nạn nhân của con người này”.

- Bạn Chu Văn Khường cho rằng đó là một cách cạnh tranh trong kinh doanh ngớ ngẩn. “Những người dân, và những người có tiền không kinh doanh để ở ngân hàng thì ai cũng muốn được lãi cao, để kịp với những chi phí cho giá tiêu dùng tăng cao, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt của họ. Vị giám đốc của ngân hàng Á Châu làm như vậy thì làm sao được lòng những người dân gửi tiền. Không khéo bây giờ tiền ở trong chi nhánh của vị giám đốc ACB bị rút sạch gửi ngân hàng khác rồi. Thật là cách làm ngớ ngẩn trong kinh doanh cạnh tranh”.

- Bạn Lê Công Bách: “Rùng mình vì hành động ích kỷ của người có học. Đã là một người đứng đầu một chi nhánh ngân hàng cổ phần Á Châu lẽ ra vị giám đốc kia nên hành xử một cách có học hơn …Bây giờ chắc chắn ông thắng được Giám đốc Đông Á Bank nhưng nhìn trên tổng thể chắc chắn ông thua rất nhiều bạn bè, nhân viên cấp dưới, cấp trên chắc sau này ai cũng phải dè chừng ông. Có lẽ đây là bài học xương máu cho những người làm ngành ngân hàng nói riêng và mọi người nói chung.

“đồ đểu” không còn tình nghĩa?

Còn ông bạn đến thăm tôi, lắc đầu thở hắt ra: “Vì thế nên không chỉ có các ngân hàng cạnh tranh mà ở đâu cũng có thể có sự cạnh tranh rất bẩn. Cái thời buổi buộc con người phải sống chụp giựt là thế. Các bạn tôi nửa đùa nửa thật cảnh báo: Hồi xưa mày là tư sản xanh, bây giờ mày là tư sản đỏ, coi chừng nó luộc mày lúc nào không biết. Cái thời đại đồ đá, đồ đồng, con người đối với nhau có tình có nghĩa, đến cái thời đại đồ đểu này tình nghĩa không còn đâu”.

Tôi không tin hẳn như thế, trên đời này vẫn còn những trái tim nhân hậu. Tuy vậy khi ông bạn tôi ra về, để lại cho tôi nỗi buồn như mất mát một cái gì rất lớn trong cuộc đời lúc xế bóng.

Văn Quang
Viết từ Saigon 01/10/2011

 http://www.vietthuc.org/2011/10/11/th%e1%bb%9di-d%e1%ba%a1i-d%e1%bb%93-d%e1%bb%83u-tinh-nghia-khong-con/

No comments:

Post a Comment