LS Nguyễn Văn Đài, Viết cho BBC từ Hà Nội
Quyền biểu tình là quyền Hiến
định và là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền
lực của mình như qui định tại điều 2 Hiến pháp 1992 “…Tất cả quyền lực
nhà nước thuộc về nhân dân...”.
Quyền
biểu tình cũng là phương tiện để nhân dân bày tỏ ý chí, nguyện vọng và
đòi hỏi của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh
quốc phòng của đất nước.
Quyền
biểu tình còn là vũ khí đấu tranh mạnh nhất và cuối cùng của nhân dân
khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm sau khi tất cả các
biện pháp giải quyết bằng thủ tục pháp lý khác không mang lại kết quả
hài lòng cho nhân dân.
Bởi ý
nghĩa to lớn của quyền biểu tình và quyền biểu tình là quyền Hiến định
nên nó không bị hạn chế bởi qui định của các văn bản dưới luật.
Quyền
biểu tình chỉ có thể bị hạn chế trong thời gian tình trạng khẩn cấp
được công bố chính thức, đe dọa sự sống còn của quốc gia. Và luật về
tình trạng khẩn cấp phải do Quốc hội ban hành.
Theo Hiến pháp Việt Nam 1992, nhân dân có hai công cụ pháp lý để thực hiện quyền lực của mình.
Công
cụ thứ nhất, quyền bầu cử được qui định tại điều 54. Thông qua việc bầu
cử, nhân dân có quyền lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và
Quốc hội bầu ra chính phủ.
Khi
Quốc hội và chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ cũng như ý nguyện mà
nhân dân đã giao phó và ủy thác thì nhân dân có quyền thực thi các công
cụ pháp lý thứ hai để giải tán Quốc hội và chính phủ.
Công cụ pháp lý thứ hai là quyền biểu tình được qui định tại điều 69.
Tại
sao khi nhân dân thực hiện quyền biểu tình là thực thi quyền lực của
mình? Bởi sau khi nhân dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội bầu ra chính phủ
để điều hành công việc của đất nước. Và trong suốt 5 năm nhiệm kỳ của
mình chưa chắc là Quốc hội và chính phủ đã thực hiện đúng với những gì
mà họ đã hứa hẹn với nhân dân.
Có
thể là họ đã ban hành những đạo luật hay thực hiện những chính sách
kinh tế xã hội, đối nội, đối ngoại gây thiệt hại cho lợi ích của nhân
dân và lợi ích của quốc gia, đồng thời gây ra bất bình cho nhân dân.
Khi
đó nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để phản đối những đạo luật hay
những chính sách bất hợp lý đó của Quốc hội và chính phủ, buộc Quốc hội
và chính phủ phải sửa đổi hoặc hủy bỏ các đạo luật hay chính sách đó.
Nếu
như yêu cầu đó của nhân dân không được đáp ứng, thì những cuộc biểu
tình của nhân dân sẽ kéo dài đến khi Quốc hội và chính phủ đó phải bị
giải tán. Nhân dân sẽ thực hiện quyền bầu cử của mình để bầu ra Quốc hội
và chính phủ mới phù hợp với ý trí và nguyện vọng của nhân dân.
Nhân
dân thực hiện quyền bầu cử để bầu ra Quốc hội, chính phủ và khi cần
thiết nhân dân thực hiện quyền biểu tình để giải tán Quốc hội và chính
phủ đó. Như vậy đó mới thực sự là mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về
nhân dân.
Bày tỏ nguyện vọng
Quyền
biểu tình là phương tiện để nhân dân đòi hỏi, bày tỏ ý chí, nguyện vọng
của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc
phòng của đất nước.
- Khi nền
kinh tế rơi vào lạm phát, giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, xăng dầu
tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến đời sống của nhân dân,
trong khi chính phủ không có giải pháp hoặc có giải pháp nhưng không
hiệu quả mà nguyên nhân có thể do lãnh đạo chính phủ quan liêu, yếu kém
về năng lực. Bởi vậy nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để đòi hỏi sự
thay đổi, trừng phạt những quan chức quan liêu, năng lực yếu kém và
buộc họ phải từ chức để cho những người có tâm huyết và năng lực thực sự
lãnh đạo.
-
Khi nền kinh tế được đổi mới và phát triển nhanh chóng, trong khi thể
chế chính trị không được đổi mới và cải cách cho phù hợp. Những quyền
chính trị căn bản của nhân dân chưa được tôn trọng và thực hiện trên
thực tế. Nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để đòi hỏi đổi mới và cải
cách chính trị, thực hiện dân chủ hóa xã hội.
-
Tham nhũng, đạo đức xã hội bị suy thoái đều là những vấn nạn xã hội
nghiêm trọng. Và để thúc đẩy và tạo động lực mạnh mẽ trong việc chống
tham nhũng, nhân dân có thể thực hiện quyền biểu tình nhằm vào những
quan chức đã bị tố cáo tham nhũng, hoặc biểu tình ủng hộ cho những chiến
dịch chống tham nhũng.
-
Khi chủ quyền, an ninh quốc gia bị ngoại bang đe dọa, xâm chiếm. Nhân
dân thực hiện quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, tinh thần đoàn
kết của cả dân tộc trong việc phản đối và chống lại sự đe dọa, xâm chiếm
của ngoại bang.
Quyền biểu tình cũng là vũ khí đấu tranh của nhân dân khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm:
Biểu tình không cần xin phép
Ở
Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, Quốc hội chưa ban hành luật biểu
tình và các đạo luật khác có liên quan đến quyền biểu tình.
Bởi
vậy mọi công dân Việt Nam được tự do thực hiện quyền biểu tình mà không
cần phải xin phép hay đăng ký. Quyền biểu tình của công dân Việt Nam
không bị ràng buộc hoặc hạn chế bởi bất cứ một đạo luật nào đang có hiệu
lực.
Hiến
pháp năm 1946 chỉ qui định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và
hội họp. Nhưng từ Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều qui định công dân
Việt Nam có quyền biểu tình.
Trong
thực tế, từ năm 1975 hầu như nhân dân ít thực hiện quyền biểu tình của
mình, ngoại trừ những cuộc biểu tình tự phát, qui mô nhỏ ở các địa
phương khi có tranh chấp với chính quyền trong việc đền bù, thu hồi đất.
Cho
đến năm 2008 khi Trung Quốc bắt đầu gây hấn ở biển Đông thì nhân dân
bắt đầu ý thức được quyền biểu tình của mình để bày tỏ lòng yêu nước,
tinh thần đoàn kết dân tộc và để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền
lãnh hải của Việt Nam.
Đặc
biệt từ đầu tháng 6 năm 2011 tới nay, các tầng lớp thanh niên, sinh
viên, trí thức, hưu trí… đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài
Gòn vào ngày Chủ nhật hàng tuần để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền
lãnh hải, và phá hoại tài sản của Việt Nam.
Những cuộc biểu tình này chưa thực sự thu hút được nhiều người dân tham gia, nhưng nó lại mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đó
là nhận thức và hiểu biết của nhân dân về quyền biểu tình đã được nâng
cao và những người đã, đang và sẽ tham gia biểu tình thực sự là những
con người có bản lĩnh và lòng dũng cảm. Họ đã thể hiện lòng yêu nước của
mình, tinh thần đoàn kết dân tộc khi kẻ thù xâm phạm đến chủ quyền lãnh
hải quốc gia.
Ngoài
ra những cuộc biểu tình này còn có ý nghĩa tập dượt và tích lũy kinh
nghiệm cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong tương lai gần.
Trấn áp biểu tình là phạm tội
Điều
71 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể,
được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không
ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc
phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật…”
Do
đó trước hết phải khẳng định ngay những người ra lệnh và thực hiện mệnh
lệnh đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam năm 1992 khi họ giải
tán, trấn áp và bắt giữ những công dân Việt Nam đang thực thi quyền biểu
tình theo điều 69 Hiến pháp.
LS Đài nói trấn áp biểu tình là vi hiến |
Đồng thời người ra lệnh và người thực thi mệnh lệnh giải tán và trấn áp biểu tình đều là đồng phạm trong các trường hợp sau đây:
-
Gây hậu quả chết người tham gia biểu tình: Họ có thể phạm tội giết
người theo điều 93 Bộ luật hình sự(BLHS); hoặc tội làm chết người trong
khi thi hành công vụ theo điều 97 BLHS.
-
Gây thương tích cho người tham gia biểu tình: Họ có thể phạm tội cố ý
gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo điều 104
BLHS; hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người
khác trong khi thi hành công vụ theo điều 107 BLHS.
-
Khi họ bắt và giam giữ những người biểu tình thì họ có thể phạm tội
bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điều 123 BLHS.
-
Trong trường hợp làm hư hỏng tài sản của người tham gia biểu tình,
người thi hành công vụ có thể phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng
tài sản theo qui định tại điều 143 BLHS.
Như
vậy, những người ra lệnh và những người thực hiện lệnh trấn áp biểu
tình là họ vi phạm Hiến pháp, pháp luật và chống lại nhân dân.
Tôi
kính mong quí vị độc giả góp ý kiến về bài viết này của tôi và cùng
tham gia thảo luận: Nhân dân Việt Nam nên sử dụng quyền biểu tình của
mình như thế nào?
*
ReplyDeleteHình như đây là bài viết thứ hai của L/s Đài kể từ ngày ra khỏi nhà tù nhỏ. Bài viết này mang tính cách công dân giáo dục rất cao, cho nên hết sức là quí giá.
Mong sao mọi người, mọi d/đ nên đăng tải bài viết này để đồng bào Việt Nam khắp mọi nơi đọc để hiểu thêm về quyền hạn công dân của mình.
Bài viết của Ls Đài quá đầy đủ và rõ ràng rồi, không có gì để sửa chữa hết.
Ls Đài không thấy xưng là tiến sĩ, cũng như không thấy xưng là trí thức nhân sĩ, nhưng qua những việc làm vì dân vì nước, thì quả là xứng đáng để được đời kính trọng như những kẻ SĨ ngày trước.
Trong khi đó tôi thấy hai ông Lê Nguyễn Đạt và Phan Văn Song tự xưng là tiến sĩ luật (mà chắc là họ có bằng ts thật đó, chứ không phải giả đâu) mà đâu thấy viết những bài như Ls Đài để giúp cho mọi người hiểu biết thêm về quyền của con người, của công dân trong một nước. Những đề tài nằm trong chuyên môn của mình mà không viết, lại đi viết những đề tài xa vời nào đó, thật vô bổ quá.
Quí vị nào tự xưng là tiến sĩ luật nên bắt chước và học hỏi người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Đài này.
Cảm ơn Ls Nguyễn Văn Đài đã chia sẽ những hiểu biết của mình với đồng bào mọi nơi.
Mến,
*