Bùi Tín (VOA Blog) - Cựu
Tổng thống Tunisia Ben Ali và cưụ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đang
bị truy tố và xét xử về nhiều tội, trong đó quan trọng nhất là tội «đàn
áp, tàn sát công dân trong các cuộc biểu tình yêu nước», và « biển thủ
tài sản quốc gia, cắt từng mảng lớn ngân sách quốc gia cho đảng độc
quyền và cho các quan chức của đảng ». Riêng về 2 tội này, mỗi người có
thể bị ít nhất 20 năm tù giam, hoặc tù chung thân, tài sản riêng bị sung
vào công quỹ, trả về cho nhân dân.
Các chế độ toàn trị, không cộng sản
như Tunisia, Ai Cập, hay cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, đều có những
nét chung, đó là đàn áp công dân yêu nước và cắt xén ngân sách quốc gia
quy mô lớn cho đảng độc quyền để từ đó biến công quỹ thành tài sản
riêng của các quan chức tham nhũng của đảng.
Về tội danh thứ hai, từ khi còn ở
trong nước, tôi đã băn khoăn về hiện tượng cắt xén tài sản quốc gia để
chuyển sang cho đảng độc quyền. Năm 1986, khi làm tuần báo Nhân dân Chủ
nhật, tôi có yêu cầu đặt mua máy in 5 màu của Nhật Bản, phải dùng ngoại
tệ, nên Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng triệu tập tôi đến làm
việc, hỏi cụ thể về chuyện này.
Ông Hoàng Quốc Thịnh, trưởng
Ban, là ủy viên Trung ương Đảng, vốn là bộ trưởng Nội thương, cùng một
vụ phó vụ tài chính của Ban, tiếp tôi trong phòng khách của Ban, tại tòa
nhà của trường Albert Sarraut cũ, một dinh thự vào loại lớn ở Hà Nội.
Qua vài dịp tiếp xúc với Ban Tài
chính Quản trị Trung ương Đảng, tôi dần dà hiểu rằng nó là một cơ quan
kinh tế - tài chính kinh doanh công- thương nghiệp riêng của đảng, với
rất nhiều bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, xí nghiệp, cửa hàng, công
ty, bãi xe, đoàn xe, đội tàu biển, có cả cơ sở ngoại thương ở Quảng Châu
(Trung Quốc) và Phnom Penh (Campuchia). Lúc ấy 2 công ty của Ban này là
công ty An Phú và công ty Tây Hồ.
Gần đây một số bạn nhà báo trong
nước cho biết Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng nay đã phát triển
rộng lớn, bế thế hơn trước gấp nhiều lần, đặc biệt là từ khi mở cửa,
nước ta vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhận viện trợ và đầu tư
lớn của quốc tế. Nó lớn hơn, bề thế hơn, có quyền lực lớn hơn trước, đi
cùng với quốc nạn tham nhũng. Nó có cả hệ thống các ban tài chính quản
trị của đảng thuộc các tỉnh - thành ủy, quận - huyện ủy. Trụ sở của
đảng, các phòng họp trung ương đảng được xây dựng lại, trang bị lại to
lớn, lộng lẫy khác hẳn trước. Cơ ngơi vật chất của các tỉnh ủy đều đàng
hoàng, trụ sở tỉnh ủy, nhà ở, xe cộ, trang phục cho đến tiền lương, phụ
cấp của bí thư tỉnh ủy thường cao hơn so với chủ tịch tỉnh.
Nay tôi mới được biết chỉ có
Tổng bí thư, Uỷ viên thường trực Ban bí thư và Trưởng ban Kinh tế Trung
ương Đảng là 3 nhân vật về nguyên tắc nhận được báo cáo riêng của Ban
này. Chính phủ không có quyền gì với nó, Quốc hội cũng không ai nói đến,
chất vấn gì, nhân dân càng không biết. Nó nắm cơ man nào là tiền, là
của, là tài sản chìm nổi, và hoàn toàn ở ngoài vòng pháp luật. Đây là
đặc trưng lớn nhất của một chế độ độc đảng, độc quyền đảng trị.
Những nhân vật làm tay trong của
đảng để cắt từng mảng lớn ngân sách quốc gia, tiền đóng thuế của dân,
tiền viện trợ, tiền quốc tế cho vay lãi thấp, tiền đầu tư của các nước…
để chuyển sang ngân sách của đảng gồm có: Bộ trưởng tài chính, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế tài chính, Thủ
tướng, Tổng bí thư Đảng CS. Họ tự cho mình cái quyền làm như thế, để
phục vụ đảng, để còn tự chia chác, trong một chế độ mà nhóm chuyên gia
Harvard, Hoa Kỳ, ở Việt Nam gọi là hệ thống phe nhóm cánh hẩu – Crony
System.
Không có gì trớ trêu bằng những
người từng tự vỗ ngực là vô sản, là lãnh tụ vô sản, là bênh vực giai cấp
vô sản tại Việt Nam nay lại trở thành những triệu phú đôla, đại tư bản
đỏ, chủ chứng khoán đỏ, vượt xa các đại điền chủ Nam bộ thời Pháp thuộc.
Họ chia chác cho nhau rất tùy tiện, tự cho mình quyền hưởng thụ, tự
nghĩ rằng đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Họ quên hẳn câu châm ngôn
về đạo đức của mọi đảng viên: «Lo trước thiên hạ, sướng sau mọi người».
Hóa ra đây chỉ toàn là những lời đạo đức giả!
Trong việc truy tố và xét xử các
cựu tổng thống Tunisia và Ai Cập về tội cắt xén từng mảng lớn ngân
sách, bất động sản, tài nguyên quốc gia để làm của riêng của đảng cầm
quyền, báo chí phương Tây gọi đây là những «cuộc chảy máu tài nguyên
quốc gia » do các chế độ toàn trị gây nên, là những cuộc cướp bóc cực
lớn và man rợ giữa thế giới văn minh.
Trong suốt 22 năm «Bắc thuộc»
vừa qua, đất nước ta cũng gặp tai ương lớn như thế, có thể gọi là nạn
chảy máu ròng, máu đỏ của toàn dân chảy vào cơ thể của đảng trọn quyền
thao túng, theo phương châm «đảng lãnh đạo thường xuyên liên tục và
tuyệt đối». Nhân dân lao động, nông dân, công nhân, viên chức cần cù
sống đồng lương ít ỏi, ba cọc ba đồng, con cái gầy còm, xanh xao trong
khi các quan chức CS cấp cao tha hồ ăn chơi xả láng.
Từ thời xa xưa đã có những câu thơ về bức ảnh lãnh tụ bên các cháu nhi đồng:
Bác Hồ cùng với bác Tôn (Tôn Đức Thắng)
Cả 2 bác ấy đều thương nhi đồng
Hai bác má đỏ hồng hồng
Ngồi bên các cháu mặt xanh, cổ cò
Ngày nay lại càng khác xa.
Cháy máu ròng không cầm được là
chết. Huống gì nước ta đang bị chảy máu ròng xuyên qua thế kỷ. Chênh
lệch giàu nghèo đang mở rộng vô hạn độ. Người ăn không hết, kẻ lần không
ra.
Người ăn không hết hầu hết là
kém tài, đức hiếm, kẻ lần không ra là người lao động, viên chức cần mẫn
lương thiện, ngay thật, có cả hàng triệu đảng viên thường không thế lực.
Không phải ngẫu nhiên mà các
quan chức cấp cao nhất, từng dính đến vụ chảy máu ròng xuyên thế kỷ của
quốc gia bất hạnh này đều được khen thưởng xứng đáng, lên cấp trong cuộc
chia ghế vừa qua. Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng 2 khóa liền từng
một thời là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Quốc hội mới từng là
bộ trưởng tài chính rồi là phó thủ tướng thường trực đặc trách kinh tế -
tài chính ; Phó thủ tướng mới là từ bộ trưởng tài chính mà lên, một ủy
viên ban thường trực Quốc hội mới khóa XIII vừa rời chức thống đốc Ngân
hàng Nhà nước; rồi tổng kiểm toán Nhà nước, chủ tịch ủy ban giám sát tài
chính của Quốc hội cũng từng là cán bộ cao cấp ngành Ngân hàng Nhà nước
cả.
Đó là những nhân vật liên quan
trực tiếp đến ngân sách, kho bạc, tiền, vàng, đôla của đất nước, liên
quan sâu đến quốc nạn chảy máu tài sản quốc gia kéo dài xuyên thế kỷ.
Qua việc mà báo chí nước ngoài
gọi là «cuộc thay ca kíp ở Hà Nội», 2 loại nhân vật được trọng dụng nhất
là ngành công an và ngành tài chính – ngân hàng như nói trên. Một đại
tướng công an làm ủy viên thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, một
trung tướng công an làm chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, một nguyên
thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rồi thứ trưởng công an làm thủ tướng thêm
một nhiệm kỳ. Trong khi đất nước cần những nhân tài kỹ trị, có trí tuệ
và tâm huyết trong các ngành khoa học, kỹ thuật, giáo dục và văn hóa ở
những vị trí then chốt của quốc gia. Họ đâu cả rồi? Đây là nỗi đau chung
của đất nước hiện nay.
Xin hỏi gần 500 đại biểu Quốc
hội mới và đông đảo bà con cử tri nước ta suy nghĩ ra sao về hiện tượng
rất không bình thường, lại có vẻ rất bình thường này của đất nước?
Bùi Tín
No comments:
Post a Comment