Trần Bình Nam - Ngày 8
July 2011, 11:29 AM giờ Florida, Hoa Kỳ bắn phi thuyền con thoi Atlantis
do phi trưởng Christopher Ferguson cầm lái bay đi tiếp tế cho Trạm
Không gian Quốc tế (International Space Station – ISS). Đây là phi vụ
cuối cùng của chương trình phi thuyền con thoi kéo dài 30 năm. Hơn nửa
triệu người đã đến Miami để tận mắt chứng kiến chuyến bay lịch sử.
Mười
phút sau khi phóng, phi thuyền Atlantis chỉ còn là một chấm mờ trên nền
trời Đại Tây Dương để lại một không gian trống rỗng. Cơ quan Không gian
Hoa Kỳ (NASA) hiện chưa có một chương trình cũng như ngân sách để thực
hiện một kế hoạch không gian nào khác. Chương trình thám hiểm sao Hỏa
(Mars, một hành tinh của Thái dương hệ) chỉ có trên giấy tờ.
Phi thuyền Atlantis
Phi
hành đoàn gồm 4 người mang theo 5 tấn thực phẩm, bộ phận rời và dụng cụ
thí nghiệm đủ dùng trong một năm đã an toàn đến ISS vào ngày Chủ Nhật
10/7 và được 6 phi hành gia ở ISS gồm các quốc tịch Nhật, Nga, Mỹ tiếp
đón nồng hậu.
Chương
trình chế tạo phi thuyền con thoi (TBN: phi thuyền dùng được nhiều lần,
đi và về như con thoi trên khung cửi) do tổng thống Richard Nixon chấp
thuận năm 1969 là chương trình tiếp nối chương trình Apollo đưa người
lên cung trăng của tổng thống Kennedy.
Mục
đích của chương trình Apollo là để chứng tỏ khả năng kỹ thuật của Hoa
Kỳ trong cuộc chạy đua vào không gian với Liên Xô sau khi Liên Xô đưa
phi hành gia Yuri Gagarin vào quỹ đạo trái đất ngày 12/4/1961. Hơn một
tháng sau (ngày 25/5/1961) tổng thống John F. Kennedy tuyên bố trước
lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ sẽ đưa người lên cung trăng trước cuối thập
niên 1960’s, và lời tuyên bố này đã được thực hiện ngày 20/7/1969 khi
phi thuyền Apollo 11 đưa hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Adrin
đáp xuống cung trăng.
Sau
khi đưa người lên cung trăng, nhiều nhà khoa học Mỹ muốn tiếp tục
chương trình thám hiểm sâu hơn vào không gian như thám hiểm sao Hỏa. Tuy
nhiên cuộc chiến Việt Nam tiêu tốn và tình hình trong nước không ổn
định do phong trào chống chiến tranh, tổng thống Nixon chấp nhận một
chương trình không gian giới hạn ít tốn kém gọi là chương trình phi
thuyền con thoi. Đồng thời hợp tác với Liên Xô thiết đặt một trạm không
gian chung.
NASA
đã chế tạo một đội ngũ phi thuyền con thoi gồm 5 phi thuyền Challenger,
Columbus, Endeavour, Discovery và Atlantis, thay phiên nhau đi đi về
về sau khi phi thuyền con thoi Columbia bay chuyến đầu tiên ngày
28/1/1981 thành công tốt đẹp.
Các
phi thuyền con thoi tiếp tục công việc nghiên cứu không gian và áp dụng
quân sự. Con thoi khi bay trên qũy đạo có thể làm công tác trinh thám
diện địa, thả các vệ tinh truyền tin và quan sát khí tượng…
Từ
chuyến bay Columbia đầu tiên đến chuyến bay Atlantis cuối cùng, chương
trình con thoi đã thực hiện 135 chuyến bay, đưa 357 phi hành gia lên quỹ
đạo, hoàn thành việc lắp ráp ISS, phóng và sửa chữa Viễn vọng kính
không gian (Hubble Space Station), phóng người máy (robots) đi thám
hiểm mặt trời và các hành tinh Venus, Jupiter .
NASA
dự tính biến các chuyến bay con thoi thành các phi vụ thương mãi hằng
tuần. Nhưng trong suốt thời gian hoạt động phi thuyền con thoi chưa ra
khỏi quá trình thử nghiệm một cách an toàn. Các trở ngại kỹ thuật chưa
bao giờ được giải quyết thỏa mãn và đã xẩy ra hai tai nạn. Con thoi
Challenger nổ trên bầu trời Đại tây dương năm 1986, và con thoi Columbia
nổ trên bầu trời bang Texas năm 2003 khi trở về trái đất. Muời bốn phi
hành gia thiệt mạng.
Cuộc
khủng bố ngày 11/9/2001 tiếp theo chiến tranh Afghanistan, Iraq buộc
tổng thống George W. Bush quyết định tạm ngưng đóng thêm phi thuyền và
dự trù năm 2014 chấm dứt công tác của ISS. Để vớt vát trước khi rời chức
vụ tổng thống Bush nói rằng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ tái lập chương
trình thám hiểm cung trăng và đi thăm sao Hỏa.
Năm
2010, tổng thống Obama chấm dứt chương trình con thoi và kéo dài công
tác ISS thêm 6 năm cho đến năm 2020 và giao việc thám hiểm không gian
cho các công ty tư nhân. Để làm vui lòng giới mộ điệu không gian tổng
thống Obama nói một cách mơ hồ về việc đi thăm sao Hỏa năm 2030!
Một
giới quần chúng và giới chức NASA cho quyết định của tổng thống Obam
chấm dứt chương trình con thoi là thiển cận làm mất uy tín của Hoa Kỳ,
và đem so sánh chương trình thám hiểm sao Hỏa năm 2030 của tổng thống
Obama với chương trình mang người lên cung trăng của tổng thống Kennedy
để chế nhạo. Sự thật không một vị tổng thống nào không muốn đưa ra các
chương trình không gian to lớn. Nhưng “cái khó bó cái khôn” . Năm 19961,
Hoa Kỳ đang mạnh về kinh tế, lại có nhu cầu chạy đua với Liên Xô khi
chiến tranh lạnh đang ở cao điểm, nên chương trình thám hiểm cung trăng
của tổng thống Kennedy là một chương trình đương nhiên có tính quốc
phòng. Trong khi năm 2010 kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, hai trận chiến tranh
Afghanistan, Iraq tiêu hao chưa gỉai quyết xong, ngân sách thâm thủng,
nợ nần tứ phía, tổng thống Obama không thể có một quyết định nào khác là
chấm dứt chương trình không gian tốn kém.
Các
nhà nghiên cứu nói đến hai hệ lụy về việc chấm dứt chương con thoi mà
không có một chương trình không gian nào rõ ràng trước mắt.Thứ nhất là
tác dụng tâm lý. Thứ hai là quân sự.
Năm
2003 Trung quốc đưa Trung tá Không quân Yang Liwei vào quỹ đạo trái đất
và trong 8 năm qua đã đưa thêm 5 phi hành gia đi thám hiểm không gian.
Trung quốc quảng cáo tên lửa Trường Chinh (Long March) đặt vệ tinh nhân
tạo lên quỹ đạo và sẵn sàng cho bất cứ quốc gia nào muốn thuê. Và kế
hoạch của nhà nước dự trù cuối năm nay (2011) sẽ phóng và xây dựng Phòng
Thí nghiệm Không gian theo mô thức của ISS. Trung quốc cũng dự trù năm
2017 đi thám hiểm cung trăng bằng phi thuyền không người lái, và đến năm
2025 sẽ cho người đáp xuống cung trăng.
Chưa
nói tới các chương trình không gian của Ấn độ, các chương trình của
Trung quốc được tuyên truyền rầm rộ khi Hoa Kỳ không có chương trình gì
sẽ tạo nên ảnh hưởng tâm lý hơn thua trên thế giới. Nhưng nghĩ cho cùng
nếu Trung quốc giữ đúng lịch trình năm 2025 đưa người lên cung trăng thì
Trung quốc cũng đi sau Hoa Kỳ 56 năm (2025 – 1969). Đi sau 56 năm không
phải là một vinh dự hay tiến bộ gì ngoài lợi ích tâm lý trong cuộc
tranh chấp thế siêu cường.
Về
phương diện quân sự nếu Trung quốc dùng các chương trình không gian
trong hai thập niên tới để phát triển tình báo không gian, chế tạo vệ
tinh bắn hạ phi đạn thì Trung quốc cũng không thể vượt qua các phương
tiện quân sự Hoa Kỳ đang có và sẽ có.
NASA
là một tổ chức dân sự công lập làm một số việc cho Bộ quốc phòng Hoa Kỳ
theo giao kèo. Ngoài NASA, quân đội Hoa Kỳ có một chương trình không
gian do Không quân nắm với một ngân sách công khai (chưa kể ngân sách
mật) lớn hơn cả ngân sách NASA. Quân đội Hoa Kỳ không ngừng tối tân hóa,
phát triển, đặt thêm vào không gian các vệ tinh trinh thám, truyền tin,
định vị (GPS), theo dõi các cuộc chuyển quân của địch, phát hiện, và có
khả năng phá hủy các cơ sở trên đất liền hay hỏa tiễn đang bay của địch
đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ bằng vũ khí nguyên tử. Ngoài ra
Không quân Hoa Kỳ đang chế tạo máybay X-37 có khả năng đánh hạ hỏa tiễn
và bỏ bom chính xác từ quỹ đạo.
Tóm
lại chương trình không gian của Hoa Kỳ chấm dứt sau chuyến bay và trở
về lịch sử của phi thuyền con thoi Atlantis chỉ là một bước lùi biểu
kiến. Thực chất Hoa Kỳ vẫn là quốc gia làm chủ không gian, ít nhất cũng
cho đến giữa thế kỷ 21.
July 13, 2011
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment