Monday, June 20, 2011

“Triết Lý con heo và một vài tham luận khác”

Lưu Hiểu Ba - “...Và sự an toàn của tư thế lưu vong nó đã không khiến dẫn chúng ta đóng một vai trò trang sức tiêu cực cho hệ thống cai trị phi nhân này...”

Đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, ông Lưu Hiểu Ba không được phép chính quyền Trung Hoa đến Oslo để nhận giải:
bị kết án mười một năm tù vào đúng ngày lễ Giáng Sinh 2009, sau một phiên tòa bỉ ổi, vì tội “xúi dục lật đổ chế độ” mặc dù ông chủ trương diễn tiến ôn hòa trên con đường dân chủ cho Trung Hoa, nhà văn này hiện vẫn còn ngồi tù tại Liêu Ninh (Liaoning). Tuy bài vở của ông bị cấm đoán trong nước, nhà bất đồng chính kiến cương quyết nhất của Trung Hoa không ngừng phát biểu bằng mọi phương tiện hoặc trên báo chí Hồng Kông hoặc trên Mạng. “Triết Lý con heo và một vài tham luận khác”, quyển sách Pháp ngữ đầu tiên của Lưu Hiểu Ba, đã chứng tỏ lòng dũng cảm và lời ngay thẳng của ông. Ông phê phán cái mà ông gọi là “triết lý con heo”: khuynh hướng của trí thức Trung Hoa chấp nhận “sự mua chuộc” của đảng cộng sản Trung Hoa. Tinh hoa của Trung Hoa đã phải thấm thía với lời nói này. Nhưng tinh hoa của các nước khác có kém phần lãnh đạm không?   (nguyệt san Lire)

Triết lý con heo
Sức chấn áp của lợi nhuận
Tính chất tầm thường chiếm ngự mọi lãnh vực

Ở Trung Hoa của thế kỷ mới, ngoài trừ “Đài Kỷ Niệm Thiên Niên Kỷ”, một cáo ốc vẫn chưa hoàn tất, tất cả đều y như cũ. Tính chất tầm thường của sự thượng tôn lợi nhuận đã thấm nhập chúng ta đến tận xương tủy, và lằn ranh giữa công lý và tội ác đã bị xóa nhòa vì lòng tham lam vì tất cả mọi người chỉ muốn có lợi nhuận. Những lời hứa hẹn để có “cuộc sống tương đối thoải mái” đã mua đứt những tâm hồn ngày nay đã hoàn toàn ung thối – hầu như không còn một anh công chức nào liêm khiết, không có đến một đồng xu nào sạch sẽ, không còn nghe được một lời thành thật.

Người ta sẽ bảo tôi rằng tính chất tầm thường là một đặc tính của tân thời, bởi vì bản chất của tân thời là việc thế quyền hóa và việc thế quyền hóa là luận cứ bào chữa cho việc theo đuổi lợi nhuận; người ta không thể đặt vấn đề thế quyền hóa mà không coi trọng lợi nhuận.

Hệ thống dân chủ phát xuất từ tiến trình tân tiến hóa - quy luật của đa số - thực ra là một trò chơi thế quyền hóa đặt trọng tâm vào những trao đổi quyền lợi, và ngay cả vào việc hệ thống hoá tính chất tầm thường. Tuy nhiên, thứ nhất, những trao đổi quyền lợi phải tuân theo những quy luật rõ ràng, những quy tắc trao đổi công minh, được luật pháp bảo đảm từ bên ngoài và được lương tâm gìn giữ từ bên trong. Tại Trung Hoa, quyền lợi đã thay thế luật pháp và lương tâm để trở thành cột trụ duy nhất của hệ thống chính quyền điều khiển con người, cột trụ ngự trị của sự sỗ sàng và tinh thần khinh thường luật pháp.Thứ hai, giá trị căn bản hỗ trợ cho hệ thống dân chủ - quyền tự do - là một đặc tính cao quý cố hữu vượt lên trên những tị hiềm. Thiếu vắng một hệ thống giá trị dành ưu tiên cho tự do, cho dân chủ không những khiến dẫn người dân tiến cử những tên bạo chúa như Hitler, hoặc chế độ độc tài của một cá nhân hoặc của một đảng phái nhân danh nhân dân, nhưng cũng có thể dẫn đến việc xóa nhòa những đức tính của lòng cao thượng, của phẩm cách và của thiện mỹ do sức mạnh của đa số vô danh.

[...] Nước Trung Hoa không hề hụt hẫng trong truyền thống “đại dân chủ” xuất phát từ sự nổi dậy của đám đông, nhưng nước Trung Hoa chưa bao giờ có truyền thống dân chủ chấp nhận dành ưu tiên cho quyền tự do; con người khó mà nghĩ đến tự do khi con người không có gì để ăn cho bớt đói.

Xã hội tân tiến cần những thành phần ưu tú biết tự quản
[...]
Việc hiện đại hóa chính là việc thế quyền hóa đời sông hàng ngày, việc dân chủ hóa chính là sự tỉnh ngộ của cuộc sống chính trị, và điều mà đám đông muốn chính là hạnh phúc thế quyền và tầm thường đó. Nếu, tại Trung Quốc, chúng ta đã thừa hưởng việc hiện đại hóa và dân chủ hóa, chúng ta sẵn sàng chấp nhận một ít tầm thường và vô cảm về văn hóa. Nhưng điều buồn cười nhất, hoặc tôi phải nói là điều đáng buồn nhất là vì chúng ta không có cả hai thứ này và chúng ta phải đương đầu với một quyền lực chuyên chính, nên toàn bộ xã hội, bao gồm cả thành phần trí thức ưu tú, đã tỏ ra vô cảm với văn hóa một cách khó tưởng và hết sức tầm thường.
[...]

Thành phần ưu tú tự ý chui đầu vào chuồng heo

Trên phương diện kinh tế, luận thuyết về một “trung tâm quyền lực mạnh mẽ”, kinh tế tập trung của “phe nhóm quân sư của thái tử” và “ phe nhóm tham mưu; trên phương diện chính trị, “luân thuyết giã từ cách mạng” (1), “cánh tả mới” và nhóm “thuận theo kinh tế thị trường”; về phương diện văn hóa, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và “tinh thần bản thổ hóa” (本土化)trong ngành nghiên cứu mà ta thấy xuất hiện ở khắp mọi nơi; tất cả những yếu tố này là những thành tố của “triết lý lãnh đạm con heo”. Điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm là những thành viên của “thành phân ưu tú” đến từ ngũ hồ và tứ hải không hề hội ý với nhau trước để cùng nhau đi đến một mục tiêu chung; họ đều ngẫu nhiên chọn con đường đi vào “chuồng heo”, cho dù họ miễn cưỡng và không hội ý với nhau, và họ không tự kiệm chế nổi ngay cả khi họ muốn, giống hệt như cách đây mười một năm, một vài người trong số họ đã ngẫu nhiên gia nhập “phong trào 1989”. Làm như bỗng nhiên qua một đêm những thành viên cao cấp của bộ tham mưu những người giữ vai trò quyết định, họ không ngại ngùng trở thành những ông chủ lớn hoặc thành những ông Tổng giám đốc thu vào hàng núi tiền (giống như các thành viên của thành phần ưu tú vào thời kỳ Triệu Tử Dương đã bị loại ra khỏi bộ tham mưu), từ vị trị thi sĩ tiên tiến trở thành người buôn sách và môi giới văn hóa, từ anh đạo diễn tiên tiến trở thành người khách danh dự đứng trên khán đài kỷ niệm 50 năm thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ và một mạnh thường quân góp tiền xây dựng những ngôi trường dự án “Hy Vọng” (2), từ những người ngưỡng mộ kiểu mấu tự do phương Tây trở thành những người theo chủ nghĩa quốc gia hoặc thành viên của “cánh tả mới”, hô hào chống lại sự thống trị của phương Tây: nhưng, ngay cả trong số những trí thức thiểu số vẫn hô hào chủ nghĩa tự do, một vài người lớn tiếng cộng nhận di sản tự do cũng cậy nhờ rất nhiều vào chủ nghĩa thủ cựu Anh-Mỹ, và “tự do thoát chế ” (liberté négative) là tự do duy nhất chính thống và ngụ ý là ngày 4 tháng 6 là một ví dụ điển hình cho chủ thuyết cấp tiến chính trị (radicalisme politique) và thực thi “tự do xác định” (liberté positive).

“Tự do tiêu cực” theo màu sắc Trung Hoa

Việc chuyển ngữ những danh từ của Isaiah Beerlin để phân biệt hai hình thái tự do cũng có vấn đề. Theo nguyên bản, danh từ “negative liberty” và “positive liberty” mà người ta có thể dịch là tự do với đặc tính là khước từ , và tự do với đặc tính là xác nhận, nhưng người ta cũng có thể dùng những cụm từ “tiêu cực tự do” và “ tích cực tự do”; và người ta cố ý giữ dùng lối chuyển ngữ thứ hai. Nhưng nếu chúng ta dịch trở ngược lại sang tiếng Anh, cụm từ này sẽ trở thành “tự do tiêu cực” (passive liberty) và “tự do tích cực” (positive liberty). Cách chuyển ngữ dùng cụm từ “tư do tiêu cực” thay cho cụm từ “tự do thoát chế” cho thấy rất rõ ý đồ của họ. Bởi vì, theo tiếng Trung Hoa, danh từ “tiêu cực” khiến cho người ta liên tưởng tức khác đến danh từ “thụ động”, danh từ “nên tránh”. [...]. Dưới ngòi bút của các vị chủ trương tự do Trung Hoa, chủ nghiã tự do của phương Tây xem ra rất ư là khốc liệt, đó chính là “chủ nghĩa tự do theo màu sắc của Trung Quốc”.

Chính vì núp bóng dưới “nền tự do tiêu cực mang bản sắc Trung Quốc”, sự vô cảm với chính trị thể hiện qua những khẩu hiệu “quyền không gây chuyện”, “gác bỏ ý thức hệ, xiểng dương việc học thư hóa”, “xa rời thực tế, trở về với sách vở”, những điều này đã trở thành lý do phi lý đế các thành phần ưu tú xã hội tránh né đương đầu với thực tế tàn nhẫn của nền độc tài chuyên chính.

Chính vì, theo chủ thuyết tự do chính thống, chính quyền tài giỏi nhất là chính quyền lo việc ít nhất, chính trị mà đám đông quần chúng ít chú tấm nhất là một chính trị hay nhất; bởi vì tự do tiêu cực chính là “ tự do không can thiệp vào công việc của người khác hoặc là không ép buộc người khác phải làm một điều gì” và đấy không phải là “tự do... khi làm điều gì với chính sáng kiến của mình”, chúng ta không cần tranh đấu để đặt được một điều gì. Vì vậy, triết lý lánh xa đời của Lão Tử và Trang Tử được thêm phần trân trọng của nhóm trí thức tự nhận là tự do mang danh nghiã chủ nghiã tự do và đây là triết lý con heo một trăm phần trăm – những kẻ bị lùa vào chuồng heo hoặc là những kẻ trốn chạy ra khỏi đó trông chờ người ta đến ban phát cho thức ăn, chỉ có thế [...]

Tuy nhiên lich sử cho thấy ở bất cứ nơi nào có tự do, cho dù đó là “tự do thoát chế” hay là “tự do xác định”, nơi đó phải có người đứng ra tranh đấu và hành động để giành lấy nó. Ngay cả tự do kiểu Ăng-Lê, tự do mà nhóm trí thức này say sưa bàn đến, chỉ được thể hiện nhờ có “cách mạng vinh quang”.
[...]

Sự khác biệt giữa những thành phần ưu tú chủ trương tự do và thành phần ưu tú ăn lương của chính quyền

Chung quy, tại Trung Hoa, không ai có được cảm giác an toàn tuyệt đối; chưa nói đến việc thành lập một đảng phái hoặc bày tỏ một vài ý kiến có thể bị xem là một tội ác, ngay cả những đại chủ đã thành đạt không rơi vào hạng “tương đối dễ sống” cũng có nguy cơ thấy tài sản của mình tan theo mây khói chỉ trong giây phút. Nếu người Trung Hoa tìm đủ mọi phương cách, không ngần ngại tung ra hàng chục ngàn mỹ kim đế lén lút trốn chạy ra ngoại quốc, hy sinh cả tính mạng, bởi vì họ cảm thấy bất an. Đường vạch đỏ của các thư lại lớn bé và các tiểu và đại doanh nhân, vì đã tự gò bó trong một khuôn khổ, cũng thiếu vắng giá trị tương tự như của nhóm trí thức tự do; đó chỉ có thể là cặn bã rơi rớt cho phép họ sống qua ngày, bằng cách giả vờ làm việc cho những kẻ thụ hưởng ân huệ của hệ thống [...]

Quyền lợi kinh tế là yếu tố nổi trội của tâm hồn

Do sự kết hợp giữa khủng bố chính trị với sự yếu hèn của thành phần ưu tú và sức quyến rũ của lợi nhuận, thế giới của lợi nhuận và của tiền tài, khởi sự phát triền vào thập niên 1980, đã hoàn toàn thay thế những ước vọng tinh thần và nền tảng đạo đức để chế ngự tâm hồn con người. Triết lý con heo, thể hiện qua đặc tính phân cực về kinh tế và tính chấn áp của lợi nhuận, đã gậm nhấm, với lý cớ là để tự xem xét, chủ thuyết cấp tiến và loại trừ con đường lý tưởng. Tính chất lạnh lùng của việc “bản thổ hóa” và việc trở về với nền học thư đã thay thế cho lòng hăm hở ôm chầm những những tư tưởng tự do; và ngay cả tính chất đạo đức cực độ của cái mà thiên hạ cho là “văn chương kháng chiến”, có mục đích kháng cự lại văn hóa đại chúng không chừa lãnh vực nào cả, lại có tiền đề là hợp tác với hệ thống hiện hữu. Trên bình diện chấn hưng hoặc tái lập lại nền văn hóa quốc gia, hoặc trên bình diện củng cố hay là nâng cấp tình thần phổ cập và bản thể con người, nước Trung Hoa của thập niên 1990 xem ra thảm não và thối nát, và tính chất tầm thường đã trở thành biểu tượng hiển nhiên.

Thành phần ưu tú quỵ lụy dưới bàn tay khủng bổ chính trị

Vấn đề không phát xuất từ sức mạnh của kinh tế và tài sản vật chất phong phú trong một thế giới hiện thực, bởi vì việc tấn tiến hóa tự bản chất có khuynh hướng mãnh liệt thế quyền hóa – điều mà Max Weber đánh giá là “sự tỉnh mộng” của tiến trình hiện đại. Điều này rất là bình thường và hợp lý, thích hợp với nhu cầu tự nhiên của con người bình thường và hợp với bản chất con người, sau khi đã sống trong thời đại của Mao Trạch Đông, một thời kỳ thiếu thốn vật chất tận cùng, giống như lối sồng khắc khổ của các tu sĩ Phật giáo và “môt cuộc cách mạng hung bạo đi vào tận đáy lòng”, người dân Trung Hoa tìm đến cuộc sống đặt căn bản trên lợi nhuận kinh tế và hưởng thụ vật chất. Cách đây không bao lâu, người ta đã cấm đoán chúng ta bằng bạo lực quyền theo đuổi hạnh phúc thế quyền; mặc dù, không ai có quyền tước đoạt quyền nay nơi người dân tầm thường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chủ thuyết hoan lạc trong giới ưu tú Trung Hoa, với tinh thần thượng tôn kinh tế, không phải là kết quả tự nhiên của những khó khăn của cuộc sống nhưng là hệ quả của sự phục tùng trước guồng máy khủng bố đã được định chế hóa, kết quả của một tư duy rốt ráo về thấp niên 1980; đó là sự thể hiện của một sự rụt rè cùng cực để tìm cách tránh né những câu hỏi mà mình không muốn người ta đề cập đến, một sự tháo chạy trước quyền lực chính trị khủng bố và một chiến thuật sinh tồn đặt căn bản trên một sự tính toán kỹ lưỡng. Vì vậy một phong thái mới xuất hiến vào thập niên 1990: ưa chuộng tư duy học thư hơn là tư duy ý thức hệ, giải đáp kinh tế hơn là tham gia chính trị, tiêu chuẩn của lực lượng sản xuất hơn là tiêu chuẩn nhân quyền, văn hóa đám đông hơn là văn hóa của giới tinh hoa; và, đàng sau tất cả những điều này, chúng ta vẫn còn thấy bóng dáng của sự khiếp sợ và lời dẫn dụ bảo vệ quyền lợi riêng tư. Chính quyền đương thời đặt ách thống trị lên những thứ này.

Những thành phần ưu tú lưu vong phải tự xét vấn lương tâm

Một cách bình thường, trong thế giới ngày nay, nơi mà tự do và dân chủ là con đường căn bản, sự đề kháng chống lại độc tài chuyên chính của một dẩng duy nhất phải được xem là chính đáng và công bằng. Nhưng tại lục địa Trung Hoa, tiếp theo sau vụ đàn áp phong trào dân chủ năm 1989 và sự xuất huyết mỗi lúc một gia tăng của những giá trị đạo đức do sự thúc đẩy của giới ưu tú trong mọi ngành, phong trào đòi hỏi tự do, chịu sự ảnh hưởng của tư duy tầm thường, cũng chuyển từ việc thượng tôn đạo lý sang việc thượng tôn kinh tế, không còn xem đạo lý ngang hàng với kinh tế. Để huy động những lực lượng đối kháng với chế độ toàn trị nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ này hoặc huy động những lực lượng sáng suốt nằm trong guồng máy để thúc đẩy cải cách, trong mọi trường hợp, chúng ta phải cho thiên hạ thấy quyền lợi của họ không bị tổn thương: đây chính là đường vạch đỏ. Không phải đạo đức và công lý mà chính là quyền lợi đã trở thành đường vạch đỏ, dựa vào thước đo này mà thiên hạ đánh giá. Khi người ta biết nếu đã dấn thân vào phong trào đối kháng chế độ toàn trị, người ta có thể mất tất cả những vật chất và ngay cả tính mạng, con người sẽ không sẵn sàng chấp nhận những rủi ro này để bảo vệ công lý và đạo đức. Khi một số trí thức ưu tú lưu vong lên tiếng khiển trách các chính quyền phương Tây để cho đảng Cộng Sản Trung Hoa mua chuộc với những lời hứa ký kết thị trường và khế ước, đặt quyền lợi thương mại của họ lên trên sứ mạng xiểng dương nhân quyền, họ có thể nào xét lại tư cách của chính người Trung Hoa? Trên cán cân đạo lý và lợi nhuận, chúng ta coi trọng cái nào hơn? Chúng ta có hành xử tót lành hơn các chính quyền phương Tây không? Chúng ta có đặt đạo đức và công lý lên hàng đầu không? Chúng có cần phải xét lại lương tâm của chúng ta không? Chúng ta đã phung phi bao nhiều tài nguyên đạo đức đã được tích lũy bằng xương máu? Phẩm chất đạo đức và sự khôn ngoan chính trị của chúng ta có xứng đáng với cái giá phải trả bởi những người đã đi trước chúng ta và xứng đáng với hỗ trợ to lớn mà cộng đồng quốc tế đã dành cho chúng ta? Và sự an toàn của tư thế lưu vong nó đã không khiến dẫn chúng ta đóng một vai trò trang sứcc tiêu cực cho hệ thống cai trị phi nhân này? Có phải chúng ta đã miễn cưỡng đóng góp công sức cho chế độ độc tài để cho sự “ổn định là vấn đề trên hết”?

Tiểu sử

Sinh năm 1955 tại Trường Xuân (Changchun), ở phia Tây Bắc Trung Hoa, ông xuất thân là con của những bậc trí thức, đậu Tiến sĩ Văn Chương tại Trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh năm 1988. Ngày 4 tháng 6 năm 1989, ông làm trung gian giữa quan đội và sinh viên để phản đối việc tàn sát sắp diễn ra, và cho đến nay chính quyền Trung Hoa vẫn cố chấp phủ nhận việc này. Vì việc này,ông Lưu Hiểu Ba bị bắt giam cho đến năm 1991. Vì ông tiếp tục tố cáo những sai trái của chế độ, ông đi tù lao động cải tạo năm 1996. Khi ông được trả tự do, ông tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, dù phải trá một giá đắt một lần nữa...


Lưu Hiểu Ba

Bản Quyền Gallimard/Bleu de Chine
Nguyễn Gia Thưởng dịch
Nguồn: L’Express
1. Quy chiếu đến sách của Lưu Tái Phục (Liu Zaifu, 劉再復) và Lý Trạch Hậu (Li Zehou, 李澤厚) Cáo biệt cách mạng (Gaobie geming, 告別革命) (“Adieu à la révolution")
2.Tổ chức thiện nguyện trực thuộc Đoàn Thanh Niên Cộng Sản) và xây dựng những trường học tại các vùng đông dân nghèo.



http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=229:trit-ly-con-heo-va-mt-vai-tham-lun-khac-lu-hiu-ba

No comments:

Post a Comment