Bùi Tín viết riêng cho VOA - Sinh
viên Vương Duy Lâm cầm túi đựng sách vở đứng trước đoàn xe tăng Bát
Nhất lại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Anh Vương Duy Lâm đã bị xe
tăng cán chết sau khi bức ảnh được chụp
Cuộc tàn sát ở quảng trường Thiên An Môn giữa thủ đô Bắc Kinh đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989 đã tròn 22 năm.
Năm
nay, người Trung Quốc ở Hồng Kông và hải ngoại có nhiều hoạt động kỷ
niệm sôi nổi hơn hẳn mấy năm trước. Họ tổ chức những cuộc nói chuyện
trong sinh viên, tuổi trẻ, những cuộc chiếu phim phóng sự về phong trào
đấu tranh khởi đầu từ tháng 4 -1989 nhân lễ tang của nguyên Tổng bí thư
Hồ Diệu Bang, một nhân vật sớm có ý tưởng cải cách chính trị, về những
cảnh tuyệt thực của sinh viên, cảnh dựng tượng Tự Do cao 6 mét giữa
quảng trường và cuối cùng là cuộc đàn áp tàn bạo bằng xe tăng, pháo binh
và bộ binh của 2 Quân đoàn 27 và 28, làm chết hàng ngàn người.
Năm
nay tại Hồng Kông, bức ảnh lịch sử một sinh viên cầm túi đựng sách vở
đứng chặn trước đoàn xe tăng Bát Nhất lại được phóng to, in màu và tán
phát rộng rãi. Báo Mỹ Times gọi đây là «bức ảnh của Thế kỷ» do nhà nhiếp
ảnh Jeff Widener của hãng AP (Associated Press) chụp. Các nhà dân chủ
cho biết anh sinh viên ấy tên là Vương Duy Lâm, đã bị xe tăng cán chết
sau khi bức ảnh được chụp và nhà nhiếp ảnh J.Widener đã bị cảnh sát Bắc
Kinh hành hung nhưng vẫn giữ an toàn cho bức ảnh quý báu này.
Ngay
ở Bắc Kinh, năm nay Hội các bà mẹ Thiên An Môn lại lên tiếng. Đó là hội
do các bà mẹ có con chết trong cuộc tàn sát ở quảng trường Thiên An Môn
cùng chung ý lập nên để đòi công lý cho con mình. Theo báo Nhật Bản, Úc
và Pháp, chính quyền năm nay tỏ ý sẽ xem xét việc bồi thường cho các bà
mẹ đó. Trước đây họ hăm dọa các bà, cho tổ chức đó là bất hợp pháp.
Hội
các bà mẹ Thiên An Môn lập tức tuyên bố yêu cầu chính quyền trước hết
phải công khai nhận lỗi với nhân dân và xin lỗi, phục hồi danh dự cho
những con em các bà đã bị tàn sát rất thê thảm.
Năm
nay công luận thế giới mong muốn được biết con số thanh niên và sinh
viên bị giết hại là bao nhiêu. Những con số công bố từ những nguồn khác
nhau lại sai biệt nhau đến hàng trăm lần. Vì cuộc tàn sát đẫm máu diễn
ra tập trung ở một quảng trường 4 kilômét vuông vào nửa đêm, tờ mờ sáng
đã kết thúc, 2 quân đoàn có nhiệm vụ chở ngay xác nạn nhân ra ngoại ô để
phi tang, cả quảng trường được quét dọn, phun nước rửa ngay trong ánh
đèn chiếu, không cho một nhà báo nào đi vào khu vực. Bức ảnh anh J.
Widener chụp được là khi đoàn xe tăng chưa vào trong khu vực thiết quân
luật.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh hồi đó
lấp liếm rằng chỉ có vài chục dân thường bị chết, binh sỹ các quân đoàn
có 200 người bị «bọn lưu manh» giết hại. Trong khi đó các cơ quan tình
báo Anh và Hoa Kỳ cho rằng số thanh niên và sinh viên bị thảm sát là
khoảng 3.600, số bị thương là 6.000. Hội Hồng Thập Tự quốc tế có quan hệ
với các bệnh viện Bắc Kinh cho rằng số thanh niên, sinh viên bị chết ít
nhất là 2.500, số bị thương không dưới 5.000. Theo nguồn từ các chiến
sỹ dân chủ như Vương Đan thì số thanh niên bị tàn sát là khoảng trên
5.000, số bị thương là gần 10.000. Hội các bà mẹ Thiên An Môn đã có danh
sách hơn 1.000 bà; vì không ít bà mẹ đau buồn vì mất con nhưng lo sợ bị
trả thù nên e ngại tham gia tổ chức.
Năm
nay cuộc tàn sát Thiên An Môn được nhắc đến nhiều hơn những năm trước
vì cuộc thức tỉnh mùa Xuân 2011 trong thế giới A-rập đang diễn ra sôi
nổi, các cuộc tàn sát dân thường, được gọi là «cuộc chiến tranh một phía
» (one-sided war) bị toàn thế giới lên án mạnh mẽ, một số nhóm độc tài
hung hãn bị thế giới dân chủ văn minh trừng phạt qua những cuộc can
thiệp quân sự chính đáng và có hiệu quả.
Cuộc
tàn sát quy mô lớn ở Quảng trường Thiên An Môn 22 năm trước không thể
rơi vào quên lãng. Trí nhớ của dân tộc Trung Hoa không thể quên đi một
tội ác lớn đến như vậy. Tinh thần đấu tranh bền bỉ của hàng nghìn bà mẹ
Thiên An Môn thật đáng ca ngợi và cảm phục.
*
Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được
đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay
lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment