Sunday, June 5, 2011

Sức Dân Sẽ Cứu Biển

Trần Khải - Có phải Trung Quốc chỉ muốn đưa ra một phép thử thôi, chứ chưa thật là muốn đánh? Có phải chỉ là nắn gân, chứ chưa thật là muốn bẻ cho gãy tay hay muốn vặn cho gãy giò? Có phảỉ chỉ là muốn thăm dò, chứ chưa thật muốn hải chiến?


Chuyện đời không đơn giản trắng đen, huống gì là chuyện TQ trăm mưu nghìn kế. Đừng nói rằng đó là thử hay thăm dò, cứ nhìn ra góc phố là thấy liền: khi nàng nghe lời mật ngọt, tưởng là chàng chỉ muốn nắm tay thôi, thực ra trong đầu chàng đã bày sẵn cạm bẫy để chiếm gọn toàn thân nàng rồi. Thế nên, tưởng là vài chuyện nhỏ tranh chấp nơi vùng đánh bắt cá, nhưng chuyện tàu chiến TQ quấy nhiễu Biển Đông không phải là thử, mà là chuyện thật cả.

Câu chuyện lúc đầu tưởng đâu vào Khối ASEAN là nói chuyện được đa phương với Trung Quốc, nhưng không ngờ Khối ASEAN cũng đâu có thật lòng bênh vực VN toàn lực đâu. Thậm chí, trong lúc Việt Nam dầu sôi lửa bỏng vì tàu chiến TQ vào quấy rối, thì Miến Điện, nước có thể lên làm Chủ Tịch ASEAN vào năm 2014, lại bày tỏ thân thiết thêm với TQ: Mới mấy ngày trước, trong chuyến công du chính thức Trung Quốc lần đầu tiên, Tổng thống Thein Sein của Miến Điện nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Miến Điện được nâng lên một tầm mới và khẳng định Trung Quốc là đối tác chiến lược thân thiết nhất và quan trọng nhất đối với Miến Điện. Như thế, không cách chi mà VN có thể tin vào ASEAN, bởi vì kể cả người đàn em Lào Quốc và Cam Bốt bây giờ cũng nghiêng về TQ quá độ thân thiết.

Tương lai, nếu trong viễn ảnh không dựa vào ASEAN được, VN nên ứng phó thế nào với TQ hung hãn?

Điều chúng ta nên tin rằng, Biển Đông thực sự là lợi ích cốt lõi của TQ, cho dù nhà nước Bắc Kinh có muốn nói ra minh danh hay không. Còn những chuyện khác, thí dụ như bơm tiền mở các sòng bài và trồng rừng cao su ở Lào và Cam Bốt, hay mở các trường đạị học cho các nước trong vùng, hay ngay cả chuyện khai thác mỏ bauxite trên vùng Tây Nguyên của VN, và ngay cả việc thuê đất VN để trồng rừng… chỉ là chuyện nhỏ đối với TQ.

Tất cả có vẻ như là mưu kế năm xưa của Hàn Tín khi đưa quân đánh Chương Hàm, gọi là mưu kế Minh Tu Sạn Đạo, Ám Lộ Trần Thương, giả vờ ầm ĩ sửa đường sạn đạo, nhưng lặng lẽ đưa đại quân đi trên đường Trần Thương để đánh úp Chương Hàm.

Bây giờ TQ cũng thế, mưu kế lộ hẳn ra rồi: mọi chuyện khác chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn là các mỏ dầu ở Biển Đông. Lý do, dầu tuy chỉ là năng lượng, nhưng cũng là vũ khí chiến lược, vừa dùng để tự vệ, để không bị nước nào bao vây, xiết đường vận chuyển dầu khí để xử ép, vừa dùng để tấn công, vì có thể giúp đầu cơ, tăng giá dầu khí để quấy rối thị trường toàn cầu.

Trường hợp này quả nhiên khó xử cho Việt Nam, vì nếu quá cứng rắn tất có cơ nguy thua trận, nhưng nếu nhường nhịn quá thì sẽ bị lấn tới hoài, sẽ mất biển. Nghĩa là, tiến thoáí lưỡng nan. Thêm nữa, trong khi chúng ta nói rằng VN có chính nghĩa, vì vùng biển (các nơi tàu chiến TQ quấy rối) thấy rõ là trong vùng đặc quyền kinh tế của biển VN, thì TQ có thể cũng có những lý do thầm kín nào mà chúng ta chưa hiểu (thí dụ, giả sử như chúng ta hình dung: nhà nước Bắc Kinh có thể nói rằng Bác Hồ lúc làm hôn lễ với Cô Nương Tăng Tuyết Minh thì có khất rằng quà cưới sẽ hẹn giao nộp sau… và thế là chiếc lược (nửa Thác Bản Giốc), chiếc trâm cài (vài trăm mét nơi Ải Nam Quan) đã nộp nhưng vẫn chưa đủ, vẫn cần thêm xâu chuỗi ngọc trai Biển Đông mới trọn tình đủ nghĩa?).

Có trời mà biết những gì Hà Nội và Bắc Kinh trước giờ thương thuyết mật.

Tuy nhiên, cần thấy rằng Trung Quốc ngày càng khát dầu, trong khi nguồn dầu thế giới ngày một khan hiếm. Không chỉ TQ, mà cả thế giới đều sẽ khan hiếm dầu, kể từ năm 2015: bản phúc trình của Bộ Tư Lệnh Liên Quân Hoa Kỳ (US Joint Forces Command) viết như thế, và Tướng James N Mattis dự đoán có thể sớm lắm là năm 2015, nhân loại sẽ thiếu dầu tới mức kinh khủng (US military warns oil output may dip causing massive shortages by 2015, http://www.guardian.co.uk/business/2010/apr/11/peak-oil-production-supply, Sunday 11 April 2010)

Trong khi đó, theo trang EvaluateEnergy.com hiện nay Trung Quốc phải nhập cảng dầu tới 58% lượng tiêu thụ quốc nội. Cùng lúc là, nguồn dầu thế giới dự kiến sẽ cạn trong thế kỷ này, và nếu nhân loại giữ y tốc độ xài dầu như hiện nay, các mỏ dầu sẽ cạn vào 40 năm tới, theo ước tính của International Energy Agency (The Guardian, ngày 10/11/2009). Như thế, Trung Quốc phải lo chiếm nguồn dầu Biển Đông là chuyện dễ hiểu, chứ còn trồng rừng cao su ở Lào Quốc chỉ là giả vờ làm Minh Tu Sạn Đạo thôi.

Cần phảỉ thấy, cuộc chiến sắp tới phải là cuộc chiến toàn lực và là cuộc chiến toàn dân (với cả hỗ trợ từ người Việt hải ngoại), chứ không thể là cuộc chiến thuần túy quân sự.

Hãy hình dung rằng, Trung Quốc sẽ suy nghĩ rằng, TQ đã từng đánh chiếm đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 (lúc đó, quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị chìm một chiến hạm, hư hại ba chiến hạm khác, trong khi tử trận 58 chiến binh, bị thương 16 người và bị Hảỉ Quân TQ bắt 48 thủy thủ). Và rồi quốc tế vẫn để yên, không ai tới làm khó dễ gì Trung Quốc nữa, dù là về mặt pháp lý quốc tế hay là quân sự hải chiến.

TQ cũng sẽ suy nghĩ thêm, TQ cũng đã đánh chiếm nhiều đảo vùng Trường Sa của VN ngày 14/3/1988 (bấy giờ, VN đã thống nhất), làm VN mất 3 tàu chiến, tử trận 64 chiến binh.

Điều cần ghi nhận rằng, lúc đó, “Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một hiệp ước liên minh quân sự (tháng 11-1978). Tháng 5 năm 1988, hai tháng sau cuộc hải chiến này, một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang “đa phương hóa”.” (Theo Wikipedia)

Nghĩa là, Nga (cựu Liên Xô) đã nhiều lần sẵn sàng đưa quân vào các cộng hòa cựu Xô Viết, nhưng lại không chịu bênh vực VN trong trận này. thực tế là xa quá, và tốn kém quá. Hãy hình dung thế này, khi Hoa Kỳ còn giá xăng 3.50 đôla/gallon, thì xăng này đưa qua cho cuộc chiến Afghanistan lên tới giá 400 đôla/gallon vì cộng thêm chi phí vận chuyển, an ninh, kho chứa… Do vậy, tương tự, hễ xa quá là khó mà mời gọi Nga hay Ấn Độ tới giúp VN. Chỉ duy có một nước hào hiệp chịu đi xa, chịu tốn tiền, và không hề muốn chiếm đất, chiếm đảo nào hết… là Hoa Kỳ, thì nhà nước VN đã tuyên bố liên tục rằng Mỹ là thù địch vì xúi giục diễn biến hòa bình, cứ đòi nhân quyền và dân chủ….

Chưa hết, kể thêm chuyện nữa, rằng vào tháng 2 năm 1995, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm đảo đá ngầm Vành khăn (Mischief reef) từ Phi Luật Tân, và giữ luôn cho tới bây giờ.

Quốc tế có ai nói gì đâu? Có ai dám đưa quân hỏi tội Trung Quốc, kiểu như Mỹ đưa quân vào cứu Kuwait khi nước này bị Iraq (lúc đó, Saddam Hussein là nguyên thủ Iraq) đánh chiếm không? Không, không gì hết.
TQ đã chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của VN, chiếm một phần Trường Sa của Phi Luật Tân…. và mọi chuyện êm luôn tới giờ.

Không phải thử hay nắn gân gì hết: Thực tế là cần dầu. Thông tấn VietnamNet tuần qua có bản tin dẫn từ Tân Hoa Xã, nói công ty dầu quốc doanh CNOOC của TQ có kế hoạch thăm dò và khai thác 12 lô ở khu vực đông Biển Đông và 7 lô ở phía tây Biển Đông, sẽ đầu tư 54 tỉ USD trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Nếu chúng ta trải bản đồ ra mặt bàn, 7 lô phía tây Biển Đông là ở đâu, nếu không phải là sát bờ biển VN? Cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhà nước VN trong cơ hội này sẽ có một vũ khí lợi hại nhất: đó là lòng dân sôi sục đòi giữ biển, giữ đảo, cũng là giữ tài sản dầu khí cho con cháu mai sau. Một biểu hiện tuyệt vời là một số hackers Việt Nam, những chàng tráng sĩ mạng, đêm 1/6 và sáng 2/6 đã tấn công nhiều trang mạng chính phủ TQ. Lòng dân sôi sục như thế, là một điểm tựa lớn cho chính phủ.

Nếu không dựa vào sức dân, VN sẽ dần dần mất hết, vì càng lùi, là càng bị lấn tới. Nhưng nếu chúng ta quyết liệt, cũng có thể sẽ mất thêm như các trận hải chiến 1974 và 1988.

Xin đề nghị với nhà nước VN:

- hãy tuyên bố tổ quốc lâm nguy, và rằng chính phủ cần lòng dân muôn người như một để giữ nước;

- chính phủ tuyên bố sẽ lập tức trả tự do cho tất cả dân oan, tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo;

- tuyên bố sẽ lập lộ trình 5 năm chuyển đổi chế độ độc đảng sang đa đảng (lúc đó, những quan chức của 2 chế độ thời nội chiến hầu hết sẽ từ trần, sẽ không còn bao nhiêu ký ức về thời đau đớn này);

- mời Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ làm Trưởng Ban Tư Vấn Pháp Lý, LS Lê Công Định làm Phó Ban, mời các anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chị Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung… vào Ban này, để lập hồ sơ kiện TQ ra LHQ, trong khi dùng mọi phương tiện để giáo dục toàn dân về hiểm họa mất nước;

- lập tức cho biểu tình hàng tuần trước tòa đại sứ TQ, quay phim lên TV cho cả nước xem;

- tuyên bố tách rời đảng ra khỏi chính quyền, lập tức cho dân được lập các xã hội dân sự và các xã hội dân sự có quyền giám sát và tham dự vào một số các cơ chế chính quyền;

- tuyên bố sẽ mở Đại Hội Diên Hồng với tham dự của mọi thành phần Kinh, Thượng, Hmong, đảng pháí hải ngoại… để góp ý về lộ trình chuyển đổi chế độ.

Giây phút này là lúc để có những bước chuyển đổi quyết liệt. Nếu lúc này mà không làm được như thế, VN sẽ không tận dụng được sức mạnh toàn dân, cả trong lẫn ngoài. Nếu còn do dự, VN cơ nguy không chỉ mất biển, mất đảo, mà viễn ảnh trở thành một Tây Tạng, Tân Cương thấy rất rõ ràng.

No comments:

Post a Comment