Tàu hải giám của Trung Quốc trên Biển Đông (DR)
Nguyễn Hoàng Hà - Vụ
tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn
Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang khiến dư luận hết sức
bất bình, chẳng khác nào như giọt nước rót vào ly nước vốn đã đầy làm
tràn ly.
Sau biết bao cuộc gây hấn đem tàu chiến, tàu giả dạng đánh cá
trong ngư trường Việt Nam, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá
trên khu vực chủ quyền biển của quốc gia mình, gây chết chóc và phá
họai tài sản của họ; tung hàng mấy chục tỷ đô la để xây dựng mới và tân
trang lại những đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm đóng của Việt Nam,
hung hăng tự mình vẽ đường hàng hải quốc tế vơ cả biển của Việt Nam và
nhiều nước làm của mình, coi thường dư luận, Trung Quốc đã làm dấy lên
phong trào phản đối mạnh mẽ bao giờ hết tại Việt Nam và dư luận quốc tế.
Nhiều báo chí trong và ngoài nước đã phanh phui mổ xẻ sự kiện bạo ngược này. Báo Lao Động
đã có bài phân tích rất chính xác của tác giả Nguyễn Đăng Thắng (nghiên
cứu sinh Luật tại Vương quốc Anh) khi nói rằng: “Việc Trung Quốc lớn
tiếng tuyên bố yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động là
không thể chấp nhận được, bởi nó không dựa trên bất cứ một cơ sở nào
trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển. Việc xác định vùng biển theo
pháp luật quốc tế bắt nguồn từ nguyên tắc rất cơ bản: “Đất thống trị
biển”. Nội hàm của nguyên tắc này đó là quốc gia nào có bờ biển ở đâu
thì sẽ có vùng biển ở đó. Có thể minh họa một cách sinh động nguyên tắc
này bằng “hình” và “bóng”: Không có hình (bờ biển) thì làm sao có bóng
(vùng biển)? Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên và cơ bản nói trên,
đó là có bờ biển, thì một quốc gia mới có thể nói đến chuyện có được các
yêu sách vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển – thông thường
không quá 200 hải lý. Với thực tế địa lý của mình, Trung Quốc không thể
có yêu sách về vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu
vực xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 – nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340
hải lý. Thậm chí, nếu Trung Quốc cố tình cho rằng vị trí hoạt động của
tàu Bình Minh 02 sáng 26/5 nằm trên thềm lục địa kéo dài vượt ra ngoài
200 hải lý thì cũng phải phù hợp nguyên tắc đó là yêu sách về thềm lục
địa kéo dài ngoài 200 hải lý không được chồng lấn lên vùng biển nằm
trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác”.
Hay
như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung
Quốc đã nói: “Hành động tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam
đã thể hiện tính ngang ngược của họ. Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò,
nhận khu vực trong đó là hải phận của họ. Thực tế điểm họ cắt cáp cách
rất xa lãnh hải Trung Quốc. Họ vẽ đường lưỡi bò, nhưng họ không được
nước nào công nhận cả. Trong khi Trung Quốc nêu 16 chữ trong quan hệ với
Việt Nam thì hành động của họ thực tế lại đi ngược lại phương châm đó.
Việc này cũng cho thấy ta phải đưa vấn đề ra công khai đấu tranh, lên
tiếng mạnh mẽ hơn nữa, đưa các tài liệu chứng cứ. Ta cũng cần phải gửi
công hàm lên Liên Hiệp Quốc tố cáo họ vi phạm Luật biển Liên Hiệp Quốc,
vi phạm vào hải phận của chúng ta”.
Đa
số nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế cho rằng đó là đòn nắn gân sức
mạnh của Việt Nam để tiếp đó họ có những kế sách tiếp theo. Vậy tại sao
Trung quốc lại có thể ngạo mạn hành động thô bạo đến như vậy? Có mấy lý
do cần phải nói đến:
(1) Từ xưa đến
nay Việt Nam luôn luôn giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với Trung quốc.
Nhưng ai cũng biết cha ông chúng ta xưa cũng thế, mà Trung quốc không
thể dám gây hấn hay hành động thô bạo như hiện nay. Vì sao? Vì sách lược
của cha ông ta là mềm dẻo nhưng kiên quyết. Hàng năm vua chúa phong
kiến Việt Nam vẫn mang sản phẩm quý lạ sang Trung quốc tặng thí, nhưng
một khi họ đem quân đe dọa thì cha ông ta kiên quyết đánh chặn, thậm chí
các vua chúa Việt Nam còn tấn công thẳng vào nơi vua chúa Trung Quốc
đang chuẩn bị lương thực, vũ khí để xâm lược Việt Nam như lịch sử đã ghi
thời nhà Lý. Lý Thường Kiệt khi biết được âm mưu chuẩn bị tấn công Việt
Nam của nhà Tống, ông đã cho quân tấn công thẳng vào Ung Châu Trung
Quốc, phá hết lương thảo, đốt sạch vũ khí mà quân nhà Tống đang tích trữ
để xâm lược Việt Nam khiến vua Tống phải kinh sợ.
Mối
quan hệ Việt Trung ngày nay không như vậy, Việt Nam đã quá nhún nhường
đến mức họ coi thường, thậm chí ngạo mạn tự coi mình là bề trên, phớt lờ
những nguyên tắc quan hệ ngoại giao sơ đẳng nhất. Tại sao nói vậy? Vì
ai cũng biết việc Trung Quốc đem tàu chiến hay tàu chiến cũ tân trang
lại giả dạng tàu đánh cá xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam, có lúc họ vào
cả khu vực Dung Quất, khu vực trong vòng 200 hải lý như quy định của
luật quốc tế, bắt bớ, thu tàu lưới của ngư dân Việt Nam, thậm chí đâm vỡ
tàu gây chết người, mất tài sản, bắt nộp phạt, v.v. nhưng phía Việt Nam
phản ứng thật là yếu ớt. Chỉ có vài lời ngắn gọn và quen thuộc của bà
Nguyễn Phương Nga khiến họ xem nhờn, chẳng để vào tai, việc gì họ làm họ
cứ làm, tự tung tự tác ra vào biển của Việt Nam như chốn ao nhà họ. Lại
còn một vài cá nhân bị bùa mê của các thứ khẩu hiệu nhì nhằng bốn tốt,
mười mấy chữ vàng mà quên hết cái họa đang đến, chẳng nhìn thấy con dao
bầu sáng loáng “bạn tốt” để sau lưng, chỉ loáng qua một cái là đầu rơi
lúc nào không biết. Họ còn tin vào thương lượng hữu nghị, đơn phương như
Trung Quốc vẫn hằng ru, chứ không muốn nghe các góp ý của các công thần
là đem chuyện đại sự liên hệ đến vận mệnh quốc gia dân tộc ra bàn dân
thiên hạ, ra tòa án quốc tế và khu vực để giải quyết tranh chấp lãnh hải
chủ quyền đảo biển của Việt Nam. Đến hôm nay không biết những người này
có còn biện minh được nữa không, hay bùa mê vẫn làm lú trí?
2.
Một lý do nữa, Trung Quốc đã thấy rõ, nhiều năm qua, khi vì lòng yêu
nước nhiều đồng bào, chiến sỹ, các trí thức, các nhà báo… tự mình đến
trước đại sự quán hay lãnh sự quán Trung quốc tại Hà nội hay thành phố
Hồ Chí Minh để tỏ thái độ bất bình lên án thì chẳng những chính phủ Việt
Nam không hoan nghênh mà lại còn bắt bớ, giam cầm. Nhiều nhà báo viết
lên tiếng nói của mình, của bạn đọc phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa,
Trường Sa thì bị mất nghề, thậm chí bị bắt giam. Ngọn lửa yêu nước đó
như bị dội những thùng nước lạnh làm buốt tim, khiến cho nó không thể
bùng cháy, tiếp thêm sức mạnh vốn đã bao đời cha ông ta dày công hun
đắp, mà bị tàn lụi đi. Từ đó Trung quốc cho là nhà nước Việt Nam sợ một
Trung quốc mạnh, nên cứ diễn hoài vở tuồng vào ra đất nước Việt Nam mà
không hề biết sợ, cái gì của hàng xóm cũng cho là của mình tha hồ vơ vét
“tháo nhể”.
Vũ khí, sức mạnh quân sự
để phòng thủ đất nước là điều quan trọng, nhưng lòng yêu nước của toàn
dân, tình đoàn kết trên dưới một bề trong ngoài của người Việt Nam mới
là cái quyết định trên tất cả, nếu không có cái sức mạnh này thì vũ khí
kia chỉ là mớ sắt vụn không hơn không kém.
Ngày
nay sao nhà nước ta chỉ lo mở rộng Hà Nội? Hết mở đông lại sang tây,
hết phía bắc lại phía nam, thậm chí định còn mở cả thành phố lớn trên
sông Hồng. Thử hỏi nước nếu mất thì nhà ở đâu? Xây gì cho lắm, khi đạo
đức cán bộ không được vun đắp, thiếu kỷ cương, thì đó chỉ là miếng mồi
làm phát sinh tham nhũng. Hết cắt đất công, đất ruộng đem bán, nay lại
lấy đất của dân cho nên oán giận ngút trời, sao có thể đoàn kết lòng
người quy vào một mối mà lo giữ nước? Họa phương Bắc cướp biển hiện hữu,
là tình trạng có thật và đang trong cơn nguy hại lửa đã bén rơm, nhưng
hễ ai muốn nói ra đều quy cho là “vấn đề nhạy cảm” và cho là nói xấu,
làm mất an ninh đất nước. Người công thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
như Tướng Đồng Sỹ Nguyên góp ý chẳng nghe, hay nghe để đấy, ông nói mặc
ông. Đến những tri thức con nhà cách mạng như Cù Huy Hà vũ, như hàng nhà
trí thức, giáo sư đầy nhiệt huyết góp ý cũng mặc, thậm chí đem lao lý
khoác vào cổ họ thì sao có thể hun đúc sức mạnh nhân dân? Trung Quốc
biết rất rõ điều này nên nay làm liều như vậy, họ đâu có sợ. Chúng ta
tại sao không nghe những người đạo đức, những người ưu tú đó của đất
nước mà lại đi nghe lời ru ngủ của Trung quốc kẻ đã vừa mới đem quân
giết hại dân mình nay đang cướp biển đảo của mình? Nghe ai đó là điều
cần phải suy xét cân nhắc, ta nghe Phật, nghe Thánh, nghe những người
công thần, những người yêu nước vốn đã quyên mình vì đất nước hay nghe
kẻ cướp đây? Đó là tùy theo nơi bạn, nơi anh, nơi chị.
Kiều
bào của đất Việt ở nước ngoài ăn chắt để dè, hàng năm gửi về 20 tỷ đô
la tạo nguồn sinh khí để xây dựng đất nước. Tiền thì được khuyến khích
gửi, nhưng nếu ai đó mua đất thì không thể đứng tên, mọi thứ rào ngăn
không để họ có một chỗ đứng. Vậy chỗ của họ ở đâu trong đất nước và
trong lòng dân tộc này? Cái gọi là “đoàn kết toàn dân” hay “kiều bào ta
khúc ruột Việt Nam” mỗi khi được ai đó cất lên trong những ngày lễ đón
giao thừa hay ngày hội lớn dân tộc thì chỉ khiến làm họ mủi lòng, xót xa
chứ khó sinh đồng cảm.
Biển Đông
đang dậy sóng, gió phương Bắc thổi về làm nó dâng cao như sóng lừng. Làm
gì đây để giữ yên lòng dân, giữ vững chủ quyền đất nước, đảo, biển đó
là những thách thức và trách nhiệm đòi hỏi người cầm quân, lái con tàu
đất nước phải lo lắng giải quyết. Thắng hay thua, thành hay bại đều là ở
chốn này.
Nam quốc sơn hà nam đế cư!
Đất
nước Việt Nam còn hay mất, thịnh hay suy đang phải trông vào mỗi người
lãnh đạo có trách nhiệm cao của đất nước và của mọi người con đất Việt ở
khắp mọi nơi, trên biển hay dưới xuôi, ở trong hay ở ngoài nước.
Trang
báo hôm nay chắc đã ướt bởi nước mắt người con đất Việt xa xứ, lại cũng
đau thêm lòng người Việt quê nhà. Viết báo hôm nay như để khóc để than,
ngòi bút đó nghe có cả máu và vị mặn của người viết khi trang báo đến
phải kết thúc.
Ngày 1 tháng 6 năm 2011
N. H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment