Sunday, June 5, 2011

Hàng ngàn người đã tham gia biểu tình chống TQ



Mặc dù có nhiều bàn cãi trên các trang mạng xã hội và các trang blog về chuyện nên hay không nên tham gia biểu tình, trong khi việc kêu gọi không phải do nhà nước đứng ra và tại một số trường đại học xuất hiện những thông báo ngăn cản sinh viên tham gia biểu tình, đe dọa đuổi học, nhưng biểu tình vẫn diễn ra tại 2 địa điểm như đã định.

Cho tới nay nhiều hình ảnh và tin tức đã tràn ngập trên các trang lề trái và blog nhưng các trang web lề phải giữ thái độ hoàn toàn im lặng: Không thấy, không nhìn, không đưa tin.

Một hai ngày trước biểu tình cũng xuất hiện những tranh cãi về Việt Tân khi đảng này bỗng đưa ra lời kêu gọi trùng ngày với trang Nhật Ký yêu nước. Lời kêu gọi đó đã gây ngần ngại với nhiều bạn trẻ.

‘Hàng ngàn người’

Ghi nhận từ các nhân chứng cho biết, tại Sài Sòn khoảng trên 3000 người đã tham gia. Lực lượng an ninh hầu như không trực tiếp ngăn cản dù họ có mặt khá đông đảo.

Đêm trước ngày biểu tình, nhiều chốt chặn của an ninh đã được thiết lập xung quanh Lãnh sự quán TQ tại TP.HCM. Bên cạnh các ông an mặc sắc phụ, nhân chứng nói có nhiều người mặc thường phục nhưng với bộ đàm trong tay có thể là công an.

Các xe phá sóng điện thoại hoạt động liên tục trong khu vực biểu tình nhằm ngăn cản sự liên hệ hay kêu gọi, liên kết từ các nhóm biểu tình.

Theo tin từ Blog Anhbasam, trong dòng người biểu tình, người ta thấy các gương mặt quen thuộc với các bài viết chống Trung Quốc lâu nay trên mạng như Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, ông Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đình Đầu, các thành viên Câu lạc bộ Phao Lồ Nguyễn Văn Bình với khẩu hiệu “Hòa bình&Công lý cho Biển Đông” … 

Dân Làm Báo, vào lúc 9h sáng, đoàn biểu tình tuần hành trên tất cả các tuyến đường dẫn đến Lãnh sự quán TQ,  chật kín nhiều đoạn đường, kéo dài từ Nhà Thờ Đức Bà đến Lãnh sự quán Mỹ. Theo dự đoán, cuộc biểu tình sẽ kéo dài đến tận chiều nay, thậm chí có thể biểu tình qua đêm.

Tại Hà Nội dòng người cũng kéo về từ các ngả, Hàng Bông, Phan Đình Phùng, Điện Biên, Tràng Thi, bờ Hồ… Nhân chứng nói khoảng 1000- 2000 người. Khó biết chính xác vì gồm nhiều đoàn khác nhau, đi từ nhiều ngả.

Đoàn người mang theo cờ đỏ và các băng rôn, biểu ngữ cũng như các thông điệm in trên những tờ giấy A-4. Họ hát vang bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng“. Phố Hoàng Diệu, nơi có Đại sứ quán Trung Quốc bị chặn, đoàn biểu tình phải chia nhỏ ra nhiều tốp, đi lòng vòng trên những con phố kế cận. Một số tập trung tại Nhà hát lớn và vườn hoa Lý Thái Tổ.

Đa số những người tham dự là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Tuy vậy, cũng có ghi nhận rằng, có cụ cao niên 80 tuổi và bóng dáng của vài vị sư.

‘Không ngủ’

Đây là chi sẻ của nhiều bạn sinh viên trên các diễn đàn. Các bạn từ Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Kiến Trúc, Khoa học xã hội và Nhân Văn… vẫn tham gia theo từng nhóm nhỏ dù xét về mặt tổ chức, hành động của họ không được hoan nghênh.

Nhiều người đã thức cả đêm vì cảm giác phấn chấn chờ đợi xen lẫn lo âu, thấp thỏm và vì chuẩn bị áo phông, băng rôn, cờ quạt… Cả 3 thứ tiếng Trung, Việt và Anh được sử dụng trên các tấm băng rôn cả bằng hình thức in ấn lẫn tự tạo.

Vẫn qua các chia sẻ từ mạng xã hội, nhiều người đã tới tham dự từ các tỉnh thành xa. Có nhóm từ Vinh, Thái Bình… ra Hà Nội và có những người từ miền Tây Nam bộ tới Sài Gòn.

Bị cô lập

Nhiều nhà hoạt động dân chủ đã bị cô lập để không thể tham gia vào cuộc biểu tình lần này. Nhà cầm quyền không muốn hình ảnh của họ được công chúng biết tới hoặc sự có mặt của họ có thể làm khác đi thông điệp của đoàn người biểu tình.

Blogger Người Buôn Gió bị giữ khi vừa đặt chân tới Sài Gòn 2 ngày trước. Blogger Mẹ Nấm cũng bị giữ một ngày trước biểu tình. Uyên Vũ, Bùi Chát, Tạ Phong Tần bị canh gác kỹ.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Khắc Toàn cho biết, ông bị giữ chặt tại nhà và công an đã nói thẳng với ông là cuộc biểu tình này không được phép, ông không được tới đó.

Luật sư mới mãn hạn tù vài tháng trước, Nguyễn Văn Đài bị cấm cản ngay cả khi ông định đi lễ nhà Thờ vào ngày Chủ Nhật. Công an nói, nếu ông muốn tới nhà Thờ, họ sẽ đi cùng, còn nếu muốn tới nơi biểu tình thì không được.

Bên cạnh đó, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức…v.v từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2007 đều bị triệu tập, mời lên làm việc, cảnh cáo về việc không được tham gia cuộc biểu tình.

Dưới đây là một số hình ảnh:





Ảnh sử dụng của Dân Làm Báo và Anhbasam

No comments:

Post a Comment