“Chủ quyền của một quốc gia không
chỉ thuần là lãnh thổ/không phận/hải phận, mà còn là ý chí của dân tộc,
danh dự của quốc gia, và tư thế của chính phủ. Dân biểu tình chống giặc
mà tuyệt nhiên không dám viết chữ biểu tình trên bản tin, còn chính phủ
thì cứ vâng vâng dạ dạ, chiêu đãi trọng thị, bắt tay giặc bằng cả hai
tay v.v… thì chẳng hóa ra là thuộc hạng “hèn gay gắt” đó sao?" - blogger Đinh Tấn Lực
*
Gia Minh (RFA) - Chủ
đề được đa số các blog trong nước vào những ngày qua đưa ra là hoạt
động tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra hồi ngày 5 tháng
sáu vừa rồi ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hay thường được
gọi là Sài Gòn.
Biểu tình chống Bắc Kinh
Trước hết là những bài ghi lại diễn tiến của cuộc tuần hành biểu tình dưới dạng nhật ký.
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long
ghi lại sự kiện theo thứ tự thời gian từ khi cuộc tập trung hình thành
tại khu vực Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cho đến khi những người tham
gia tự giải tán.
Khung cảnh ở đó vào
lúc 7 giờ 30 phút được ông quan sát và so sánh với thời điểm biểu tình
cũng cùng mục đích hồi tháng 12 năm 2007 : “Những gì hiện diện hôm
nay, khác hẳn những gì đã xẩy ra cũng chính nơi này vào những ngày cuối
năm 2007, ngày diễn ra cuộc biểu tình to lớn của Học sinh và Sinh Viên
mà tôi đã tham dự và chứng kiến. Hôm nay, không thấy hàng rào CSCĐ với
trang phục mầu xám, giầy dã chiến, gậy gỗ trong tay đứng nối nhau thành
hàng rào quanh vườn hoa, không thấy sự cố tình phô bầy không khí răn đe
của những dẫy xe đặc chủng, xe vòi rồng, xe bịt bùng cùng đàn chó nghiệp
vụ.”
Ông ghi lại diễn biến của cuộc biểu tình lúc khởi sự như sau:
“8h 00 phút.
Bắt
đầu xuất hiện nhiều tốp sinh viên, học sinh áo phông đỏ từ nhiều hướng
tiến về phía vườn hoa đối diện với cổng Sứ Quán Trung Quốc đang đóng im
ỉm đầy mưu mô. Lập tức nhiều nhân viên an ninh bám sát những học sinh
sinh viên này. Không khí bắt đầu căng thẳng dần. Những lời tranh cãi qua
lại vọng đến tai tôi.
Người
đàn ông ngồi bên cạnh tôi bỗng nói lớn: Có chuyện rồi, đoạn ông vùng
dậy chạy đến chỗ đó, tôi cũng đứng dậy và lững thững tiến theo, chưa kịp
hỏi han thì nhận ra lão nghệ sĩ của Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch DH đang gay
gắt trước đám đông an ninh đủ loại :“Đi biểu tình là yêu nước! Cấm biểu
tình là bán nước!”. & “Bao nhiêu xương máu mới có được đất nước này
sao lại đi bênh vực bảo vệ cho bọn xâm lược?”, lập tức khẩu hiệu trên
giấy A4 đồng loạt được giơ cao cùng với những tiếng hô: VIỆT NAM! VIỆT
NAM! .
Công an có mặt tại đoàn biểu tình. kami's blog
Những
tiếng lách cách loạt xoạt của những máy ảnh công an, Camera an ninh vây
quanh ghi hình, nhận diện đám đông, tôi biết là hồ sơ về tôi, lại được
bổ xung thêm những tài liệu mới, tôi kịp đọc được nội dung của các khẩu
hiệu: “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, “Phản đối đường lưỡi bò
phi pháp”, “Chi na hàng xóm to xác mà xấu tính!”…"
Blogger Lê Dân với bài ‘Vừa đi vừa kể chuyện’ thuật lại hành trình của bản thân từ Bình Dương đến với cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Từ
Dĩ An- Bình Dương khởi hành vào tới ngã tư đường Trần Cao Vân – Hai Bà
Trưng thì bất ngờ gặp các anh CSGT dựng barrie không cho chạy vào đường
Trần Cao Vân hướng vào Hồ Con Rùa, đang phân vân nao núng tinh thần chưa
biết thế cuộc như thế nào ? Mọi người có tụ tập được hay không ? Hay là
đã bị dẹp tan từ trong trứng nước và tự kỷ mình đã chậm chân bỏ lỡ 1
dịp lớn của đất nước, 1 giai đoạn bước ngoặc của lịch sử đấu tranh vì
Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau 1
phút 15 giây định thần, mình suy nghĩ “nếu không cho mình đi đường này
thì mình đi đường khác, chả lẽ các chú ấy quây lại hết nhốt hết mọi
người không cho người dân di chuyển trong thành phố của mình à ?"
Blogger Lê Dân kể tiếp:
“Tất
cả các ngã tư ở các ngã đường xung quanh đường vào Lãnh Sự Quán Trung
Quốc (ngã tư Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai) ngã tư đường Hai
Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai, con đường rất ngắn ngủi Nguyễn Văn
Chiêm cũng bị chặn, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Pasteur
tất cả các ngã tư đều có barrie (tầm hơn 20 chốt). Vào đến đường Lê
Duẩn quẹo phải chạy vào tới vòng xoay sau lưng nhà thờ Đức Bà thì thấy
đoàn thanh niên đang thấp thoáng ở đường Phạm Ngọc Thạch đi lại (mừng
như bắt được Vàng) lúc này đoàn người tầm 300 người.
…cảm
nhận đầu tiên đập vào mặt mình về đoàn người tham gia là: rất “Sinh
Viên”, rất nhiệt huyết, còn trẻ và khỏe, các logo khẩu hiệu mang theo
được các nam thanh nữ tú làm từ đủ các vật liệu như là: cờ vải Việt Nam,
giấy A2, A3, A4, giấy bìa cứng, tờ lịch, có người còn cầm cả sách đi
biểu tình… rất tự phát để thể hiện lòng yêu nước của mọi người.
Sau
này còn có cả băng rôn mới được cập nhật (lúc 10h30) đưa về cho nó
“chuyên nghiệp”, còn về quần áo có người mặc áo cờ Việt Nam, áo in khẩu
hiệu phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa, cả viết chữ bằng
bút mực lên áo “tẩy chay hàng Trung Quốc”… có người mang nón công nhân
viết chữ Việt Nam nữa…. thật là muôn hình vạn trạng thể hiện phong phú
đúng như cá tính và phong cách của thanh niên Việt Nam."
Không cúi đầu
Ngoài
đối tượng tham gia đa số là thanh niên, còn có nhiều trí thức và những
thành phần người dân khác trong đoàn người tuần hành biểu tỏ thái độ
phản đối những hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam trên khu vực
Biển Đông.
Các bậc nhân sĩ trí thức cũng biểu tình ôn hòa đòi công lý và hòa bình trên biển Đông
Blogger Đông A có ý kiến: “Sáng
nay 5 tháng 6, hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra ở Hà Nội
và Sài Gòn, như tôi đã cảm thấy. Theo dõi các thông tin trên mạng, hai
cuộc biểu tình đã diễn ra tốt đẹp. Tôi cho rằng đây là một thành công
của chính phủ. Rất đáng ghi nhận. Bởi vì hai cuộc biểu tình này đem lại
nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất,
đây là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Thứ hai, hai cuộc biểu tình
cho thấy người dân ủng hộ Chính phủ, tin tưởng vào Chính phủ. Các thể
loại kiểu Việt Tân không có chỗ đứng ở Việt Nam, bất kể cố gắng dây máu
ăn phần thế nào, cũng chỉ bẽ bàng và thất bại mà thôi.
Các
thể loại thân Tàu đã không phá đám được hai cuộc biểu tình. Thứ ba, tâm
lý chịu kìm mén của dân chúng được giải tỏa. Thứ tư, hai cuộc biểu
tình cho thấy Đảng CS vẫn là lực lượng chính trị duy nhất ở Việt Nam có
khả năng lãnh đạo và tập hợp quần chúng.”
Nhà thơ Đỗ Trung Quân,
một người tham gia cuộc tuần hành biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh hôm
sáng ngày 5 tháng 6, có bài nói về cuộc gặp giữa trí thức, trong đó có
những vị từng lãnh đạo phong trào sinh viên trong cuộc chiến trước năm
1975 như ông Huỳnh Tấn Nẫm…. Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết : “Cuộc đối thoại trong trụ sở Thành đoàn TNCS TP":
Những
nhân vật trụ cột của Thành ủy: Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn
Thị Quyết Tâm… có mặt đủ. Thái độ của ông Nguyễn Văn Đua và các thành
viên được ghi nhận là nhã nhặn. Ông Nguyễn Chơn Trung [ Sáu Quang-Nguyên
Bí thư Đoàn TNCS TP ] lại không được nhã nhặn, ông đập tay xuống bàn
nói với ông Lê Hiếu Đằng : “Các anh muốn gì cũng phải có phương pháp
đúng đắn”.
Ông Lê Hiếu Đằng
[môi giựt, tay run]: “Anh không phải dạy chúng tôi về phương pháp…”. Ông
Cao Lập đứng bật đậy: “Tôi không thể tưởng tượng hôm nay anh Sáu Quang
tệ hại đến mức này”.Ông Huỳnh Tấn Mẫm điềm đạm “ Chúng tôi đã bày tỏ
xong thái độ. Nếu nhà nước hiểu lòng dân chúng tôi sẽ ủng hộ, nếu không
thì chúng tôi tiếp tục bày tỏ thái độ.
“Ông
Ba Đua vui vẻ gọi Andre Menras là “ đồng chí “. Andre – Hồ Cương Quyết
nói “ đồng chí không có nghĩa là cùng trong đảng. Từ lâu nay tôi đứng về
phía Việt Nam trong mọi cuộc chiến đấu chống sự bành trướng và xâm phạm
chủ quyền VN, cuộc tuần hành này cũng trong tinh thần ấy…. “Cuộc đối có
lúc khá thoại căng thẳng. Họ là những người từng đứng cùng một chiến
tuyến chống Mỹ trước 1975. Ông Lê Công Giàu, cựu Phó bí thư thường trực
Thành Đoàn, khét tiếng kiên cường trong tù đày, tra tấn.
Ông
Lê Hiếu Đằng, ngay cả khi đã giữ các trọng trách vẫn không vì phú quý
vinh hoa, cứ theo lẽ phải mà đấu tranh. Ông Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Tổng
hội sinh viên Sài Gòn, một người không chỉ nổi tiếng trong nước mà thành
tích đấu tranh trước năm 1975 của ông còn làm tốn nhiều giấy mực của
báo chí quốc tế.”
Blogger gocomay nhận định về cuộc biểu tình hôm ngày 5 tháng 6 tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn như sau: “Biểu
tình là một khái niệm rất quen thuộc ở những nước dân chủ, nhưng ở Việt
Nam (kể từ sau năm 1975 ở miền Nam và hầu như kể từ thời phong kiến đến
giờ ở miền Bắc) thì đó là một khái niệm ít ai dám nhắc đến, thậm chí
người ta tránh nhắc đến.
Hai chữ này như một thứ tai ương cho những ai dính líu đến nó.
Với
nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chuyện biểu tình đòi tự do dân chủ
là chuyện tuyệt đối cấm kỵ, không những thế mà chuyện biểu tình kêu gọi
lòng yêu nước của cộng đồng để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc
cũng bị dập tắt, hầu như tuyệt đối là vậy.
Chính
vì lẽ này, cuộc biểu tình sáng ngày 5 tháng 6 năm 2011 tại Sài Gòn và
Hà Nội đóng vai trò một sự kiện lớn, một cuộc cách mạng lớn của người
dân Việt Nam.”
Dáng đứng VN
Hình
ảnh của một thanh niên cầm tờ biểu ngữ trắng đứng trước tòa lãnh sự
Trung Quốc từ 10:45’ đến 13:45 phút ngày 5 tháng 6 vừa qua cũng khiến
nhiều người khác tỏ lòng kính phục và gọi tên đó là ‘Dáng Đứng Việt
Nam'. Trên blog Dân Làm Báo, người ký tên Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ :
Một thanh viên VN tại buổi biểu tình. danlambao's blog
“Thực
sự là không chỉ em mà rất nhiều người (có lẽ kể cả những người thuộc cơ
quan công quyền đang phải làm việc theo dõi nhúm người biểu tình) rất
khâm phục bạn ấy. Lúc bắt đầu là chừng 12h kém 15, chỉ còn lại chừng 100
người bị ...chìm và nổi xé lẻ khắp nơi, vượt qua hàng rào án ngữ trước
mặt một cách ôn hòa thì không được mà về không kèn không trống
thì...chìm và nổi cười tươi và vỗ tay thì hành động của bạn trẻ này là
nguồn cổ vũ rất lớn cho những người còn ở lại tới cùng.
Chìm
và nổi, cả đồng chí trai và đồng chí gái ra khuyên nhủ, nhưng bạn ấy
vẫn thản nhiên, không hề đáp lại. 3-4 người bạn của bạn ấy ngồi gần đó
tiếp nước, lau mồ hôi cho bạn ấy khi cần; một số người xa lạ như tụi em
thì cũng mua nước, tiếp nước.”
Cũng trên trang blog Dân Làm Báo này, tác giả Lai Trương Phước có bài thơ cảm tác :
“anh đứng đó
các bạn trẻ nán lại
những phủ dụ, anh lặng bỏ ngoài tai
bạn tiếp anh miếng nước, chiếc mũ che nắng trời
các bạn trẻ nán lại
những phủ dụ, anh lặng bỏ ngoài tai
bạn tiếp anh miếng nước, chiếc mũ che nắng trời
dáng anh đứng tạc thành pho tượng sống
dáng anh đứng run lên bao xung động
dáng anh đứng, thêm một dáng đứng Việt Nam
dáng anh đứng run lên bao xung động
dáng anh đứng, thêm một dáng đứng Việt Nam
"tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
nhưng hào kiệt thời nào cũng có"
anh đứng đó, trái tim tôi lệ nhỏ
thêm tin yêu tuổi trẻ Lạc Hồng
biển phía đó, vẫn ngàn năm sóng vỗ
hoàng hôn rồi, sẽ lại một hừng đông”
nhưng hào kiệt thời nào cũng có"
anh đứng đó, trái tim tôi lệ nhỏ
thêm tin yêu tuổi trẻ Lạc Hồng
biển phía đó, vẫn ngàn năm sóng vỗ
hoàng hôn rồi, sẽ lại một hừng đông”
Blogger Tuấn Khanh nghĩ đến tương lai của những hoạt động tương tự xảy ra hôm ngày 5 tháng 6 vừa qua như sau: “Chắc
sẽ không thể có được nhiều ngày 5 tháng 6, cũng như không có được nhiều
ngày như vậy để những kẻ xâm lược và giết ngư dân vô tội người Việt
trên Biển Đông phải lo lắng. Nhưng chí ít, chúng ta còn biết được rằng
mỗi thế hệ người Việt vẫn luôn tồn tại những lớp người không biết cúi
đầu trước kẻ mạnh.
Cám ơn
tất cả những người đã chia sẻ với tôi những câu chuyện về ngày 5 tháng
6. Nó tốt lành và giá trị với tôi hơn bản tin của TTXVN hay những kẻ
nhai lại sự kiện bằng loại nước bọt hèn hạ. Những suy nghĩ này, xin dành
gửi đến các bạn.”
Blogger Da Vàng
có lời nhắn nhủ động viên với những người tham gia cuộc biểu tình, tuần
hành hôm ngày 5 tháng 6 vừa qua ở hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ
Chí Minh của Việt Nam với bài tựa đề ‘Xin cứ Tự Tin với câu: “Ngược
với những đồn đoán vô căn cứ và khá nhiều lời răn đe để che giấu sự hèn
nhát của một số bậc “cha chú” , cuộc biểu tình chống âm mưu xâm lược của
Trung Quốc vào ngày 5.6.2011 trước Lãnh sự quán tại Sài Gòn đã diễn ra
rất đẹp về nhiều mặt.”
Kết thúc mục Điểm Blog kỳ này là phần viết của blogger Đinh Tấn Lực trong bài viết ‘Đi thì cũng dở, ở không xong’: “Chủ
quyền của một quốc gia không chỉ thuần là lãnh thổ/không phận/hải phận,
mà còn là ý chí của dân tộc, danh dự của quốc gia, và tư thế của chính
phủ. Dân biểu tình chống giặc mà tuyệt nhiên không dám viết chữ biểu
tình trên bản tin, còn chính phủ thì cứ vâng vâng dạ dạ, chiêu đãi trọng
thị, bắt tay giặc bằng cả hai tay v.v… thì chẳng hóa ra là thuộc hạng
“hèn gay gắt” đó sao?"
No comments:
Post a Comment