Wednesday, October 16, 2013

Xây dựng một chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam



LS.Trần Thanh Hiệp
Ghi chú : Đài Đáp Lời Sông Núi, ngày thứ Bảy 12-10-2013, đã phát sóng bài phỏng vấn Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền ở Paris, về việc thiết lập một chế độ chính trị hậu-cộng-sản trong t ương lai cho Việt Nam. Dưới đây là bản ghi âm có đọc lại của cuộc trao đổi giữa Ls Hiệp và Đài ĐLSN.

Thứ Bảy, ngày 12.10.2013
HẢI NGUYÊNKính chào quý vị thính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tuần này xin được thảo luận về “Một quan niệm chính trị mới cho một nước Việt Nam hậu Cộng Sản’’. Diễn giả là Luật Sư Trần Thanh Hiệp, cựu luật sư các tòa thượng thẩm ở Sài Gòn và Paris, Pháp. LS Trần Thanh Hiệp năm nay 85 tuổi, tham gia chính trường Việt Nam liên tục 60 năm qua, và hiện là chủ tịch Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền. Ông cư ngụ tại Paris thủ đô nước Pháp nhưng thường xuyên bôn ba khắp nơi và hiện đang có mặt tại California, Hoa Kỳ.
HẢI NGUYÊN (HN): Trước hết, xin LS cho biết, theo quan điểm của Ông thì chúng ta nên hiểu nhóm chữ “hậu cộng sản” như thế nào?
TRẦN THANH HIỆP (TTH): Trước khi trả lời các câu hỏi của qúy Đài, tôi thấy cần nói cho rõ hai điều sau đây : Thứ nhất, khi trả lời các câu hỏi mà Đài ĐLSN sẽ đặt cho tôi hôm nay, tôi chỉ muốn trình bày một số ý kiến của riêng tôi mà tôi cho là có thể góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước. Thứ hai, tôi không thiếu thận trọng đến mức coi đó là những chân lý hay hô hào mọi người hãy chấp nhận ý kiến của tôi như là những chân lý. Tôi rất mong sẽ không có những sự hiểu lầm, vô tình hay cố ý, về sự phát biểu của tôi.
Bây giờ tôi xin đi vào cuộc trao đổi với Đài ĐLSN. Theo tôi, bàn về một chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam là bàn về tương lai chính trị của Việt Nam. Vì thế, thành ngữ hậu-cộng-sản cần phải đuợc hiểu theo cả về nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Hẹp là có ý nói về thứ tự thời gian. Vậy chế độ hậu-cộng-sản là chế độ tiếp theo sau, và sẽ thay đổi hẳn, chế độ cộng sản là chế độ phải loại bỏ và đã được loại bỏ. Vì lẽ đó chế độ chính trị mới hay hậu-cộng-sản còn phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là chế độ này phải có những đặc tính bảo đảm ít ra là hai điều : Một mặt, nó phải chấm dứt được quốc nạn cộng sản và mặt khác, nó cũng phải ngăn giữ kỳ được không để cho quốc nạn này tái diễn trên đất nước thêm một lần nữa. Trong lịch sử thế giới hiện đại có một tiền lệ lịch sử đã được cả nhân loại trân trọng. Đó là sự thành công trong sự nghiệp phục hưng đất nước có thể nói rất đáng khâm phục của dân tộc Đức dưới ngọn cờ lãnh đạo của Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc.
HN: Xin LS nói rõ thêm về tiền lệ “Tây Đức” hay “Cộng Hòa Liên Bang Đức quốc” thông qua Bản Hiến Pháp hay còn gọi là “Luật Căn Bản 1949″ của Cộng Hòa Liên Bang Đức quốc.
TTH.- Năm 1945, sau chiến thắng của Đồng Minh, tập đoàn cầm quyền Na zi, phát xít Đức đã phải trả lời và thụ hình về những hành vi vô nhân đạo này trước tòa án quốc tế. Năm 1948, ba cường quốc Anh, Pháp và Mỹ đã tạo điều kiện cho bộ phận của dân tộc Đức, sinh sống trong vùng dưới quyền giám hộ của Đồng Minh, xây dựng lại đất nước. Và sự nghiệp phục hưng dân tộc này đã dựa trên một văn bản pháp lý có tên gọi là Luật Căn Bản 1949. Tuy gọi là Luật Căn Bản nhưng thực ra đó chính là bản Hiến Pháp xây dựng nước Đức thời hậu chiến. Vì nuớc này vẫn còn ở trong tình trạng chia đôi thành Tây Đức và Đông Đức nên phải đợi thống nhất xong mới đổi tên là Hiến Pháp. Trong văn bản lịch sử này, nếu chỉ để ý đọc điều 20, theo đó, Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc là một quốc gia liên bang dân chủ và xã hội thì đã chẳng thấy được giá trị đích thực của nó. Phải nghiên cứu nội dung của trên 20 điều đầu tiên của Luật Căn Bản 1949 mới ý thức được rằng văn bản này đã mang lại cho nhân loại trên địa hạt chính trị, nhân quyền, dân quyền những thành tố của một nền văn minh nhân bản mới. Đó là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Hiến Pháp Luật, một bản Hiến pháp đã đưa vấn đề nhân phẩm của con người lên hàng giá trị tuyệt đối làm nền tảng cho mọi cộng đồng nhân xã, cho hòa bình và công lý trên thế giới. Và để cho chủ trương này được thực thi, bản Hiến Pháp này đã buộc chính quyền phải triệt để tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ nó. Đồng thời bản Hiến pháp còn trù liệu thể hiện nhân phẩm bằng hơn 20 nhân quyền cơ bản, ghi rõ trong hiến pháp, với đòi hỏi rằng những điều khoản của hiến pháp dự liệu các nhân quyền này có hiệu lực áp dụng trực tiếp đối với cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chưa hết, Hiến pháp còn đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi cá nhân, tổ chức chính trị nào đi ngược lại chủ trương thượng tôn nhân phẩm, coi những cá nhân, tổ chức này là có hành vi vi hiến. Nói cách khác, Luật Căn Bản 1949 đã chính thức ngăn giữ không cho cực quyền toàn trị có thể tái xuất hiện trên chính trường nước Đức. Có thể nói rằng Luật Căn Bản 1959 đã kiện toàn để hoàn thiện “chế độ đại nghị” nguyên mẫu của Anh Quốc và bổ sung Hiến pháp cơ năng của Mỹ Quốc để cung cấp cho nhân loại một điển mẫu văn hóa chính trị tiên tiến nhất.
HN.- Theo LS thì có điều kiện tiên quyết nào cho việc thiết lập một nền chính trị “hậu cộng sản” ở Việt Nam không? Nếu có, thì sẽ phải là điều kiện như thế nào?
TTH.- Tất nhiên là nhất định phải có điều kiện tiên quyết. Vì độc tài đảng trị, toàn trị không thể sống chung với tự do dân chủ. Vậy điều kiện tiên quyết để xây dựng dân chủ là phải thanh toán độc tài. Cũng như ở Liên Xô và Đông Âu cũ thập niên 1990 và ở Bắc Phi, Trung Đông đầu thập niên 2000, bộ máy cai trị độc tài cộng sản ở Việt Nam, gồm có Đảng, Chính phủ và hệ thống tổ chức quần chúng công cụ, phải giải thể để nhường chỗ cho chế độ dân chủ tự do đặt nền móng xây dựng xã hội mới. Tuy nhiên, tình hình chuyển hóa độc tài sang dân chủ ở Việt Nam không đơn giản như lý thuyết. Cho nên ở đó độc tài vẫn còn tại chức. Vì vậy, phải kiếm ra được một phương thức chuyển hóa thích hợp, vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ. Phương thức này chi có thể đạt được mục đích nếu phe dân chủ đủ tài trí và thế lực để hành động thay vì chỉ bàn cãi suông về lập trường và lý thuyết chính trị. 
HN.- Trong hiện tình ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có thể làm được gì để dọn đường cho việc thiết lập một chế độ chính trị “hậu cộng sản”?
TTH.- Trong nước, ai cũng nhận thấy đảng cộng sản cầm quyền đang phải đối mặt với sự vùng dậy đòi nhân quyền, dân quyền của mọi tầng lớp xã hội. Trong khi đó, đảng này nội bộ chia rẽ trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành đại qui mô, kinh tế suy sụp tận đáy, đe dọa xâm lược phương Bắc ngày càng lớn, thiểu số lãnh đạo lại chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, để mặc cho bọn tay sai cấp dưới tự tung tự tác dầy xéo lên luật pháp cướp của giết người. Tôi tưởng rằng dân chúng, nhất là những người dân chủ đã dễ dàng thấy được đâu là phưong thức vừa giải thể độc tài vừa xây dựng dân chủ. Ở ngoài nước, tôi tự hỏi liệu những người dân chủ có dám tin rằng thời cơ đánh bại độc tài ở trong nước đang đến để mau lẹ củng cố lại hàng ngũ tranh đấu, rèn đúc cho sắc bén ý thức chính trị và đầu tư về mọi mặt cho tương lai đất nước. Một quốc gia Việt Nam mới, dân chủ tự do văn minh thịnh vượng sẽ không tự trên trời rơi xuống mà phải khai sinh bằng máu, nuớc mắt và mồ hôi của nhân dân.
HN- Liệu có thể tiến hành ngay từ lúc này những cải cách chính trị ở trong nước, và nếu cần, cả ở ngoài nước, như là khởi đầu cho công trình xây dựng một Việt Nam “hậu cộng sản” không?
TTH.- Những gì tôi đã trình bày ở trên cho phép tôi trả lời là “có thể” nếu mọi người đều muốn bắt tay vào việc thay vì chỉ nói mà không làm. Nhưng nếu không làm thì chắc chắn câu giải đáp sẽ không thể là gì khác hơn “không thể.
HN: Vì thì giờ có hạn, chúng tôi xin tạm ngưng chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA hôm nay tại đây. Cám ơn LS Trần Thanh Hiệp và hẹn gặp lại LS Thứ Bẩy tuần tới để tiếp tục thảo luận về “Quan niệm chính trị mới cho một nước Việt Nam hậu CS”.
© Trần Thanh Hiệp

Nguồn: Chuyển Hóa

No comments:

Post a Comment