Sunday, September 29, 2013

Gieo nhân gặp quả?



Lê Diễn Đức -Tờ Thanh Niên Online cho hay, sáng ngày 25/09/2013 nhà của ông Trần Trọng Hữu, Phó chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau, bị kẻ lạ tạt nước sơn và đồ dơ.

Đồng thời, ông Hữu cũng thừa nhận trước đó vào trưa 23/09, ông ta đã bị kẻ lạ mặt chặn đánh gây nhiều vết bầm trên cơ thể trên đường đi làm về. Theo nhận định của ông Hữu, thì sự việc xảy ra có thể liên quan đến công việc. Hiện vụ việc đã được gia đình ông Hữu trình báo với cơ quan công an.

Bốn anh em đánh nhau với công an ngày 18/6/2013 tại Tân Hưng, Long An - Ảnh:Bantinsom.vn

Sự việc cho ta thấy "kẻ lạ" đã áp dụng đúng bài chơi bẩn, tấn công những người yêu nước của bọn côn đồ xã hội được bảo kê bởi an ninh. Từ thời cụ Hoàng Minh Chính, tới Trần Khải Thanh Thuỷ, rồi Bùi Thị Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy hay Nguyễn Nhật Thành... đều bị vứt đồ dơ bẩn vào nhà, cửa tiệm. Những vụ hành hung dã man các bloggers JB Nguyễn Hữu Vinh, luật sư Lê Quốc Quân, Nguyễn Hoàng Vy, Trương Chí Dũng, Nguyễn Phương Uyên, Lê Quốc Quyết... là những trường hợp điển hình.
Ông Phó chánh án Trần Trọng Hữu trình báo công an cũng là dịp để nhắc nhở lại những điều hèn hạ, mất văn hoá nhất của họ trong cư xử với những người yêu nước.
Trong một xã hội bình thường, trừ bọn tội phạm, người dân rất ngại va chạm với cảnh sát, chống lại cảnh sát khi thi hành công vụ lại càng hiếm hoi. Ngay trong tổ chức mafia, một trong những nguyên tắc tối kỵ là các thành viên không được nổ súng vào cảnh sát khi không ở trong tình trạng bắt buộc.
Thế nhưng, ở Việt Nam, hiện tượng không tuân thủ hiệu lệnh, chống cự, thậm chí đánh lại cảnh sát xảy ra thường xuyên giữa ban ngày.
Ngày 28/07/2011, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn, thượng sĩ Luân thấy một thanh niên điều khiển xe gắn máy không đội nón bảo hiểm đã ra hiệu dừng xe lại để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên vừa xuống xe, người thanh niên liền chửi tục, đồng thời lấy tuýp sắt giấu trong xe và lao đến đánh cảnh sát này và phóng xe đi. Thanh niên này còn cầm dao, hung khí vào trụ sở Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh với ý định tiếp tục hành hung, nhưng không thấy thượng sĩ Luân nên anh này đã bỏ đi.
Ngày 2/07/2011 cô gái Phạm Thị Mỹ Linh, 18 tuổi, khi bị giữ xe đã tát cảnh sát giao thông ngay giữa đường phố. Ngày 7/6/2012, một thanh niên phạm luật giao thông đã dùng chai bia đánh cảnh sát tại thị trấn Đồng Đăng. Một người khác trong ngày 08/06/2013 đã dùng côn nhị khúc đánh cảnh sát giao thông. Ngày 15/09/2013, khi cảnh sát Cần Thơ đang thụ lý vụ va quẹt, ông Nguyễn Hoàng Cung từ ôtô bước xuống giật phiếu đo nồng độ cồn, dùng tay xô đẩy, lăng mạ và đánh cảnh sát. Vân vân...
Những vụ chống lại cảnh sát phải chăng là "gieo gió gặp bão", là "quả" từ cái "nhân" mà họ đã gieo rắc.
Tháng 4/2010, Nguyễn Trọng Hiếu, 27 tuổi, công an xã Diên Khánh, Khánh Hòa, đã đuổi theo một nam thanh niên Huỳnh Tấn Nam vì người này không đội mũ bảo hiểm. Trong quá trình truy đuổi, ông Hiếu đã dùng gậy giao thông đánh vào vai và gáy thanh niên, gây thương tích cho anh Nam 77%, xếp loại thương tật vĩnh viễn.
Ngày 25/07/2010, thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp đã đánh chết em Nguyễn Văn Khương tại đồn công an huyện Tân Yên vì đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đã khiến hàng ngàn dân Bắc Giang nổi cơn thịnh nộ, bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh đòi xử lý.
Tháng 8/2010 thiếu úy Trương Đình Hoàng, phòng cảnh sát giao thông thành phố Thái Nguyên, đã đuổi theo và bắn thủ đùi nữ sinh Hoàng Thị Trà.
Tháng 3/2011, Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã dã man đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng tại đồn công an, khiến ông tử vong.
Ngày 21/6/12 ông Nguyễn Mạnh Sơn bị một nhóm 7 công an Thạch Thất, Hà Nội, đánh chết.
Ngày 14/3/2013, anh Nghiêm Duy Hoàng, quê ở Thanh Hóa điều khiển xe máy qua ngã tư Minh Khai – Kim Ngưu thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị yêu cầu dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm nên đã bỏ chạy. Lập tức có một người mặc thường phục đuổi theo. Khi xe anh Hoàng dừng lại thì có một người mặc sắc phục cảnh sát dùng dùi cui lao ra để chặn lại đánh, khiến anh bị thương nặng, ngất xỉu phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.
Ngày 9/04/2013 anh Trần Văn Hiền, ngụ ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, bị đánh chết sau khi cãi nhau với cảnh sát giao thông.
Và rất nhiều các trừơng hợp khác nữa không thể nêu hết. Cái hoạ đụng độ cảnh sát giao thông có thể dẫn đến tử vong là nỗi ám ảnh nguời đi đường, trong khi tai nạn giao thông gia tăng chóng mặt, khoảng 12 ngàn người chết mỗi năm.
Nguy hiểm hơn, bất bình với xử sự của cơ quan công quyền, đã có những vụ trả thù, khủng bố vào cá nhân các lãnh đạo công an.
Căn nhà số 191, đường Lương Ngọc Quyến, của đại tá Nguyễn Như Tuấn, giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, bị bom nổ trong ngày 7/01/2012 là một ví dụ.
Ngày 30/7/2012 ông Nguyễn Viết Trương cho rằng đại tá Trần Ngọc Khánh, giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa không chịu giải quyết tranh chấp của mình với một số đối tác làm ăn, nên đã chế mìn tự tạo với ý định giết ông Khánh. Vụ nổ đã làm ông Trần Ngọc Khánh bị chấn thương nặng, sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 41%, xếp hạng thương tật vĩnh viễn.
Đỉnh điểm phải nói tới vụ nổ súng hoa cải của anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn vào lực lượng cưỡng chế tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Cuộc cưỡng chế trái với pháp luận này đã làm rung động dư luận trong và ngoài nước, như là biểu tượng vùng lên của người nông dân mất đất. Anh em Đoàn Văn Vươn đã phản kháng để bảo vệ thành quả tạo nên từ mồ hôi, xương máu của mình. Rốt cuộc phiên toà bất công đã kết án Đoàn Văn Vươn 5 năm tù về tội "giết người". Lẽ phải và công lý bị chà đạp, phiên toà là một vết nhơ không thể nào phai mờ của ngành tư pháp Việt Nam, tệ hại hơn cả toà án của thực dân Pháp khi được so sánh với vụ án Đồng Nọc Nạn gần một thế kỷ trước.
Đến lượt Đặng Ngọc Viết, bài toán được thực hiện theo cách khác, nâng lên mức táo bạo và sòng phẳng. Quá uất ức trước sự giải quyết bất công và không thoả đáng của cơ quan công quyền trong vụ thu hồi đất đai, anh Viết đã đổi mạng. Anh hoàn toàn ý thức được hành động của mình khi xông vào Quỹ Phát Triển Đất thuộc Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình, bắn chết Phó giám đốc Quỹ Vũ Ngọc Dũng và làm bị thương 4 người khác. Không để bị chế độ trả thù bằng lao tù, anh đã bình thản về nhà tắm rửa, chia tay cha, ra chùa lạy Phật Bà Quan Âm và bắn vào tim mình dưới tượng Phật.
Tất cả những trường hợp đối mặt, chống đối lại công an hay cơ quan công quyền ít nhiều đều dính tới mẫu số chung là "thượng bất chính, hạ tắc loạn" hoặc là "nhà dột từ nóc".
Chúng ta không ủng hộ bạo lực và khủng bố, nhưng những trường hợp bi kịch đã xảy ra có nguyên nhân của chúng. Có câu tục ngữ của Hy Lạp rằng, "kẻ đánh con lừa sẽ làm tổn thương túi tiền của mình".
Thực tế trong đời sống, những người đại diện cho cơ quan công quyền ngày càng làm bậy, sử dụng luật lệ rất tùy tiện hoặc không tôn trọng pháp luật, ăn hối lộ, trục lợi, nhũng nhiễu, hạch sách, xử lý các vụ việc bất lương, đánh mất hoàn toàn lòng tin của dân chúng vào công lý và công bằng xã hội. Tâm lý người dân không còn quá sợ chính quyền, họ đã tự xử theo phản ứng tự vệ bản năng, trở thành hiện tượng phổ biến và xã hội như bị loạn lạc, điên đảo, không còn kỷ cương phép nước gì nữa.
© Lê Diễn Đức - RFA Blog

No comments:

Post a Comment