Trần Kỳ Trung - Như báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ bảy (20/7/2013) đưa tin: “… Ngày 12/7 Quốc vương Norodom Sihamoni đã quyết định ân xá cho ông Sam Rainsy theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư tới Quốc vương đề nghị ân xá cho ông Sam Rainsy trên tinh thần hòa giải, thống nhất dân tộc và để bảo đảm một cuộc bầu cử tự do và công bằng…”. Báo Tuổi Trẻ còn cho biết thêm: “…Việc ân xá cho ông Sam Rainsy tạo điều kiện cho ông này trở về nước trước ngày bầu cử vì mục tiêu hòa hợp dân tộc, bắt nguồn từ chiến lược “ hai bên cùng thắng” mà thủ tướng Hun Sen đề ra và áp dụng tại Căm Phu Chia từ những năm 90…”.
Phải đa đảng mới thực sự dân chủ, các đồng chí ạ! (Ảnh minh họa)
Trước đây ông Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Căm phu Chia (CNRP) thuộc phe đối lập với Đảng Nhân dân Căm Phu Chia (CPP), đảng đang cầm quyền của ông Hun Sen. Ông Sam Rainsy chống đối ông Hun Sen rất quyết liệt, nhất là trong vấn đề với Việt Nam, ông ta đã từng bị tòa án Căm Phu Chia kết án 12 năm tù giam với các tội danh nhổ cột mốc biên giới và ngụy tạo tài liệu. Ông Sam Rainsy phải trốn ra nước ngoài trước khi bị tòa án kết án vắng mặt.
Chính quyền trong tay, mọi cơ quan tuyên truyền trong nước đang nắm, ông Hun Sen và đảng của ông có thể dễ dàng lũng đoạn lực lượng quân đội và cảnh sát, đối thủ chính lại đang trốn ở nước ngoài… như vậy chắc chắn đảng Nhân dân Căm Phu Chia ( CPP) của ông Hun Sen sẽ thắng cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa năm tổ chức vào ngày 28/7 tới.
Nhưng nếu làm như thế, ông Hun Sen chỉ có thể đem lại thắng lợi trước mắt cho đảng của ông, nhưng trong mắt người dân và nhất là dư luận quốc tế, cho dù lúc đó ông có phủ bên ngoài hàng loạt mỹ từ: “cuộc bầu cử tự do, dân chủ”, “thu hút được đông đảo cử tri đi bầu” v.v và v.v… vẫn là một cuộc bầu cử không công bằng, không tôn trọng ý nguyện người dân và nhất là đó cũng chỉ là cuộc bầu cử mang tiếng “tự do, dân chủ” mà thực chất là để bảo vệ quyền lợi của đảng đang cầm quyền chứ không phải bảo vệ quyền lợi của một dân tộc.
Ông Hun Sen vẫn có thể đang ở đỉnh cao của sự độc quyền quyền lực, đảng của ông vẫn có thể chiếm đa số áp đảo trong quốc hội nhưng uy tín sẽ dần dần mất đi, nhân dân Căm Phu Chia sẽ chán ngán, quay lưng lại không ủng hộ đảng của ông Hun Sen.
Mà nhân dân không ủng hộ, dư luận quốc tế lên án thì dù đảng đó đang nắm chính quyền, lũng đoạn các cơ quan truyền thông, chi phối lực lượng quân đội, cảnh sát , không trước thì sau cũng sẽ thất bại, nhất là chính sách đoàn kết dân tộc.
Một dân tộc không đoàn kết, thì đó sự tiềm ẩn của nguy cơ mất nước, lệ thuộc, nô lệ.
Trước viễn cảnh đó, ông Hun Sen đã có một quyết định sáng suốt như báo Tuổi Trẻ đã đưa.
Việc trở về của ông Sam Rainsy tất nhiên sẽ gây ra một số khó khăn trong việc vận động cử tri bỏ phiếu cho đảng Nhân dân Căm Phu Chia của ông Hun Sen (Rõ nhất khi đón ông Sam Rainsy trở về nước ở sân bay có hơn 40.000 người ủng hộ). Nhưng với sự tự tin của một lãnh tụ một đảng cầm quyền gần ba chục năm ở Căm Phu Chia, nhất là những chính sách hợp kinh tế, xã hội hợp lòng dân đưa đất nước Căm Phu Chia có những bước tiến vững mạnh về kinh tế, ổn định về xã hội…ông Hun Sen tin tưởng vào những lá phiếu ủng hộ của người dân Căm Phu Chia vào đảng Nhân dân Căm Phu Chia, những lá phiếu này sẽ áp đảo những lá phiếu bỏ cho các chính đảng khác, trong đó có đảng của ông Sam Rainsy.
Lớn hơn tất cả, một cuộc bầu cử có đảng của ông Sam Rainsy tham gia, đó là một bằng chứng hùng hồn nói lên sự đoàn kết dân tộc, xóa tan mọi hận thù, chém giết. Một cuộc bầu cử thực sự tự do, dân chủ, công bằng có nhiều đảng phái tham gia được dư luận quốc tế ủng hộ sẽ gắn kết dân tộc Căm Phu Chia đoàn kết thành một khối, không một thế lực phản động nào muốn chống lại dân tộc Căm Phu Chia có thể xuyên tạc, phá hoại được.
Quyết định sáng suốt này của ông Hun Sen, tôi tin nhân dân Căm Phu Chia càng tin, càng ủng hộ đảng Nhân dân Căm Phu Chia.
Ông Hun Sen đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ đảng.
Với tôi, một công dân Việt Nam, tôi rất phục ông Hun Sen và ao ước nước tôi có một lãnh tụ như ông.
No comments:
Post a Comment