Sunday, July 21, 2013

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải một tấm gương



Người Buôn Gió - Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao nhà cầm quyền lại truy bức anh Điếu Cày một cách sát ván như vậy. Tôi đã nhiều đêm suy nghĩ về việc, này mà chưa tìm ra lời giải đáp nào thỏa đáng. Có nhiều người ở đây sẽ có câu trả lời, nhưng tôi vốn luôn thích suy ngẫm để tìm câu trả lời cho mình.


Người ta nói trông mặt bắt hình dong, tướng mạo của những người như anh Điếu Cày, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy, An Đỗ Nguyễn... chắc chắn không thể là người xấu, cộng với những lần va chạm với họ. Càng khẳng định con người của họ thừa đủ tư cách để đáng được tôn trọng.
Có người dù hiện giờ được nhiều người nể nang, nhưng tôi xa lánh họ bởi đôi mắt, cái miệng của họ khiến tôi không an tâm. Hình dạng đôi mắt, hình dạng đôi môi, cái mũi của họ, luôn khiến tôi cảm thấy không thể đặt niềm tin. Chả phải học sách tướng nào hết, đơn giản tự lòng mình lợn cợn như vậy. Có thể đó là cảm giác sai lầm, nhưng trong cuộc chơi đầy bất trắc này, cảm giác không thể nào là thứ dễ bị coi thường được.
Một Tạ Phong Tần tuy không xinh gái cho lắm, mặc dù nhiều lần có người rỉ tai tôi nói chị ấy là an ninh đóng giả dân chủ, chị ấy viết bài chửi tôi lừa tiền của nhà thờ để ăn nhậu, chơi gái. Tôi chưa bao giờ tin chị ấy là an ninh đóng giả, chưa bao giờ tin chị ấy giả bút danh khác để viết bài chửi tôi. Đơn giản vì lời văn của chị có lửa, ánh mắt của chị ngay thẳng, lời của chị dứt khoát rõ ràng dù đôi khi gay gắt nhưng đó là một người phụ nữ đáng tin.Người như thế không làm điều khuất tất được, cũng khó mà nhập vai đóng giả bộ này nọ được.
Anh Hải là người tôi có niềm tin ngay khi lần đầu gặp. Có lẽ đó là điều ở anh mà nhà cầm quyền này lo sợ đến mức muốn truy bức anh đến tận cùng cuộc đời.
Ngày ấy mới có blog 360, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải đang có cuộc sống an nhàn, như bao người khác ở tuổi sắp về già, anh tìm đến blog như tìm đến một thú chơi, trên blog của mình anh khoe những bức ảnh anh chụp trên mọi miền tổ quốc. Có lẽ nếu Hoàng Trường Sa không dậy sóng, nước biển không hòa máu ngư dân Việt Nam... Nguyễn Văn Hải sẽ thành một nhiếp ảnh gia có cái hiệu dân dã là Điếu Cày.
Chắc ít ai nhớ Nguyễn Văn Hải đã đi vào con đường đấu tranh cho chủ quyền đất nước, cho quyền tự do ngôn luận của dân tộc thế nào sau khi anh bị kết án mười mấy năm tù. Thật ra đơn giản là như thế, anh thích chụp ảnh và đưa lên blog. Rồi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển Đông bao gồm hai quần đảo Hoàng Trường Sa của họ. Nhân dân hai miền Nam Bắc Việt Nam đứng lên biểu tình vào cuối năm 2007. Là người lính, là người có tâm với đất nước, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải gác bỏ đời sống an nhàn, đầy đủ để xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình, và những hoạt động đòi hỏi chủ quyền cho đất nước.
Tinh thần yêu nước sục sôi của nhân dân Việt Nam đã không được báo chí đề cập đến, hôm trứớc hàng ngàn người dân hai Hà Nội, Sài Gòn xuống đường biểu tình chống Tàu xâm lược. Hôm sau báo nhà nước giật tile to đậm trên trang nhất "hôm qua hàng ngàn người dân xuống đường... mang mũ bảo hiểm". Tức là chuyện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy còn quan trọng hơn cả chuyện chủ quyền đất nước.
Nguyễn Văn Hải nhận thấy điều vô lý của truyền thông Việt Nam, anh quyết định gom những bài viết về biểu tình hay hoạt động khẳng định chủ quyền đất nước vào một blog. Sau nữa anh phát động mọi người viết bài. Anh sáng lập ra CLB nhà báo tự do, dành cho những người viết không nằm trong biên chế báo nhà nước.

Tôi gặp anh trong hoàn cảnh đó, giữa lúc anh đang muốn thành lập CLB Nhà Báo Tự Do, một ý nguyện mà gần 100 năm trước Nguyễn Ái Quốc đã mong muốn có ở Việt Nam, ngay tại thủ đô của bọn thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh lên án chế độ thực dân Pháp rằng đất nước Việt Nam không có tự do báo chí, ngôn luận dưới sự cai trị của người Pháp.
Sau này Nam Bắc xa xôi, mỗi người một hướng, tôi không gặp anh. Ngày anh hết hạn tù về tội "trốn thuế" tôi và anh Nguyễn Ngọc Quang đứng chờ ở cổng trại đón anh. Chúng tôi chờ đợi dưới cái nắng và khói bụi xe, không biết rằng người ta đã chuẩn bị kết anh thêm một cái án mười mấy năm tù nữa vì tội "tuyên truyền chống chế độ".
Như tôi nhớ thì dường như Nguyễn Văn Hải tức bloge Điếu Cày không viết gì nhiều cho lắm, anh có năng khiếu về chụp ảnh hơn là viết. Vậy thì những bài viết nào là căn cứ để tòa án tuyên phạt anh mười mấy năm tù. Cáo trạng cũng không thấy nói rõ điều này.
Người ta xử tù anh vì anh có khuôn mặt dễ mến, dễ gần, và anh có tính cách ngay thẳng, can trường khiến nhiều người nể phục. Họ xử anh vì anh dám từ bỏ một cuộc sống an nhàn, khá dư dật để chấp nhận bị tịch thu nhà, bị bỏ tù mà không từ bỏ những điều anh thấy mang lại tốt đẹp cho dân tộc. Những người có tâm trong sáng,nhân cách đàng hoàng, thuyết phục được lòng người là mối lo ngại của một chính quyền như chính quyền Việt Nam. Bởi vậy án tù dành cho họ rất dài như Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Hải...
Cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông thật can đảm khi tranh thủ thời cơ báo tin về tình trạng tuyệt thực của anh Nguyễn Văn Hải. Hành động của anh Nguyễn Văn Hải đã là đáng phục, hành động của Nguyễn Xuân Nghĩa cũng rất đáng nể. Tôi vẫn nhớ những đêm trong xà lim B14, tiếng hát não nề của ông Nghĩa vang trong buồng giam bên cạnh.
- Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo.
Hoa gạo rụng mùa này, để mùa sau lại nở.
Chừng nào hoa gạo trên đất nước này đến mùa lại nở, tôi tin rằng những người tù như cách anh, sẽ chói chang trong lòng người Việt như màu hoa gạo ấy.
Mười năm tù của chế độ cộng sản trứớc mặt nữa dành cho người không chịu khuất phục, một người đã tuổi sáu mươi mang nhiều bệnh tật. Ai đã trải qua ngục tù, tất hiểu sự chịu đựng những âm mưu, thủ đoạn đày đọa người ấy trong tù man rợ thế nào. Cầu mong sự bình an cho anh hết từng ấy năm tù là một điều xa xỉ, thực tế trải qua khiến tôi phải thốt lên điều đó.
Nhưng tôi cầu mong hình ảnh của anh, luôn sáng mãi trong lòng những người Việt có lương tri.
Lẽ nào cũng là xa xỉ?

No comments:

Post a Comment