Thursday, June 27, 2013

Quyền lực



Nguyễn Hưng Quốc - Trong bài trước, “Lợi dụng tự do dân chủ và lợi dụng quyền lực”, tôi có nêu lên ba luận điểm chính: Một, nói một số người dân nào đó lợi dụng tự do dân chủ là nói một điều nghịch lý và vô lý; hai, vấn đề chính ở Việt Nam hiện nay là lợi dụng quyền lực chứ không phải là lợi dụng tự do dân chủ; và ba, trấn áp dân chúng với lý do họ lợi dụng tự do dân chủ là một hình thức lợi dụng quyền lực và cũng là một cách đánh tráo khái niệm. Trong bài này, tôi thử bàn thêm về khái niệm quyền lực.


Có rất nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng cách hiểu đơn giản và phổ biến nhất là: Đó là khả năng chi phối, sai khiến và kiểm soát người khác để người khác phải làm những điều có khi chính họ không hề muốn. Không ai muốn phải làm việc quần quật căng thẳng từ sáng đến tối, nhưng chủ nhân đã quy định công việc và giờ giấc như thế, mọi người phải hy sinh ước muốn nhàn nhã cà phê cà pháo lê la tán gẫu với bạn bè để làm theo: chủ nhân có quyền lực. Không ai muốn hy sinh một phần, có khi khá lớn, lợi tức của mình, nhưng khi chính phủ quyết định tăng thuế, mọi người đành phải răm rắp vâng lời: chính phủ có quyền lực. Không ai muốn chết hay đối diện với nguy hiểm nhưng khi lãnh đạo ra lệnh, mọi người phải lao ra trận: lãnh đạo có quyền lực.
Dĩ nhiên, cái gọi là quyền lực ấy có tính tương đối. Không phải chủ nhân nào cũng có quyền lực giống nhau. Cũng là chủ nhân một công ty có tầm vóc giống nhau, nhưng quyền lực của họ sẽ khác nhau tùy nơi họ sinh sống có luật pháp phân minh và có công đoàn mạnh mẽ hay không. Cũng là lãnh đạo nhưng ở mỗi cấp và mỗi ngành, quyền lực của họ cũng khác nhau. Dù là lãnh đạo cao nhất nước, quyền lực cũng khác nhau tùy tầm vóc và sức mạnh của nước ấy. Ở Việt Nam, Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước và Thủ tướng có quyền lực nghiêng trời lệch đất, mở miệng cứ như hét ra lửa, nhưng bước ra khỏi biên giới, ngồi cạnh Chủ tịch nước Trung Quốc hay Tổng thống Mỹ, họ lại trở thành những kẻ rất yếu ớt, nói năng cứ lí nha lí nhí. Ngay cả quyền lực của lãnh tụ các siêu cường cũng không hẳn là vô tận: Nó cũng bị khống chế bởi các tranh chấp trong nội bộ đảng, hạn chế từ các phe đối lập và tính chất độc lập và liên lập từ các nước khác.
Ngoài tính tương đối, quyền lực còn có tính tình thế (situational). Năm 2003, đổ quân tấn công Iraq, Mỹ có quyền lực gần như tuyệt đối; nhưng, sau, để có thể rút khỏi Iraq một cách nhanh chóng và an toàn, Mỹ đành phải nhượng bộ rất nhiều phe phái độc lập, thậm chí, đối lập ở Iraq: quyền lực của Mỹ, do đó, bị thu nhỏ hẳn lại. Hiện tượng ấy cũng đang xảy ra ở Afghanistan: cuối cùng có vẻ như Mỹ sẽ thương lượng trực tiếp với Taliban, kẻ thù chính trong trận chiến chống khủng bố do Mỹ phát động từ năm 2001. Ngay trong quan hệ giữa Mỹ và Pakistan cũng vậy: Mỹ lớn, mạnh và giàu có, đổ cả hàng tỉ đô la giúp đỡ Pakistan nhưng trước sự chia rẽ trong dân chúng Pakistan, vốn phần lớn theo Hồi giáo, lại là thứ Hồi giáo khá bảo thủ và cực đoan, quyền lực của Mỹ trở thành rất hạn chế. Ở Việt Nam, trước, quyền lực của Tổng Bí thư Lê Duẩn rất lớn; sau, cũng là Tổng Bí thư, nhưng quyền lực của Nguyễn Phú Trọng lúc nào cũng đối diện với rất nhiều thử thách. Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là Thủ tướng có quyền lực nhất của Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ trước đến nay, nhưng khi đối diện với Quốc hội, như trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi, quyền lực ấy lại bị lung lay ngay tức khắc.
Quyền lực còn có tính đa kích thước (multidimensional). Trong cuốn The Future of Power, Joseph S. Nye (2011, tr. 5) nhắc lại một ví dụ từng được Thomas Schelling đưa ra: Một người mắc nợ 1.000 đô la là một kẻ yếu đuối nhưng nếu mắc nợ đến một tỉ đô la thì cái con số nợ khổng lồ ấy có thể trở thành một sức mạnh để thương lượng về quyền lực. Một quốc gia càng nghèo đói càng ít quyền lực, nhưng Bắc Triều Tiên, trong mấy thập niên vừa qua, rõ ràng đã sử dụng chính sự nghèo đói của mình thành một thứ quyền lực đối với Trung Quốc: Trung Quốc không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhẫn nhục chịu đựng và giúp đỡ họ. Sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên sẽ là một tai họa khủng khiếp đối với Trung Quốc: Một, sẽ có làn sóng tị nạn khổng lồ tràn vào Trung Quốc; và hai, biên giới của Nam Triều Tiên, và cùng với nó, quân đội Mỹ, sẽ tiến sát vào Trung Quốc.
Quyền lực được chia thành nhiều loại:
Gần đây nhất, người ta hay nói đến quyền lực cứng (hard power) và quyền lực mềm (solf power). Quyền lực cứng chủ yếu dựa trên hai phương tiện chính: quân sự và kinh tế, có tính chất áp đặt, đe dọa và cưỡng bức, buộc người khác phải làm theo những gì mình muốn, nếu không, sẽ bị trừng phạt. Quyền lực mềm, được Joseph S. Nye nêu lên lần đầu tiên trong cuốn Bound to Lead: The Changing Nature of American Power năm 1990, sau đó, phát triển thêm trong cuốn Solf Power: The Means to Success in World Politics, là khả năng ảnh hưởng đến người khác, qua các phương tiện ngoại giao, văn hóa, tuyên truyền và chính trị, thuyết phục và lôi kéo, để người khác muốn làm những gì mình muốn. Hai loại quyền lực này không chỉ có mặt trong quan hệ quốc tế mà còn có cả trong quan hệ đối nội. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều sử dụng cả hai, dù mức độ có thể chênh lệch nhau. Trước đây, ở Việt Nam, tuy dùng cả hai, nhưng loại quyền lực cứng được nhà cầm quyền ưu tiên hơn hẳn: để củng cố quyền lực và trấn áp dân chúng, họ sử dụng không những quân đội và công an, và cùng với chúng, nhà tù và trại cải tạo mà còn sử dụng cả chế độ hộ khẩu và đặc biệt, chế độ phân phối lương thực để khống chế bao tử, từ đó, khối óc của dân chúng. Sau này, bỏ chế độ phân phối lương thực, chấp nhận kinh tế thị trường, họ lại vẫn tiếp tục sử dụng quyền lực mềm qua việc độc quyền trong hệ thống truyền thông: từ báo chí đến phát thanh, truyền hình và các cơ sở xuất bản đều nằm hết trong tay đảng.
Cách phân biệt thứ hai: quyền lực đơn phương (unilateral power) và quyền lực liên hệ (relational power). Quyền lực đơn phương là quyền lực trên người khác (power over), trong đó, thấp nhất và cũng tệ hại nhất là quyền lực thống trị người khác bằng vũ lực và cao hơn, là bằng luật pháp, một thứ pháp trị (rule of law). Quyền lực liên hệ là quyền lực với người khác (power with) dựa trên tinh thần bình đẳng và sự đồng thuận, nhắm đến những mục tiêu chung cho cả đất nước.
Cách phân biệt thứ ba: quyền lực thoán đoạt và quyền lực ủy thác. Hầu hết các chính quyền được xây dựng từ cách mạng và/hoặc đảo chính là quyền lực thoán đoạt. Thật ra, tự bản chất, điều đó không bao hàm ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Trong lịch sử, ở bất cứ nước nào trên thế giới, cũng có những thứ quyền lực thoán đoạt tốt và những thứ quyền lực thoán đoạt xấu. Thoán đoạt quyền lực từ một thế lực thực dân hay bạo chúa để xây dựng một chế độ khác tự do hơn là tốt; ngược lại thoán đoạt quyền lực từ một chế độ dân chủ để xây dựng một nền độc tài là xấu. Tuy nhiên, ngay cả khi thoán đoạt quyền lực từ một lực lượng xấu, trên nguyên tắc, đáng lẽ là tốt, nhưng sau đó, nếu người ta tìm cách kéo dài quyền lực của mình một cách vô giới hạn thì nó lại biến thành xấu: Nó thay đổi chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác dưới danh nghĩa cách mạng. Quyền lực ủy thác thì khác. Đó là thứ quyền lực do dân chúng giao phó. Giao phó một cách thực sự chứ không phải là một cách tuyên truyền. Cái gọi là thực sự ấy biểu hiện qua hai biện pháp chính: Một, qua các cuộc bầu cử tự do và hai, có tính chất nhiệm kỳ, nghĩa là giới hạn về thời gian. Trong trường hợp này, quyền lực (power) biến thành thẩm quyền (authority), một thứ quyền lực hợp pháp và chính đáng.
Loại quyền lực ủy thác, vốn gắn liền với chế độ dân chủ, là thứ quyền lực, dù chưa hẳn đã hoàn hảo, vẫn được xem là tốt đẹp nhất trong lịch sử. Nó dựa trên sự ủy quyền của dân chúng. Nó hành xử nhân danh dân chúng và nhắm đến lợi ích của dân chúng. Nếu không bị lạm dụng, đó còn là loại quyền lực bền vững và ổn định nhất: Ở tất cả các nước dân chủ nhất trên thế giới lâu nay, không những không có đảo chính mà cũng không có cả các âm mưu…diễn biến hòa bình!
Tái bút:
Tôi định kết luận ở cuối câu trên, nhưng viết xong chữ “diễn biến hòa bình”, tự nhiên đâm ngứa ngáy muốn thêm vài chữ nữa: Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, “diễn biến”, tức sự vận động, là một quy luật, và tự nó, không tốt không xấu; theo cách hiểu thông thường của mọi người từ xưa đến nay, “hòa bình” bao giờ cũng có nghĩa tốt. Nếu “diễn biến” tự nó không tốt không xấu, khi đi liền với “hòa bình”, trên nguyên tắc, nó phải tốt. Vậy mà, ở Việt Nam và Trung Quốc, “diễn biến hoà bình” lại bị xem là xấu!
Ối giời! Chữ với nghĩa!

No comments:

Post a Comment