Thursday, June 27, 2013

Quyền lập hiến thuộc về nhân dân



Phan Thành Đạt - Un peuple a toujours le droit de revoir, de réformer et de changer sa Constitution. Une génération ne peut assujettir à ses lois les générations futures, (L’article 28 de la Constitution du 24 juin 1793).
Nhân dân luôn luôn có quyền xem xét, sửa đổi và thiết lập một bản Hiến pháp mới. Thế hệ đi trước không thể áp đặt các điều luật của mình cho các thế hệ tương lai (Điều 28 Hiến pháp ngày 24 tháng 6 năm 1793).

Quyền lập hiến là quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới hoặc sửa đổi bổ sung một số điều khoản cho bản Hiến pháp đang hiện hành. Quyền lập hiến là quyền tối cao trong mỗi Nhà nước. Quyền này thể hiện chủ quyền của nhân dân, mỗi khi nhân dân tham gia vào một sự kiện quan trọng bậc nhất là viết ra một bản Hiến pháp, hay sửa đổi một bản Hiến pháp đang được thực thi, để quy định chế độ chính trị và tổ chức Nhà nước cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Hội Nghị Diên Hồng diễn ra vào tháng chạp năm 1284 tại kinh thành Thăng Long

Khi Chính phủ tuyên bố: «Quyền lập hiến thuộc về nhân dân» (le pouvoir constituant appartient au peuple vietnamien), điều này khẳng định nhân dân là những người biên soạn, sửa đổi, sau đó bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp mới, điều này thể hiện rõ chủ quyền của nhân dân được phát huy. Tuy nhiên để 90 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài đều có dịp bày tỏ ý kiến của mình về một bản Hiến pháp mới là điều không thể thực hiện được, hơn nữa để thu thập lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, đánh giá lại toàn bộ các góp ý đó sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Để mọi thủ tục trở nên đơn giản và quyền lập hiến của nhân dân vẫn được đảm bảo, nhân dân sẽ bầu ra Hội nghị lập hiến, các đại diện tham gia là những người ưu tú, họ sẽ thảo luận và công bố bản Hiến pháp mới. Sau đó nhân dân sẽ bỏ phiếu tán thành hay phủ nhận văn bản này. Nếu nhân dân đồng ý, Hiến pháp sẽ có hiệu lực, nếu nhân dân từ chối, Hội nghị lập hiến sẽ viết lại Hiến pháp sau đó lấy ý kiến nhân dân thêm một lần nữa. Ví dụ Hiến pháp Pháp năm 1946, thiết lập nền cộng hòa đệ tứ, sau khi được Hội nghị lập hiến thông qua, Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Nhân dân đã từ chối bản Hiến pháp này. Một bản Hiến pháp khác được công bố và nhân dân Pháp lần này đã bỏ phiếu chấp nhận.
Quyền lập hiến thuộc về nhân dân thể hiện bản Hiến pháp mới phải hướng đến tương lai, các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp phải phù hợp với các giá trị về dân chủ và quyền con người. Một bản Hiến pháp phản ánh những tư tưởng cũ kỹ và lạc hậu, với những nguyên tắc tổ chức quyền lực có lợi cho giai cấp cầm quyền không phải là Hiến pháp của nhân dân, do vậy quyền lập hiến không thuộc về nhân dân. Quyền lập hiến thuộc về giới lãnh đạo.
Aristote đã nghiên cứu 150 bản Hiến pháp của các thành bang Hy Lạp, trong đó có các thành bang văn minh và các thành bang lạc hậu. Ông xếp Hiến pháp làm 2 loại, khi Hiến pháp nhằm thiết lập công bằng, bảo vệ lợi ích chung cho các công dân tự do. Ông gọi là Hiến pháp đúng đắn (la Constitution juste), khi Hiến pháp nhẳm đảm bảo các lợi ích riêng tư và theo đuổi các mục đích của nhà lãnh đạo, ông gọi là Hiến pháp hư hỏng hay Hiến pháp chệch đường (la Constitution corrompue ou déviante). Aristote đưa ra nhận xét Hiến pháp đúng đắn thường thấy ở các thành bang văn minh, còn Hiến pháp hư hỏng thường thấy ở các thành bang lạc hậu. Đối với các bản Hiến pháp đúng đắn, các quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện rất rõ.
Tuy nhiên, có những bản Hiến pháp ít có dấu ấn về quyền lập hiến của nhân dân nhưng đó lại là các bản Hiến pháp dân chủ và có nhiều giá trị. Các bản Hiến pháp này được một số người biên soạn ra, sau đó được áp dụng với tính ép buộc và không bao giờ được nhân dân trực tiếp bỏ phiếu thông qua. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân trong trường hợp này mang nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực tế.
I. Quyền lập hiến ban đầu và quyền lập hiến thừa hành
Quyền lập hiến bao gồm hai loại: Quyền lập hiến ban đầu và quyền lập hiến thừa hành (le pouvoir constituant originaire et le pouvoir constituant dérivé). Quyền lập hiến ban đầu là quyền soạn thảo ra một Hiến pháp hoàn toàn mới do bối cảnh lịch sử gắn liền với những thay đổi về thể chế chính trị, hoặc khi một Nhà nước mới ra đời. Quyền lập hiến ban đầu vì thế còn được gọi là quyền lập hiến nguyên thủy. Quyền lập hiến này không chịu bất cứ sự ràng buộc nào, vì không có nguyên tắc nào tồn tại trước đó để quy định những gì được phép làm và những gì không được làm đối với những người đại diện giữ vai trò lập hiến.
Quyền lập hiến ban đầu tồn tại khi có những thay đổi căn bản về chính trị, một Nhà nước dân chủ chuyển sang độc tài hoặc một chế độ chính trị thiếu dân chủ chuyển sang dân chủ, khi đó các nguyên tắc mới về tổ chức Nhà nước và xã hội sẽ được ghi nhận trong Hiến pháp, đánh dấu những thay đổi quan trọng. Quyền lập hiến ban đầu xuất hiện sau một cuộc cách mạng hoặc sau khi một cộng đồng người tuyên bố thiết lập một Nhà nước mới. Ví dụ giai đoạn xóa bỏ các thuộc địa của Anh và Pháp ở Châu Phi trong những năm 50-60 thuộc thế kỷ trước, đã khiến gần 30 quốc gia giành được độc lập, các nước này đều thiết lập các bản Hiến pháp đầu tiên để khẳng định chủ quyền và xây dựng Nhà nước dân chủ mới.
Khi các nhà cách mạng, hay nhà đấu tranh cho dân chủ có công xây dựng một chính quyền mới, họ thường để lại dấu ấn bằng cách tham gia vào công tác biên soạn Hiến pháp. Họ có nhiều quyền trong việc thiết lập một Hiến pháp dân chủ, tiến bộ hoặc một Hiến pháp với mục đích chính là duy trì và củng cố quyền lực. Những người có thẩm quyền biên soạn một bản Hiến pháp đầu tiên trong chế độ chính trị mới, có toàn quyền ghi vào Hiến pháp tất cả những gì mà họ muốn, như thể chế chính trị, cách thức tổ chức các cơ quan Nhà nước, hệ tư tưởng mà họ theo đuổi...Quyền lập hiến ban đầu phản ánh rất rõ năng lực và quan điểm chính trị của những người thiết lập ra chế độ mới. Điều này sẽ tác động đến con đường phát triển của đất nước.
Quyền lập hiến thừa hành là quyền xuất hiện sau quyền lập hiến ban đầu, quyền này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và có những giới hạn nhất định. Những người thực hiện quyền lập hiến thừa hành chỉ được phép làm những gì mà Hiến pháp cho phép vì quyền này bị đóng khung do một số nguyên tắc của Hiến pháp quy định. Quyền lập hiến thừa hành chính là quyền sửa đổi Hiến pháp, còn quyền lập hiến ban đầu chính là quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới. Hai quyền này có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng có những nét giống nhau.
Quyền lập hiến thừa hành có thể trở thành quyền lập hiến ban đầu khi việc sửa đổi căn bản Hiến pháp được tiến hành. Nếu một bản Hiến pháp được sửa đổi gần như toàn bộ nội dung, điều này cũng giống như việc viết lại một bản Hiến pháp mới. Khi một bản Hiến pháp ghi lại những nguyên tắc cơ bản nhất, là đặc trưng nổi bật của bản Hiến pháp đó (những quy định quan trọng không được phép sửa đổi trong Hiến pháp). Tuy nhiên do hoàn cảnh thay đổi, hay do các tác động về kinh tế, chính trị, những nguyên tắc này vẫn có thể bị sửa đổi, khi đó quyền sửa đổi Hiến pháp cũng giống như quyền thiết lập một bản Hiến pháp mới. Ví dụ sửa đổi điều 79-3 trong Luật cơ bản Đức, đồng nghĩa với việc thay đổi 20 điều về quyền con người được Hiến pháp Đức bảo vệ. Điều này sẽ làm thay đổi căn bản nội dung bản Hiến pháp này, vì Luật cơ bản Đức đề cao nhiệm vụ bảo vệ quyền con người. Hoặc sửa đổi điều 89 trong Hiến pháp Pháp năm 1958, điều này quy định nước Pháp là một nền cộng hòa, và nguyên tắc này không bao giờ thay đổi. Nếu quy định này bị loại bỏ, có thể tạo cơ hội để thiết lập chế độ quân chủ hay chế độ độc tài ở Pháp. Loại bỏ quy định này cũng có nghĩa thay đổi một bản Hiến pháp dân chủ thành một bản Hiến pháp mở đường cho một chế độ phi dân chủ. Các nhà lập hiến Pháp không bao giờ mong muốn điều này. Đối với Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, điều 4 cũng thiết lập một nguyên tắc quan trọng quy định vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu sửa điều này cũng đồng nghĩa với việc thiết lập một bản Hiến pháp mới có bản chất hoàn toàn khác với Hiến pháp năm 1992. Một khi những quy định quan trọng nhất của Hiến pháp được thay đổi, quá trình sửa đổi Hiến pháp giống như việc thiết lập một Hiến pháp mới, quyền lập hiến thừa hành trong điều kiện đó giống với quyền lập hiến ban đầu. Quyền lập hiến thừa hành bị giới hạn bởi chính những nguyên tắc ghi trong Hiến pháp. Quyền này được thực hiện dễ hay khó phụ thuộc vào các quy định của Hiến pháp. Nếu đó là Hiến pháp cứng (la Constitution rigide), hay còn gọi là Hiến pháp khó sửa, quyền lập hiến thừa hành sẽ ít có cơ hội được sử dụng, vì bản thân các nhà lập hiến không muốn thay đổi những nguyên tắc chuẩn, ghi trong Hiến pháp. Ví dụ điều sửa đổi lần thứ 27 trong Hiến pháp Mỹ phải mất 203 năm mới được Nghị viện Mỹ thông qua với 2/3 số phiếu tán thành, sau đó được ¾ số bang phê chuẩn. Mặc dù điều này đã được đề nghị đưa vào Hiến pháp Mỹ từ năm 1789 nhưng phải đến năm 1992 mới thành hiện thực.
Khác với Hiến pháp cứng là Hiến pháp mềm (Hiến pháp dễ sửa), quá trình sửa đổi các điều khoản ghi trong Hiến pháp cũng dễ như sửa đổi hay loại bỏ một đạo luật. Trong thực tế, hầu hết các nước đều chọn Hiến pháp khó sửa để duy trì tốt hơn những quy định về quyền con người, về dân chủ và thể chế chính trị mà họ xây dựng.
II. Ý nghĩa về quyền lập hiến trong các bản Hiến pháp dân chủ
Tôi xin nêu hai ví dụ để hiểu thêm ý nghĩa về quyền lập hiến:
Hiến pháp Mỹ năm 1787 được 55 đại biểu đến từ 13 bang, là 13 thuộc địa của Anh trước đó. Tại Đại hội Philadelphie, các đại diện bầu ra George Washington làm Chủ tịch hội nghị, sau đó họ tiến hành thảo luận về một bản Hiến pháp cho nước Mỹ. Các tác giả chính của bản Hiến pháp Mỹ là Georges Washington, James Madison, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, quyền lập hiến trong thực tế thuộc về một nhóm người. Hiến pháp Mỹ sau đó được các đại diện thông qua, văn bản này vấp phải sự phản đối của một số đại biểu đến từ các bang nhỏ. Riêng trường hợp của Rhode Island và la Caroline du Nord phê chuẩn Hiến pháp khá muộn vào năm 1790 trong khi đó Hiến pháp đã được ban hành ngày 4 tháng 3 năm 1789. Bản Hiến pháp chưa bao giờ được đưa ra trưng cầu dân ý và bị phê phán là Hiến pháp của giai cấp tư sản. Tuy nhiên Hiến pháp Mỹ có sức sống lâu bền, lúc đầu văn bản này được áp dụng cho một cộng đồng 4,2 triệu người. Trải qua quá trình phát triển lâu dài của nước Mỹ, hiện nay Hiến pháp Mỹ đang được áp dụng cho 320 triệu người. Quyền lập hiến của nhân dân có ý nghĩa tượng trưng, được diễn giải qua lời tựa của bản Hiến pháp: «Chúng tôi là nhân dân Mỹ, để xây dựng một liên minh hoàn hảo, thiết lập công lý và đảm bảo nền hòa bình trong nước, xây dựng nền quốc phòng, phát triển thịnh vượng chung, đồng thời đảm bảo những lợi ích về tự do cho chúng tôi và cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi được thừa lệnh biên soạn bản Hiến pháp này, Hiến pháp cho nước Mỹ». Quyền lập hiến thuộc về nhân dân được khẳng định qua cụm từ «chúng tôi, nhân dân Mỹ» (We, the people of the United States). Vì khi thông qua Hiến pháp, một số bang đã không đồng ý, các đại biểu quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nguyên tắc cơ bản của thể chế dân chủ, mỗi khi đi đến một quyết định quan trọng. Nhưng liệu các nhà lập hiến Mỹ có đại diện cho nhân dân, vì họ không được bầu ra như theo thể thức của Hội nghị lập hiến, nhân dân cũng không được bàn bạc về Hiến pháp, không được thực hiện trưng cầu dân ý? Nhưng họ vẫn nhận mình là «chúng tôi, nhân dân Mỹ». Quyền lập hiến thuộc về nhân dân có ý nghĩa tượng trưng, ở đây nên hiểu là các giá trị ghi trong Hiến pháp phản ánh đúng mơ ước và nguyện vọng của nhân dân, đó là những gì mà người dân muốn có, như xây dựng một Nhà nước liên bang hoàn thiện, bảo vệ nền độc lập vừa giành được, bảo vệ các giá trị tự do cho thế hệ đang sống và các thế hệ tiếp theo. Tư tưởng của John Locke về một khế ước xã hội, nhằm đảm bảo các quyền tự do của con người được thể hiện ngay trong lời giới thiệu của Hiến pháp. Như vậy theo Hiến pháp Mỹ, ý nghĩa của Quyền lập hiến thuộc về nhân dân là những mục tiêu tốt đẹp mà Nhà nước cần hướng tới để đáp ứng tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, các nhà lập hiến chỉ ghi lại điều đó.
Luật cơ bản Đức được thông qua ngày 23 tháng 5 năm 1949 với sức ép của các nước đồng minh thắng trận. Nghị viện Đức đã phê chuẩn văn bản này. Cũng cần lưu ý một điểm quan trọng, Luật cơ bản Đức được các nước Mỹ, Anh, Pháp giúp Đức biên soạn. Vì nước này cần có một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ để tái thiết lại đất nước, sau khi bị chiến tranh tàn phá. Gọi là Luật cơ bản vì văn bản này đề cao các giá trị cơ bản về quyền con người như quyền được sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và danh dự, các quyền tự do... Tất cả các quyền này đều bị bóp nghẹt dưới chế độ III ème Reich của Hitler (1933-1945). Hơn nữa nước Đức còn vi phạm các quyền đó ở các nước khác. Gọi là luật cơ bản Đức vì văn bản này có giá trị tạm thời vì nó chỉ được áp dụng ở Cộng hòa liên bang Đức, cần đợi đến khi nước Đức thống nhất để viết một bản Hiến pháp mới, tuy nhiên sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Luật cơ bản Đức vẫn được giữ nguyên và được các bang công nhận. Với thời gian, không có điểm khác biệt nào giữa cách gọi Hiến pháp hay Luật cơ bản, hầu hết các nước đều sử dụng hai khái niệm này với nghĩa như nhau. Nhưng với nước Đức gọi là Luật cơ bản có ý nghĩa đặc biệt hơn. Quyền lập hiến của nhân dân được ghi trong lời tựa của Luật cơ bản Đức:
«Ý thức về trách nhiệm của mình trước Chúa trời và trước con người, với thiện chí phục vụ nền hòa bình trên thế giới, với tư cách là thành viên bình đẳng về luật pháp trong một Châu Âu thống nhất, nhân dân Đức giới thiệu bộ Luật cơ bản với tư cách là người có quyền lập hiến».
Lời tựa của Hiến pháp công nhận nhân dân mới có quyền lập hiến, nhưng thực tế ở thời điểm Luật cơ bản được công bố, phải chăng nhân dân có quyền lập hiến thật sự? Thực tế là quyền này thuộc về các nước đồng minh chiến thắng. Hiến pháp Đức được áp đặt cho người dân Tây Đức. Người Đức chưa bao giờ có điều kiện phê chuẩn văn bản này qua trưng cầu dân ý. Chính Luật cơ bản Đức cũng không công nhận quyền phúc quyết của nhân dân trên phạm vi toàn quốc, quyền này chỉ tồn tại ở mức độ địa phương tại các bang (Lander). Rút kinh nghiệm đau thương từ sự kiện Hitler chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1933 với 89 % số phiếu ủng hộ, người Đức không ghi nhận quyền này trong Hiến pháp. Quyền lập hiến của nhân dân mang ý nghĩa tượng trưng. Nó thể hiện mong muốn hòa bình và xây dựng đất nước. Hiến pháp Đức đã được chỉnh sửa 57 lần và trở thành một văn bản có giá trị bậc nhất hiện nay ở Châu Âu.
Các bản Hiến pháp thường đảm bảo nền dân chủ, công nhận các quyền cơ bản của công dân, trong khuôn khổ các điều khoản của Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng một xã hội công bằng và văn minh là cách biểu hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Như vậy là quyền lập hiến của nhân dân có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên điều dễ nhận thấy nhất là nhân dân có chủ quyền bầu ra Hội nghị lập hiến, sau đó xem xét và bỏ phiếu thông qua Hiến pháp.
III. Quyền lập hiến của nhân dân được thực hiện qua Hội nghị lập hiến và quyền phúc quyết
Quyền lập hiến của nhân dân sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc dân chủ nhất, nếu trước tiên, nhân dân bầu trực tiếp các đại diện tham gia vào Hội nghị lập hiến, sau khi Hiến pháp được Hội nghị biên soạn, sẽ được công bố rộng rãi, nhân dân sẽ bỏ phiếu thông qua. Hiến pháp trở thành một khế ước xã hội được chấp nhận, khi đó, Hiến pháp có hiệu lực và chính thức đi vào cuộc sống. Ở Thụy Sỹ nếu các công dân tự biên soạn được một bản Hiến pháp mới, hay có một dự án sửa đổi toàn bộ hoặc một phần bản Hiến pháp cũ các công dân cần thu thập được 100.000 chữ ký ủng hộ. Bản Hiến pháp xuất phát từ ý tưởng của công dân sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý để thay thế Hiến pháp đang hiện hành. Nếu nhân dân đồng ý, bản Hiến pháp mới sẽ được áp dụng. Về phía Nghị viện liên bang, cơ quan này cũng có thể đưa ra một bản Hiến pháp khác, cạnh tranh với Hiến pháp của nhân dân hoặc đồng ý sửa đổi các điều khoản trong Hiến pháp đang hiện hành. Việc thực hiện chủ quyền của người dân được đặc biệt tôn trọng ở Thụy Sĩ, người dân thường xuyên được hỏi ý kiến về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, từ quyền phúc quyết Hiến pháp đến quyền đối xử với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp... Người dân Thụy Sỹ tham gia trưng cầu dân ý trung bình 4 lần mỗi năm.
Hội nghị lập hiến được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp năm 1789. Ban đầu là Hội nghị của các giai tầng trong xã hội Pháp (l’Asssemblée des États généraux), được Louis XVI triệu tập, các đại biểu đại diện cho ba giai cấp trong xã hội Pháp lúc đó: tầng lớp quý tộc, tầng lớp tăng lữ và giai tầng thứ ba (bao gồm tư sản và nhân dân lao động). 50.000 văn bản kiến nghị được gửi đến nhà vua, với mong muốn cải cách kinh tế, chính trị cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Louis XVI không bận tâm đến các yêu cầu đó, mong muốn duy nhất của nhà vua là tăng thêm các khoản thuế để bù vào ngân quỹ trống rỗng. Giai tầng thứ ba (le tiers-etat) tuyên bố đại hội chuyển thành Hội nghị lập hiến, các đại biểu tuyên thệ sẽ không rời Hội nghị và sẽ luôn sát cánh bên nhau đến khi biên soạn xong một bản Hiến pháp, tạo đà phát triển cho đất nước.
Nhân dân ủng hộ Hội nghị lập hiến. Đêm ngày 4 tháng 8 năm 1789, các quý tộc tuyên bố từ bỏ các quyền lợi giai cấp và xóa bỏ các thứ thuế vô lí, ngày 26 tháng 8 năm 1789, Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền được công bố. Quốc hội lập hiến thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1791, văn bản này giảm bớt các quyền lợi của vua, đề cao nguyên tắc tam quyền phân lập và các quyền tự do của công dân. Nhà vua không còn có quyền tối thượng như trước đây, đất nước và dân tộc (la Nation) có quyền cao hơn nhà vua.
Nhiều Hội nghị lập hiến đã được tổ chức trong lịch sử của nước Pháp, lần tổ chức gần đây nhất là Hội nghị lập hiến năm 1946, nhân dân đã được hỏi ý kiến về vấn đề này thông qua trưng cầu dân ý, bằng câu hỏi: «Ông bà có muốn Quốc hội trở thành Hội nghị lập hiến không?» (Vous voulez que l’Asssemblée nationale soit constituante?). Nhân dân đã đồng ý.
Nghị viện Ý sau Chiến tranh thế giới thứ 2 được bầu lại, Thượng viện và Hạ viện đã nhóm họp và quyết định chuyển thành Hội nghị lập hiến. Hiến pháp Ý được Hội nghị thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1947. Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1948. Bộ luật cơ bản này được giới thiệu và trưng bày ở đại sảnh của Tòa thị chính ở khắp các địa phương, trong suốt năm 1948, để nhân dân có dịp tìm hiểu về Hiến pháp. Văn bản này được công bố trên tập san chính thức về luật pháp và nghị định của nước cộng hòa. Tất cả các công dân và các cơ quan công quyền đều phải tôn trọng các nguyên tắc của bộ Luật cơ bản này (theo điều XVIII của Hiến pháp Ý).
Hội nghị lập hiến được tổ chức ở nhiều nước, sau khi có những thay đổi chính trị quan trọng. Như Hội nghị lập hiến năm 2011 tại Tunisie và Hội nghị lập hiến năm 2013 tại Ai Cập. Hội nghị lập hiến chưa được tổ chức ở Việt Nam.
IV. Thực hiện quyền lập hiến ở Việt nam
Quyền lập hiến ở Việt Nam đã được công nhận lần đầu tiên trong điều 70, Hiến pháp năm 1946. Mỗi khi Hiến pháp cần sửa đổi, Nghị viện sẽ thảo luận nội dung sửa đổi, phải có có 2/3 số đại biểu chấp thuận. Bản dự thảo Hiến pháp mới được Nhà nước công bố trước quốc dân đồng bào, để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết. Nhân dân chính là những người xác nhận tính hợp pháp của Hiến pháp. Quyền lập hiến phản ánh quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi tham gia vào sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã chính thức biên soạn được 4 bản Hiến pháp, trong đó Hiến pháp 1946 là tiến bộ nhất, văn bản này cũng bàn đến quyền lập hiến của nhân dân trong điều 70. Tuy nhiên, người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài chưa bao giờ có điều kiện thực hiện quyền lập hiến, thông qua bầu cử ra Hội nghị lập hiến và sau đó thực hiện quyền phúc quyết. Để các quyền chính đáng này có lợi ích thiết thực và đúng đắn, việc bầu cử cần công khai minh bạch, người dân cần có thông tin đầy đủ, để có hiểu biết cần thiết về Hiến pháp và ý nghĩa quan trọng về quyền lập hiến. Quyền phúc quyết Hiến pháp là cần thiết nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nguyện vọng của nhân dân mong muốn như vậy. Nếu ý tưởng về quyền phúc quyết đến từ nhà cầm quyền, quyền phúc quyết luôn đi kèm với các mục đích chính trị.
Nhiều người Việt Nam mơ ước về một bản Hiến pháp tiến bộ, quyền lập hiến của nhân dân được tôn trọng thông qua phúc quyết Hiến pháp. Những người đi tiên phong là các trí thức tài năng và có tấm lòng với đất nước. Qua nhiều Bản kiến nghị, họ bày tỏ mong muốn đất nước có một bản Hiến pháp tiến bộ, nhân dân có các quyền cơ bản trong đó có quyền phúc quyết, để tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, nhằm dân chủ hóa đất nước. Quyền lập hiến của nhân dân có thể được thực hiện theo hai cách phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam lúc này:
1. Quốc hội chuyển thành Hội nghị lập hiến
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất vì được nhân dân trực tiếp bầu ra, do vậy các đại biểu Quốc hội có quyền thay mặt nhân dân để bàn bạc những vấn đề quan trọng. Giống như nhiều nước trên thế giới, khi cần soạn thảo một bản Hiến pháp, Quốc hội sẽ chuyển thành Hội nghị lập hiến để cùng nhau thảo luận và xây dựng một Hiến pháp mới, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Vì là người đại biểu của dân, nên trách nhiệm của họ là lắng nghe những phản ánh của nhân dân, nên họ hiểu được những gì mà người dân chờ đợi ở họ. Tuy nhiên năng lực của các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng của các nước. Có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này, đại biểu Quốc hội phải kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ, nhiều người được bầu vào Quốc hội cho đủ ghế, Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng (theo điều 4, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội). Do đó Quốc hội chưa khẳng định được là cơ quan lập pháp đích thực. Vì vậy nếu Quốc hội chuyển thành Hội nghị lập hiến, chất lượng của bản Hiến pháp được ban ra chưa chắc đã là chuẩn mực.
2. Hội nghị Diên Hồng về Hiến pháp
Giải pháp này thích hợp nhất, vì Việt Nam vừa kế thừa được truyền thống tốt đẹp của tổ tiên vừa phát huy được trí tuệ của những người tài giỏi để đóng góp cho đất nước. Hội nghị Diên Hồng trước đây được các Vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông triệu tập, để bàn kế chống giặc Nguyên, các bô lão đại diện cho các địa phương tụ họp tại điện Diên Hồng để trả lời hai câu hỏi: «Thế giặc mạnh, ta nên chủ động đánh địch hay cầu hòa?», đa số những người tham dự đều hô to «quyết đánh». Hội nghị Diên Hồng là hình thức phúc quyết đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam, khi Vua chủ động mời các bô lão đại diện, cũng chính hỏi ý kiến của nhân dân. Vì truyền thống của người Việt Nam là tôn trọng những người cao tuổi, đó là những người hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm, tiếng nói của họ phán ánh được ý chí và nguyện vọng chung. Lấy tên Hội nghị Diên Hồng để bàn về Hiến pháp có nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, để cùng nhau giải quyết những khó khăn và thách thức trong hoàn cảnh hiện tại. Bản Hiến pháp mới cần có một điều về Hội nghị Diên Hồng để Nhà nước có dịp hỏi ý kiến nhân dân trong những hoàn cảnh khó khăn.
Các đại diện dự Hội nghị Diên Hồng về Hiến pháp là các nhà luật học, các giáo sư, tiến sĩ luật và chính trị đang giảng dạy ở Việt Nam và nước ngoài, các nhà văn hóa, một số đại biểu Quốc hội tiêu biểu... Các thành viên dự Hội nghị không cần đông như ở Quốc hội, nhưng họ thể hiện sự đa dạng, và điều quan trọng là chất lượng đại biểu quan trọng hơn số lượng. Họ sẽ cùng nhau thảo luận và biên soạn một bản Hiến pháp mới, sau đó nhân dân sẽ bỏ phiếu thông qua. Như vậy, quyền lập hiến của nhân dân được thực hiện trọn vẹn.
Kết luận
Việt Nam có rất nhiều tiềm lực để phát triển, đặc biệt là tiềm lực về trí tuệ của con người. Nếu có cơ hội, đất nước nhất định sẽ thay đổi rất nhanh. Khi bàn riêng về lĩnh vực luật học, có thể khẳng định, rất nhiều người Việt Nam có chuyên môn khá đang làm việc ở trong nước và nước ngoài, họ hiểu biết sâu sắc về luật pháp. Nếu đất nước biết tranh thủ khả năng của họ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một Tòa án Hiến pháp chuẩn, một cơ quan lập pháp đích thực và một nền tư pháp độc lập. Nhưng để những điều tốt đẹp đó thành hiện thực, trước hết cần có những thay đổi cơ bản về chính trị từ phía Nhà nước.
P.T.Đ.

No comments:

Post a Comment