Sunday, May 19, 2013

Nhân dân lên giá?!!



Đông A - Trong kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ có đề xuất: "Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân". Từ đề xuất như vậy có người đã vội cho rằng đó là quan điểm mang tính cấp tiến, có khuynh hướng theo hướng tam quyền phân lập, một điểm son của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trái với những quan điểm như vậy, tôi cho rằng đề xuất như vậy vừa mị dân lố bịch, vừa ngớ ngẩn, thể hiện không có một tí hàm lượng chất xám nào trong đó.

Đề xuất như vậy mang tính mị dân bởi vì nó muốn phỉnh phờ để nhân dân cứ tưởng rằng mình làm chủ. Xem cung cách Thủ tướng hay Tổng Bí thư tiếp xúc với cử tri vừa mới đây thôi thì nhân dân là ai rất rõ ràng, và đại bộ phận dân chúng dường như không phải là nhân dân. Có bao nhiêu nhân dân từng được nghe Thủ tướng báo cáo công việc của mình? Đề xuất như vậy mang tính lố bịch vì Chính phủ báo cáo công tác của mình trước nhân dân như thế nào? Lên truyền hình đọc báo cáo là xong trách nhiệm? Nhân dân làm thế nào để bình chuẩn công tác của Chính phủ? Đề xuất như vậy mang tính ngớ ngẩn, bởi vì không một Chính phủ nào có thể báo cáo công tác của mình trước nhân dân. Họ chỉ có thể báo cáo công tác của mình trước đại diện của nhân dân, tức là trước Quốc hội. Hơn nữa, cái ngớ ngẩn còn nằm ở chỗ Chính phủ Việt Nam không phải do nhân dân bầu trực tiếp, mà là do nhân dân bầu gián tiếp thông qua các đại diện của mình tức là thông qua Quốc hội. Nhân dân không bầu trực tiếp Chính phủ thì hà cớ gì Chính phủ phải báo cáo trước nhân dân? Nhân dân bầu gián tiếp Chính phủ nên Chính phủ chỉ phải báo cáo gián tiếp trước nhân dân, tức là báo cáo trước Quốc hội.
Dường như gần đây nhân dân Việt Nam được lên giá. Kha khá nhiều người phát biểu lấy nhân dân làm chủ thể. Có những người về hưu giờ đây kể những câu chuyện rằng thì là hồi tại chức mình chưa bao giờ làm dân đổ máu. Không lẽ làm dân không đổ máu là chính tích của một sự nghiệp chính trị, trong khi phục vụ nhân dân mới thực sự là một chính tích, và không đổ máu là lẽ đương nhiên? Chằng bù mấy năm trước báo Quân đội nhân dân còn ra rả ai mới là nhân dân, đừng có tưởng bở nghiễm nhiên là nhân dân. Ôi nhân dân, đừng có thấy mấy chữ "nhân dân" mà hoa mắt lầm tưởng những thủ đoạn lấy nhân dân làm chiêu bài chính trị là vì nhân dân. Điểm dễ thấy nhất để tách chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi là thành viên Chính phủ không được là đại biểu Quốc hội thì chẳng thấy Chính phủ đề xuất, mà cứ lôi nhân dân ra như thế thì mệt cho nhân dân lắm.

No comments:

Post a Comment