Sunday, May 19, 2013

Ngồi trên lưng hổ: Chính sách đối ngoại gây hấn của Trung Quốc lại tái xuất



Daniel Blumenthal
Chú thích của dịch giả: Đây là một bài báo khá cũ, nhưng do tính thời sự của nó, chúng tôi xin được giới thiệu ở đây.
Tại sao chính sách đối ngoại của Trung Quốc lại trở nên hung hăng hơn trong những năm gần đây? Tại sao người Trung Quốc lại làm dang dở một thập kỷ đáng có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước láng giềng châu Á? Các thực tế trên trong trường hợp Trung Quốc đã là rõ ràng. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc tuyên bố biển Hoa nam (biển Đông) là “quan tâm cốt lõi” (một khái niệm đã được dành cho Đài Loan và Tây Tạng), về bản chất là coi vùng biển này là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Để nhấn mạnh cho tuyên bố này, Trung Quốc quấy phá thuyền bè của dân đánh cá Việt Nam ở vùng biển lân cận các đảo đang tranh chấp.

Ở Bắc Á, Trung Quốc không hề lên tiếng chỉ trích đồng minh Triều Tiên khi Bình Nhưỡng vô cớ làm thiệt mạng quân lính và thường dân Hàn Quốc trong hai vụ việc xảy ra trong năm 2010. Trung Quốc cũng kiếm cớ gây sự với Nhật Bản. Sau khi Tokyo chiều theo đòi hỏi của Trung Quốc trao trả thuyền trưởng tàu đánh cá đã bị phía Nhật Bản bắt giữ trước đó vì đã đâm thủng thuyền Nhật Bản trong vùng biển tranh chấp, Trung Quốc tạm cắt quan hệ ngoại giao, đòi phía Nhật phải xin lỗi, tạm ngừng bán đất hiếm cho Tokyo. Và sau cùng, Trung Quốc đã có dành cho tổng thống Obama một sự đón tiếp tồi tệ khi ông này đến thăm Trung Quốc trong tháng 11 năm 2009. Nếu có một vị tổng thống nào bắt đầu nhiệm kỳ của mình mà lại ngửa tay trước Trung Quốc thì đó chính là ông Obama. Bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ của ông ta chọn cách nói nhẹ giọng về tình trạng vi phạm quyền con người ở Trung Quốc. Ông Obama cắt bỏ cả cuộc gặp gỡ với Đà Lai Lạt Ma – một hoạt động thường loại trong ngoại giao của Mỹ – và việc bán nốt nửa còn lại trong gói vũ khí Đài Loan đang cần gấp mà tổng thống Bush đã hứa bán cho nước này trước đó. Trong chuyến đi thăm Trung Quốc, Bắc Kinh đã bội ước không cho phát các bài nói chuyện của ông Obama trên truyền hình không qua kiểm duyệt, để cho ông tổng thống quay về Washington tay không, không đạt được mục tiêu nào trong chương trình thăm hỏi của mình, từ thảo luận về thay đổi khí hậu toàn cầu tới việc Bắc Kinh điều chỉnh giá trị đồng nhân dân tệ.
Lời giải thích cho sự hỗn xược quốc tế của Trung Quốc nằm trong công thức ba biến số: sức mạnh quân sự tăng mạnh đi cùng với lãnh đạo yếu kém và chủ nghĩa dân tộc bài ngoại mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã tạo dựng nên. (Tôi bỏ qua quan điểm của một số người Trung Quốc cho rằng nước Mỹ đang trên đà đi xuống bởi vì quan điểm này chắc là chỉ có tính nhất thời).
Quân đội lớn mạnh
Ngày nay, Trung Quốc sở hữu một quân đội rất có năng lực, với quân đội này Trung Quốc có thể ép đẩy các nước láng giềng. Những đợt phô trương lực lượng hải quân ở biển Hoa Nam (Biển Đông) là nhằm dọa nạt các nước yếu. Quả thực, khi phát hiện thấy phía Việt Nam có phản ứng chống lại đòi hỏi của Trung Quốc, báo chí chính thức của Trung Quốc đã cảnh báo các nước ở Đông Nam Á không nên thân cận quá với Mỹ. Nhắc lại bài vở trong chiến lược thị oai với Đài Loan, Quân đội Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc PLA đã điều một trong số các lữ đoàn trong lực lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vị trí buộc Việt Nam phải rụt vòi. Nhớ rằng Trung Quốc đã tấn công Việt Nam vào năm 1979 vì tức giận trước sự can trường của Hà Nội, nên một khi Trung Quốc vung tay về phía Hà Nội, tất cả các bên liên quan đều tăng cường cẩn trọng.
Chính sách mới của Trung Quốc trong việc phô trương nhiều hơn thay cho che dấu sức mạnh quân sự mới thấy của quốc gia này đang được sử dụng trong thời kỳ ông bộ trưởng Bộ quốc phòng Gates đi thăm Trung Quốc đầu năm 2011. Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ông Gates, PLA đã cho trưng bày lực lượng tên lửa đạn đạo chống hạm của mình, dẫn đến khẳng định của Đô đốc Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) rằng tên lửa đạn đạo này của Trung Quốc đã đạt được “năng lực triển khai tối thiểu”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi cuộc viếng thăm của ông Gates như một cơ hội để trưng trình máy tiêm kích J-20 mới, một loại máy bay chiến đấu được xem là có khả năng tàng hình. Nói tóm lại, Trung Quốc có sức mạnh lớn hơn và đang theo đuổi các mối quan tâm quốc gia của nước này.
Lớp lãnh đạo yếu kém
Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cho thấy là những nhà lãnh đạo yếu kém, không có khả năng đưa ra các quyết định cứng rắn trong cải cách kinh tế, cũng như không có năng lực lãnh đạo bộ chính trị đi đúng theo đường lối Đặng Tiểu Bình “câu thời gian và giấu năng lực” (tức là để Trung Quốc lớn mạnh lên mà không gây kích động để tránh một liên minh đối đầu hình thành từ sự lo ngại trước sức mạnh của Trung Quốc). Nhưng đây không chỉ là vấn đề lớp lãnh đạo hiện thời yếu kém, mà thực chất là hệ thống lãnh đạo là yếu kém. Ở Trung Quốc, hiện không còn có cá nhân nào có quyền lực cách mạng hợp pháp mà Đặng Tiểu Bình có được trước đây hay được Đặng Tiểu Bình chuyển giao lại (như Đặng đã trao cho Giang Trạch Dân), vì thế chính quyền nhà nước độc đảng hiện nay hoạt động theo đồng thuận, thỏa hiệp – không cá nhân nào trong bộ chính trị xem ra có được sức mạnh hay vị trí quyền lực hợp pháp hơn trội. Các quyết định đưa ra có thường có vẻ không nhất quán, có những quyết định xuất phát từ thái độ tránh né tối đa các mối nguy hiểm (thí dụ như vấn đề Triều Tiên hay cải tổ kinh tế), có những quyết định lại xuất phát từ các cảm nhận dân tộc chủ nghĩa được giới tranh luận trên mạng internet và các nhà trí thức hàng đầu đưa ra (thí dụ như vấn đề biển Đông và xung đột với Nhật Bản như đã nói tới ở trên). Vì hệ thống lãnh đạo yếu kém, PLA, vốn có xu hướng ủng hộ chính sách ngoại giao hiếu chiến, có được tiếng nói mạnh mẽ trong quá trình ra quyết định trong lúc các thành viên khác trong đảng chủ yếu quan tâm đến cải cách kinh tế.
Chủ nghĩa dân tộc bài ngoại
Rất nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhận thấy chủ nghĩa dân tộc thường được tuyên truyền bởi giới tranh luận trên mạng internet cùng với giới trí thức Trung Quốc là lực lượng dẫn lái chủ yếu cho chính sách đối ngoại của nước này. Nhưng điều thường hay bị bỏ qua là thực trạng Trung Quốc đang ngồi trên lưng con hổ mà tự nước này đã sinh ra. Kể từ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Đảng CS Trung Quốc đã phát động một phong trào rầm rộ trong “giáo dục yêu nước” nhấn mạnh tính siêu đẳng của nền văn hóa Trung Quốc cũng như nỗi sỉ nhục mà dân tộc này phải hứng chịu trong quá khứ từ phía các cường quốc nước ngoài như Nhật Bản và Mỹ. Cứ thử nói chuyện với người dân Trung Quốc trong độ tuổi hai mươi, ba mươi, người ta chắc sẽ được nghe họ nói về các kế hoạch Mỹ-Nhật làm xuy yếu Trung Quốc và chia cắt Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương khỏi Trung Quốc, cũng như về địa vị tất nhiên của Trung ở vị chí đầu bảng trong phân cấp châu Á. Những công dân này là những người có học, được coi là đã Tây hóa, đối tượng mà nước Mỹ đã từng muốn dựa vào để biến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành một nước tự do. Nhiều thanh niên Trung Quốc còn hoàn toàn không biết tới thảm sát Thiên An Môn, họ nhìn nhận mọi chính sách của Mỹ như những nỗ lực kiềm chế Trung Quốc (kể cả cuộc chiến ở Áp-ga-nix-tan), họ tin chắc rằng nền dân chủ ở Đài Loan là một bằng chứng về lộn xộn chính trị, họ cũng nổi giận khi thấy người dân Tây Tạng (nơi nhiều người dân bị giết hay tống giam trong một đợt đàn áp kéo dài ba năm chỉ được nói tới thoáng qua) không đánh giá cao nỗ lực của Bắc Kinh đẩy nhanh phát triển kinh tế ở vùng này.
Nếu nhiều người dân thuộc tầng lớp ưu tú của Trung Quốc có các quan điểm nhận định về thế giới như trên, người ta khó có thể biết được thành phần dân chúng “hạng thấp” ở Trung Quốc có suy nghĩ, tin tưởng thế nào trong thời kỳ vặn mình phát triển kinh tế. Còn lực lượng đàn ông dư thừa hàng trục triệu người Trung Quốc đã tạo ra qua chính sách một con và sự ưu tiên của dân chúng cho con trai thì sao? Đó là những cá nhân nằm ở cuối bảng phân loại xã hội-kinh tế, không lấy được vợ, thừa dư sức lực sẵn sàng gây ra bạo lực và lộn xộn các kiểu. Thực sự là Trung Quốc đang phải tranh cãi mới công luận hơn so với các thời trước – nhưng chính nhà nước này đã tự tạo ra một chủ nghĩa dân tộc bị thương tổn để ngày nay nó định hướng, thậm chí dẫn lái chính sách ngoại giao của quốc gia. Tất nhiên ở đây không có ý muốn nói Trung Quốc hoàn toàn không có những người có khả năng tự do suy nghĩ, muốn cải cách kinh tế hoặc muốn Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng tự do trong nước cũng như trật tự, bình ổn trên thế giới. Tất nhiên là có những người Trung Quốc như thế, nhưng những người theo đuổi cải cách kinh tế thì lại đang cắm đầu vào làm tiền, những người ủng hộ tự do và bình ổn trên thế giới thì chẳng làm được gì nhiều trong các nhà tù nơi họ đang bị giam cầm.
Một quân đội mạnh hơn đi cùng với lớp lãnh đạo yếu kém và chủ nghĩa dân tộc bị thương tổn là các vấn đề có tính hệ thống. Các yếu tố trên rất có thể sẽ góp phần định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong một khoảng thời gian nhất định. Trung Quốc đã gieo hạt trong các thập kỷ trước – qua đầu tư tiền của vào xây dựng các lực lượng quân đội cưỡng chế, trì hoãn cải cách chính trị, “giáo dục” người dân bằng tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa hoài cổ. Ngày nay, thế giới đang gặt những gì ông Đặng Tiểu Bình đã gieo thời trước.
Ông Daniel Blumenthal là giám đốc bộ phận Nghiên cứu Á châu thuộc American Enterprise Institute, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề an ninh Đông Á và quan hệ Mỹ-Trung.

No comments:

Post a Comment