Thursday, April 11, 2013

Nhân đọc Bên Thắng Cuộc, lại bàn về sự hoang tưởng của quyền lực



Lê Anh Hùng - Bên Thắng Cuộc của Huy Đức ra đời đã khá lâu nhưng mãi gần đây tôi mới có điều kiện nghiền ngẫm. Và công trình khảo cứu công phu này đã thực sự cuốn hút tôi, xứng đáng với vô số lời ca tụng mà độc giả khắp trong và ngoài nước đã dành cho nó.

Một trong những điều mà tôi tâm đắc về tác phẩm là nó đã dựng lên những bức chân dung sát thực, cả những mảng màu tươi sáng lẫn tối thui, của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, những người mà trên thực tế đã nắm giữ vận mệnh dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Trước đây, khi viết bài “Sự hoang tưởng của quyền lực”, tôi không có nhiều tư liệu về các lãnh tụ cộng sản ở Việt Nam để minh hoạ cho ý tưởng của bài viết. Vậy nên dịp này, tôi muốn trích một số câu phát ngôn “để đời” của các nhà lãnh đạo Việt Nam (đã được tác giả Huy Đức dẫn trong tác phẩm) khi họ ở đỉnh cao quyền lực để nêu bật cái “chân lý” mà tôi đã “đúc kết” trong bài viết trước – “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối”:
…Tại Hội nghị Trung ương 5, họp từ ngày 14 đến 23-11-1953, Hồ Chí Minh quán triệt: “Vấn đề mấu chốt là cải cách ruộng đất”. Mở đầu bài phát biểu trước Hội nghị này, Hồ Chí Minh cho rằng: “Phe ta ngày càng mạnh, phe địch ngày càng yếu. Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới, đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa cộng sản… Với sự giúp đỡ tận tâm của Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc đã thắng lợi to trong cuộc chống Mỹ, giúp Triều, trong việc xây dựng nǎm đầu của kế hoạch năm nǎm, và đang thắng lợi trong công cuộc củng cố và phát triển dân chủ mới”.
…Ngày 13-3-1977, tại trường Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể”[1].
…Năm 1979, nền kinh tế Việt Nam đang ở mức khốn cùng nhưng Tố Hữu vẫn yêu cầu các nhà văn phải “nhận ra nhịp đi của lịch sử” để thấy: “Dân tộc ta đang ở khúc chóp đỉnh, chỏm nón của thời đại”.
…(Trong bài phát biểu chào đón TT Mỹ Bill Clinton chiều ngày 18/11/2000,) ông Lê Khả Phiêu nói tiếp: “Bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi…”
Người ta có thể dễ dàng nhận ra âm hưởng của những lời lẽ trên đây qua các bài phát biểu hùng hồn của “đồng chí” Kim Jong-un trước 25 triệu đồng bào của mình, những người đang may mắn được sống trong thiên đường cộng sản trên mặt đất chứ không đến nỗi bất hạnh như những người anh em phương Nam của họ. Và có lẽ chẳng mấy ai am hiểu lại tỏ chút ngạc nhiên nếu một nhà lãnh đạo Việt Nam nào đó khoát tay quả quyết rằng tuyệt đại đa số nhân dân “nhất trí, đồng tình” với bản Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Đảng CSVN đang kêu gọi nhân dân “góp ý”. Đơn giản là cái “quy luật” mà tác giả đã “đúc kết” trong bài viết trước – “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối” – đã lại “ứng nghiệm” ở đây./.
Trước khi bị sát hại bởi đám chiến binh cuồng nộ, Muammar Gaddafi, người từng nắm quyền lực tuyệt đối suốt 42 năm tại Lybia, vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Lybia vẫn còn yêu quý mình lắm!!!

____________________
[1] “Làm chủ tập thể” là “phát minh vĩ đại” của “bộ óc 200 ngọn nến” Lê Duẩn.

No comments:

Post a Comment