Đoàn Vương Thanh - Đừng bịt miệng người dân nữa!
Quả thật, tối 12-4, khi lên mạng, được tin và đọc tin Chính phủ thảo luận về sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Là một nhà báo nay đã 79 tuổi nghỉ hưu nhiều năm, nhưng vẫn theo dõi thời sự chính trị và chuyển biến tư tưởng chính trị, kinh tế xã hội của đất nước, tôi vừa vui vừa bán tín bán nghi về nội dung tin nói trên.
Mới theo dõi tin trên trang mạng của Nhà văn Phạm Viết Đào, tôi cũng thấy “ông ta” vui không kém. Cái gì đã bị đè nén lâu ngày, nay hé ra những điều mà lâu nay toàn dân mong muốn trên con đường đi đến một nền dân chủ thật sự, đó chính là niềm vui. Đã đến lúc chúng ta, Đảng Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cần có sự thay đổi về cơ bản, tức là nói như chủ nghĩa Mác đã nói, thay đổi về bản chất. Tất nhiên là phải có lộ trình, phải thay đổi những vấn đề cơ bản và đúng với thời cơ. Chính phủ hiện nay, đứng đầu là Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyển biến bước đầu, ít nhất là về nhận thức. Chuyển biến bước đầu nếu là sự thật và quyết tâm cao thì có thể mở ra con đường sáng sủa hơn không chỉ trong xây dựng Hiến pháp mà còn một loạt vấn đề về chế độ chính trị, về bản chất dân chủ của Việt Nam. Chúng ta qua một quá khứ hơi dài, bị ảnh hưởng rất nặng các loại tư tưởng chính trị của “bên ngoài”, làm cho chúng ta hết tả khuynh lại hữu khuynh mà “tả” hoặc “hữu” đều có hại như tất cả cán bộ đảng viên có tuổi một chút đã rõ. Tôi đồng tinh với nhà văn Phạm Viết Đào, “hoan nghênh một phát”, còn phải xem xem đã.
Nhân tin vui này. chúng tôi xin trình bầy một vài suy nghĩ trước việc Chính phủ đã muốn “trao quyền lập hiến cho nhân dân”. Tất nhiện, trao như thế nào cho có kết quả thiết thực lại phải đầu tư trí tuệ và của caỉ để tiến hành một cách vững vàng trên cơ sở phát huy trí tuệ của 90 triệu dân, của đội ngũ trí thức rất đáng quý rất đáng trân trọng của nước nhà và khai thác mọi ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân. Trước mắt chúng ta còn khoảng gần nửa năm, theo quy định về thời gian động viên nhân dân góp ý sửa đổi Hiến pháp, và theo tôi, nếu cần Quốc hội có thể gia hạn thêm. Chúng ta không đi đâu mà vội. Vì tương lai phát triển đúng hướng của toàn dân tộc, chúng ta không nên quy định cứng nhắc về thời gian một việc hệ trọng là sửa đổi và xây dựng Hiến pháp.
Từ đầu tháng 1-2013, bắt đầu mở cuộc vận động toàn dân góp ý vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên cơ sở bản Hiến pháp 1992. Lúc đầu, ta định vội vàng lấy ý kiến nhân dân cho có vẻ dân chủ, chỉ làm trong batháng, song tình hình thực tế, dân ta rất nhiệt tình cùng lo việc chung nên đã kéo dài đến hết tháng 9-2013. Đây cũng là một thay đổi đáng mừng. Tuy nhiên trong thời gian ấy, một số nhà lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước ta (có thể do tuổi tác và thói quen lâu năm) đã có một vài phát biểu ý kiến, mà dân chúng cho là “giội gáo nước lạnh” vào nhiệt tình đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Nhìn chung, nhân dân vẫn yên chí chỉ thế này rồi theo thời gian quy định sẽ kết thúc cuộc vận động và cuối cùng thì “ý Đảng” vẫn thắng thế và Hiến pháp vẫn được thông qua theo ý Đảng, đúng ra là theo ý 14 vị ủy viên Bộ Chính trị, chứ toàn đảng thì những gần bốn triệu đảng viên cán bộ, trong đó có một bộ phận không nhỏ mắc tội tham nhũng, quan liêu chưa được “xử lý” triệt để, tức là Đảng chưa trở thành một Đảng thật sự trong sạch, chứ chưa nói là vững mạnh. Chừng nào còn có tham nhũng, quan liêu, coi thường dân trong đảng thì chừng ấy Đảng vẫn chưa được dân tin yêu. Vậy vội vàng thông qua Hiến pháp với khá nhiều điều nói dối về “góp ý” và chỉ góp ý theo ý Đảng, thì có lẽ kết quả của cuộc vận động này cũng bằng không. Hàng chục nghìn tỷ đông tiền mồ hôi công sức của nhân dân được ném vào cuộc “góp ý” này sẽ ra sông ra biển, chằng mang lại lợi ích gì nhiều cho dân chúng, cuối cùng thì đâu vẫn đóng đấy, đất nước vẫn bị chìm vào suy thoái tệ hại về kinh tế, rối loạn về xã hội, băng hoại thêm về đạo đức, không biết đến khi nào mới ngóc đầu dạy được.
Chỉ mấy từ “Quyền lập hiến thuộc về nhân dân” của Chính phủ được thông tin hôm nay bao hàm rất nhiều vấn đề. Nếu đây không phải là “lời nói suông”, hoặc nói không đi đôi với làm thì càng đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa dân với Đảng, giữa dân với chính quyền, tức là Chinh phủ. Một khi làm mất lòng tin hơn nữa thì chắc chắn có nguy cơ…
Trước mắt, để lấy lòng tin của nhân dân và sau đó trao quyền lập pháp cho nhân dân, chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước ban hành ngay chính sách về “Quyền tự do báo chí", tự do ngôn luận, không phân biệt báo chí lề phải, báo chí lề trái, động viên mọi loại phương tiện truyền thông, báo chí đài phát thanh truyền hình của Đảng và Nhà nước, các báo điện tử của Nhà nước, các báo điện tử, các trang mạng của cá nhân, tổ chức trong nước và ở nước ngoài được tự do (trong phạm vị quy định của Nhà nước Việt Nam) được tuyên truyền nhiều mặt về việc góp ý vào Hiến pháp 1992. Tất cả đều không bị cấm một cách cứng nhắc. Cần xem xét những bản án vừa qua đối với một số Bloger, nếu xét thấy họ không còn “nguy hiểm” nữa thì để cho họ được ra tù và tiếp tục hành nghề. Đem nhốt những người có đầu óc thông minh này thật uổng phí. Nói gì cũng vậy, nếu nói một chiều mãi nghe cũng ớn. Quyền lập pháp thuộc về nhân dân, thì dư luận chung quanh vấn đề trọng đại này cũng phải thuộc về nhân dân. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước cho công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm mạng In-tơ-nét rất lợi hại hiện nay, toàn bộ Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đã chuẩn bị, công bố Bản Dự thảo Hiến pháp do nhóm trí thức “Kiến nghị 72″ soạn thảo, và tất cả những ý kiến cho là “trái chiều” “không vừa lòng Đảng” để rộng đường dư luận. Nói như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì đây mới là Dự thảo mà đã là Dự thảo thì phải có nhiều ý kiến rộng rãi kể cả trái chiều, sau khi đúc kết, nhân dân mới là người phán quyết cuối cùng, Điều này đối với chúng ta hiện nay làm không khó. Đại diện nhân dân, về mặt rộng rãi có Mặt trân Tổ quốc, về mặt pháp lý có tính đại diện cao là Quốc hội…Có như vậy thì cuộc vận động toàn dân góp ý mới có ý nghĩa là toàn dân. Các cơ quan chức năng chủ trì cuộc vận động này cần phải hết sức trung thực hết sức tôn trọng mọi ý kiến được các cơ quan truyền thông đưa lên. Như vậy, cuộc vận động này sẽ mang ý nghĩa lịch sử và tinh thần của “Hội nghị Diên Hông thời nhà Trần” và “Hội nghị chính trị hiệp thương” do bác Hồ chủ trì thập kỷ 60 thế kỷ trước mới thực sự là cốt lõi của nền dân chủ của dân tộc ta.
Mong lắm thay! Tôi đã 79 tuổi, trước khi chết mà được thấy đất nước có dân chủ thật sự nói chung và có tự do ngôn luận bằng việc làm cụ thể thì cũng thanh thản và chắc chắn nếu chết sẽ ngậm cười nơi chín
suối, được đi hầu Bác Hồ cũng mang đến cho bác nhiều tin vui…/.
suối, được đi hầu Bác Hồ cũng mang đến cho bác nhiều tin vui…/.
Tác giả gửi QC
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
_________________
_________________
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
No comments:
Post a Comment