Khi ghi điều đó vào Hiến pháp, nó không phải là khẩu hiệu; nó là bản chất cần phải có của nhà nước. Nó cũng không chỉ là sự cam kết đơn phương của nhà nước, mà là yêu cầu, là sự đặt hàng của toàn dân đối với nhà nước.
Sự vận hành tư tưởng này vào đời sống, sinh hoạt, hoạt động chính trị của đất nước đòi hỏi một bối cảnh phù hợp; bối cảnh đó cũng được hiến định trong Hiến pháp. Trước hết, bối cảnh được hiến định đó là cách thức bầu cử ra nhà nước (tổ chức tổng thể được trừu tượng hóa trong hệ thống chính trị và các thành viên cụ thể phải bầu) bảo đảm cho bằng được nhà nước đó là của dân, do dân. Của, do ở đây được hiểu và thực thi theo tinh thần quyết định luận, có tính nhân quả giữa người dân và sản phẩm nhà nước họ tạo ra. Mỗi người dân đi bầu – cử tri, không phải là đơn vị tính cho tổng số/tỉ lệ người dân tham gia vào cuộc bầu cử một cách số học và cơ học, mà là một chủ thể chính trị có ý thức, có năng lực hành vi bình thường, đang thực hiện quyền và nghĩa vụ tạo ra nhà nước của mình. Thuộc tính này, trong một thể chế dân chủ, cũng được tính đến đối với những người thể hiện thái độ không tham gia bầu cử (dĩ nhiên không bao gồm những người vô trách nhiệm, vô chính phủ).
Để bảo đảm cho bản chất của dân, do dân đó của tổ chức nhà nước và các thành viên phải được bầu theo hiến định, người dân phải biết về những người mình sẽ lựa chọn và bầu – các ứng cử viên được các chính đảng giới thiệu hoặc tự ứng cử theo một số điều kiện nào đó do luật định. Thông thường, yêu cầu này phải được thực hiện theo thể thức bầu cử trực tiếp, dân chủ trực tiếp. Các chính đảng, khi giới thiệu người ra ứng cử và thực hiện vận động cho ứng cử viên đó, cũng không chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự thành bại trong cuộc chạy đua của ứng cử viên; hơn nữa, sau khi ứng cử viên đã đắc cử và hành chức trong bộ máy nhà nước, chính đảng đó cũng không còn chịu trách nhiệm chính trị, không thể bảo vệ, bảo kê cho những sai sót công vụ của người này.
Cùng với việc biết một cách thấu đáo đối tượng mà mình sẽ lựa chọn, mỗi cử tri, theo luật định, cũng là một ứng cử viên tiềm năng; và việc đi bầu của họ, thực chất là sự lựa chọn trong đó có sự so sánh với chính bản thân mình, rằng người được lựa chọn đó xứng đáng hơn mình, có điều kiện riêng và khiếu làm chính trị hơn mình. Tính chính danh của nhà nước, của các thành viên được bầu của nhà nước được tạo nên bởi sự tự so sánh, tự thuyết phục từ mỗi cử tri. Có được sự tự thuyết phục đó, người dân mới thực sự coi nhà nước là của mình, nhớ rằng mình đã bầu ai; từ đó, họ luôn có ý thức theo dõi, giám sát nhà nước bằng trách nhiệm tự nhiên riêng tư, thông qua theo dõi các kênh thông tin đại chúng, qua việc tham gia thăm dò mức độ tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc tham gia, theo dõi thủ tục luận tội (impeachment). Ít nhất, khi quan chức nhà nước nào đó có sai lầm hoặc vi phạm, cử tri đã bầu người đó còn có thể nói “Tôi rất ân hận đã bầu cho ông/bà đó”. Sự giám sát của công dân – cử tri đối với hệ thống nhà nước trong trường hợp này không phải là hành vi liêm phóng, cũng không chỉ vì những mục đích nhất thời đôi khi thiếu lành mạnh, dễ biến tướng thành vụ lợi, ấu trĩ như kiểu tố cáo tiêu cực, tham nhũng, mà là một hành vi thể hiện trách nhiệm chính trị văn minh : người dân giám sát hiệu quả sự ủy nhiệm chính trị của mình, đánh giá chất lượng nhà nước thực hiện bản khế ước với nhân dân.
Thể thức bầu cử, sinh hoạt chính trị đó có thể thấy rõ trong nền chính trị của Hoa Kỳ. Nó được thử nghiệm và thành công với tuổi thọ của bản Hiến pháp gần 230 năm cộng với 27 Tu chính án, không cần sửa đổi, viết lại. Bản Hiến pháp có hiệu lực từ 4/3/1789 cùng với hệ thống luật pháp liên quan đến điều chỉnh các quan hệ chính trị giữa nhà nước với công dân, giữa các chính đảng, các tổ chức chính trị với nhà nước và công dân đã tạo nên một nền dân chủ mẫu mực đã được nhà nghiên cứu người Pháp A. Tocqueville phân tích và đánh giá cao ngay từ năm 1835, sau một năm khảo sát. Cảm nhận về nền dân chủ đó có ở mọi tầng lớp người dân Mỹ; ở đó, các cá nhân, nhóm xã hội, chính đảng có thể phản đối những chính sách, luật pháp nhà nước ban hành trong những hoàn cảnh cụ thể, với những phạm vi điều chỉnh cụ thể, song chưa từng nghe, thấy bất cứ sự than phiền hay sự kiện chính trị nào thể hiện sự phản đối, đấu tranh của công dân đối với nền dân chủ Mỹ.
Với nền dân chủ, văn hóa dân chủ như vậy, làm quan chức nhà nước (kể cả lực lượng vũ trang) chỉ như một nghề, từ vị trí thấp nhất đến cao nhất. Quan hệ giữa quan chức nhà nước với công dân khác là quan hệ bình đẳng, được cảm nhận, nhìn nhận, đánh giá theo cam kết trách nhiệm và phân công lao động mà trong xã hội học Mỹ gọi là trò chơi đóng vai (playing the role). Giữa công chức, chẳng hạn, Tổng thống, với người dân, không có sự hơn thua cao thấp, mà chỉ là khác nhau về nghề nghiệp, về cách thể hiện chí hướng ở đời và cách thức tìm kiếm hạnh phúc sống, làm việc, cống hiến theo khẩu vị cá nhân. Quan chức, kể cả nguyên thủ quốc gia, chẳng có gì bí mật, thiêng liêng, thần thánh hóa cả, lúc đương chức cũng như lúc hết nhiệm kỳ hoặc về hưu. Họ cũng bị cư xử về mặt chính trị, luật pháp, đạo đức như những người khác, trừ những qui chế riêng về an ninh, sức khỏe, ngoại giao lúc thi hành công vụ. Sự kiện Watergate của R. Nixon hay vụ Monica Lewinski với B. Clinton là minh chứng cho kiểu văn hóa này. Đặc biệt, cái chính đảng giới thiệu họ ra ứng cử, sau khi làm xong thủ tục đó, trở thành cái bóng mờ sau cái phông chính trị của họ, không còn tác dụng gì trong việc hỗ trợ chính trị theo qui định của luật pháp hoặc yêu cầu quản lý đảng viên. Một khi không còn giữ cương vị nhà nước đó, quan chức nguyên thủ không còn nhu cầu hoặc được mời mọc xuất hiện ở những sự kiện quốc gia hoặc hoạt động đảng phái để chưng diện những khuôn mặt lờ đờ “Ì như một chiếc bình vôi”(*) của mình nữa.
Việt Nam, từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946, đã có những nỗ lực nhất định để hiến định và thực thi tư tưởng, nguyên tắc nhà nước của dân, do dân, vì dân, được tiếp thu từ Hiến pháp Hoa Kỳ. Song do hoàn cảnh chiến tranh và do sự kiểm soát, cạnh tranh chính trị của đảng cộng sản – cũng là một trong những nguyên nhân của chiến tranh, Hiến pháp 1946 trở nên không có hiệu lực; tư tưởng và nguyên tắc nhà nước của dân, do dân, vì dân không được thực hiện với những qui trình chính trị tương thích giống như ở các quốc gia mà tư tưởng, nguyên tắc này hình thành, dẫn đến tình trạng độc tài đảng trị, đảng toàn trị ngày càng tăng. Suốt mấy mươi năm, trên thực tế, nhà nước Việt Nam và công chức/quan chức nhà nước trở thành của đảng, do đảng, vì đảng thể hiện qua toàn bộ qui trình, thủ tục hình thành nhà nước và nhân sự trong hệ thống nhà nước. Các phạm trù có tính mục tiêu của nhà nước, nhằm thể hiện bản chất tiến bộ của nhà nước của dân, do dân, vì dân như dân chủ, nhân quyền, tự do, hệ thống pháp luật, kể cả Hiến pháp cũng khuôn theo đó. Tất cả đều nhằm hiện thực hoá, thể chế hoá các quyết định, chỉ đạo, định hướng, đường lối, nghị quyết của đảng; đảng bảo sao, cho “mở rộng” đến đâu, như thế nào, cơ cấu những ai thì cứ thực hiện theo đó. Cơ quan Quốc hội, qua mấy mươi năm, cũng sinh hoạt/hoạt động theo khuôn mở rộng dân chủ của đảng; ông Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ được xếp sau Thủ tướng trong cái thứ tự thiêng liêng, thần bí của đảng. Cho đến những ngày này, người ta còn muốn ghi vào Hiến pháp mới sứ mệnh của quân đội vốn có tên Vệ quốc quân trở thành Vệ đảng quân; còn công an “nhân dân”thì đã công khai “còn đảng, còn mình”. Đến sổ hưu của công chức, viên chức ăn lương từ ngân sách cũng gắn liền với đảng, với chế độ chính trị như lời của một ông PGS.TS Đại tá QĐND.
Trong bàn tay kiểm soát toàn trị của đảng, muốn được đứng vào một vị trí có phẩm hàm nào đó trong bộ máy nhà nước, điều kiện tiên quyết phải là đảng viên. Từ điều kiện cần khởi sự đó, công chức sẽ dần thăng tiến trong sự bảo kê suốt đời của đảng, với yêu cầu phải luôn luôn tỏ ra phục tùng, thể hiện những dấu hiệu của sự trung thành, một chút năng lực. Dựa vào đó, đảng sẽ qui hoạch, cho đi đào tạo các lớp chính trị từ sơ cấp đến cao cấp, cơ cấu vào cấp uỷ. Một khi đã được như vậy, nếu không có sai phạm công vụ gì, người công chức đã trở thành cán bộ vạn năng trong việc bố trí vào những cương vị nhà nước cùng cấp với cấp uỷ và chuẩn bị cho cấp uỷ cao hơn. Một cán bộ ở cấp tỉnh uỷ chẳng hạn, dù trình độ và chuyên ngành chuyên môn gì, có thể bổ nhiệm bất cứ vị trí giám đốc Sở nào. Thế mới có trường hợp nhà thơ thì làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế; một y tá trình độ sơ cấp, học hành phổ thông lom mom, đại học luật tại chức có người thi thay vẫn có thể làm Thống đốc ngân hàng. Những năm gần đây, để khắc phục tìng trạng đó, đảng đưa thêm tiêu chuẩn bằng cấp cao vào yếu cầu bổ nhiệm một số loại hình công chức, viên chức, nhằm trí thức hoá cán bộ đảng viên, và cũng làm sang cho hệ thống này trong giao dịch với đồng cấp nước ngoài. Song từ chủ trương đó, đã xuất hiện hiện tượng học giả bằng thật, bằng giả, mua bán bằng cấp…và tất cả số cán bộ có bằng cấp, học vị học hàm cao làm công tác lãnh đạo, quản lý chẳng đóng góp gì trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của đất nước cả.
Bù đắp lại, người công chức, ngoài hệ số lương, được hưởng tất cả các đặc ân đặc lợi từ tem phiếu trước đây cho đến nhà cửa, xe pháo, bổng lộc, sự chăm sóc sức khoẻ, chế độ phục vụ, bảo vệ an ninh theo sự phân loại bí hiểm A, B, C… hiện nay; trong đó, có những bổng lộc, quyền lợi suốt đời. Thậm chí, những cán bộ cao cấp, khi đã về hưu, vẫn móc lại làm “cố vấn”; các dịp lễ lạc vẫn được mời đến khọm khẹm đi đứng ngồi, phát biểu để sau đó nhận phong bì; một số vị trong số này lâu lâu hứng lên lại hạ phóng xuống địa phương với bầu đoàn đưa rước, tiệc tùng, quà cáp, và chỉ đạo.
Nhưng đặc ân lớn nhất là sự bảo vệ đầy quyền lực của đảng đối với họ. Tuy về lý thuyết, một số trong đó được gọi là do dân bầu ra và tất cả đều “phục vụ” nhân dân, song với số cán bộ được bầu, họ biết không cần vận động thì vẫn trúng cử, cho dù họ được phân công đến “ứng cử” ở một địa điểm cách nơi sinh sống của họ cả ngàn cây số và có thể họ chưa biết địa danh đó. Một khi đã “trúng cử”, cùng với số cán bộ được bổ nhiệm, tất cả đều tư duy hành xử không có chút biểu hiện nào là của dân, do dân, vì dân nữa, mà là làm công cụ của đảng để cai trị nhân dân. Vì vậy, dù một chính sách của đảng sai, không hợp lòng dân, gây thiệt hại quyền lợi của dân, họ vẫn phải đứng về phía đảng, bới vì họ là đảng viên; quyền lợi của họ, dù là từ thuế của dân, vẫn như do đảng ban phát. Trong tác nghiệp công vụ như vậy, họ được đảng bảo vệ tối đa ở những vi phạm dưới mức hình sự. Ở mức đó, có thể có những xử lý kỷ luật trong đảng rồi phiên sang chính quyền, kể cả bố trí công việc khác, chuyển đi nới khác, song không có ảnh hưởng gì đến các lợi quyền vật chất, chẳng hạn mức lương. Trường hợp xử lý với ông Chủ tịch tỉnh Đak Lăk vừa rồi là như vậy.
Nếu đảng viên có vi phạm mức hình sự, lập tức đảng sẽ khai trừ trước khi ra toà để chứng tỏ một cách kỹ thuật rất trẻ con rằng đảng viên “cộng sản” không bao giờ bị bỏ tù trong một nước “xã hội chủ nghĩa”. Từ đó đã có một số tình huống oái ăm là sau khi bị khai trừ, bi can đó được trắng án ở một cấp xử cao hơn. Cho đến nay đảng chưa có phương án giải quyết nào cho tình huống này.
Thể hiện cao nhất của sự bảo vệ, bảo kê đó là trường hợp đồng chí X vừa rồi. Ở cấp uỷ viên Bộ chính trị được cơ cấu vào hệ thống nhà nước, đồng chí ấy dứt khoát phải được do dân bầu. Đúng ra, sự vi phạm của đồng chí ấy phải được công khai cho cho nhân dân và phải được xử lý bằng chính cái tổ chức do dân bầu ra trong đó có đồng chí ấy. Song như bản chất, qui trình nói trên, trước hết đồng chí đó phải bị xử lý kỷ luật trong đảng. Một khi đảng không xử lý được, nhân dân hoàn toàn không biết đồng chí ấy vi phạm cái gì; ngay cái tên của đồng chí ấy cũng không được công bố cho nhân dân. Vậy thì cố ghi vào Hiến pháp làm gì rằng nhà nước là của dân, do dân, vì dân, trong khi thực tế nhân dân không biết gì về nhà nước nếu không được phép của đảng. Hiến pháp có mạnh hơn đồng chí X không khi đồng chí đó là một đảng viên “cộng sản” cao cấp và trong hoàn cảnh đảng vẫn đứng trên nhà nước, đứng trên pháp luật?
Xích Tử
No comments:
Post a Comment