Saturday, April 20, 2013

Cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết !



Hạ Đình Nguyên - 1. Từ câu chuyện nhỏ
Cách đây đã khá lâu, khi quét dọn căn phòng trọ, tôi nhặt lên một mảnh nhật báo cũ ai đó bỏ rơi. Dừng chổi, tôi đọc lướt qua một câu chuyện rất ngắn, có tựa đề : “ nhớ về một chuyện đụng xe” của Nhà văn NQS. Câu chuyện nhỏ theo tôi đến tuổi già. Chuyện như sau, lược theo trí nhớ.

 “Hôm ấy, tôi đạp xe theo sau một người bạn đi về hướng Chợ Lớn, để tới một nơi hẹn. Khi đến một ngã tư, anh bạn đã vượt qua, tôi qua chưa kịp thì đèn chuyền sang màu vàng báo hiệu dừng lại. Nghĩ rằng tôi có thể vượt qua nên cố sức nhấn bàn đạp dấn tới. Một xe đạp khác băng qua. Chúng tôi đã va vào nhau, đều té ngã. Đứng dậy, chúng tôi cãi nhau chuyện phải quấy. Ai cũng đưa ra lý lẽ của mình. Tôi kịch liệt bảo vệ lập trường của tôi. Giao thông bị trở ngại. Một Cảnh sát tiến đến. Anh ta nói : “hai bác cũng đã lớn
tuổi, hai xe không hư hại gì, cũng chẳng ai trầy sướt, hai bác nên hòa nhau, đừng cãi nữa”. Chúng tôi đồng ý giải hòa và sau đó, phần ai nấy đi, theo hướng của mình. Tôi mất hút ông bạn. Tôi ăn năn tư nhủ, lẽ ra tôi phải dừng xe lại khi đèn vàng báo hiệu, nhưng tôi cố tình vượt qua, vì sợ lạc ông bạn, tôi sẽ không biết đi đâu, vì không biết địa chi rõ ràng, lại trong cảnh phố rộng người đông.!
Xét cho cùng, tôi kết luận: ở đời phải biết chổ đến của mình, nếu đi theo người ta mà không biết về đâu, sẽ rước lấy tai họa, có khi phí cả cuộcđời. ”./.
Câu chuyện nầy làm tôi nhớ mãi, về sự đi theo mà không biết rõ nơi đến. Tình cảnh nầy có lẽ không riêng ai, có khi là cả dân tộc ?
 Nhân dân VN đã đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, suốt 2/3 thế kỷ, để đấu tranh giành Độc lập, Tự do, Dân chủ, đem hạnh phúc về cho nhân dân.
Mục tiêu như thế đã rõ, chỗ đến đã được minh định, với Hiến pháp năm 1946. Dù rằng trong quá trình kháng chiến, ĐCS VN cũng đã hứa hẹn thêm cho tương lai một CNXH tươi sáng, “Đem nhu yếu ra mà dẫn dắt nông dân đến chiến trường”! (Luận cương Đảng CS năm 1930)
Nhưng nhiều thế hệ đã hy sinh đời mình, kể cả những người đang sống sót, cũng không biết CNXH là gì, và họ cũng đã từng “chưa quan tâm”. Chiến đấu vì Độc lập Tự do trước đã !. Như cô gái Lai Vu, theo nhà thơ Tố Hửu: “Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù”.
Chuyện thật hư chưa ai biết, nhưng ví phỏng việc rắn quấn vào chân còn gác lại, huống là cái chủ nghĩa cao siêu mộng tưởng ấy.
 Ông Hồ Chí Minh, năm 1946 đã gọi lớn : Hởi đồng bào cả nước ! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai xâm phạm được,trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tư do và quyền mưu cầu hạnh phúc… (Tuyên ngôn Dộc lập)
Cả nước đã vào cuộc chiến tranh.
Và 30 năm chiến tranh kết thúc, Độc lập thì “tạm xem như” đã có. Tư do Dân chủ thì chưa.! Nó được thay thế bằng từ ngữ “CNXH” rất rỗng rang, do Đảng CS hiện nay tiếp tục lãnh đạo, dưới bộ máy chuyên chính vô sản. Suốt chặng đường 38 năm nay, một con đường mờ mịt quanh co, lúng túng không có lộ trình, không biết nơi đến, không rõ khuôn mặt, mà tuyệt nhiên, thực chất, chẳng có ai biết nó ra sao, kể cả mấy anh lớn dẫn đường ! Anh cả Liên Xô thì đã bỏ cuộc, một đi không trở lại. Anh Ba Trung quốc thì thành “Bá quyền”, bầy hầy, lếu láo mà lại phản bội. Bây giờ thì đi đâu ? Hiện nay, không ai biêt một Việt Nam trong tương lai sắp đến như thế nào !.
2.Sự đi theo
Con đường có nhiều khúc quanh.
Năm 1959, ông Hồ Chí Minh nói : “Từ khi Đảng CSĐD thành lập, nhân dân VN luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại, và coi Liên Xô là Tổ quốc Cách Mạng, Tổ quốc thứ 2 của mình” (1). Chuyện nầy, thuộc về quá khứ, nó nằm trong zig zag mà lịch sử đã vượt qua. Nhưng chuyện hôm nay, khi cái cột mốc vĩ đại đó chì còn là một phế tích, thì sự thật đã quá lõa lồ.
Năm 2013 của thế kỷ 21, thời đại của toàn cầu hóa, nhưng trên đống tro tàn vẫn còn gầm lên một thứ “triết lý bọc thép”, bất chấp thời đại: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng 10 (Nga) đã dẫn đầu sự ra đời của Tổ quốc XHCN, một Tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại, đặc trưng bởi chế độ xã hội XHCN” Người phát ngôn những lời xanh rờn, bí hiểm một cách vô nghĩa đó, là một Trung tướng, Tiến sĩ!(2)
Tìm đâu thấy ?. Việt Nam là ai, mà muốn làm “Tố quốc kiểu mới” vượt lên trên nhân loại, lại còn đặc trưng, đặc sản nữa ! Mà chỉ thấy “Sự diễn trò rập khuông ngông nghênh quẩn đục phi sáng tạo” (3), như cơn bốc đồng của một kẻ say xỉn.
Những người “dẫn đường” của Việt Nam hiện nay vẫn cương quyết dẫn đường.! Vì lý do rõ nhất, trong khi dẫn đường, họ được tự do gấp vạn lần tự do của nhân dân, được tham nhũng thoải mái vì có luật pháp của mình che chắn, được ăn uống tất cả các thứ mà con người có thể ăn uống được…
Cái triết lý duy nhất, cuối cùng để biện minh: “Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng, nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”(4). Cái bình đẳng của “một số con” nầy, đã nhân danh nhân dân, nhân danh chính nghĩa, đã vượt thời đại để lao lại về… một quá khứ tối tăm.
 Nhân danh sự bình đẳng ấy, lực lượng tuyên truyền đề cao Đảng với một thứ ‘triết lý bọc thép”, có thể tóm tắt: công giành được giang san nầy là của Đảng, do đó đất nước nầy là sở hửu của Đảng, dân tộc nầy là thuộc quyền điều khiển của Đảng, nhờ Đảng mà có, do Đảng mà sống, nên Đảng có quyền muốn dẫn đi đâu thì dẫn ? Hiểu khác, là đồng nghĩa với phản bội, là phủ nhận “công ơn” của đảng.
Phải chăng hình mẫu đặc sắc của VN mà Đảng muốn là mô hình Bắc Triều Tiên, ở đó nhân dân chịu lép một bề dưới quyền cai trị của một nhóm người ?
Lối suy nghĩ nầy thuộc về thời tiền sử, tồi tệ hơn phong kiến, thực dân và đế quốc cộng lại, mà ĐCS trước đây, luôn lưôn tuyên bố chống lại nó !.
 Lẽ nào, cuộc chiến tranh giành độc lập nầy không phải là ý chí và xương máu của toàn dân ?, của hàng hàng lớp lớp thế hệ thanh niên con em của nhân dân, là tim, là máu, là thịt với gần một thế kỷ đã hy sinh ? Hay chì có Đảng CS, và đặc biệt được rút gọn lại thành chỉ là các anh hôm nay ? Đảng có thể là “đại diện”, chứ không là tất cả, trong một giai đoạn đã qua, xin tạm để dành lại cho lịch sử . Nhưng hôm nay, dù Đảng nầy vẫn còn danh nghĩa
là Đảng ấy, nhưng Đảng ấy đã biến thành Đảng nầy, khi mà, nếu nó không còn chứng tỏ được trái tim có phẩm chất xứng đáng, và một trí tuệ bắt kịp thời đại, thì sẽ không còn là đại diện cho ai nữa, dù là đại diện giai cấp nầy nọ, hay đại diện của nhân dân.
 Không thể đồng hóa lợi ích và một mớ di sản khẩu hiệu giáo điều của một số ít người với cả lịch sử của Đảng và cuộc kháng chiến của toàn dân. Cái món nợ gần 70 năm qua của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến Pháp 1946 hãy còn nguyên. Nước Nhật trong đống tro tàn, đã cùng một thời điểm xuất phát đó, cũng vào năm 1946 đó, với 30 năm của một Hiến pháp Dân chủ tiến bộ, đã trở thành một cường quốc. Xét cho cùng, nhân dân Việt Nam lấy cái gì để tự hào và lên giọng, ngoài cái hy sinh 30 năm xương máu, và 38 năm đi quanh quẩn cùng với các khẩu hiệu và cờ trống ? Ăn vào quá khứ, vơ vào mình những công lao moi lên từ những nấm mồ, mà không làm nên được một đột phá nào để thoát tình cảnh lùng bùng và tụt hậu hôm nay, đúng là điều sỉ nhục của trí tuệ và lương tri, là biểu hiện của những lời huênh hoang.
 Đảng đã tư nhận là suy thoái – mà là suy thoái toàn diện – đã nhận ra là đánh mất niềm tin của nhân dân, thì thái độ tự cao, tư tưởng bảo thủ, lý sự đúc sẳn theo khuông, chắc chắn không phải là giải pháp ứng xử thích hợp cho tình thế hôm nay.
Sửa đổi Hiến pháp là cơ hội để thay đổi não trạng, để có thể nhìn lại lịch sử, để điều chỉnh hướng đi, là xây dựng một đích đến cụ thể. Dân tộc không thể chấp nhận việc “tiến lên”, “tiến tới” một cái nơi mơ hồ, được ngụy biện bằng những từ ngữ không có nội dung.
Nhân loại đã dành sự ngưỡng mộ cao nhất cho chính trị, ở nơi người lãnh đạo, đó là đạo đức, là tư tưởng nhân bản, là một nhân cách cao hơn hẳn, và phải là một trí tuệ sáng suốt, có khả năng nhìn thấy được tương lai. Nếu không được như thế, hàm lượng của những tố chất nói trên quá ít ỏi, thì đó là một tai họa khủng khiếp cho dân tộc. Người ta vẫn cho rằng, làm chính trị sai, hại cả một thế hệ, làm văn hóa giáo dục sai, hại nhiều thế hệ. Điều đó sẽ không đúng trong một chế độ chính trị ‘toàn trị”. Toàn trị sẽ đem lại hệ quả rất khủng khiếp, nó bít kín tất cả, không cho phép có một kẻ hở nào để có bất cứ một sự nẩy mầm tươi mới tốt đẹp hơn xuất hiện. Vì văn hóa giáo dục cũng chỉ trở thành một thứ “chiến binh”, là một sắc lính trong các sắc lính, được trang bị một loại tư duy theo kiểu công cụ, đồng đẳng với các công cụ bạo lực khác.
 3. Sự khoán gọn
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phải chăng Điều 4, là một thứ văn kiện “hợp đồng khoán gọn”, giao cả sinh mệnh trước mắt và lâu dài của cả dân tộc cho một “đội thầu”, mà đội thầu đó lại có quá nhiều quyền hạn, từ thiết kế đến thi công, kiêm giám sát công trình, làm báo cáo hoàn công; và đặc biệt, thay mặt cả “chủ đầu tư”, có quyền đánh, bắt, bỏ tù “chủ đâu tư”. Phương chi, đội thầu ấy, đang thoái hóa đến toàn diện, mất hết niềm tin của “chủ đầu tư”. Nếu “hợp đồng khoán gọn” nầy có tồn tại trong Hiến Pháp, thông qua cuộc “lobby” hoành tráng bằng các kỷ xảo bạo lực, thì Hiến Pháp ấy cũng không có trong lòng dân.
Cho dù có kẻ quan niệm trắng trợn rằng, chính trị là thủ đoạn, đời sống là thực dụng, quyền lực là ưu thế chăng nữa, thì sự khinh-trọng trong nhân dân vẫn là chuẩn mực của giá trị sống hằng ngày và lâu dài, nó có sức mạnh vĩnh cửu trong lòng dân tộc. Đoàn người sẽ ngày càng đông, giới trẻ càng nhập cuộc, vẫn đang tiến về phía trước, hướng về mục tiêu dân chủ, chỉ vì con tàu của đất nước, đặc biệt đang đứng trước họa xâm lăng của “Chủ nghĩa Xã hội” Đại Hán. Ngoài ra, không có một giá trị nào khác được so sánh, như sự “tồn vong” của Đảng chẳng hạn…Vả lại, sự “tồn vong” nầy nằm trên nền tảng dân chủ hay không. Thế giới từng cảnh báo : Với Trung Hoa Cọng sản, hòa bình chỉ đến khi họ thống trị thiên hạ mà không còn sự đề kháng nào xảy ra.
 Bức họa đồ cho cuộc hành trình mà điểm đến phải là bản Hiến Pháp của toàn dân. Không thể hồ đồ vu cáo cho ai là thoái hóa, hay có âm mưu chia rẽ dân tộc. Chỉ bằng cái nhìn khách quan cũng thấy rõ, thông qua đợt góp ý sửa đổi HP, có 2 luồng chảy, như Đảng đã tự phân chia “lề phải và lề trái”, người ta thấy nó đồng nghĩa với “lề đảng và lề dân”, trong đó có một phía là Đảng CS lãnh đạo, và luồng chảy kia là trong lòng nhân dân. Chừng nào chưa có một cuộc trưng cầu ý dân một cách chân thực, dân chủ, minh bạch, thì không ai có thể nhân danh được, theo cách có danh dự, hai chữ Nhân dân, Tổ quốc, hay Công lý ! Dù có 20 triệu lượt ý kiến góp ý về Hiến pháp, hay 100 triệu đi nữa, theo cái cách đó,
thì cũng vô nghĩa, vì không có giá trị về sự trung thực. Tiếc thay, niềm tin đã mất, càng thêm mất, đến chẳng còn gì !
 Còn quá xa vời để so sánh với quốc gia cùng một thời điểm xuất phát, nước Nhật với Minh Trị Thiên Hoàng và nhà tư tưởng Fukuzawa : “Xây dựng và bảo vệ tự do của một quốc gia, là thông qua xây dựng và bảo vệ tự do của mỗi công dân”.
Họ đã nói thật, nên họ đã làm được, đã qua 100 năm.(1912- 2013).Thực tế chứng minh : Tư tưởng tự do đã đem đến tiến bộ. Tư tưởng toàn trị chỉ kéo lùi lịch sử.!
 Đèn vàng đã báo hiệu dừng lại, là sự nhắc nhở cần thiết cho toàn dân, kẻ dẫn đường, lẫn kẻ đi theo mà không biết đích đến, sẽ gặp tai họa, mà một số trong số những kẻ dẫn đường, sẽ nhanh chóng biến mất ở một con hẻm nào đó, như một kẻ cắp, sau khi đã làm kẻ cướp. Quả thật, nếu vai trò dẫn đường nằm trong tay người không lương thiện, hoặc là loại vớ vẫn, thì tai họa cho dân tộc biết chừng nào !
Nhất Đảng “công mình”, vạn cốt khô !
 Tôi luôn nhớ câu chuyện nhỏ nầy và cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết ! ./.
HĐN, 2-4-2013
Tác giả gửi Quê choa
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
 ……………………………………..
(1) Chuyện xưa : Phát biểu 1959, HCM toàn tập, tập 11, trang 166
(2) Chuyện nay: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình, tạp chí CS số 19/139-2013
(3) Câu trích trong bài : Tết nầy thiền định “ao ta”, của Hoàng Hồng Minh,
(4)Khẩu hiệu cuối cùng của Trại súc vật, trong tác phẩm Trại Súc Vật.

No comments:

Post a Comment