Xin lỗi vì đã đưa ra một câu hỏi ngớ ngẩn như vậy! Chúng ta không phải là những thây ma. Nhưng với những gì đang diễn ra hiện tại, tôi dám chắc thế hệ chúng ta bây giờ không sống, đúng hơn là không dám sống. Bởi sống thực sự khác những gì chúng ta đang thể hiện.
Sống là phải cháy hết mình, là được sử dụng nhiều phần trăm công suất của bộ não, là chiến đấu hết mình cho điều mình tin tưởng... Và sống là hàng ngày luôn tiến bộ để thay đổi số phận bản thân, số phận dân tộc...
Mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cả đất nước phải từng ngày, thậm chí từng giờ vươn lên. Chiến đấu với những điều sai trái, tiêu cực trong xã hội để đất nước ngày càng được tốt hơn, phát triển. Sự tụt hậu của đất nước ta là đáng báo động, nếu muốn theo kịp thời đại, ngang tầm quốc tế thì phải thay đổi và nỗ lực càng sớm càng tốt.
Thế hệ trước, thế hệ ông cha ta với là sống. Họ sống có lý tưởng, họ chiến đấu, họ hy sinh cho điều họ tin tưởng. Họ có mục tiêu cụ thể, có lý tưởng rõ ràng và với sự nỗ lực rất đáng khâm phục, họ đã làm nên những điều thần kỳ. Họ đã từng là trung tâm của thế giới... Dĩ nhiên, ta đồng cảm với những mất mát, đau thương của họ.
Chúng ta có - gọi là - sống không khi Việt Nam lâu lắm rồi không có thành tích gì thực sự đáng để nói. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Việt Nam đã đóng góp được gì cho nền văn minh loài người? Có phát kiến, sáng tạo, học thuyết, tác phẩm nào ở tầm thế giới trong thời đại chúng ta? Những trận cầu lớn của thế giới, những liên hoan phim đình đám, những lần trao giải - ghi nhận - cho của thế giới đối với sự phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... Những nơi là tiêu điểm của văn minh loài người đã bao giờ có mặt chúng ta?
Dẫu biết đất nước vừa thoát khỏi hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Đồng là việc gì cũng cần có lộ trình... Nhưng tôi tin rằng - với những gì đang làm hiện tại - còn lâu những thứ tôi vừa kể sẽ đến lượt chúng ta. Chưa kể đến chúng ta đang phải núp bóng một anh láng giềng "thân thiện", luôn muốn nhăm nhe xẻ đôi nước ta để ta phải vĩnh viễn là nước nhỏ mang phận chư hầu. Rồi thì một thế giới đang ngày càng mất ổn định. Ai dám chắc một cuộc chiến tranh thế giới nữa sẽ không xảy ra? Nếu phải rơi vào một cuộc chiến thì chúng ta thực lực để tự bảo vệ mình? Nghèo đói không chỉ là sự đau khổ mà trong chiến tranh, nghèo khó còn là bị xâm chiếm, là tự sát. Nếu chiến tranh xảy ra, đất nước bị xâm lược, người dân bị tàn sát thì đó là lỗi của chính quyền, là lỗi của những người có thể phát triển được đất nước nhưng không làm, cứ để dân tộc ta mãi trong tăm tối, đớn hèn...
Tấm gương để những người lãnh đạo Việt Nam soi vào rồi nhận ra tài đức của mình là Nhật Bản. Đất nước Đông á này bị thất trận, tàn phá sau chiến tranh thế giới II. Nhưng rồi cả dân tộc họ đã gượng dậy làm lại từ đầu. Từng cá nhân họ nỗ lực, từng tập thể thi đua... Rồi với kinh nghiệp quản lý, điều hành của mình, họ đã đưa Nhật Bản từ một đống đổ nát hoang tàn thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Đó không chỉ là trí tuệ, là kinh nghiệm mà đó còn là ý chí.
Khi trung tâm thế giới không còn là nước ta với hai cuộc chiến tranh gây đau thương, ly tán cho cả dân tộc. Những chính sách kinh tế sai lầm thời hậu chiến và việc đóng quân tại Campuchia gần 10 năm đã làm thế giới xa lánh, cấm vận Việt Nam. Các thế hệ lớn lên sau chiến tranh đã mất dần đi mục đích sống. Đồng tiền lên ngôi, mọi thứ trong xã hội - kể cả những điều thiêng liêng - đều có thể mua bán, đổi chác làm cho họ bơ vơ, mất phương hướng. Họ không hiểu về những giá trị tốt đẹp, những điều đáng sống, đáng đấu tranh ở đời.
Mỗi ngày, cuộc sống chỉ là những mục đích ngắn ngủi. Sống nhanh, sống gấp, đơn giản chỉ là cố vui cho hết ngày hôm nay. Đó không phải là một thế hệ đang sống. Đó chỉ là một thế hệ vật vờ tồn tại... Những con người đờ đẫn và vô cảm... Đất nước ta đã có thời, những thú vui hàng ngày bị dẹp lại để dành tâm trí cho mục đích lớn lao. Còn ngày nay, chúng ta đang dẹp mục đích lớn lao lại, để dành thời gian cho những thú vui hàng ngày. Với những gì diễn ra hiện tại, tôi rằng chúng ta không sống. Chúng ta chỉ đang hiện hữu mà thôi.
No comments:
Post a Comment