Quốc Phương - Theo dõi đợt huy động người dân góp ý kiến cho tu sửa Hiến pháp 1992 mà nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đang chủ xướng hiện nay, tôi thấy Đảng cộng sản đang bộc lộ một số giới hạn là lực cản của mình trong cách giải quyết bài toán vốn liên quan tới sự tồn vong của họ.
Các giới hạn này có thể không chỉ đóng vai trò quan trọng đằng sau các động thái được cho là 'lúng túng, thiếu nhất quán' của Đảng (vốn bị một bộ phận quần chúng, trong đó có các cư dân mạng, đặt câu hỏi khi Đảng ‘lúc mở, lúc đóng’ cho phép dân tham góp ý kiến xây dựng hiến pháp); mà chúng còn có thể quyết định các động thái chiến lược trong tương lai của Đảng. Vậy các giới hạn ấy là gì? Chủ quan, khách quan ra sao?
Trước hết, trong cảm nhận của tôi, có vẻ có ba giới hạn là lực cản mang tính chủ quan đến từ thế hệ - tuổi tác, tính toán chính trị và tâm lý ý thức có vai trò ngăn trở các tiến hóa chính trị, quyền lực của Đảng.
Thứ nhất, giới hạn của phạm vi tuổi tác của các thế hệ lãnh đạo của Đảng có vẻ đang là một lực cản có tác động mạnh. Thế hệ đang chấp chính trong bộ máy 'chóp bu' ở Việt Nam hiện nay đa số là các đảng viên kỳ cựu được trưởng thành trong giai đoạn mà trong nước vẫn gọi là cuộc chiến tranh ‘chống Mỹ cứu nước.’
Những người không trực tiếp ‘cầm súng’ thì cũng thuộc các lực lượng chính trị, xã hội, các tổ chức ở hậu phương, hoặc con cháu của những đảng viên ‘chiến binh’, ‘cán bộ’ trong chiến tranh của Đảng.
Tuổi tác quyết định ít nhất hai điều. Trước hết, những người lãnh đạo có thể mang theo họ những ảnh hưởng tâm lý chính trị, ý thức thời chiến, ấn tượng tâm lý của thời kỳ xung đột địch ta quyết liệt và không kém phần bạo lực do hoàn cảnh. Đây là cũng là giai đoạn không chỉ xuất hiện các yếu tố cấu thành tâm lý thù hận, địch ta, mà đặc biệt là giai đoạn của tâm lý và não trạng lãnh đạo được cho là duy ý chí, nguyên tắc máy móc về chuyên chính vô sản, điều đã được nhiều nhân sỹ, trí thức trong đợt góp ý kiến nhân lần sửa hiến pháp vừa qua nhắc tới, nhất là sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây “sửa gáy” đảng viên, cán bộ (và qua đó, cảnh cáo, răn đe quần chúng về thái độ và lập trường của họ) khi đóng góp sửa đổi Hiến pháp, cũng như trong chiến dịch truyền thông, tuyên truyền bảo vệ Đảng và chế độ rất rầm rộ hiện nay.
Tiếp đó, cũng giống như trường hợp của Kim Jong-un, tân lãnh tụ của Bắc Triều Tiên, mặc dù trẻ tuổi, ở độ tuổi trên dưới 30, nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng lớp các cán bộ lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ cộng sản sẽ thoát khỏi ý thức hệ, tâm lý và não trạng chuyên chính như trên. Một trong các lý do là vì nếu họ được cơ cấu vào bộ máy lãnh đạo các cấp, thì trên con đường đi tới quyền lực, họ chịu sự ảnh hưởng của các thế hệ cha anh, cha chú lãnh đạo, xung quanh họ vẫn còn các tác động của những người mà có thể “tôi đưa anh lên được, thì tôi cũng có thể hạ anh xuống được.” Nhưng quan trọng nhất, môi trường "xã hội hóa về chính trị” kép từ nền giáo dục đậm màu sắc “lịch sử chiến tranh” và “chuyên chính vô sản” từ phổ thông cho tới trường Đảng, lại bổ sung thêm bằng các môi trường rèn luyên đã được “cơ cấu”, “dự kiến, quy hoạch nhân sự” và thực tập quyền lực trong môi trường cạnh tranh quyền lực với “thẻ đoàn, thẻ đảng, bổng lộc, sổ đỏ (đất đai), cổ phần ưu đãi và tương lai là sổ hưu,” họ có xu hướng đã thích ứng mạnh và củng cố tâm lý, ý thức chính trị một cách chủ động, có ý thức, và qua đó biến những yếu tố này trở thành thành tố “kiên định” kiểu “thép đã tôi thế đấy” và có thể "bảo hoàng hơn cả vua" bên cạnh sự nhạy bén với "lợi ích kinh tài cá nhân và phe nhóm". Họ, nếu vẫn trong guồng máy cũ, với tư cách một thế hệ lãnh đạo mới, có thể sẽ không có sự đổi mới như ai đó mong đợi về cải tổ chính trị-xã hội, cách mạng dân chủ, nhân quyền triệt để ở Việt Nam, cả trong và ngoài nước, kỳ vọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) đề cao việc bảo vệ đảng và quyền lực của chính quyền
Tất nhiên, thích nghi, thích ứng là một năng lực đặc biệt của con người, nếu giữ không được, khi thời cuộc thay đổi, thì những tầng lớp lãnh đạo hiện nay, và những thành phần tiềm năng trong “thế hệ trẻ” sẽ thay đổi rất nhanh, nếu họ tính toán, cân nhắc thay đổi theo kịch bản nào là có lợi nhất cho họ, thậm chí chỉ qua một đêm, khi xuất hiện dấu hiệu cải tổ chính trị, thể chế và xã hội mới, căn bản và thực sự.
'Chắc cờ'
Giới hạn có tính lực cản thứ ba có vẻ nằm ở bài toán và tư duy cân nhắc thiệt hơn của Đảng nên cải tổ, đổi mới trong tình hình hiện nay hay là không làm gì, hoặc vừa di chuyển vừa kiểm soát, nếu buộc phải di chuyển.
Trong một bài viết của mình trên BBC, một ý kiến của nhà quan sát và vận động trong nước cho rằng những người chiến đấu cho cải tổ chính trị, cải cách dân chủ ở Việt Nam cần phải “thẳng thắn với đảng, thành thật với mình,” theo tôi điều này liên hệ tới một giới hạn thứ hai của đảng, đó là tâm lý “chắc cờ” của họ. Đảng ngày càng tuyên bố phải nắm chắc quyền lực hơn, thì làm sao có thể nghe và làm theo một cách đơn giản ý kiến của các giới nào đó đòi đảng chia sẻ quyền lực, thậm chí từ bỏ nó?
Lâu nay, trên truyền thông mạng không chính thức, có ý kiến trào phúng cho rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản là thiếu sáng suốt, trong khi một số ý kiến khác cho rằng ngược lại, nhà lãnh đạo của Đảng hiện nay không hề lú lẫn như bị cáo buộc.
Hai luồng ý kiến đều có thể có những lý riêng của mình, một bên có thể cho rằng nhà lãnh đạo của Đảng không nhìn thấy hết tiền đồ và đang tích cực làm những việc chỉ dẫn đến tương lai thiếu bền vững của Đảng, khi ông và các đồng chí cố tình “giữ khư khu” quyền lực; còn bên kia thì có thể lập luận rằng “nếu ông Tổng bí thư cải tổ kiểu Gorbachov, ông và các đồng chí, chiến hữu của ông sẽ không còn ghế quyền lực để ngồi, và bổng lộc để hưởng, chưa kể có thể bị trừng phạt, trả thù,” bởi vậy nên phải giữ chắc, thì đó là tính toán chính trị dựa trên cân nhắc hơn thiệt, có sự tham gia của hoạt động tư duy "trí tuệ" ở nhà lãnh đạo đó, chứ không phải đơn thuần là “lú lẫn.”
Nhưng tôi cho rằng chính tính toán “chắc cờ”, “giữ khư khư” quyền lực này là giới hạn, hạn chế thứ hai của Đảng. Nó có vai trò như một lực cản, một phanh hãm của mọi dự án, mọi tư duy đổi mới. Chưa bơi đã sợ chết đuối, chưa chạy đã sợ ngã, chưa ra tới biển lớn đã muốn quay về nhà, do đó mà có thể có luồng ý kiến cho rằng, Đảng đang “ăn đong” , đang “bóc ngắn cắn dài” trên chính "di sản chính trị đếm từng ngày" của mình, bất luận thân phận, tương lai của dân tộc ra sao và được ngày nào thì hay ngày ấy.
Như vậy, tâm lý sợ buông ra là đánh mất này đã làm cho Đảng quyết định siết chặt, và nó đứng đằng sau việc đảng đang sử dụng bộ máy tuyên truyền và an ninh, kể cả lực lượng vũ trang, để thắt lại, đưa vào khuôn khổ, định hướng lại dư luận xã hội, răn đe các lực lượng cạnh tranh, muốn thách thức quyền lực, từ những người được cho là các nhóm phản biện xã hội công khai có nguồn gốc cán bộ, đảng viên của Đảng, chính quyền, hay những ai mà đảng cho là các “thế lực thù địch” lợi dụng, tuyên truyền, chống phá, mặc dù họ có thể luôn biểu đạt chính kiến một cách công khai và bất bạo động, chân thành đến mức nào.
'Sợ hãi'
Giới hạn mang tính lực cản thứ ba, như trong một tiết lộ gần đây của một giảng viên cao cấp trong hệ thống đào tạo và lý luận của quân đội đã cho thấy, Đảng sợ mất “sổ hưu.” Sổ hưu ở đây như nhiều bình luận trên mạng đã phân tích, chính là nỗi sợ không định đoạt, kiểm soát được tương lai gần, tương lai xa, bổng lộc, quyền lực mà hiện nay được cho là "vô giới hạn" của Đảng (chính quyền vẫn chưa có luật về Đảng). Nỗi sợ hãi này về những trừng phạt của chính quyền hậu cộng sản, phi cộng sản, trong tương lại, về những áp lực đòi hỏi tìm lại công lý bị mất trong quá khứ của quần chúng, nhân dân một khi đảng đánh rơi quyền lực, đã làm cho Đảng co lại và tìm tới phương thuốc dễ dàng nhất, vốn đã sử dụng quen lâu nay, dù càng ngày càng có vẻ bị "nhờn" trước dân, đó là “chuyên chính vô sản” và sử dụng các răn đe, trừng phạt, thậm chí chế áp bằng bạo lực trước dân nhằm triệt tiêu, ngăn chặn mọi hiểm họa có thể dẫn tới “cơn bão lốc” cách mạng của quần chúng. Và để giải quyết tạm thời trong một hay một vài đại hội đảng, nếu có, của mình, chính quyền và đảng quyết định tiếp tục điều mà tôi gọi là “xuất khẩu nỗi sợ” sang quần chúng. Đáng nhẽ tôi sợ anh, thì anh lại phải sợ tôi, và tôi làm cho anh sợ tôi, để anh không thấy tôi sợ anh.
Có thể chính quyền đang ngại các cuộc xuống đường của dân chuyển hướng thách thức vào quyền lực của Đảng
Quy luật tâm lý chuyển hóa nỗi sợ theo phương cách này có thể hoạt động trong một số tình huống, nhưng được cho là không bền vững, vì có ít nhất hai lẽ. Sợ hãi trong một thời gian quá dài có thể sẽ dẫn người mang tâm lý đó, như quần chúng, công dân ở một số quốc gia, xã hội, cộng đồng tới một mức độ quá khiếp sợ và dẫn tới nhu cầu cấp bách phải chuyển hóa nỗi sợ của họ sang dạng “tức nước vỡ bờ”, tức là một cấp độ còn cao hơn “nhờn thuốc” (không sợ, hết sợ, bão hòa, trơ ra, bất cần...), và tiến tới “vượt qua sợ hãi”, động lực bùng nổ tâm lý đã góp phần làm nên các cuộc cách mạng mùa Xuân Ả-rập gần đây, và cuộc cải tổ sâu rộng làm sụp đổ toàn bộ hệ thống chính trị chuyên chế ở Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội trước đây, trong đó có Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Roumani, Liên Xô, v.v…
Mặt khác, bị nỗi sợ mất chính quyền này chắn lối, các dự án, ý đồ cải tổ chính trị nếu có ở trong đảng có thể sẽ bị chặn lại, (nhất là ở điểm then chốt là cải tổ triệt để về chính trị, thể chế và quyền lực, dân chủ hóa, dẫn nhập các yếu tố nhà nước pháp quyền thực sự..), để tiếp tục làm cho đảng “ổn định quyền lực về hình thức trong hiện tại, nhưng bất chắc về tương lai.” Bằng chứng là nếu ai hỏi các lãnh đạo đảng xem đảng sẽ tồn tại trên vị thế độc tôn thâu tóm chính quyền trong bao lâu, thì khó có ai trong họ có câu trả lời rõ ràng và thuyết phục. Còn nếu hỏi dân, thì cần mở ra trưng cầu ý kiến khách quan, công khai, nghiêm chỉnh, câu trả lời đó có thể sẽ có ngay, và do đó, sẽ bị loại bỏ trong mọi dự án manh nha, từ trứng nước. Thời gian ba tháng vừa qua khi góp ý thay sửa Hiến pháp chưa “bị siết lại” đã cho thấy rõ một phần câu trả lời, với nhiều ý kiến nói thẳng: đảng chỉ có thể tiếp tục sinh mệnh chính trị trong tưong lai nếu chịu chia sẻ và thậm chí từ bỏ quyền lực mà trên hình thức, nguyên tắc được thể hiện ở Điều 4 của Hiến pháp hiện hành.
'Môi trường'
Trên đây là ba giới hạn đóng vai trò các trở ngại chủ quan, đến từ bên trong nội bộ đảng, có liên quan thế hệ - tuổi tác, tính toán thiệt hơn nhất thời và tâm lý sợ hãi cùng cách thức xử lý.
Tiếp theo, trong số nhiều giới hạn, trở ngại khác, tôi muốn đề cập tới ba giới hạn hay trở ngại có tính “khách quan” đến từ môi trường, làm ngăn bước tiến hóa trong vị thế quyền lực và sinh mạng chính trị của Đảng. Đó là các giới hạn, trở ngại đến từ: thứ tư, cung cách đấu tranh cho cải tổ chính trị, dân chủ ở trong nước; thứ năm, môi trường ý thức hệ; và thứ sáu, vai trò của áp lực quốc tế mà chủ yếu từ các thể chế và nhà nước dân chủ phương Tây.
Trong thành tố của cải tổ chính trị ở Việt Nam, trong ý thứ tư, các lực lượng muốn cải tổ tuyệt đối ở bên trong và xuất phát từ nội bộ của đảng (trí thức, đảng viên, cán bộ hưu trí) mặc dù đã tỏ ra hết sức can đảm, vẫn buộc phải sử dụng các hình thức che chắn, đề phòng cho an ninh của mình, trong đó có cách nói “men men”, “dựa vào luật của chính quyền” do đảng đề ra, quyết định, để đấu tranh từng bước, từng nấc, trong khuôn khổ, để đổi chính khuôn khổ. Đây chính là một điều kiện để đảng và chính quyền cũng dựa vào đó “kéo dài cuộc chơi”, với việc gia hạn nhận ý kiến tu chỉnh Hiến pháp lần này là một ví dụ, hay việc thu hút cả xã hội, dư luận xã hội vào một trung tâm chú ý là “sân khấu sửa hiến pháp” vẫn “từ túi của đảng” rút ra là một ví dụ khác. Nếu cả hai bên còn chơi bóng bàn kiểu này, mà hiện rất khó có diễn biến khác, thì trận thi đấu sẽ còn kéo dài tới khi nào mà hai bên còn có thể duy trì các cách chơi của họ. Tức là chưa có hồi kết. Việc bảo cả hai bên thay đổi cách chơi của mình, mà hiện nay có vẻ còn tương đối an toàn cho cả hai bên, do vậy, có vẻ khó khăn.
Đặc biệt điều này càng khó khi hai bên chơi bóng không có trọng tài, không ai đảm bảo rằng nếu cải tổ xảy ra, hoặc không xảy ra thì điều gì sẽ xảy đến với thận phận chính trị của mình. Đây chính là dạng lực cản tinh vi ngăn trở một kịch bản, dự án nào đó về chuyển giao, hay thay đổi, hoặc tiến hóa quyền lực trong dạng thức mới, trong tương lai của đảng có liên quan tới quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân và quốc gia.
'Phương Tây'
TQ vừa thay đổi thế hệ lãnh đạo với cam kết giữ ổn định chính trị và quyền lực của đảng, bên cạnh tăng trưởng
Thứ năm, như những gì mới diễn ra ở Cuba và Trung Quốc, thậm chí Bắc Triều Tiên, bất chấp các chuyển biến ở Miến Điện hoặc ở nơi khác gần đây, toàn bộ khối các quốc gia đang sử dụng chuyên chính vô sản như hình thức quản lý, công nghệ xã hội nhằm duy trì, thống trị quyền lực độc tôn và toàn trị, vẫn chưa chuyển biến, thay đổi “cấp tiến”, "căn bản." Thậm chí Trung Quốc được cho là còn có các động thái tạo lực đẩy, lực kéo hướng một số quốc gia cộng sản ít nhất là không rời khỏi vòng ảnh hưởng chính trị, kinh-tài của mình, chưa nói là ngăn họ rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây. Câu hỏi đặt ra là trong khi Việt Nam còn chịu ảnh hưởng tương tác liên đới về hình thức, tâm lý “với khối quốc gia với ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa ” này, với toàn khối vẫn chưa động thủ, chưa trao trả quyền lực hay trong quá trình chuyển giao, chia sẻ quyền lực đích thực, thì tại sao Việt Nam (đảng cộng sản) lại phải thay đổi?
Đây là một lực cản dù không hẳn rõ ràng, nhưng về mặt tâm lý chính trị, nó có vai trò tiếp tục để Đảng cộng sản duy trì cách chơi cũ, não trạng cũ và tiếp tục “ngó nghiêng” môi trường, chờ đợi, chờ thời, và dựa vào đó mà quyền biến ứng xử sau, mặc dù về mặt biện chứng mà nói, các dòng tư duy biến đổi, các động thái biến chuyển có thể vẫn không ngừng diễn ra trong nội bộ đảng, nội bộ chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân, xã hội, cộng đồng và quần chúng.
Và cuối cùng là giới hạn tới từ “phương Tây”. Lực cản thứ năm này đến từ môi trường khách quan, với việc nhiều quốc gia và định chế dân chủ phương Tây trong mấy năm qua được cho là “ít nhiều bị bận rộn, sa lầy” giải quyết các vấn đề kinh tài nội bộ của khối, của từng quốc gia, tổ chức trong đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, nên có thể ít nhiều giảm thiểu các trọng tâm chú ý và can thiệp tới một số quốc gia vốn “cần” được chuyển đổi sang thể chế dân chủ văn minh (trong đó có các chế độ cộng sản còn lại, mà Việt Nam là một thành viên). Trên thực tế, đây là một điểm có thể gây tranh cãi. Phương Tây "bận rộn", nhưng có vẻ vẫn đang hiện diện ở một số địa điểm trên thế giới như Syria hay Miến Điện, sau Syria. Tuy nhiên đúng là cách chơi của các quốc gia này với khối cộng sản đã phức tạp hơn trước, trong hợp tác có tác động, áp lực, trong tác động áp lực, có nhượng bộ, hợp tác.
Vấn đề là ai quan trọng với ai hơn trong một quan hệ, lĩnh vực, thời điểm gắn với lợi ích cụ thể; và vấn đề nội bộ của riêng Việt Nam có tới mức cấp thiết với các quốc gia phương Tây hay các thể chế được cho là “tiến bộ, tiên phong” đó trên thế giới hay không? Đó là các câu hỏi chưa hẳn có sẵn câu trả lời, chưa nói tới luật pháp Quốc tế, hay bản thân thiết chế chính trị, luật pháp của Liên hợp quốc và nhiều định chế khác, cũng còn tiếp tục định hình, chuyển mình trong thế kỷ 21. Ngoài ra, mặc dù môi trường là quan trọng, nội lực tự thân có vai trò như thế nào? Nếu một chủ thể trong xã hội nhất định không đổi mới, hoặc chậm cải tổ, thì xử thế của các chủ thể còn lại trong quốc gia và tương tác giữa họ với chủ thể kia sẽ phải và cần ra sao?
Và trong khi còn chờ đợi câu trả lời, phải chăng đây có thể là một yếu tố nữa như lực cản khách quan khiến đảng Cộng sản chưa thấy “cấp thiết” cần cải tổ như những gì mà những người khác, chủ thể chính trị - xã hội khác trong xã hội, trong nhân dân, các giới, các tầng lớp có thể ít nhiều đã nhìn thấy trước và đang không ngừng cầu vọng.
Nguồn BBC
No comments:
Post a Comment