Saturday, March 30, 2013

Lời thú tội của một Ngụy quân



Nguyễn Bá Chổi - (Nhân vụ xử Đoàn Văn Vươn)
Trước khi thú tội với Cách Mạng, “phạm nhân” tôi có đôi lời cùng “bên thua cuộc”, rằng xin quý vị chớ vội “bức xúc” vì hai chữ “ngụy quân” và một số từ ngữ “dị ứng” khác dùng trong bài này mà đúng ra người viết phải cụm đầu chúng vào trong ngoặc kép, cùng “sự cố” phảng phất nơi đây cái văn phong mới xã hội chủ nghĩa! Lý do: trước hết, đây là lời thú tội của một “ngụy quân”với “cách mạng”. 

Chẳng lẽ viết, “lời thú tội của một Quân sĩ Việt Nam Cộng hòa với Cách mạng”! Viết như thế là tự làm mất tư cách, là có tội tày trời với linh hồn hàng trăm ngàn tử sĩ Quân đội VNCH, với hàng triệu quân nhân VNCH đang sống, và giả dụ như có “bất” cái đạo lý làm người ấy đi mà viết như thế thì cũng không thích hợp chút nào, vì nội chỉ việc nhắc đến hai chữ “Cách mạng”mà ngày nay nghe đến nó, mọi người Việt Nam lương thiện đều hiểu đó chỉ là tập đoàn của những kẻ đấu cha tố mẹ, cướp của giết người, dâng biển đảo tổ quốc cho ngoại bang, hèn với giặc, ác với dân, làm băng hoại truyền thống dân tộc, phá nát đạo lý ông cha, cũng đã đủ xấu đèn hổ sách rồi; phải dùng đến nó, người viết đau khổ đến dường nào. Cũng thế, phải dùng “ngụy quân” mới tương xứng với: “cán bộ quản giáo”, vì trời sập họa chi mới có chuyện người lính VNCH chịu công nhận hạng người không đáng học trò mình về mọi phương diện làm ông thầy!
Đó là chưa nói đến... Ngụy mà ngon. Không ngon mà sau khi phỏng... con chim Miền Nam 30/4/75, quan lớn Cách mạng Nguyễn Hộ đã phát biểu công khai rằng, “Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai!" Không những Ngụy ngon mà còn ngon hơn Cách mạng nữa là khác. Không ngon hơn sao quan Cách mạng cứ đòi xơi “ngao” Ngụy, ở nhà Ngụy, mà không xơi “ngao” Cách mạng, ở nhà Cách mạng.
Rồi Ngụy mà là Chính; còn Cách mạng lại hóa ra tà, tức là ngụy chính hiệu bà lang trọc, con nai vàng, xà phòng Cô Ba 72 phần dầu. Sau ngày con chim bị phỏng, chim phỏng hỏng chuyện. Thà được như “chó chết hết chuyện” mà khỏe; chứ “chim phỏng hỏng chuyện” thì phải chịu rát kinh niên, thật phiền với của nợ ấy. Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, chính nhờ vậy (phỏng chim) mà dân gian sáng mắt sáng lòng.
Số là vùng rừng núi Cũng Sơn thuộc tỉnh Tuy Hòa được Cách mạng “giải phóng” rất lâu trước 1975 nên đồng bào ở đây nhờ được học tập tốt chủ trương đường lối Cách mạng nên rất căm thù Mỹ Ngụy, nhưng sau khi “giang sơn qui về một mối”, thì bà con mới tá hỏa tam tinh, nên khi bầy “chim bị phỏng” bị bắt “thiên di” về đây, bà con ta hễ có dịp là chạy theo dí cho cục đường gói thuốc, trong khi chính họ trông cũng xơ xác tả tơi, chẳng hơn tù là mấy, nếu không nói là xêm xêm (same same); chẳng những thế, bà con còn nói xấu cách mạng đủ điều và hối hận đã tiếp tay với những kẻ làm phỏng chim.
Thành thử ai nói gì thì nói, mình cũng đâm ra yêu tiếng “Ngụy” như Thái Thanh hát “tôi yêu tiếng nước tôi”. Đặc biệt là yêu Ngụy... Văn Thà, người chiến sĩ Hải quân VNCH đã dũng liệt hy sinh để bảo vệ biển đảo tổ quốc mà Cách mạng tìm đỏ mắt trong lịch sử hải chiến của họ, kể cả phịa sử như Lên Văn Tám, Nguyễn Văn Bé... cũng không ra một người để so sánh với Quân Ngụy.
Xin lỗi Cách Mạng, Ngụy Quân tui đã phải thanh minh thanh nga với “phe ta” không phải là đối tượng của lời thú tội dưới đây hơi bị nhiều, làm mất thì giờ quý vị, nhất là với CAM và “dư luận viên” là lực lượng quý báu của cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ góp ý cho bản Hiếp Pháp của nước CHXHCNVN.
Bây giờ Ngụy Quân mới làm việc với Cách Mạng đây. Thưa Cách mạng, cái tội mà phạm nhân thú hôm nay là đã đánh giá trật lất về bản chất của Cách Mạng mà thời gian qua mình cứ cho đó là hiện tượng. Sự ngộ nhận về chân tướng của Cách Mạng mà phạm nhân mắc phải thì nhiều vô số kể, để không phí phạm thì giờ quý báu của Cách Mạng hở ra là “cưỡng chế”, mỹ từ của chôm chỉa với sự hộ trợ của lực lượng vũ trang nhân dân, côn đồ nhân dân, chó nghiệp vụ nhân dân, quần chúng tự phát điên nhân dân..., phạm nhân chỉ thú vài tội cơ bản, như sau .
Số là sau ngày giải phóng Miền Nam, đất nước ta sạch bóng quân thù, và vào ngày 7/5/1975, có nghĩa là chỉ có 1 tuần sau khi quân đội Miền Bắc chiếm được Miền Nam, trong lễ ăn mừng chiến thắng tướng Trần Văn Trà đã nói trước mặt mọi người: “Trong cuộc chiến này, cả Miền Bắc và Miền Nam đều chiến thắng, chỉ có người Mỹ bại trận”, phạm nhân tôi cùng hàng trăm ngàn người khác là dân Miền Trung bại trận đáng lẽ đem bắn bỏ vì nợ máu với Cách Mạng và nhân dân hơi bị nhiều đến nỗi lấy hết trúc Nam Sơn làm bút, vét cạn nước Đông Hải làm mực kê cũng không xong, nhưng được Cách Mạng nhân đạo khoan hồng cho đi học tập cải tạo để biết lao động làm nên của cải vật chất để nuôi sống bản thân, gia đình và xã hội, chứ không như trước ngồi mát mà giàu sụ do đi cưỡng chế tài sản nhân dân, cơ sở tôn giáo, cuỗm gần hết tiền bạc nước ngoài viện trợ hoặc cho vay để xây dựng cơ sở công ích, xóa đói giảm nghèo v.v..
Vào trại tập trung học tập cải tạo, khi thấy quy định trại (trại 51/Tổng trại 5 Tù Binh/Tuy Hòa) ghi phạm nhân lúc gặp Cách Mạng phải đứng lại nghiêm chỉnh rồi thưa “chào cán bộ” và phải gọi bằng “ông/bà”, bất kể tuổi cách Mạng bằng cỡ tuổi con cháu phạm nhân, và tất cả là “cán bộ” từ Cách mạng trưởng trại, Cách mạng quản giáo xuống Cách mạng gác tù, Ngụy Quân rất bức xúc, nhưng cứ nghĩ đây chỉ là trường hợp mất dạy cá biệt chứ không phải cả đảng mất dạy như thế. Nhưng hỡi ôi, phạm nhân tôi đã lầm to. Sau khi giải phóng được Miền Bắc khỏi thực dân Pháp ác ôn đô hộ, nhiều nhà thờ nhà chùa đã được Cách Mạng tịch thu làm nhà kho hay nhà này nhà nọ; rồi hô hoán “Thằng trời đứng xuống một bên, để cho Nông Hội đứng lên làm trời” Ông Trời mà đảng còn đối xử như thế, thì quy định trại như trên là đúng với chính sách chủ trương đảng của nền văn hóa mới xhcn.
Rồi chuyện vẫn trong trại học tập cải tạo ấy, có anh Ngụy Quân người Phan Thiết(?), rất tiếc tôi không còn nhớ tên, là người tù chấp hành kỷ luật trại đàng hoàng, lao động tốt; có lẽ do một phần anh ta thân hình lực lưỡng, rất khỏe (nghe nói rất giỏi võ), phần khác có thể do quyên mất lời TT Ngụy Nguyễn Văn Thiệu , tin lời Cách Mạng ” ai học tập tốt, lao động tốt sẽ được về với gia đình sớm”, nhưng bổng một đêm kia đang ngon giấc sau một ngày lao động là vinh quang, anh bị vệ binh vào dẫn đi. Bạn gác (hồi còn quy chế tù binh (1975-1978), lán trại không bị khóa, ban đêm tù chia phiên nhau gác... mình; vệ binh chỉ đi vòng ngoài, lâu lâu mới ghé xem có động tịnh gì, hay kiểm soát tù có bỏ gác, hoặc xin tù điếu thuốc...) thấy vậy lo lắng vì từ trước đến nay chưa có ai bị giắt đi giữa đêm khuya như thế. Chờ mãi cả tiếng đồng hồ sau mới thấy anh trở lại, nhưng không phải đi thẳng người mà bằng bò lê lết mặt mày đầy máu me, quần áo lấm lem, rách nát tả tơi, anh nói không được hay anh không được nói vì hôm sau anh cho biết, cái tội đáng đòn của anh là vì chiều hôm trước, nhờ mới được thăm nuôi, đang khi anh ngồi ngoài láng uống cà phê, hút thuốc lá bên gói kẹo có hai anh vệ binh đi ngang qua thấy nhau mà anh không mời. Từ đó về sau anh “xuống” rất mau; chẳng mấy chốc anh trông như người bị bệnh ho lao lâu năm, thất thần. (sau đó không bao lâu tôi chuyển trại nên không biết tình trạng anh ra sao; nhân tiện có bạn đọc nào biết xin “còm” cho tôi vài hàng, xin cảm ơn).
Khi đó tôi nghĩ Cách mạng cũng là người, là người thì phải có người tốt người xấu, mặc dầu họ luôn được ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê và thấm nhuần đạo đức bác Hồ, nhà văn hóa thế giới, thần hoàng làng của mọi thần hoàng làng, vào chùa ngồi thì được xếp ở vị thế ăn noãn trước cả Phật Thích Ca. Trường hợp này chỉ là chuyện cá nhân, không phải bản chất Cách Mạng. Nhưng tôi lại lầm to. Hành động ông thấy mày có, mày thấy ông đi qua, mày không mời ông ngồi xuống ké, ông đánh mày cho bỏ ghét của hai vệ binh Cách Mạng đối với tù nhân kia chỉ phản ảnh trung thực một tý ty bản chất của Cách Mạng.
Hai anh em Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.
Hai vệ binh kia khi xưa thấy người tù có quà Ngụy thì rất thèm nhưng bỏ đi rồi đánh cho bỏ ghét chứ không thèm “cưỡng chế” như ngày nay Cách mạng thèm chi của ai là a lê hấp “cưỡng chế” nấy. Chẳng hạn như vụ Núi Đá Bia, hay Bia Sơn: Bia Sơn trước kia chỉ là một vùng núi tỉnh Phú Yên, Kách Mạng chẳng đoái hoài gì đến, nhưng sau khi được công ty tư nhân Quỳnh Long biến thành khu du lịch sinh thái Hoàng Long, còn gọi là khu du lịch núi Đá Bia sau ba năm xây dựng, thu hút đông đảo khách thập phương, mang lại lợi nhuận tài chánh kếch sù thì tức thì Cách Mạng chính quyết định tấn công, huy động hơn 200 công an đến bố ráp và niêm phong, và biến hóa những người dân hiền lành chất phác làm việc nơi đây thành phản động âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân với “nhũng bản án rất nặng nề để họ chết rục trong tù hầu Cách Mạng có thể chiếm đoạt tài sản một cách miễn phí” (Theo Nguyễn Văn Huy/Bia Sơn, một vụ án dàn dựng để chiếm đoạt tài sản công dân). Hơn thế, Cách Mạng lại còn giở trò vừa ăn cướp vừa la làng, như vụ đầm Cống Rộc, Tiên Lãng Hải Phòng. Cái xẻo đầm lầy nước mặn phèn chua nơi khỉ ho cò gáy kia Cách Mạng có ai ngó ngàng đến, nhưng sau khi trở thành cảnh non nước hữu tình có giá tỷ tỷ do công lao của cải mồ hôi nước mắt bỏ ra suốt mười năm và cả mạng sống của đứa con nhỏ của gia đình hai anh em Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quí, Cách Mạng đánh hơi bắt mắy thấy là liền xua đại quân đi cưỡng chế bằng một trận đánh thật là đẹp mắt đáng ghi vào quân sử cho hậu duệ học tập như lời Đại tá CaCa làm tư lệnh chiến trường chỉ huy liên quân Người Chó nhưng bất ngờ bị súng hoa cải làm cho cả đạo quân Cách Mạng tá hỏa tam tinh chạy tán loạn may mà còn vớt vát bắt được hai con chó của khổ chủ, và hôm sau trở lại ủi sập căn nhà ở hai tầng mà đem so với nhà thờ họ Nguyễn của Thủ tướng chỉ đáng bậc “chòi” và vét sạch cá dưới ao cả mấy tấn. Dù vậy, bánh xe Cách Mạng vẫn cứ quay đề :
Trong vài hôm nữa Cách Mạng sẽ đem ra xử tội “chống lại nhân viên thi hành công vụ” của hai anh em nhà họ Đoàn, mặc dầu trước đó Thủ tướng đã đích thân về Hải Phòng phán “việc cưỡng chế ao cá Đoàn Văm Vươn là trái luật pháp”.
Đến đây Ngụy Quân tôi đành phải ngưng ngang xương việc thú tội... vì còn để dành thì giờ cho Cách Mạng đón nhận lời thú tội của vô số phạm nhân khác đang sắp hàng chờ xưng tội lâu nay vì chưa đi sâu sát vào thực tế nên đã bé cái lầm, đã oánh giá quá thấp, chư đúng tầm cao vời vợi văn hóa ứng xử của Cách Mạng.

No comments:

Post a Comment