S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – “Họ nói rằng tất cả là dành cho các dự án phát triển xã hội, nhưng tôi gọi đó là ăn cắp.” - Lê Hiền Đức
Trước lễ Noel vừa qua, không mấy ai biết đến Sodeto, một ngôi làng nhỏ ở Tây Ban Nha. Đa số dân làng làm nghề nông; số ít còn lại đi... phụ thợ nề. Trong mấy năm qua, Sodeto là một trong những địa phương bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nặng nhất. Người người thất nghiệp vì nông sản thu hoạch đem bán không được bao nhiêu... tiền; còn những người đi phụ thợ nề thì không ai gọi đi... phụ. Thành ra, nhà nhà thất... vọng thiếu đường tuyệt vọng. Họ không còn cách nào khác hơn là... chơi vé số mới mong thoát được cảnh nghèo (và sắp... đói meo).
Tờ vé số họ mua không phải là loại một đồng; giá của nó tương đương khoảng 25 Mỹ kim và giải độc đắc lên đến chừng 1 tỷ Mỹ kim. Điều đặc biệt về loại vé số này là chỉ xổ mỗi năm một lần vào dịp Noel. Tuy nhiên, không ai có thể lãnh trọn giải độc đắc nếu đã không mua nguyên lốc (gồm nhiều tấm vé có cùng các con số).
Lốc vé số trúng giải vừa qua đã được dân làng Sodeto mua trọn. Thực ra, có nhiều người mua mà chưa trả tiền... liền. Nhân viên đại lý bán vé số cũng thông cảm (cho gia cảnh nhiều nhà đang khó khăn) và dễ dãi cho họ thiếu nợ tiền vé số. Những người bán vé số này phải đi gõ cửa từng nhà trong làng để mời mọc dân làng mua cho hết lốc vé số.
Nhờ được cho thiếu nợ nên nhà nào tối thiểu cũng mua một tấm. Ai “khấm khá” hơn thì mua thêm vài ba tấm. Kết quả là cả làng nhà nào cũng trúng số. Nhà nào mua một tấm thì tiền thưởng khoảng 133 ngàn Mỹ kim. Nhà nào mua nhiều hơn thì cứ thế mà nhân lên.
Cả làng, ai cũng trúng, chỉ có một người không trúng! Ông là dân làng nhưng không phải... dân ở đây. Mấy năm trước, ông tình cờ mê một cô gái của làng Sodeto này đến nỗi đã bỏ quê hương bên... Hy Lạp của mình mà theo vợ về đây. Có phải vì văn hóa xung khắc hay vì không hợp tuổi mà không lâu sau ông phải dọn ra ở riêng trong một cái... chòi ngoài đồng. Có lẽ vì cái chòi ông ở trông giống... cái chòi quá nên mấy người bán vé số không biết đấy là “nhà” của một người đàn ông cô đơn đang sống cô độc. Thành ra, họ đã không ghé qua “nhà” ông để mời mua vé số.
Costis Mitsotakis. Ảnh: ABC News
Những tưởng khi biết cả làng ai cũng trúng số thì thế nào ông cũng phải... kêu trời. Vậy mà ông vẫn vui vẻ cho rằng mình cũng còn... hên! Số là (bỗng dưng) cả làng ai cũng ôm hơn trăm ngàn bạc trong tay nên người ta tìm cách đầu tư. Là nông dân nên nhiều người nghĩ ngay đến chuyện mua... đất. Lâu nay ông có mấy miếng ruộng muốn bán mà không ai (thèm) mua. Giờ thì nhiều người đến hỏi mua nên ruộng của ông đã bán được giá hơn trước kia nhiều.
Có thể ông sẽ (đủ tiền) làm Hy kiều hồi hương và kiếm cái ao nào đấy mà tắm để bù lại những tháng ngày cô đơn tủi nhục ở quê người (vợ). Tên ông là Costis Mitsotakis. (Hồng Nguyên Hoàng. “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng.” tuần báo Trẻ 14 Feb. 2012).
Ông Costi “vẫn còn hên” vì đang sống ở Tây Ban Nha, nơi mà đất đai không thuộc quyền ... sở hữu toàn dân, và nhân dân xứ sở này cũng không có quyền làm chủ tập thể nên mảnh đất (bỗng trở nên cao giá) của nhân vật này đã không bị nhà nước ra lệnh thu hồi.
Ông Đoàn Văn Vươn, một công dân Việt Nam – tiếc thay – đã không có “cái hên” tương tự. Đương sự đã không được trúng số (đã đành) mà còn bỗng chốc trở nên trắng tay, và cả nhà thì đang vướng vào vòng lao lý – theo như tường thuật của BBC, nghe được vào hôm 19 tháng 3 năm 2013:
Tin cho hay phiên sơ thẩm xử ông Đoàn Văn Vươn và người thân tội giết người và chống người thi hành công vụ sẽ diễn ra từ 2/4-5/4... Các bị cáo trong vụ án với tội danh giết người, theo Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự, ngoài ông Đoàn Văn Vươn có các anh em của ông là Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ. Tội danh giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Vợ ông Vươn là Nguyễn Thị Thương, em dâu ông Vươn là Phạm Thị Báu, bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ, theo Điểm a, Điểm d, Khoản 2, điều 257 Bộ Luật Hình sự, với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Cụ Trần Thị Mạp, mẹ ông Đoàn Văn Vươn, đang viết đơn kêu cứu cho các con. Ảnh:nuvuongcongly
Những sự kiện liên quan đến việc gia đình họ Đoàn bị mất trắng đất đai, và san phẳng nhà cửa – sau “một trận đánh đẹp có thể viết thành sách” của đám công an Hải Phòng – chắc chắn mọi người dân Việt đều đã được ...đọc. Tuy nhiên, luật lệ của xứ sở này liên quan đến việc quốc hữu hoá tài sản, và thu hồi đất đai (ra sao) thì e không mấy người được tỏ tường – như Huy Đức.
Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, ông dành hẳn một chương (“Sở Hữu Toàn Dân”) để làm rõ cái ý niệm (độc đáo) này. Xin được trích dẫn một vài đoạn ngắn (in nghiêng) để toàn thể quốc dân đồng bào có dịp học hỏi, và mở mang kiến thức:
Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao.
Cho dù, từ thập niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980…
Nhưng Hiến pháp 1980 là Hiến pháp Lê Duẩn… Từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng “họp hội nghị toàn thể để xem xét bản Dự thảo Hiến pháp”. Trong phiên bế mạc, Tổng Bí thư Lê Duẩn có bài nói chuyện với tựa đề: “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”. Sau khi điểm lại những “công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam”, phân tích mối quan hệ giữa “tư tưởng làm chủ tập thể” với chủ nghĩa Marx - Lenin, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Làm chủ tập thể là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán của Hiến pháp mới… Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân…
Người có vai trò quyết định trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Tổng Bí thư Đỗ Mười thì theo Trưởng Ban Biên tập Hiến pháp 1992 Nguyễn Đình Lộc, “bị hạn chế trong tư tưởng của Lê Duẩn”... Ông lập luận, trước sau gì cũng tới đó nên cứ để vậy. Khi ấy, không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm.
Luật Đất đai 1993 vì thế không gây phấn khởi như người dân chờ đợi. Đất đai của cha ông để lại, của chính họ đổ mồ hôi nước mắt khai khẩn hoặc bỏ tiền ra mua, sau khi có Luật còn phải ngồi chờ được Nhà nước làm thủ tục giao đất của mình cho mình. Trừ các giao dịch về đất đi liền với nhà ở, việc chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là chuyển nhượng đất đi kèm với chuyển quyền sử dụng thường bị hành chính hóa bằng quyết định Nhà nước thu hồi đất của người bán, giao đất ấy cho người mua rồi người mua còn phải đóng 100% tiền sử dụng đất. Người dân cho rằng họ đã phải trả tiền hai lần để có được tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất.”
Làm luật cũng là chính quyền, giải thích luật cũng là chính quyền. Khi đất đai càng mang lại nhiều đặc lợi thì “sở hữu toàn dân” lại càng trở thành căn cứ để các chính sách giao cho người ban hành nó có thêm nhiều đặc quyền. Chỉ riêng các điều khoản thu hồi, nếu như từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003…
Người dân nhận đền bù theo chính sách “thu hồi” chỉ được trả một khoản tiền tượng trưng, rồi chứng kiến các nhà doanh nghiệp được chính quyền giao đất để “phát triển kinh tế” bán lại đất ấy với giá cao hơn hàng chục, có khi hàng trăm lần. Cho dù “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các quyền của người sử dụng.
Nhưng, sở dĩ ai cũng gắn bó với nó là bởi: Đất ấy không phải được giao không từ quỹ đất công như những quan chức có đặc quyền, đặc lợi; Đất ấy họ đã phải mua bằng tiền; Đất ấy họ phải tạo lập bằng nước mắt, mồ hôi; Đất ấy là của ông cha để lại. Đó là lý do mà gia đình anh Đoàn Văn Vươn, hôm 5-1-2012, và 160 hộ dân Văn Giang, hôm 24-4-2012, phải chọn hình thức kháng cự bằng cách hết sức rủi ro trước lệnh cưỡng chế thu hồi đất.
Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý (phải). Ảnh: Người Lao Động
Một người cầm viết trẻ tuổi, sinh viên Đỗ Thúy Hường (có lẽ) vì quá sốt ruột về luật đất đai (lằng nhằng) ở xứ sở mình nên đã tóm lại như thế này, cho nó gọn:
Luật ngày càng rườm, dài. Nhưng “tim đen” của luật lại rất đơn giản. Nó nằm ở nội hàm của từ “quản lý”... Chỉ bằng một câu viết trên giấy “Đất đai (về hình thức) là sở hữu toàn dân, (nhưng thực chất) do nhà nước toàn quyền quản lý”… Thế là, lập tức 50-60 triệu nông dân đang có ruộng, phút chốc biến ngay thành tá điền của đảng.
Tá điền của Đảng (kính yêu) thì đã sao mà cứ làm rối tinh lên thế? Muốn biết (sao) xin hãy nghe “một chuyện khó tin nhưng có thật” sau đây, qua lời kể của tác giả Phương Toàn:
- Thằng bé mười ba tuổi vào nhà bà ngoại với chiếc giỏ đeo toòng teng trên ghi đông xe. Bà già hỏi:
- Mày có cái gì đem vô cho tao đó Tèo ?
-Dạ không có gì cho ngoại hết, má con nói đem em con vô nhờ ngoại chôn giùm !
Thì ra má nó nghèo quá không có đất chôn con, nên mới bỏ đứa nhỏ vô cái bị cói, kêu nó đem vô nhờ bà ngoại chôn.”
Trong một quốc gia nông nghiệp mà người dân không còn được một hòn đất (để chọi chim) hay một mảnh đất (để vùi thây) nhưng Nhà Nước vẫn cứ nằng nặc đòi “toàn quyền quản lý đất đai” thì kể như là… tự sát! Và vụ tự sát này có thể coi như sẽ mở màn vào từ phiên toà vào đầu tháng Tư sắp tới đây, nếu của chế độ hiện hành (nhất định) ghép những người chống cướp như anh em ông Đoàn Văn Vươn vào tội danh giết người – bất chấp đạo lý và công lý!
No comments:
Post a Comment