Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức - Không chỉ sự nghiệp lên như diều gặp gió ít ai có, mà ngay cả thời điểm chấm dứt nó cũng được ấn định rõ vào lúc 45 tuổi, Chủ tịch Đảng FDP, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler được coi là một chính khách Đức ngoại lệ.
Tinh đến ngày 24/2/2013 ông tròn 40 tuổi, tức chỉ còn năm năm hoạt động chính trường nữa, nhỉnh hơn thời gian cho một nhiệm kỳ mới. Ngoại lệ còn đặc biệt ở chỗ, ông thuộc týp người luôn tạo bất ngờ khác với cái người ta phán đoán. Rösler đi nghĩa vụ quân sự, thay vì chỉ với thời hạn một năm, thì tự nguyện ở lại học y khoa để trở thành bác sỹ quân y chuyên nghiệp, rồi tiến xa hơn bảo vệ luận án tiến sỹ. Đang theo đuổi tiếp chuyên khoa mắt để trở thành bác sỹ chuyên khoa này, thì bỏ ngang bước vào chính trường. Tiến một mạch chỉ trong vòng dăm bảy năm lên Tổng Thư ký rồi Chủ tịch đảng FFD tiểu bang, Bộ trưởng Kinh tế Tiểu bang trẻ nhất xưa nay. Sau thẳng cử của Liên minh cầm quyền năm 2009, Rösler được cử giữ ghế Bộ trưởng Y tế Liên bang cũng trẻ nhất nội các xưa nay. Nửa năm sau, ở tuổi 36, Rösler được Đại hội Đảng FDP bầu làm Chủ tịch đảng Liên bang với số phiếu tín nhiệm kỷ lục 95,8 %, và đặt trọng trách chức Phó Thủ tướng vào tay ông. Bài phát biểu vo 66 phút của ông bị ngắt quãng nhiều lần và khi dứt lời được cả đại hội đứng bật dậy vỗ tay tán thưởng như với tài tử lâu tới 11 phút, kỷ lục dài nhất xưa nay; họ kỳ vọng ông như một át chủ bài, có sứ mạng cứu vãn uy tín FDP trong dân chúng thời điểm đó đã tụt từ mức tín nhiệm chiếm 14,6% cử tri bầu Quốc hội năm 2009, xuống chỉ còn 3% theo thăm dò dư luận, mức thấp kỷ lục trong lịch sử đảng này, nếu bầu cử, sẽ bị loại khỏi Quốc hội theo luật định, nghĩa là không thể chấp chính. Lá phiếu người dân quyết định số phận mọi đảng phái liệu có đủ tín nhiệm để họ trao quyền chấp chính hay không, trở thành mục đích, thước đo, chuẩn mực, động lực vô hình, thúc đẩy mọi đảng phái phải nỗ lực phấn đấu. FDP không ngoại lệ, giải thích tại sao Rösler trở thành kỳ vọng cứu cánh.
Nhưng thật bất ngờ, kỳ vọng đó bị thực tế phủ nhận phũ phàng, khi dưới sự lãnh đạo của Rösler, FDP vẫn không tài nào bứt khỏi kỷ lục mất tín nhiệm 3% trước đó, còn bị bồi thêm 6/8 cuộc bầu cử Quốc hội cấp Tiểu bang thất bại liên tiếp. Hàng ngũ lãnh đạo từ trên xuống đều hoang mang lo cho số phận đảng FDP cầm chắc bị loại khỏi Quốc hội trong kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang năm 2013, tất yếu nảy sinh khuynh hướng đòi Rösler đóng vai trò linh hồn của Đảng phải từ chức, sôi sục cả đảng FDP lẫn chính trường Đức. Trong cuộc thăm dò ý kiến dân chúng qua mạng FOCUS, với câu hỏi, ai sẽ cứu được FDP, 67% người trả lời tín nhiệm Chủ tịch đoàn nghị sỹ FDP Rainer Brüderle, 23% tín nhiệm cựu Chủ tịch Đảng Guido Westerwelle, chỉ còn 9% dành cho Rösler. Không thể chống lại ý chí của dân, lập tức một kế hoạch lật đổ Rösler được đặt ra đưa Rainer Brüderle lên thay thế tạm thời, để lãnh đạo Đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội cận kề năm sau. Số phận Rösler vậy là đã được định đoạt.
Nhưng thật bất ngờ, kế hoạch chưa kịp thực hiện, thì FDP lại thắng cử lớn, chiếm được 8,2% phiếu tại cuộc bầu cử Quốc hội tiểu bang Schleswig-Holstein vào giữa năm ngoái, rồi sau đó tới tiểu bang NWR lên đến 8,6% vượt xa so với kết qủa thăm dò ban đầu chỉ 2%, cao hơn so với kỳ bầu cử trước chỉ 6,7%, gây tiếng vang lớn trên chính trường Đức, đẩy đảng FDP vào thế khó xử số phận Rösler.
Tại cuộc hội nghị gặp gỡ truyền thống đầu năm của Đảng FPD cách tháng trước, tại Thủ phủ tiểu bang Baden-Württemberg được coi như một đại hội bổ sung, các nhân vật lãnh đạo cao cấp buộc phải đặt vấn đề khủng hoảng nhân sự Chủ tịch Đảng lên bàn nghị sự. Kết qủa thương lượng thống nhất để Rösler giữ chức chủ tịch tới ngày bầu cử nghị viện tiểu bang Niedersachsen quê hương ông, nếu thất bại sẽ bị thay thế. Dư luận chính trường hồi hộp như xem bóng đá.
Tới sát kỳ bầu cử Quốc hội Tiểu bang Niedersachen, theo kết qủa thăm dò dư luận, thật lạ lùng, uy tín đảng FDP lại rơi tự do xuống đáy, chỉ còn 3-4% tín nhiệm, các đối thủ của ông phấp phỏng chờ đợi cú nốc ao kết liễu sự nghiệp Rösler ở tuổi 39 chứ không cần chờ tới 45 như ông ấn định. Nguy hiểm hơn, theo cáo buộc sau này, Hans-Jürgen Beerfeltz, cựu bí thư thường trực Đảng FDP đang giữ chức Quốc vụ khanh thứ trưởng bộ hợp tác phát triển gọi điện tới viện thăm dò dư luận của ARD vận động hạ kết qủa thăm dò, nhằm tác động xấu tới lá phiếu người dân để FDP không đủ số phiếu vào nghị viện Tiểu bang, nhằm buộc Rösler phải từ chức. Vậy là, vai trò chủ nhân của người dân không chỉ quyết định số phận một đảng mà cả nhân sự của nó cũng phải theo chiều.
Tới ngày định mệnh chính trị của Rösler, 20/1/2013, kết quả tranh cử của FDP thật bất ngờ so với mọi dự báo, vọt lên 9,9%, tăng tới 1,7 % so với kỳ bầu cử nhiệm kỳ trước, đạt kỷ lục xưa nay, một dấu hiệu tín nhiệm của dân chúng, không ai dám bác bỏ. 19 giờ 21 phút sau khi nghe công bố kết qủa bầu cử, từ văn phòng Chủ tịch FDP ở tầng ba toà nhà trụ sở Đảng Thomas-Dehler-Haus, Rösler bước xuống phòng họp báo chí mở đầu bài phát biểu của mình, “đây là ngày đặc biệt, không chỉ của Tiểu bang Niedersachsen mà của cả đảng FDP và tất cả những người ủng hộ trên toàn nước Đức”. Nhiều đối thủ của ông vốn sẵn sàng chịu đựng tranh cử thất bại hoặc chỉ đạt chừng 5% là đủ lật đổ Rösler, ngỡ ngàng. Đối thủ Kubicki, Chủ tịch Nghị sỹ Đảng FDP tiểu bang Schleswig-Holsteins, phát biểu, “Rösler không lay chuyển nổi. Vấn đề nhân sự Chủ tịch Đảng sau thắng cử này, vậy là đã được giải quyết, nếu tiếp tục đặt ra sẽ là trò hề”. Những người hâm mộ ông thở phào coi như cuộc chiến nhân sự Chủ tịch đã phân thắng bại. Nhưng ngay đêm bầu cử, không mãn nguyện như bao nhân vật lãnh đạo khác khi giành được chiến thắng, Rösler đưa ra quyết định bất ngờ, gặp đối thủ Brüderle nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng hơn 28 tuổi đời, “đánh bài ngửa” thoả thuận phân chia quyền lực, giành cho Brüderle quyền ứng viên cao nhất tranh cử Quốc hội Liên bang, mà trước đó nhiều cộng sự của Brüderle được thăm dò cho biết sếp họ không bao giờ chấp nhận mà nhắm tới chức vụ Chủ tịch, nay với kết qủa bầu cử đã không thể từ chối. Tuy nhiên Rösler vẫn không yên tâm với thoả thuận ngầm này, bởi Brüderle có thể phá bỏ do không ai biết; các đối thủ còn lại cũng chưa chắc đã thuần phục; e ngại một khi thắng lợi huy hoàng qua đi, những người chỉ trích chưa hẳn đã chịu yên, nhất là về lâu dài, Rösler lập tức lên lịch triệu tập buổi họp lãnh đạo FDP ngày hôm sau, và tại đây đã làm tất cả bất ngờ, bởi chưa từng có tiền lệ. Ông chính thức đề nghị Brüderle giữ luôn chức Chủ tịch Đảng: “Tôi sẵn sàng xin được rút lui, nếu Brüderle muốn trở thành Chủ tịch Đảng”. Những người có mặt sững sờ, có cảm giác như hai đối thủ đứng trước phòng đăng ký kết hôn, cơ hội duy nhất hoặc trả lời ngay đồng ý sẽ nên vợ nên chồng hoặc vĩnh viễn phải bỏ nhau, chấm dứt mọi cơ hội làm lại.
Buổi thảo luận kéo dài cả tiếng đồng hồ, chỉ mỗi Bộ trưởng Phát triển Dirk Niebel từng dính vụ bê bối chở thảm mua cho cá nhân từ Afghanistan bằng máy bay công vụ không đóng thuế nhập khẩu bị Quốc hội điều trần ủng hộ Brüderle làm Chủ tịch, thêm hai người phát biểu nói ý tứ. Brüderle hiểu mình hoàn toàn mất cơ hội, dù Rösler sẵn sàng, bởi nếu ông nhận chức sẽ bị coi như „kẻ phó vương lật đổ vua”, bởi uy tín Chủ tịch đã được dân chúng khẳng định qua bầu cử, không thể chống lại tín nhiệm của dân. Hơn nữa nếu đa số kêu gọi ông làm chủ tịch còn có thể sẵn sàng, đằng này bị lẻ loi. Rốt cuộc, Brüderle buộc phải tuyên bố từ chối, còn Niebel bị coi là anh hùng rơm, mất uy tín. Với tuyên bố đó, Brüderle hết cơ hội chỉ trích Rösler, hay giành ghế Chủ tịch đảng trong tương lai, vốn từng nổi tiếng dùng nghệ thuật từ ngữ tấn công Rösler, khi Brüderle phát biểu: “Người Đức cần cây cổ thụ vững vàng trước bão táp (hàm ý bản sắc Đức) hơn là cây tre nghiêng ngả (ngụ ý gốc Việt)”, do một lần Rösler đã tự ví mình cây tre hàm ý không thể bật gốc trước mọi phong ba bão táp. Truyền thông Đức được dịp bình luận, thật bất ngờ ngoài mọi dự đoán, bây giờ cây tre đó đã quật trở lại Brüderle. Đòi hỏi tổ chức Đại hội Đảng FDP nhiệm kỳ sớm hơn vào tháng Ba này, vốn theo điều lệ phải vào tháng Năm, do các đối thủ trước đây cầm chắc FDP sẽ thất cử nghị viện tiểu bang Niedersachsen thống nhất đề xuất để phế truất Rösler, bầu Chủ tịch mới kịp tranh cử quốc hội tháng Chín, cũng được Rösler nhân cơ hội uy tín đang lên đồng ý, để dứt điểm mọi vấn đề.
Buổi họp được cho là buổi sát hạch khả năng lãnh đạo của Rösler về mức độ chín muồi. Ông trở thành tâm điểm truyền thông Đức, một chính khách hiếm hoi cuả Đức vượt qua được mọi áp lực tâm lý lâu dài bởi các đối thủ, như người lái xe chạy trên đồng lầy luôn bị lún xóc nghiêng ngả nhưng vẫn băng về phía trước, được ca ngợi như người anh hùng của quê hương tiểu bang ông, bởi ông đã khẳng định vai trò của mình và Đảng mình đúng như người dân mong mỏi đã gửi gắm niềm tin nơi lá phiếu - thước đo chính xác sự tín nhiệm của họ đối với mọi đảng phái trong thế giới hiện đại!
http://quechoa.vn/
No comments:
Post a Comment