Thursday, March 28, 2013

Chấp nhận mất để xã hội được!



Hoàng Thanh Trúc - Nếu công luận không khó tính lắm thì chúng ta nên nghĩ: Đây có lẽ là lời nói “đẹp nhất”của một phụ nữ trong nước ở thời điểm đầu xuân Canh Thìn 2012 tại Việt Nam.

Sỡ dĩ nói là “đẹp”vì đây là lời của một “phụ nữ” mà gia đình lao động thuộc thành phần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Khi mà gần như mọi gia đình trong cả nước đang hân hoan đón xuân thì người phụ nữ ấy: Chồng đang bị công an giam giữ, nhà cửa bị đập phá tang hoang, đất đai, ao vườn công lao từ mồ hôi nước mắt bị phong tỏa, mấy mẹ con không còn phương tiện mưu sinh, đang tá túc nhà bà con láng giềng và hoàn toàn không có “Tết”. Là một trong hai gia đình nạn nhân bị cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng TP. Hải Phòng, đang là tâm điểm thời sự trong nước. Chúng ta thử đọc toàn văn lời nói này của người phụ nữ ấy:
“Em dâu ông Đoàn Văn Vươn, bà Phạm Thị Hiền nói với BBC rằng bà "không ân hận” về những gì xảy ra và gia đình bà "chấp nhận mất” để xã hội được”. Chồng bà là ông Đoàn Văn Quí - người cầm vũ khí kháng cự lực lực lượng cưỡng chế đang bị giam giữ cùng anh ruột mình ông Đoàn Văn Vươn.
Bà Hiền nói bà không coi vụ cưỡng chế đất đai hôm 5/1 là "thi hành công vụ" mà là "cướp”, gia đình bà chỉ "tự vệ quá giới hạn".
Bà nói với Nguyễn Hùng hôm 20/1: "Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Có nghĩa là thứ nhất là về Đảng của Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng. 
"Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu. 
Và cái được thứ ba nữa là các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều vì họ sẽ không bị chịu cái cảnh như gia đình em nữa. 
Thế nhưng mà em thấy là gia đình em sai ở một chỗ là mình đã làm quá một chút. 
Nhưng mà em chỉ nghĩ là mình tự vệ quá giới hạn thôi chứ em không cho rằng gia đình em đã chống những người thi hành công vụ bởi vì em nghĩ rằng đấy không phải là người thi hành công vụ, bọn em cho rằng đấy là cướp chứ không phải thi hành công vụ”. (Nguồn: BBC 20/1/2002)
Trong tận cùng của “đại nạn” khổ đau do (cường quyền hay cường hào) xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng áp đặt, chúng ta không thấy một từ ngữ khóc than nào trong lời nói ấy của chị Phạm Thị Hiền, một sự cương nghị, kiên cường, mà không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng có được sự bình tĩnh chịu đựng dũng cãm như thế. Không biết có nên khen? Đừng cho người phụ nữ này dùng từ “cướp” là quá nặng, bởi loài động vật khi bị dồn vào chân tường vẫn thể hiện bản năng sinh tồn bẩm sinh chống lại để bảo vệ sự sống còn, dù hành động ấy nhiều khi là vô vọng!
Không biết, “đảng”có thẩm thấu gì không? Trong cách nói thứ nhất, từ một công dân là phụ nữ dù bị dồn đến chân tường vẫn “trần tình” với đảng là biết rõ hành động mình có giá phải trả nhưng sẽ giúp “Đảng của Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Thật lòng là nếu còn quang minh chính trực thì ý nghĩa lời nói này cần được Hội phụ nữ mà đảng CSVN đang lãnh đạo phải nghiêm túc xem xét, tuyên dương, khen thưởng, bởi hiếm khi có người dân nào hy sinh quyền lợi mình để giúp cho đảng trong sạch.
Trong cách nói thứ hai: “Nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu”. Cũng gần như là có nghĩa: vợ chồng chị không cam chịu mất mát hy sinh công lao, mồ hôi nước mắt của mình để rơi vào tay cường quyền bạo lực một cách vô điều kiện. Chống đối đến cùng, chấp nhận hy sinh, cho công luận cả nước quan tâm, để đảng CSVN và nhà nước chính quyền trung ương biết đến, và từ đó đồng bào nhân dân xã Vinh Quang nói riêng và cả nước nói chung thuận lợi hơn trong khiếu kiện đất đai. Một nhân cách không vĩ đại nhưng chắc chắn nó cao đẹp gấp trăm lần cái hành vi của ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ Tịch UBND TP. Hải Phòng, kẻ mang tiếng là do nhân dân ủy nhiệm thay mặt mình, mà lại đổ vạ vu cáo ngược lại cho nhân dân là tự ý phá nhà cưỡng chế của ông Vươn.
Hoàn toàn hơn ai hết, chị và gia đình biết rất rõ sự hy sinh của gia đình mình sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho bà con cùng cảnh ngộ trong khu vực. Vì vậy hình như cái thói ích kỷ, nhỏ nhen, tính toán vụn vặt tiểu nhân lại không có trong trái tim của người phụ nữ chân lấm tay bùn này mà nó lại đầy ấp trong não bộ hai anh em chủ tịch xã Vinh Quang và chủ tịch huyện Tiên Lãng, cũng như Đỗ Trung Thoại Phó Chủ Tịch TP. Hải Phòng.
Và cuối cùng là cái “Đẹp” rất chính qui mà tất cả cán bộ được gọi là "lãnh đạo" từ xã Vinh Quang đến huyện Tiên Lãng và cả TP Hải Phòng chắc chắn nên học lại từ người phụ nữ nông dân này, đó là lòng trung thực, dám làm dám chịu trách nhiệm, chứ không phải dám làm, nhưng không dám chịu trách nhiệm. thậm chí còn ngụy biện, đôi chối, vu cáo quanh co như các vị veston comles cà vạt đạo mạo kia.
Từ khi xảy ra vụ việc, có vị lãnh đạo nào từ ba cấp nói trên “hiên ngang” dám nói được như chị Phạm Thị Hiền: “Thế nhưng mà em thấy là gia đình em sai ở một chỗ là mình đã làm quá một chút”. 
Không biết các vị có tự thấy mình hổ thẹn lắm không với người phụ nữ đang bị đọa đày này?

No comments:

Post a Comment