Mai Xuân Dũng - Hôm qua, báo Gia Đình & Xã hội kỷ luật buộc thôi việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Lý do Nguyễn Đức Kiên bị buộc thôi việc là do anh có bài viết trên trang blog phản đối những ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về những người góp ý sửa hiến pháp năm 1992, yêu cầu xóa bỏ điều 4 hiến pháp, thiết lập thể chế tam quyền phân lập...
Với tư cách là bạn (Friend FB) chúng tôi đến thăm Kiên.
Cửa xếp của căn nhà trong ngõ nhỏ ven đê sông Hồng của Kiên khóa ngoài bằng một chiếc khóa đồng chứng tỏ chủ nhà đi vắng. Những người hàng xóm từ trong nhà nghe tiếng xe máy (lạ) nhanh chóng ra cửa ngó sang lấp ló.
Quen với cảnh khi đến thăm nhà những người bạn đã từng “được chính quyền quan tâm”, chúng tôi cảm nhận được sự không bình thường ở đây. Đây đó là các đôi mắt ẩn sau vành mũ đi loanh quanh trước ngõ, quán nước. Ở kia, hai anh “xe ôm” ngồi “hóng gió” nhưng không cần bắt khách.
Ra ngoài phố nhắn tin vì “phôn” không thấy Kiên nhấc máy và mấy phút sau Kiên chạy ra đón chúng tôi vào nhà.
Sau cái quyết định buộc thôi việc của báo Gia đình & Xã hội, Kiên tỏ ra bình tĩnh. Rõ ràng anh đã đón nhận chuyện này như một lẽ “tự nhiên”, điều mà những người dám nói thật sẵn sàng đón nhận ở một đất nước “dân chủ vạn lần” của chúng ta.
Khi chúng tôi hỏi “Kiên có thấy việc làm của Tổng Biên tập báo Gia đình & Xã hội là sai trái không?” Kiên trả lời: “Không anh ạ. Em thấy họ không sai đâu. Họ có thể làm gì được khác thế?”.
Kiên không bực bội về việc bị buộc thôi việc mà chỉ bất bình “Sau khi nghe bài phát biểu của ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Với tư cách là công dân của nước Việt Nam, em rất bất bình trước sự quy chụp “suy thoái lý tưởng, đạo đức” của ông ấy.
Trong Blog của Kiên, Kiên viết: “Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới.”
Trên trang cá nhân Facebook, Kiên tâm tình: “Gửi tất cả các bạn. Đầu tiên cho tôi xin lỗi vì đã không thể trả lời mọi comment và tin nhắn của các bạn. Tôi cố gắng để add tất cả mọi người, hy vọng là có đủ thời gian. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi chỉ mong các bạn hiểu cho một điều, tôi không muốn là anh hùng, không muốn là thần tượng. Nước ta đã có nhiều anh hùng, nhiều thánh thần quá rồi. Tôi sợ. Tôi chỉ nghĩ rằng, khi đất nước ta có tự do, dân chủ, các bạn sẽ thấy rằng, các bài viết của tôi là rất bình thường, nó thật sự bình thường, không có gì to tát cả. Tôi cũng xin các bạn đừng nặng lời phê phán Báo Gia đình & Xã hội nơi tôi đã làm việc, tôi hiểu và tôn trọng quyết định của lãnh đạo báo. Nếu ở cương vị của họ, có thể tôi cũng phải làm thế. Tôi hiểu là mọi thứ còn chưa bắt đầu. Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta.”
Trước đây, khi chứng kiến những người biểu tình chống Trung quốc gây hấn, xâm phạm biển đảo Việt nam, Kiên đã từng viết những vần thơ bày tỏ tâm sự trong bài: Bởi Vì Tôi Khao Khát Tự Do đề Tặng những người biểu tình ngày 09/12/2012:
Nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự do,
giam giữ những trái tim khao khát Sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản,
bởi vì tôi khao khát Tự do.
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự do,
giam giữ những trái tim khao khát Sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản,
bởi vì tôi khao khát Tự do.
Chuyên trò với Kiên, chúng tôi thấy Kiên không lên gân chút nào khi nói về tự do dân chủ cho đất nước. Anh mong muốn nhà nước và nhân dân nên đối thoại thay vì đối đầu như hiện nay. Đất nước chúng ta chỉ có thể bước về phía trước như Myanma đã đi để có được hạnh phúc, tự do dân chủ. Chỉ có con đường ấy, chúng ta mới ít tốn xương máu nhất.
Anh hy vọng nhà nước biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, mong muốn nhân dân cũng cần có sự bao dung đối với những người đang cầm quyền. Chúng ta phải tha thứ cho nhau mới có thể bắt tay xây dựng lại nền dân chủ đích thực cho đất nước này. Khi không còn biết tha thứ, cả hai phía đều tự mình đặt mình vào vị trí của những kẻ bóp cò. Khi đó cả hai phía đều không có ai là người chiến thắng. Cả hai phía đều là những người sắp chết và sẽ chết.
Chúng tôi cảm thấy anh đã nói đúng tâm nguyện của nhiều người dân kể cả một số “nguyên lãnh đạo” kể cả nhiều cán bộ đang “cầm sổ hưu” và thậm chí nhiều người chỉ có bàn tay trắng và nỗi ẩn ức vì bị tước đoạt tự do vì dám nói thật.
Chúng ta khao khát được nói thật và đã quá chán những lời dối trá bao nhiêu năm qua.
Nhà nước hãy để “cho” chúng tôi cái quyền bình thường nhất trên đời là NÓI THẬT.
Mai Xuân Dũng
Ảnh minh họa của Dân Luận, không liên quan đến tác giả bài viết cũng như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
No comments:
Post a Comment