Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Hà RFI - ... khi Trung Quốc tưởng là qua mặt Hoa Kỳ thì cũng là lúc bị Ấn Độ bắt kịp!
2013: Sự đối đầu của hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc
RFI: Năm năm sau trận đại hồng thủy tài chính thế giới 2008, kinh tế toàn cầu vẫn chưa khởi sắc trở lại. Đe dọa khu vực đồng euro tan vỡ tạm lùi vào quá khứ, nhưng châu Âu vẫn chưa tìm cho mình một mô hình phát triển ổn định. Hoa Kỳ chờ đợi gặt hái những thành quả kinh tế tốt đẹp hơn so với 2012. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc trông đợi vào tăng trưởng kinh tế để củng cố quyền lực.
Đó là những dự phóng về toàn cảnh kinh tế thế giới cho một năm mới vừa mở ra. Mọi dự báo đều cho rằng 2013 là một năm mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm lu mờ phần còn lại của kinh tế thế giới. Đây cũng là thời điểm mà cạnh tranh giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung ngày càng thêm rõ nét.
Vào lúc viễn cảnh tăng trưởng của khối euro trong năm 2013 chưa đạt tới 0,5%. Trong khi đó GDP của Mỹ dự phóng tăng 2% và của Trung Quốc là trên 8,6 %. Ngay cả hai đầu tàu kinh tế của khu vực đồng euro là Đức và Pháp, tỷ lệ tăng trưởng, theo dự báo của tạp chí kinh tế Anh, The Economist, chỉ trên số không đôi chút. Những thành viên yếu kém nhất trong dây chuyền euro như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp tiếp tục bị suy thoái. Hậu quả đi kèm là phẫn nộ trong dư luận ngày càng lớn. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết khủng hoảng, nhưng theo đánh giá của The Economist, đấy chỉ là những giải pháp tạm thời. Nói một cách ví von căn bệnh của châu Âu vẫn chưa trị tận gốc.
Nhìn sang Nhật Bản, các dự phóng cho năm 2013 không quá đen tối, nhưng cụm từ «đình đốn» vẫn được dùng khi nói về nền kinh tế thứ ba trên địa cầu. Năm nay sẽ là năm Nhật Bản có nhiều thay đổi: Chính quyền vừa được chuyển giao về tay đảng bảo thủ. Các chỉ số kinh tế không mấy tươi sáng cho phép tân thủ tướng Shinzo Abe mạnh dạn tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ. Mọi người chờ đợi tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng trong năm nay trước khi chính quyền Tokyo tăng thuế TVA. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nhật Bản với đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc sẽ là một yếu tố mang tính quyết định đối với kinh tế xứ hoa anh đào, vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Bìa cuốn sách "Trung Quốc chống lại nước Mỹ" của Alain Franchon & Daniel Vernet DR.
Vẫn tại châu Á, bên cạnh hai nền kinh tế đang trỗi dậy là Trung Quốc và Ấn Độ, The Economist tin tưởng vào tiềm năng của Indonesia và Philippines : Indonesia đã bảo đảm được một nhịp độ tăng trưởng đều đặn trong 10 năm qua và năm 2012, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tiền tệ năm 1997, Indonesia đã có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với Ấn Độ. Tổng sản phẩm nội địa Indonesia trong năm 2013 sẽ vượt quá ngưỡng tâm lý 1 000 tỷ đô la.
Còn đối với Philippines, nước đông dân thứ nhì trong khối ASEAN, The Economist dự phóng GDP quốc gia này sẽ tăng 6 % trong năm, chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối do xuất khẩu lao động gửi về.
Trên bức tranh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm, châu Mỹ La Tinh được coi là nơi trời quang, mây tạnh. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong vùng cao hơn đôi chút so với 2012 và sẽ ở vào khoảng từ 3,5 đến 4 %. Khả năng cạnh tranh tại nhiều nước trong khu vực như Mêhicô ngày càng cao. Brazil sẽ đặc biệt nắm bắt thời cơ trong giai đoạn chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới 2014 và Thế Vận Hội Olympique 2016.
Trở lại với trường hợp của hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc: Một số chuyên gia tỏ ra khá lạc quan về tình kinh tế Mỹ và đưa ra dự báo GDP nước này tăng từ 2 đến 2,5% trong năm, tỷ lệ thất nghiệp được giảm xuống dưới ngưỡng 8%. Nhưng nước Mỹ trong năm đầu tiên nhiệm kỳ thứ nhì của ông Obama vẫn phải tiếp tục giải quyết vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách, thu hẹp bất công xã hội.
Tổng thống Barack Obama phải giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến miếng cơm, manh áo của người dân Hoa Kỳ, nhưng trong lĩnh vực đối ngoại ông sẽ phải làm quen với một ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Bắc Kinh ngày càng trở thành đối tác quan trọng của Washington cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn ngoại giao.
Về phía Bắc Kinh, bài toán kinh tế đặt ra cho một thế hệ lãnh đạo mới cũng không đơn giản. Đâu là những thách thức đặt ra cho Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm nay? Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi này với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
RFI: Thưa anh, hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới hiện nay là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế bên trong như thế nào và sẽ đua tranh với nhau ra sao trong tương lai? Ta không quên rằng một cơ quan tư vấn Mỹ là National Intelligence Council vừa dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ thành nền kinh tế đứng đầu thế giới chỉ trong vòng hai chục năm nữa.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, nói về chuyện dự báo trong trường kỳ thì tôi thiển nghĩ là giới nghiên cứu chỉ có thể nhìn ra những chuyển động lớn, chậm rãi và âm ỉ, của một thế giới quá phức tạp với nhiều đột biến bất ngờ và hậu quả bất lường của chính sách quốc gia. Bốn chục năm trước, Club de Rome từng dự báo sự khan hiếm chung của cả nhân loại về năng lượng lẫn thực phẩm, vì dân số gia tăng. Dự báo này trật lấc, y hệt như một dự báo khác khoảng 30 năm trước là Nhật sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Tương lai không là một đường thẳng vẽ từ quá khứ và sự bất trắc vẫn là quy luật bất di bất dịch! Riêng về trường hợp Hoa Kỳ và Trung Quốc, ta còn thấy ra một quy luật phổ biến khác.
- Quốc gia nào cũng lệ thuộc trước hết vào địa dư hình thể bên trong, vào bản sắc văn hóa là những luật lệ bất thành văn do lịch sử để lại trong tâm trí của cả tập thể. Khi bước ra ngoài thì lãnh đạo nước nào cũng phải còn đối phó với cách ứng xử của xứ khác, trong đó có nhiều điều thật khó dự liệu. Nhìn như vậy thì về trường kỳ và nếu đối chiếu hoàn cảnh của hai xứ, tôi nghĩa rằng Hoa Kỳ có những ưu thế hiển nhiên nằm trong căn cước.
RFI: Xin anh tóm lược cho về phép đối chiếu đó. Nước Mỹ có đặc điểm vì hơn hẳn Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ có lãnh thổ vuông vức và trù phú trong vùng ôn đới, lại được hai đại dương bảo vệ bên cạnh hai láng giềng yếu thế. Bên trong, Mỹ chỉ dùng 1% dân số mà canh tác dư thừa về lương thực và có thể nuôi một dân số gấp ba, là một tỷ người, thì mới có mật độ dân số tương tự nhiều nước Âu châu. Khác với Âu châu và nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ là nền cộng hoà thống nhất theo thể chế liên bang nên quốc gia có thể quyết định rất nhanh mà chả tiểu bang nào giận dỗi đòi ly khai thành một xứ độc lập vì bất đồng với chính quyền liên bang. Sau cùng, Hoa Kỳ là nền dân chủ cởi mở, nên không ai có độc quyền chân lý, nhờ đó người dân có quyền tự do sáng tạo và tìm ra giải pháp thăng tiến cho mình và cho cả xã hội. Quyền tự do tư tưởng và kinh doanh của dân Mỹ là ưu thế khó có xứ nào bắt kịp. Trung Quốc lại khác.
- Về địa dư hình thể, xứ này có ba khu vực khác biệt mà vùng duyên hải trù phú nhất chỉ là ốc đảo thịnh vượng, có diện tích khả canh của một người chỉ bằng 1/3 của trung bình thế giới, vây quanh là đại dương và núi đèo hay sa mạc hiểm trở, vận chuyển khó khăn. Ba vùng kia là đất hoang vu. Trung Quốc là nước nghèo, có sản lượng ngũ cốc cao nhất địa cầu mà chỉ đủ vặt mũi bỏ mồm và vẫn phải nhập lương thực. Xứ này là một tập hợp khiên cưỡng của nhiều vùng địa dư và sắc tộc dưới sự cai trị của một đảng độc quyền.
- Tự thân, chế độ chính trị ấy không giải quyết nổi bài toán hội nhập quá phức tạp và cũng khó công nghiệp hoá và đô thị hóa một cách hài hòa như các nước tiên tiến kia. Cũng khác Hoa Kỳ là một xứ không có tranh chấp lãnh thổ với lân bang, Trung Quốc có sự hiềm khích về chủ quyền với chừng một chục láng giềng, và bước ra thì chỉ thấy kẻ thù, nên rất dễ bị phản ứng tự kỷ ám thị làm sai lệch ưu tiên về nội chính.
RFI: Ngay trước mắt thì đâu là những bài toán kinh tế của hai cường quốc này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta hãy lấy thời điểm là 30 năm trước, khi Trung Quốc vừa cải cách kinh tế để mở ra thế giới bên ngoài mà cũng là lúc Hoa Kỳ bước vào chu kỳ vay mượn thả giàn và mắc nợ quá sức trả. Nguyên do chung mà hai bên bổ túc cho nhau là sự lạc quan về toàn cầu hóa với sự tham gia của kinh tế Trung Quốc, rồi sự sụp đổ của Liên Xô cùng sự gia nhập của các nước Đông Âu trong một Âu châu hợp nhất theo kinh tế thị trường.
- Ba chục năm sau, khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng vì phải trả nợ từ năm 2007 và cũng là khi Trung Quốc thoát xác và quật khởi với gói kích cầu rất cao từ năm 2008. Trong năm năm liền, Hoa Kỳ lâm nạn khi chính quyền tăng chi để bù vào khoản giảm chi để trả nợ của tư nhân, nên lại mắc nợ tới mức kỷ lục. Vì vậy, lãnh đạo Mỹ mới tranh cãi về yêu cầu giảm chi hay tăng thuế mà không dứt khoát nổi sau hai kỳ bầu cử năm 2010 và 2012. Đó là hoàn cảnh ngày nay.
- Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt kinh tế Nhật vào năm 2010 để đứng trước một vực thẳm khác, đó là có nền kinh tế bất công, bất cân đối, thiếu phối hợp và không bền. Sau 30 năm tăng trưởng ngoạn mục như đã hái những trái cây dễ với nhất ở dưới, xứ này phải chuyển hướng từ lượng qua phẩm. Họ phải tái phân lợi tức để san bằng dị biệt về lợi tức và nhận thức hầu tránh 25 động loạn, phải nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa để bớt lệ thuộc vào thị trường quốc tế, phải cải thiện môi sinh và xây dựng hạ tầng vận chuyện an toàn hơn cho sự thống nhất lãnh thổ.
RFI: Chẳng lẽ lãnh đạo Trung Quốc không nhìn ra những vấn đề này hay sao mà bây giờ họ mới nói đến chuyển hướng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế hệ lãnh đạo thứ tư đã thấy vấn đề từ những năm 2005 mà giải quyết không nổi, và để lại di sản bấp bênh đó cho thế hệ thứ năm mà Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là tiêu biểu. Sở dĩ họ giải quyết không nổi do yếu tố bất ngờ từ bên ngoài là nạn tổng suy trầm toàn cầu năm 2008-2009 khiến họ lại phải kích thích kinh tế và nhắm vào lượng hơn phẩm. Nhưng lý do sâu xa thuộc về cơ cấu là sự cưỡng chống cải cách của nhiều thế lực kinh tế và chính trị bên trong chế độ, kể cả các đảng bộ địa phương lẫn các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Sau 30 năm mở cửa, khu vực Nhà nước này vẫn kiểm soát 50% sản lượng và thu hút tín dụng từ các ngân hàng cũng của Nhà nước như nhiều đảng bộ địa phương.
- Hậu quả là ngày Trung Quốc cũng lại mắc nợ rất cao, mà nợ đến cỡ nào và ung thối ra sao thì không ai biết. Trong khi đó, ngần ấy phe nhóm chính trị vẫn cứ phải dung hòa quyền lợi và chẳng ai bảo được ai vì nguyên tắc gọi là đồng thuận. Nhược điểm chính trị khiến xứ này khó giải quyết được bài toán kinh tế trường kỳ trong cơ cấu và đoản kỳ là cách ứng phó với những chuyển động có tính chu kỳ từ bên ngoài vào. Nghịch lý ở đây là đà tăng trưởng và thế lực ngoại giao của Trung Quốc trong 5 năm chấn động vừa qua của thế giới lại dẫn tới phản ứng phiêu lưu về quân sự khiến các nước lân bang đều lo ngại. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại xoay vào trong để lo cho cái hầu bao và đối ngoại hết trở thành thế lực đáng sợ hoặc đáng ghét nữa!
RFI: Liệu Trung Quốc có vượt Hoa Kỳ như người ta dự báo hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cái thú vị ở đây là không ai biết trước tương lai! Hoa Kỳ là nơi mà mọi chuyện xấu tốt đều được phơi bày và mọi tranh cãi chính trị về lẽ đúng sai cũng vậy. Trung Quốc là nơi mà tấm màn mờ ảo của quyền lực lại che giấu sự thật nên dễ gây ra chuyện bất ngờ, vụ án Bạc Hy Lai là một thí dụ nóng mà có lẽ không duy nhất.
- Trong hoàn cảnh đó, dân Mỹ vẫn có quyền đổi ý và quyết định về lãnh đạo và chính sách kinh tế mà các doanh nghiệp đã xoay qua hướng khác để làm ăn theo hoàn cảnh mới. Họ đã trả nợ, đang tích vốn, và sẽ bung ra khi chính trường còn nhố nhăng bát nháo. Trung Quốc thì loay hoay vì phải cải sửa mà không được cho bá tánh thấy sự lúng túng của lãnh đạo, tức là phải giải quyết cả hai vấn đề nội dung hình thức, cải tổ cơ cấu lẫn gây ấn tượng là ta tiên tiến chủ động!
- Về dự báo, tôi nghĩ khi Trung Quốc tưởng là qua mặt Hoa Kỳ thì cũng là lúc bị Ấn Độ bắt kịp! Ấn Độ cũng đông dân mà trẻ hơn và không bị lão hóa như Trung Quốc. Sức tiết kiệm cũng bằng Trung Quốc mà tỷ trọng về tiêu thụ của thị trường nội địa lại cao hơn nên ít lệ thuộc vào thị trường xuất cảng. Xứ này lại có tự do và quyền sáng tạo, với hạ tầng vận chuyển tỏa rộng hơn trong một xã hội thực sự đa nguyên và dân chủ. Chẳng đợi đến năm 2030 có lẽ người ta đã thấy ra cái lẽ đúng sai của chuyện hơn thua này.
RFI: Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
No comments:
Post a Comment