Lech Walesa, con cáo tinh khôn đã đối đầu với những người cộng sản qua 11 tháng. Ông đã hành động như thế nào?
Tomasz Kozlowski Đinh Minh Đạo dịch
LND: Sau khi đã dùng mọi thủ đoạn nhằm giải thể Công Đoàn Đoàn Kết (SOLIDARNOSC) không có kết quả, Ngày 13-12-1981 chính quyền cộng sản Ba Lan đã sử dụng đến biện pháp ban bố tình trạng chiến tranh. Họ đã lộ rõ là một chế độ độc tài bạo ngược. SOLIDARNOSC đã bước vào một giai đọan vô cùng khó khăn. Bị đặt ra ngoài vòng pháp luât, bị khủng bố trắng. Toàn bộ cơ sở vật chất bị phá hủy hoặc tịch thu. Hơn 10.000 cán bộ các cấp của công đoàn bị bắt, 56 người bị bắn chết hoặc tra tấn đến chết, 4.000 người bị đưa ra các tòa án xét xử với những bản án phi luật pháp.
Để thực hiện tình trạng chiến tranh, chính quyền đã huy động một lực lượng quân sự hùng hậu, với 70.000 lính, 30.000 công an và nhân viên an ninh, 1.750 xe tăng, 14.000 xe cơ giới, 9.000 ô tô, nhiều máy bay trực thăng và vận tải các loại. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy…đều lập ban lãnh đạo mới, do các sỹ quan quân đội và an ninh trực tiếp nắm giữ.
Nhưng chính quyền cộng sản đã không tiêu diệt được SOLIDARNOSC. Những chiến sỹ tiên phong trong cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ và quyền con người tại các quốc gia cộng sản đông Âu đã thắng. SOLIDARNOSC đã rút vào hoạt động bí mật, các cuộc đình công mặc dầu bị đàn áp khốc liệt vẫn liên tiếp nổ ra.
Không dập tắt được phong trào SOLIDARNOSC, lại bị thế giới lên án mạnh mẽ, ngày 22-07-1983 chính quyền cộng sản Ba Lan đã phải bãi bỏ tình trạng chiến tranh và thả tự do cho nhiều nhà hoạt động công đoàn. SOLIDARNOSC ra hoạt động công khai.
Tháng 04-1988, các cuộc đình công nổ ra ở khắp các địa phương, kéo dài cho đến tháng 08-1988, buộc chính quyền phải chấp nhận thương lượng.
Từ ngày 06-02 đến 05-04- 1989 đã diễn ra Hội Nghị Bàn Tròn giữa chính quyền cộng sản và SOLIDARNOSC. Hội nghị đã đi đến thỏa thuận:
-Tái hợp pháp hóa SOLIDARNOSC.
-Tiến hành bầu cử tự do.
-Cải tổ cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế …
-Cải tổ cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế …
Ngày 04-06-1989, cuộc bầu cử tự do vào quốc hội và thượng viện đã được tiến hành. SOLIDARNOSC và các đảng phái liên minh đã chiến thắng, chiếm đa sổ trong quốc hội và thượng viện. Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, một chính phủ không cộng sản được thành lập do Tadeusz Mazowiecki làm thủ tướng. Một kỷ nguyên mới của dân tộc Ba Lan bắt đầu.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà sử học Ba Lan Tomasz Kozlowski về Lech Walesa. Với những tài liệu lưu trữ mới được tìm thấy , một Walesa cứng rắn nhưng khôn khéo đã được tái hiện. Ông đối đầu với bạo quyền và các thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản bằng trí thông minh và lòng quả cảm. Bài viết còn cho chúng ta thấy những thủ đọan thâm hiểm của chính quyền độc tài cộng sản Ba Lan nhằm triệt hạ phe đối lập.
Nhưng có lẽ không có một chế độ độc tài cộng sản nào hiền lành và nhân nghĩa. Đối với họ, mục đích ”cao cả” nhất là quyền lực và quyền lợi. Bởi vậy, bằng mọi giá họ giữ chính quyền. Chỉ có dưới áp lực của nhân dân, được hướng dẫn bởi những người lãnh đạo tài năng, dũng cảm, khôn khéo họ mới chịu thương lượng và rời bỏ quyền lực.
Trong thế giới văn minh ngày nay, hầu hết các quốc gia đã thiết lập nền dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. Sự tồn tại của vài ba chế độ độc tài cộng sản (trong đó có Việt Nam) quả thật là sự thách đố, là sự khiêu khích đối với nền văn minh của loài người. Vì vậy , SOLIDARNOSC và Walesa vẫn còn là bài học sống động mang tính thời sự.
———————————-
———————————-
Trong đêm đầu tiên sau khi ban bố “tình trạng chiến tranh”, các nhân viên an ninh (SB) đến gõ cửa căn hộ nhà Walesa, nhưng cánh cửa vẫn đóng im lặng. Xung quanh ngôi nhà có căn hộ, lực lượng công an đã vây kín, họ chờ đợi với những thiết bị phá cửa trong tay. Không ai dám ra lệnh phá cửa tiến vào căn hộ. Có mặt cả Tadeusz Fiszbach, bí thư thứ nhất ban chấp hành tỉnh ủy Gdansk, người sau đó đã vào thuyết phục Walesa thương lượng với chính quyền.
Cũng trong đêm đầu tiên này, trên 3.000 người đã bị bắt, phần lớn lực lượng an ninh đã sử dụng bạo lực, bắt giữ họ trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình. Những người bị bắt giữ được đưa đến các trung tâm cách biệt, đã được chuẩn bị sẵn hoặc các cơ sở tạm giam hay các nhà tù. Walesa được đối xử đặc biệt.
Trong chiếc lồng vàng
Họ giam lỏng Walesa trong một biệt thự sang trọng tại Otwock (sau một vài tháng họ chuyển ông về Arlamow), cung cấp thức ăn, thuốc lá và rượu đầy đủ, cho phép ông câu cá. Họ tạo điều kiện cho người nhà và linh mục tới thăm. Sự khác biệt về điều kiện giam giữ giữa Walesa và những người cũng bị bắt giữ quá rõ rệt. Tại sao lại như vậy? Chính quyền trông đợi đạt được sự mặc cả về chính trị với Walesa.
Với sự trợ giúp của bộ nội vụ, tướng Wojciech Jaruzelski đã đặt kế hoạch tạo ra một tổ chức công đoàn mới, với tư cách là Tân SOLIDARNOSC (neo-SOLIDARNOSC). Mục đích là đưa những người lãnh đạo SOLIDARNOSC vào trong tổ chức hợp tác với SB, lái các hoạt động của công đoàn này đi đến thỏa hiệp với chính quyền, làm tan rã những tổ chức đối lập đòi hỏi dân chủ như Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân. Như Miroslaw Milewski, ủy viên bộ chính trị Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng cộng sản – PZPR), cựu bộ trưởng bộ nội vụ đã nói :”Trong SOLIDARNOSC có những thành phần cứng rắn và những người theo trào lưu công nhân – đồng minh đầy tiềm lực cho tương lai. Cần phải tìm biện pháp để trong tương lai họ ủng hộ chúng ta”. Để neo-SOLIDARNOSC đạt được sự nổi tiếng, người đứng đầu của nó không thể là người hoạt động thầm lặng, do chính quyền tổ chức và điều khiển. Chính quyền phải thuyết phục hay ép buộc Lech Walesa, chủ tịch – biểu tượng nổi tiếng của công đoàn – cộng tác và thương lượng.
Walesa bị giam lỏng trong cô đơn, trở thành người tù trong chiếc lồng vàng. Bị cắt đứt mọi liên lạc với những người cộng tác, những cố vấn của mình. Nhà cầm quyền toan tính rằng, trong điều kiện như vậy họ sẽ thành công trong việc thuyết phục ông cộng tác với họ. Đến nay chúng ta chỉ mới biết theo đánh giá kết quả, kế hoạch đã không thành công.
Nhờ tìm được báo cáo của các nhân viên Cục Bảo Vệ Chỉnh Phủ (BOR) , chúng ta biết được những gì đã diễn ra từng ngày đối với Walesa, trong thời gian ông bị giam lỏng.
Bí danh”333”
Chịu trách nhiệm canh giữ Walesa không phải những cảnh vệ của trại tù, mà là các nhân viên an ninh của BOR. Họ quan sát từng bước đi của “mục tiêu 333”, đây là bí danh họ đặt cho chủ tịch công đoàn. Nhờ bản ghi chép hàng ngày cùng với những liên hệ khác, sau nhiều năm chúng ta có thể mở ra lịch sử của cuộc đấu tranh chính trị, cuộc “giao chiến”của Walesa trong thời gian ông bị giam lỏng.
Ngay ngày đầu tiên, bộ trưởng phụ trách quan hệ với các công đoàn Stanislaw Ciosek đến gặp Walesa. Cuộc nói chuyện không được ghi chép lại, nhưng Ciosek đảm bảo với các ủy viên bộ chính trị rằng: ”giam lỏng Walesa cho phép giải quyết tình hình, vì SOLIDARNOSC đã đi quá xa, cần phê phán những hoạt động của họ. Bài diễn văn của tướng Jaruzelski đã gây được ấn tượng mạnh mẽ, tôi hoàn toàn ủng hộ. Nếu chúng ta không đi theo một con đường mới, sau 5 năm nữa sẽ có đổ máu, những người lính sẽ thực hiện mệnh lệnh”.
Ý kiến trả lời của Walesa được chính quyền coi như tín hiệu tốt, nhưng có thể coi như đó là chiến thuật của ông. Ông nói rằng, những hoạt động của tướng Jaruzelski theo chiều hướng tốt, nhưng ông đưa ra các điều kiện để bắt đầu thương lượng. Ông đề nghị để Nhà Thờ Ba Lan đứng ra làm trung gian. Yêu cầu chính quyền thả những người lãnh đạo của SOLIDARNOSC và cho phép ông được liên lạc với họ. Ông yêu cầu được gặp các cố vấn của mình là Tadeusz Mazowiecki (1) và Bronislaw Geremek(2). Đây là điều kiện được ông đặc biệt nhấn mạnh để đi đến thương lượng. Những cố vấn đã giúp ông vạch ra chiến lược chính trị, ngay từ khi tổ chức đình công tại nhà máy đóng tầu mang tên Lê Nin ở Gdansk, tháng 08-1980. Như ông thừa nhận, ông là con người của hành động. Linh mục Alojzy Orszulik sau khi viếng thăm nhà lãnh đạo SOLIDARNOSC đã nói :”Chúng tôi đã trao đổi với Walesa, ông có ý tưởng hiện thực như ý tưởng mà các cố vấn đã giúp ông viết ra”.
Walesa trong cái bẫy
Nhà thờ với một tiềm năng gián tiếp rất lớn, ủng hộ các điều kiện thương lượng mà Lech Walesa đã đưa ra. Cần tìm ra trình tự hòa giải giữa chính quyền và SOLIDARNOSC. Đáng ngại là trạng thái căng thẳng của xã hội. Chính quyền cũng rất lo ngại, bằng mọi giá họ muốn trấn an xã hội. Nhưng những người cộng sản đã không thống nhất được với nhau về vai trò của Walesa trên sân khấu chính trị. Một tuần sau khi tuyên bố tình trạng chiến tranh, Một trong những ủy viên bộ chính trị, Stanislaw Olszowski (được liệt vào thành phần”bê tông”, ủng hộ giải pháp cứng rắn) đã khẳng định cần phải lập tòa án chiến tranh, bởi sẽ tới lúc cần xét xử Walesa. Miroslaw Milewski cũng nhớ lại giải pháp như vậy.
Giải pháp trên đây có thể trở thành hiện thực, bởi thái độ của L. Walesa không tiếp nhận thực hiện kế hoạch của chính quyền. Walesa ngoài lời tán dương tuyên bố của Jaruzelski, đã thể hiện không có một nhượng bộ nào đối với chính quyền cộng sản.
Như các nhân viên an ninh của BOR đã ghi chép, “333”đã tuyên bố, rằng „ủng hộ tiến hành tình trạng chiến tranh. Đồng tình đến 90% các quyết định của tướng Jaruzelski” , cùng với ”13-12 khả năng duy nhất để tạo ra những hoạt động tốt”. Nhưng luôn cảnh báo, rằng nếu tình trạng chiến tranh kéo dài sẽ tiến đến đổ máu. Từ chối phát biểu công khai ủng hộ chính quyền. Một nhân viên an ninh của BOR ghi: ”Trả lời câu hỏi tại sao không chính thức ủng hộ các hoạt động của tướng Jaruzelski, „333” khẳng định không thể làm được điều này”. Trong một lần khác đã nhắc lại :”Tôi sẽ không có bất cứ một tuyên bố chính thức nào, một ký kết nào.”
Mọi việc ghi chép đã cho thấy, mục đích của Walesa là làm cho chính quyền tin rằng ông có chiều hướng đi đến thương lượng. Trong cuộc chơi này, đôi khi ông cũng để phần thắng cho chính quyền.
Phó thủ tướng Mieczyslaw Rakowski và bộ trưởng Stanislaw Ciosek đã thống nhất rằng :”Không có sự đảm bảo nào trong những lời nói và việc làm của Walesa, đó chỉ là những chiến thuật khôn khéo để che đậy quan điểm thực”. Như ủy viên bộ chính trị Kazimierz Barcikowski đã thừa nhận:” Các cuộc nói chuyện với Walesa trôi theo ý định của nó (…) . Không thay đổi được quan điểm của nó, nhưng cũng không làm cho tình hình xấu hơn. Vẫn như cùng một băng ghi âm phát ra.” Walesa đã giữ cách chơi này trong mười một tháng.
Phá hạ uy tín của Walesa
Từ tháng 02 – 1982, những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Ba Lan từ từ rút bỏ ý định tạo ra neo-SOLIDARNOSC. Một mặt họ cảm thấy tự tin hơn, mặt khác không ai có thể đảm bảo rằng, công đoàn mới này không đi theo con đường mà SOLIDARNOSC đã đi. Đồng thời còn có một nguyên nhân quan trọng nữa như Czeslaw Kiszczak(3) đã nói: ”Biểu tượng SOLIDARNOSC và Walesa gây ra những đợt rét run ở những nơi mà mà mặt trời mọc lên, đó là Liên Bang Xô Viết”.
Nhưng nguyên nhân chủ chốt là thái độ của Lech Walesa.
Đầu tháng 02 Walesa đã yêu cầu một nhân viên BOR canh giữ ông báo với cấp trên, rằng ông không có ý định tiếp nhận hoạt động của công đoàn mới. Ông cũng đề nghị để tướng Jaruzelski hoặc phó thủ tướng Rakowski hay bộ trửơng Ciosek đứng đầu công đoàn mới này. Đề nghị này của Walesa, để các nhân vật cao cấp trong chính quyền thuộc Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc nói trên, đảm nhiệm chức vụ, để họ từ bỏ ý định thuyết phục ông thay đổi ý định.
Tương tự, các sức ép từ đề nghị ra nước ngoài định cư hay tố giác đối với ông đều không có kết quả. Đặc biệt, rất có thể họ đã đe dọa công bố tài liệu mà Walesa khi bị bắt năm 1970, đã ký kết với an ninh SB để được thả tự do. Ông kể lại sự việc này, rằng lúc đó ông còn là một thanh niên, ông đã không thực hiện những điều đã ký. Như vậy sự đe dọa đã không bẻ gẫy được ý chí của ông. Walesa đã khẳng định quan điểm của mình trong cuộc nói chuyện „vận may cuối cùng” với bộ trưởng Ciosek vào đầu tháng 10 năm 1982. Không lâu sau đó là quyết định giải thể và đặt SOLIDARNOSC ra ngoài vòng pháp luật.
Theo quan điểm của chính quyền, tước bỏ quyền tự do của Lech Walesa trở nên không cần thiết. Trong tháng 05 năm 1982 , khi Wojciech Jaruzelski hỏi Miczyslaw Rakowski: ”Sẽ làm gì với Walesa?” Đã nhận được trả lời ngắn gọn :”Thả”. Jaruzelski nói :”Đúng, thả, nhưng cho người tuần tra, theo dõi trước nhà”. Đã có nhiều phương án được đưa ra thảo luận: bắt giam Walesa tại nhà, để ở một nơi do nhà thờ quản lý hay tại nhà một trí thức nổi tiếng nào đó.
Mục đích quan trọng nhất của chính quyền, xóa bỏ hình ảnh Walesa cùng với những huyền thoại về ông. Họ dự tính, hạ uy tín của Walesa trong mắt những người dân Ba Lan. Họ chuẩn bị cơ sở cho chiến dịch của bộ nội vụ, nhằm ngăn cản quá trình xét tặng Giải Thưởng Hòa Bình Nobel cho Lech Walesa. Họ lắp ghép và truyền bá cuốn băng cuộc nói chuyện của Lech Walesa với người anh Stanislaw, trong đó ông đưa ra ý kiến thu gom làm giầu tài sản.
Về sự việc này, Walesa cho biết, ông đã nói với những nhân viên an ninh canh giữ ông về gia tài của ông, trong đó có các phần thưởng mà phương tây trao tặng.
Sẽ có những khó khăn
Chính quyền đã chờ đợi thời điểm thích hợp để thả Walesa. Thời điểm đó đã đến trong tháng 11-1982, khi chủ tịch SOLIDARNOS viết thư ngỏ gửi tướng Wojciech Jaruzelski: ”Tôi nghĩ rằng thời cơ để giải thích một vài vấn đề cùng những hoạt động theo chiều hướng thỏa thuận đã qua rồi.” Dưới ký tên: ”hạ sỹ Walesa”(4) . Czeslaw Kiszczak đã đến gặp Walesa. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong 2 giờ đồng hồ. Được tường thuật trong phiên họp của bộ chính trị: ”Walesa không thay đổi, đó là con người nhỏ bé, một kẻ phiêu lưu, một con cáo, một kẻ láu cá, muốn lừa dối người hợp tác với mình. Nói ủng hộ tướng Jaruzelski, rằng tình trạng chiến tranh là cần thiết, nhưng nó chỉ được kéo dài 3 tháng, không cần thiết phải giam lỏng tất cả. Muốn nói chuyện với chính phủ. Nói có phương án giải quyết, nhưng lại không muốn viết ra, vì còn phải suy nghĩ thêm. Nói không có các cố vấn – Geremek và những người khác – thì mù tịt về chính trị. Tôi đã tuyên bố với nó, rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của đại diện chính phủ với nó, rằng chúng ta sẽ thả nó, nhưng nếu vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật pháp….Chúng ta sẽ có những khó khăn với Walesa”.
Ngày 15-11-1982 Walesa được thả, đám đông hàng ngàn người đón chào người anh hùng của SOLIDARNOSC trở về. Theo viện thăm dò dư luận OBOP, tỷ lệ người dân ủng hộ Walesa thời gian đó dao động khoảng 60-70%.
Không gì lay chuyển được
Những ghi chép của các nhân viên an ninh của chính phủ đã cho thấy, Walesa đã sống qua những ngày bị giam lỏng không một phút thất vọng.
Ông kêu đau tim, cân nhắc xem đã chọn đường lối chiến lược thích hợp chưa, xem xét việc từ chối hợp tác với chính quyền có xác đáng không. Ông cũng đã có những trình bầy mâu thuẫn nhau. Về một số các hoạt động của SOLIDARNOSC, ông đã cho là bị hạn chế hoặc ngốc nghếch. Như chúng ta đã biết, Walesa dễ bị kích thích hay thiếu lựa chọn từ ngữ trong khi nói.
Mặt khác, nhiều ghi chép đã đưa lên hình ảnh một thủ lĩnh có trách nhiệm và rất tự tin. Khi Uỷ Ban Hồng Thập Tự Thế Giới thăm Walesa, ông đã phát biểu :”Tôi rất vui mừng các ngài đã đến thăm tôi, nhưng tôi đề nghị các ngài hãy đến thăm các trung tâm giam giữ khác để động viên tinh thần những người đang bị giam giữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, lần đầu tiên bị bắt giam. Còn những người như Bronislaw Geremek, Karol Modzelewski (5) hay Jacek Kuron (6) không dễ gì bẻ gẫy được tinh thần của họ. Trong những lần gặp gỡ với những lãnh đạo cao cấp của chính quyền, ông luôn tỏ ra là người cứng rắn. Ông có khả năng không dùng lời nói nhưng làm cho đối tượng hiểu thái độ của mình, như đối với phó thủ tướng Rakowski.
Stanislaw Ciosek khẳng định rằng, trong những thời gian nói chuyện, Walesa để lại ấn tượng không căng thẳng, tự tin, đúng là một lãnh tụ công đoàn. Có lần còn gọi Walesa là con người có quá giầu trí tưởng tượng về bản thân mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Lech Walesa đã là một chứng nhân của lịch sử, là người đã gánh chịu trách nhiệm nặng nề trước nhân dân và lịch sử. Ông đã hoàn thành sứ mang cao cả trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn.
Warszawa tháng 12-2012
———————————-
Nguồn: Nhật báo WYBORCZA Ba Lan
Nguồn: Nhật báo WYBORCZA Ba Lan
GHI CHÚ:
(1) Tadeusz Mazowiecki, sinh năm 1927, luật sư, nhà báo. Từ 1961 đến 1971 đại biểu quốc hội trong nhóm đại biểu quốc hội „Znak”,đại diện cho Nhà Thờ Ba Lan. Năm 1980 chủ tịch ủy ban cố vấn của Uỷ Ban Đình Công trong nhà máy đóng tầu mang tên Lê Nin tại Gdansk, cố vấn của Lech Walesa. Tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Tháng 08 – 1989 trở thành thủ tướng không cộng sản đầu tiên sau 45 năm cầm quyền của cộng sản .
(1) Tadeusz Mazowiecki, sinh năm 1927, luật sư, nhà báo. Từ 1961 đến 1971 đại biểu quốc hội trong nhóm đại biểu quốc hội „Znak”,đại diện cho Nhà Thờ Ba Lan. Năm 1980 chủ tịch ủy ban cố vấn của Uỷ Ban Đình Công trong nhà máy đóng tầu mang tên Lê Nin tại Gdansk, cố vấn của Lech Walesa. Tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Tháng 08 – 1989 trở thành thủ tướng không cộng sản đầu tiên sau 45 năm cầm quyền của cộng sản .
(2) Bronislaw Geremek, sinh năm 1932 tại Warszawa, mất 2008. Giáo sư sử học. 1960-1965 giáo sư tại Sorbon Paris, được phong tặng 23 danh hiệu tiến sỹ danh dự của các trường đại học trên thế giới, trong đó có Sorbon Paris, Colombia University tại New Jork.
Trong năm 1950 ra nhập PZPR, năm 1968 phản đối quân đội khối Quân Sự Warszawa chiếm đóng Tiệp Khắc, đã ra khỏi đảng. Năm 1980 cố vấn, 1981 chủ tịch ủy ban chương trình hành động của SOLIDARNOSC. Bị bắt giam trong thời gian tình trạng chiến tranh, được thả sau một năm. Năm 1983 một lần nữa lại bị bắt. Tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Sau khi Ba Lan chuyển hóa thành quốc gia dân chủ, đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: đại biểu quốc hội các khóa năm 1991, 1993, 1997. Bộ trưởng bộ ngoại giao từ 1997-1999. Năm 2004 trúng cử đại biểu nghi viện Liên Minh Châu Âu. Ông mất trong tai nạn ô tô năm 2008.
(3) Czeslaw Kiszczak, sinh năm 1925. Đã kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền cộng sản Ba Lan : cục trưởng tình báo quân đội, tư lệnh lực lượng an ninh quốc gia, phó tổng tham mưu trưởng quân đội…Từ 1986-1990 ủy viên bộ chính trị PZPR, bộ trưởng bộ nội vụ từ năm1981- 1989, một trong những người cộng tác gần gũi nhất của tướng W. Jaruzelski. Từ năm 1996, kéo dài quá trình luận tội dùng vũ khí diết người có chủ định, trong các cuộc đình công, biểu tình những năm 80 của C. Kiszczak. Ngày 12-02-2012 tòa án vùng Warszawa đã kết án Czeslaw Kiszczak 4 năm bị mất quyền tự do. Bản án có chú ý đến tình hình tuổi tác và sức khỏe của bị can.
(4) Lech Walesa ký :”kapral Walesa”, kapral trong tiếng Ba Lan là một chức vụ trong quân đội, nhỏ hơn bậc thấp nhất của sĩ quan, cao hơn bậc cao nhất của hạ sỹ quan.Chúng tôi tạm dịch là thượng sỹ.
(5) Karol Modzelewski, sinh năm 1937, giáo sư sử học. Năm 1964 là đảng viên PZPR, đã cùng với Jacek Kuron viết thư ngỏ gửi Ban Chấp Hành Trung Ương PZPR. Trong thư phê phán đường lối chính trị và kinh tế của PZPR. Bị khai trừ khỏi đảng, đuổi khỏi công tác giảng dậy tại trường Đại Học Tổng Hợp Warszawa, rồi bị án tù 3,5 năm. Tham gia hoạt đông SOLIDARNOSC.
(6) Jacek Kurol, (1934- 2004). nhà sử học, đảng viên PZPR. Năm 1964 cùng với Karol Modzelewski viết thư ngỏ gửi BCHTU PZPR, bị kết àn 3 năm tù. Tham gia hoạt động SOLIDARNOSC. Năm 1980 là cố vấn của SOLIDARNOSC, tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Sau khi Ba Lan chuyển sang thể chế dân chủ, là bộ trưởng bộ lao động.
http://www.danchimviet.info/archives/71467/lech-walesa-da-cuu-cong-doan-doan-ket-nhu-the-nao/2013/01
No comments:
Post a Comment