Saturday, January 26, 2013

Kinh tế và Đạo Đức: Hợp tác hay Đối thủ



Phan Văn Song - Đôi lời cùng quý độc giả
Trong tuần qua, nhiều thân hữu gần xa có điện thoại hỏi những bài khảo cứu về tình hình Biển Đông đăng trên mạng, xuất phát từ nguồn Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Công nghệ Thành phố Huế có phải do chúng tôi Phan Văn Song ở Pháp viết không, vi không nhận ra văn phong chúng tôi?

Chúng tôi xin khẳng định rõ rằng chúng tôi không phải tác giả bài viết rất công phu và rất phong phú, góp ích rất nhiều cho cuộc đấu tranh chống Bắc quyền đang dùng ngụy văn và ngụy lý xấm chiếm lãnh hải, lãnh đảo của Việt Nam ấy!
Tác giả Phan Văn Song  của nhũng bài nghiên cứu giá trị ấy, là một thức giả hiện cộng tác với Hôi Nghiên cứu Biển Đông và đã đóng góp nhiều bài rất giá trị để Nhà Nước đương quyền Việt Nam có thể dùng để phản biện những ngụy lý của những đối phương – Trung Cộng hay cả Đài loan – về chủ quyền các quần đảo Hoàng sa và Trường sa.
Chúng tôi Phan Văn Song ở Pháp, đôi lời cám ơn học giả Phan Văn Song, tác giả các bài nghiên cứu nói trên và hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh những lý luận lịch sử vững chắc ấy. Mong những nghiên cứu ấy cùng đóng góp với những nghiên cứu những học giả người Việt hải ngoài để tạo một phong trào  trong và ngoài nước Việt Nam  chúng ta một lòng giữ vững giang sơn gấm vóc, cơ đồ của tổ tiên.
Trân trọng,
Hồi Nhơn Sơn, tỉnh Vienne, Vùng Poitou – Charente, Trung Nam, Pháp quốc ngày 25/01/ 2013
Phan Văn Song, Tiến sĩ Luật và Khoa học Chánh trị, (Sciences Po et Droit Toulouse. France)
Kinh tế và Đạo Đức : Hợp tác hay Đối thủ
Nhơn đọc «Bàn về Đạo đức Kinh tế” [À Propos d’Éthique économique] của Jean –Yves Naudet do Tủ sách của Trung tâm Đạo đức Kinh tế –  Collection du Centre d’Éthique Économique phát hành, xin đôi lời giới thiệu :
Thói thường, thiên hạ vẫn tập hợp hai khái niệm nầy. Từ ngay thời xa xưa, các nhà hiền triết La Hy hay vào thời Trung Cổ các vị Thần học vẫn tập hợp Đức Tin vào Lẽ phải, vẫn nhìn Kinh tế học dưới gương soi Đạo đúc. Ngay đến cả những nhà tiên phong về Kinh tế học  của thế kỷ thứ 18, thí dụ Adam Smith* (1723 – 1790) ;  ông vừa là một nhà kinh tế mà cũng là một nhà hiền triết của Đạo đức học. Chỉ gần đây thôi, cũng vì nhơn danh khoa học thực tiển và toán học, nên các nhà kinh tế đã loại bỏ hẳn « nhân tố con người » ra. Vì vậy ngày nay  thiên hạ mới dám tách rời đạo đức khỏi  ngành kinh tế học  .
Thế nhưng vào đầu thế kỷ 20, sự tách rời ấy không còn là một điều hiển nhiên nữa. Nếu  Ludwig von Mises*,(1881 – 1973) trong tác phẩm “Hành động của Con người – Human Action, a Treatise on economics »  chỉ muốn kinh tế học là một khoa học « hoàn tòa độc lập không bám vào một giá trị đạo đức hay con người nào » ! thì ông đồng nghiệp cùng thời với ông, người nhận giải Nobel,  là Fredrich Hayek* (1899- 1992) lại là một nhà hiền triết kinh tế chánh trị cùng  trường phái suy nghĩ với một Locke, một Hume hay một  Smith.
1. Kinh tế và Đạo đức 
Đối với một số lớn các nhà kinh tế gia, nhứt là kinh tế gia nhóm thiên tả, nhóm dân chủ hay nhóm xã hôi,: Đạo đức và Kinh tế không thể sống chung với nhau được. Bởi tánh chất tự nhiên, kinh tế là ma quỷ, kinh tế là lợi nhuận, kinh tế là ích kỷ. Nhưng nếu nghĩ như vậy, nếu lấy suy nghĩ ấy làm nền tảng cho một ý thức hệ thì quá thiển cận, là không hiểu gì cả bản chất « con người ». Con người không thể chỉ hoặc là một, một người hiền, một thiện nhơn, yêu tha nhơn, trọng của chung, khi con người ấy  lo việc chánh trị, hoặc hai  khi con người  lo việc kinh tế,  thì trái lại, một con người ác, xấu, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến tư lợi, tham lam, lợi nhuận. Nhưng con người là con người ! Con người là tất cả hai mặt ấy, tốt và xấu, hùng dũng và yếu đuối, vị tha và ích kỷ !.
Tác giả, Jean – Yves Naudet tả cái con người yếu đuối ấy, con người đi tìm lợi nhuận và tư lợi: con người kém đạo đức. Nhưng  tác giả cũng tự hỏi, cũng như người đọc cũng tự hỏi, khi chúng ta đi tìm lợi nhuận cho riêng chúng ta, cho tài sản tư hữu, theo quan niệm triết lý, có gì là sai trái, có gì là không đạo đức? Kiếm sống, làm ăn «lương thiện», cải thiện đời sống cá nhơn,  phát triển của cải cho cá nhơn, cho gia đình và người thân mình, có gì là sai trái? có gì là bất lương? là thiếu đạo đức? Và thêm nữa, nhơn danh gì mà chúng ta chê bai lợi nhuận? lợi nhuận chẳng qua  chỉ là cái tiền công trả cho một người đảm đang hoàn thành một công việc, hay cả trả công cho một người hùn vốn giúp một thương nghiệp hoạt động? Tại sao trả tiền lời cho người có phần hùn vốn lại bất lương, bất nghĩa hơn trả lương cho một công nhơn? Cả hai đều là một sự đền bù đáp ứng cho một công tác. Và tác giả còn cay chua nhận xét rằng đạo đức dạy chúng ta thương người chớ không bảo chúng ta tự ghét mình.
Thế nhưng, ngày nay thế giới kinh tế đang gặp khủng hoảng, hổn loạn, và thế giới kinh tế đầy rẫy những tôi phạm kinh tế. Thực tế của nền kinh tế ngày nay là như vậy rồi. Một phân tích khoa học đã đưa chúng ta nhận rõ một hiện tượng là khủng hoảng kinh tế ngày nay là do các hành động vô trách nhiệm, vô đạo đức,  của các cơ quan điều hành kinh tế cuả công quản  hay tư nhơn :
- Một nhà nước xúi dục người dân phải sống trong cảnh nợ nần, xài trước trả sau, các ngân hàng theo phương pháp chánh trị điều hành ấy mà thực hành vô trách nhiệm, lẫn lộn khách xấu với khách tốt, không lựa chọn, tạo những bong bóng đầu tư, tạo những thị trường ảo, tạo những giấc mơ tư hữu, sở hữu chủ cho những thành phần người yếu đuối của xã hội …
- Những ngân hàng trung ương các quốc gia in tiền bừa bãi, tạo một loại tiền tệ « ảo », từ đồng dollars Mỹ đến đồng « Nhân dân tệ Trung Cộng »…và cuối cùng
- Những quản trị gia chánh trị các quốc gia phung phí công quỹ, xài tiền chung thả giàn, nợ công chồng chất.
Những sai trái ấy cho ta bài học luân lý rằng : khi tạo một thế giới người sống không  thực tế, sống trên mức thu nhập của mình. Dùng tiền bá tánh để thảo mãn lợi nhuận kinh tế hay chánh trị riêng của mình. Nhà nước thì tìm phiếu người ủng hộ, thương nhơn thì bán được hàng hóa mình. Và càng tệ hại hơn, là không nhìn thấy cái khủng hoảng đang đến, và khi đến, vẫn tiếp tục ..Và vì con người là yếu đuối nên nạn tham nhũng tràn lan để tạo một thế giới chỉ biết lợi nhuận và tư lợi thôi.
2. Vô Đạo Đức do Tiền
Cũng có một số kinh tế gia đầy nhiệt huyết, mơ mộng, đổ tội cho Tiền. Tại vì tiền mà thế giới hổn loạn. Xóa bỏ tiền đi thì khủng hoảng sẽ hết. Khủng hoảng ngày nay là do tiền tệ, nầy nhé, dollars!  nầy nhé đồng Yuan Tàu ! quá nhẹ, quá rẻ!   Vì đồng euro quá cao nên Âu châu gặp khó khăn xuất cảng vì hàng hóa mình âu châu  quá mắc. Khó cạnh trạnh ! Sức mạnh cạnh tranh của âu châu kém, của Pháp kém vì đồng euro cao!
 Và mắng chưởi: đồng tiền, tiền tệ mới là  cái vô đạo đức nhứt ! Tiền là dơ bẫn, tiền là quỷ ám, tham tiền mất lương tri. Người “mê” tiền là người “vô liêm sỉ”!
Nhưng tiền là gì? chỉ là một vật trung gian, đo lường giá, đo lường phẩm, là điểm gặp gở giữa cái cung và cái cầu. Tôi cần, anh có, chúng ta thương lượng trao đổi : tiền làm trung gian đo lường. Nếu nghĩ như vậy thì đâu là đạo lý của tiền ? Hệ thống tiền là một cơ chế, và sử dụng cơ chế ấy là con người. Vậy thì người sử dụng, đúng sai, bừa bãi, kềm chế, tạo những hành vi, hành động đạo đức hay không đạo đức mà thôi. Sử dụng là gi? Sử dụng là phương cách của con người, của cơ quan, của một nhà nước một quốc gia tạo ra tiền, kiếm tiền  và xài tiền!
Ai làm người quyết định ? sử dụng tiền đúng hay không đúng? Thế giới ngày nay chia làm hai khối: khối độc tài và khối tự do. Khối độc tài, nhà cầm quyền, hoặc là do một Đảng chánh trị,  hoặc là do một Cá nhơn, một Gia đình, dưới dạng Hoàng tộc, hay Quân đội quyết định tất cả, tạo tiền, tạo của, xài tiền xài của… cửa quyền, ăn cắp tham nhũng. Trái lại với khối tự do, với một  nhà cầm quyền do dân bầu. Người dân tự do quyết định, bầu chọn người cầm quyền , quyết định mua sắm, kiếm tiền, xài tiền, nhưng vì … thành phần dân chúng gồm nhiều thành phần xã hôi không cùng một đẳng cấp  giáo dục nên  ăn xài thả giàn, với một quan niệm tiêu pha, xài trước trả sau, nên nay, người dân mang nợ, nhà nước cũng mang nợ, người dân phá sả, nhà nướcc cũng phá sản : Hy Lạp, Aí nhĩ Lan, Tây Ba Nha, Bồ đào Nha…
3. Đạo  đức,  Luân lý, Éthique, Morale 
Thiên hạ ưa dùng từ Đạo đức công cộng (La morale publique) – Đạo đức Công hòa (la morale républicaine) cũng như ở quốc nôi việt nam dùng tứ Đạo đức cách mạng. Hoàn toàn tối nghĩa, và chả nói được gì vì ai định nghĩa được công cộng, cộng hòa, cách mạng ? Và càng nguy hiểm hơn khi núp dưới những tỉnh từ ấy, là cả một cơ chế với những định chế  đã không mấy gì sáng tỏ, mà còn che lấp những ẩn ý không mấy gì lương thiện. Chỉ có lương tâm con người mới thậtt tình lương thiện.
Lương tâm con người ? Lương tâm con người được đào tạo bởi giáo dục. Nhà trường, gia đình. Gia đình, môi trường sống thời thơ ấu là căn bản, cha mẹ không thể lường gạt con, con không thể dối gian cha mẹ, sau đó là trường học, thầy trò, bạn bè, vì không có lợi nhuận, không có tư lợi, tư hữu nên những quan hệ trao đổi phần đông đều lương thiện. Nhà trường, gia đình giáo dục lương tâm, tạo hiểu biết và huấn luyện tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm là gì ? Trách nhiệm trước tiên là nhận rõ thế đứng, vị trí  của mình, sau đó nắm rõ vai trò của mình, thoạt tiên trong công đồng gia đình của mình, sau đến trong công đồng trường học của mình và cuối cùng trong xã hôi của mình. Tạo dựng, phát triển một nền Giáo dục lương thiện đạo đức sẽ tạo những công dân tốt cho xã hôi. Tu thân tề gia chẳng qua là bài giáo huấn khổng học về trách nhiệm đó thôi.
Nhưng thế giới ? Ngày nay, hàng triệu người trên thế giới vẫn không được đi đến trường, cả đến những quốc gia tiên tiến giàu có, vẫn còn một số đông đáng kể vẫn bị thất học, huống chi là những quốc gia nghèo khổ, kém phát triển. Vậy thì kinh tế hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sự bất công xã hôi  đấy ư?
Bất công xã hội, kém đạo đức?
Kết luận: Đạo đức phải phục vụ Kinh tế 
Bản chất kinh tế có phải cần những giá trị nhơn bản ấy không?  Kinh tế đơn thuần chỉ là một sự trao đổi. Tôi bán, anh mua. Anh cần, tôi giúp. của cải, dịch vụ trao đổi với giá lương, với tiền công, với định giá món hàng. Giá món hàng có thể gồm có những trị giá của phụ tùng công với thời gian , công trình của người làm ra, trị giá thành phẩm công với tiền lời nghĩa là đồng lương thành ra giá bán, nếu hợp với ý chí người mua thành giá trao đổi, đó là thị trường. Một mình, một chợ, một món hàng? Tôi nói giá, anh thích anh mua, anh không mua người khác mua. Chợ đầy hàng giống nhau, người mua ngợp mắt, anh không chịu giá tôi đề nghi tôi đi mua người khác. Đó là chợ đó là thị trường.
Như xã hôi lại khác, có những người dư thừa, có những người thiếu thốn, đời sống không đủ ăn không đủ mặc, không mái che mưa, màn trời chiếu đất, học đường không nhận, xí nghiệp không thâu.. Đó là bất công xã hôi. Vì vậy xã hôi phải tổ chức một sự chia xẻ  liên đới:phục vụ sự công bằng xã hội. Đánh thuế nhà giàu để giúp đở người nghèo. Các hiệp hôi tương trợ, các NGO, tổ chức ghi chánh phủ sẽ lãnh nhiệm vụ chia xẻ của cải dư thừa của các nhà giàu để giúp đở người nghèo. Thế nhưng nếu vì nhơn danh liên đới,  mà xóa trộn trật tự biến một phần không nhỏ của xã hôi sống bằng cách ăn bám. Vậy thì đạo dức ở đâu ? nơi có bất công giàu nghèo, hay nơi tạo một loại bất công khác là một thành phần xã hôi không chịu làm việc?
Còn nhiều cái kém đạo đức khá nữa: như sử dụng con trẻ, đối xử khác biệt nam nữ. Lương người nam cùng một công việc thường cao hơn người nữ. Kinh tế ngày nay vẫn còn nhiều bất công. Người lao đông ở một quốc gia tiên tiến ngoài số tiền lương trả công việc sản xuất, người công nhơn âu mỹ lãnh thêm phần xã hội: tiền bảo vệ sức khỏe, tiền hưu trí tương lai, tiền cho con cái đi học , tiền để mua sắm nhà cửa, xe cộ. … Nói tóm lại nếu giá thành tiền công sản xuất một sản phẩm là 1 đồng, thì chủ nhơn phải trả thêm tiền bảo đảm xã hôi, bệnh hoạn, hưu trí, học hành nhà cửa xe cộ, tất cả là 2 đồng nữa. Trái lại bên phía các quốc gia chậm tiến chỉ trả một đồng để trả công mà thôi. Vì vậy ngày nay, Trung quốc là một cái xưởng khổng lồ của thế giới, Việt Nam cũng vậy, cả Ấn độ, Bangla Desh …Ngày nay Trung quốc giàu nhưng người công nhơn lao động Tàu vẫn còn nghèo.
Kinh tế và Đạo đức phải hợp tác nhau. Vì Kinh tế là sự đổi chác giữa cái cung và cái cầu. Vì vậy muốn tạo một thị trường phải tìm hiểu nhu cầu của người mua, thị hiếu người mua. Chúng ta chỉ thỏa mãn người mua, cái cầu, khi nào chúng ta thỏa mãn được cái cung.
Trao đổi sòng phẳng, Win –Win sẽ đem lại cái Đạo đức trong mọi đổi chác Kinh tế hay Chánh trị.
Đó là sự Công bằng Xã hôi !
Đó là Ôn định Quốc gia !
Đó là Phát triển đất nước !
Một nước Việt Nam tương lai muốn có một sức phát triển bền vững phải ngay từ bây giờ có một mô hình Phát tiển quốc gia  đặt suy nghĩ nền tảng trên những đổi chác lương thiện đạo đức, sòng phẳng.
Một suy nghĩ đem Đạo đức vào sản xuất, vào Kinh tề để có một chương trình Phát triển dài hạn, bền vững !
Mong thay !
Hồi nhơn Sơn, nhũng ngày tuyết phủ năm 2013
Phan Văn Song

Ghi chú
*Ludwig Heinrich von Mises (29 /09/1881 – 10/10/1973) là một nhà hiền triết,một kinh tế gia trường phái Áo, và phái thị trường tự do .
*Friedrich August von Hayek ( 8/05/ 1899 – 23/03/1992) là một nhà hiền triết, một kinh tế gia trường phái Áo, cỏ vũ thị trường kinh tế tự do, chống xã hội chủ nghĩa, và chống sự chỉ đạo nhà nước . Tác phẩm « Con đường phục vụ -La route de la servitude, xuất bản năm 1944, tóm tắt tương tưởng của F.Hayek. Giải Nobel kinh tế năm 1974..
*Adam Smith  (5/06/1723 – 17/07/1790)  là một nhà hiền triết, một kinh tế gia nhười Tô Cách Lan Ông được người đồng thời xem ông là Cha đẻ của ngành Kinh tế học . Còn một số đông các kinh tế gia xem Adam Smith là Cha đẻ của ngành Kinh tế chánh trị .

No comments:

Post a Comment