Ngô Nhân Dụng - Ngày Chủ Nhật vừa qua, các ký giả của tờ tuần báo Nam Phương đã đình công biểu tình phản đối trưởng ban tuyên giáo thuộc thành ủy Quảng Châu, tỉnh Quảng Ðông bên Tàu.
Mỗi năm ở Trung Quốc có trên trăm ngàn vụ dân biểu tình phản đối chính quyền. Nhưng đây là lần đầu tiên hàng trăm nhà báo công khai phản đối một “bố già” trực tiếp nắm đầu họ. Họ đưa lên những biểu ngữ đòi quyền ngôn luận tự do.
Lý do gây nỗi bất bình là trưởng ban tuyên giáo Thỏa Chấn (Tuo Zhen) đã tự ý sửa bài xã luận đầu năm 2012 của tờ báo, trong đó có những câu kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng các quyền tự do ghi trong Hiến Pháp. Thay vào đó, Thỏa Chấn viết những lời ca ngợi đảng Cộng sản vinh quang, như thường lệ! Cả tờ báo nổi giận, đòi đình công! Trong số những người đòi cách chức Thỏa Chấn có cả nhà kinh tế nổi tiếng Mao Vu Thức (Mao Yushi) và Giáo Sư Hạ Vệ Phương (He Weifang).
Trong cuộc biểu tình ngày Thứ Hai, một diễn giả tự giới thiệu từng là một sinh viên tham dự những cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 đã nhắc lại những khát vọng của giới trẻ suốt 23 năm qua: “Hai mươi ba năm không hề có tiến bộ! Hai mươi ba năm qua Trung Quốc vẫn là một nước độc tài, dùng bạo lực để khuất phục dân chúng. Chúng ta phải lên tiếng, đừng sợ hãi nữa!” Một diễn giả khác tiếp lời: “Hai mươi ba năm rồi, bây giờ tiếng nói của lương tâm lại cất lên;” và ông hô khẩu hiệu qua máy phóng thành đòi “Dân chủ tự do!” Trong đám hô theo, có người còn hô: “Ðả đảo Ðảng Cộng sản!” “Ðảng Cộng sản hãy rút lui!” Những hình ảnh này được truyền khắp nơi trên toàn thể Trung Quốc nhờ các công dân mạng. Rất nhiều nhà trí thức viết thư ngỏ ủng hộ ban biên tập. Chính quyền cắt đứt các thông tin trên mạng của báo Nam Phương, không ai vào được. Nhưng cảnh sát kéo đến đám biểu tình không dám đàn áp. Bí thư tỉnh Quảng Ðông Hồ Xuân Hoa phải đích thân can thiệp, gặp các nhà báo, hứa hẹn không cho ban tuyên giáo can thiệp sửa bài của nhà báo nữa. Họ quay lại làm việc, tờ báo Nam Phương tiếp tục xuất bản số ra ngày 10 Tháng Giêng 2013.
Một làn sóng phấn khởi đã dâng lên trong báo giới khắp nước, xưa nay vẫn bị đảng Cộng sản kiểm soát. Chính quyền cộng sản ra lệnh tất cả các báo phải đăng lại một bài xã luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phụ bản của Nhật báo Nhân Dân. Trong bài này, họ tố cáo những người đòi tự do ngôn luận là do “các thế lực thù địch” xúi giục. Họ cũng phê bình các ký giả báo Nam Phương đòi tự do quá đáng, đòi những quyền “không thể thực hiện trong điều kiện xã hội và chính trị thực tế tại Trung Quốc.” Ðặc biệt, bài xã luận này còn viết: “Ngay cả báo chí các nước Tây phương cũng không công khai phản đối chính phủ như vậy!” Ðây là một lời khẳng định hoàn toàn trái ngược với sự thật.
Chỉ thị trên bị nhiều tờ báo phản đối. Một số báo cho đăng bài xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo trên mạng, với lời minh xác rằng những ý kiến trong đó không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tờ báo. Riêng tờ Tin Bắc Kinh bị làm áp lực mạnh nhất, các quan chức ban tuyên giáo phải đến tận nơi yêu cầu. Trong một cuộc họp có nhiều ký giả đã khóc, người chủ nhiệm đã dọa sẽ từ chức. Sau cùng, Tin Bắc Kinh vẫn phải đăng lại bài “xã luận lề phải” trên nhưng xóa bỏ những đoạn công kích các ký giả tờ Nam Phương.
Hà Nội cách Quảng Châu không xa. Chế độ cộng sản Việt Nam luôn luôn nghe ngóng tình hình “nước đồng chí anh em” để chạy theo từng bước. Bắc Kinh lo lắng trước cảnh các công dân mạng nổi loạn thì Hà Nội cũng lo. Chính quyền cộng sản kiểm soát 800 tờ báo và các đài, với lực lượng gần 20 ngàn “ký giả.” Nhưng họ vẫn lo sợ trước các mạng lưới tự do như Boxit Việt Nam hay Anh Ba Sàm. Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần, đã bị tù, nhưng chưa đủ hết lo. Hôm Thứ Tư, trưởng ban tuyên giáo thuộc thành ủy Hà Nội đã ra lệnh các người làm nghề truyền thông phải “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.” Họ khoe đã tổ chức một “nhóm chuyên gia” lo bút chiến trên Internet với các nhà trí thức và nhà báo tự do. Trong lúc khoe khoang thành tích phục vụ bọn cầm quyền, họ còn viết: “Ðến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.” Chuyện tức cười ở đây là hai chữ “tài khoản,” dịch nguyên văn chữ “account” trong tiếng Anh. Nhưng người ta chỉ dịch account là tài khoản khi nào nói chuyện gửi tiền vào ngân hàng. Mở account tức là mở một tài khoản, chữ tài nghĩa là tiền bạc. Khi một người “mở account” trên mạng lưới thì chỉ mở một diễn đàn, một địa chỉ trên mạng, không có tài khoản tiền bạc nào cả. Khi ông trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội dùng chữ “400 tài khoản,” người ta hiểu là đảng ông đã phát tiền cho 400 người!
Trong lúc hô hào “đấu tranh trực diện” với những người bất bình về chế độ, đảng cộng sản có ngay một mục tiêu để “đấu tranh.” Ðó là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Kim Chi. Cô Kim Chi được Hội Ðiện Ảnh Việt Nam đề nghị cô làm đơn và sửa soạn hồ sơ, để hội đề nghị cô được nằm trong danh sách được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khen thưởng. Ðây là một việc làm theo thông lệ hàng năm, mà bình thường các nghệ sĩ, nhà văn, hay giáo sư được đề nghị khen thưởng đều chấp nhận. Nhiều người còn cúi rạp nửa mình khi được trao bằng khen thưởng! Nhưng cô Kim Chi đã từ chối. Ngày 28 Tháng Mười Hai năm 2012 cô đã gửi một lá thư cảm ơn và nêu rõ lý do từ chối.
Hãy nghe cô diễn viên điện ảnh này phân bày: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.”
Chắc đã có nhiều người can đảm từ chối không nhận những bằng khen thưởng của chính quyền vì trong lòng bất bình. Nhưng thường họ lẳng lặng lắc đầu, ít có người dám hiên ngang nói rõ lý do tại sao từ chối. Khi viết lá thư từ chối, đánh máy, gửi cho Hội Ðiện Ảnh, cô Kim Chi chắc cũng biết sớm muộn bức thư cũng được đưa ra công khai. Ðiều đáng khâm phục là cô đã nói rõ mình sẽ bị xúc phạm nếu trong nhà có chữ ký của một người mà cô không nêu đích danh. Cô viết về “một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân,” nhưng ai cũng biết, đó là “Ðồng chí Ếch (X),” đương kim thủ tướng! Không thèm nêu tên người sẽ ký bằng khen thưởng mà cô từ chối không nhận, Kim Chi chứng tỏ ngay việc nhắc đến cái tên này đã làm hạ phẩm giá của một người tự trọng!
Bức thư của cô Kim Chi đã được truyền bá khắp nơi, trong và ngoài nước, qua mạng lưới Internet! Ðây đúng là mục tiêu mà đội quân “nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet” của thành ủy Hà Nội phải lo đối phó! Cô Kim Chi càng được nhiều người hoa hô thì chiến dịch “đấu tranh” càng quyết liệt!
Họ sẽ “bút chiến” như thế nào? Cách giản dị nhất là nói dối, như đảng cộng sản đã thi hành từ hơn nửa thế kỷ nay. Mai mốt, trên 400 “tài khoản” sẽ có người viết rằng cô Kim Chi không hy vọng được khen thưởng, dù có được đề nghị, cho nên đành rút tên trước cho đỡ ngượng! Cách thứ hai là phỉ báng. Họ sẽ tung ra những bài bôi bác về quá khứ của Kim Chi, bịa ra những chuyện xấu không ai kiểm chứng được. Cứ bêu xấu bên địch bằng các thủ đoạn đê hèn nhất, lâu ngày thế nào cũng có người tin! Cách thứ ba là vu cáo. Thế nào trên 400 “tài khoản” cũng có những bài nói cô Kim Chi đã bị các “thế lực thù địch” xúi giục và mua chuộc!
Họ sẽ bày ra những trò bôi bác mới, trí tưởng tượng của chúng ta không thể nghĩ trước được. Nhưng có một điều họ khó “bút chiến” để phủ nhận, là câu: “Một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.” Ðồng chí Ếch chính là kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân! Chỉ có một cách phản bác nhận xét này, là nhóm chuyên gia bút chiến vạch ra rằng trong “nhân dân” cũng có những người nhờ đồng chí Ếch là giầu nứt đố đổ vách! Nếu không thì làm sao người ta tổ chức được đám tang báo hiếu cha mẹ với hai chục chiếc xe xịn để khoe của và phơi bày cho công chúng thấy ai là người đã đẻ ra những tay giầu sụ như thế!
Khi đọc lá thư từ chối của Kim Chi, có người trong nước đã đặt câu hỏi (trên mạng Internet) rằng: “Tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, vẫn chễm chệ ghế thủ tướng?” Câu hỏi này đã được đồng chí Ếch trả lời trước Quốc Hội: Ðồng chí không muốn làm chức vụ nào cả. Ðồng chí làm bất cứ việc gì khi được đảng giao phó nhiệm vụ. Con cái đồng chí được cất nhắc lên chức này chức nọ, cũng vì được đảng giao nhiệm vụ. Ðồng chí đưa tay chân vào làm các công ty Vinashin, Vinalines, cũng vì được đảng giao nhiệm vụ!
Khi biết như vậy, thì lá thư từ chối phần thưởng của cô Kim Chi còn thiếu một phần. Tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân được đảng giao cho nhiều nhiệm vụ để tiếp tục làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân mãi như vậy?
Cô Kim Chi vẫn tự nhận, “Tôi là nghệ sĩ cộng sản chính hiệu... Tôi có thể không tin cá nhân ông thủ tướng nhưng mà tôi tin cái chung, còn nhiều cái điều tốt đẹp.” Nếu nhìn ra chung quanh, cô Kim Chi có thể thấy “cái chung, còn nhiều cái điều tốt đẹp” đó ở đâu?
Nó không nằm trong đám quan chức đang giành nhau nhau những miếng xôi miếng thịt. Hiện nay chỉ thấy một điềm hy vọng, một ngọn lửa của niềm tin, là trên những mạng Internet. Như Anh Ba Sàm mới viết: “Cuối cùng, nó (lá thư từ chối của cô Kim Chi) góp phần thức tỉnh giới văn nghệ sĩ đang ‘sống trong sợ hãi’ và danh lợi. Các đấng nam nhi, hãy bằng tri thức và tiếng tăm của mình, nói thay, dẫn dắt dân chúng cùng lên tiếng, thức tỉnh những người cầm quyền, rằng thời cơ đã đến rồi, hãy biết sám hối bằng quyết tâm tự gột rửa, hành động vì dân, vì nước, trước khi quá muộn.”
Khi đảng Cộng sản Liên Xô bị mất quyền, đảng còn hàng chục triệu đảng viên. Không một chi bộ cộng sản nào ở nước Nga đưa một ngón tay lên để cứu đảng. Vì họ biết ngày tàn của nó không thể tránh được. Trong hàng chục triệu đảng viên đó, chắc nhiều người vẫn tự nhận “Tôi là đảng viên cộng sản chính hiệu.” Nhưng họ cũng biết không còn đủ thời giờ để sám hối, để tự gột rửa nữa!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160326&zoneid=7#.UPFnoOSmDB0
No comments:
Post a Comment