Saturday, January 12, 2013

Hiện tượng Kim Chi



Võ Văn Tạo - “Sấm sét giữa trời quang”
Một ngày sau khi lá thư gửi hội Điện ảnh Việt Nam của nữ diễn viên khóa 1 – đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cảm ơn Hội quan tâm, nhưng từ chối làm hồ sơ nhận bằng khen của thủ tướng, với lý do xác đáng: “tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo Đất nước, làm khổ Nhân dân. Với tôi, đó làmột điều rất tổn thương vì cảm giác bị xúc phạm” đăng tải trên mạng, đài BBC có bài phỏng vấn chị.

Hàng trăm bạn đọc trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trí thức tên tuổi và cương trực, bày tỏ kính phục, ngưỡng mộ nhân cách cao cả, khí phách phi thường của chị. Không ít « mày râu » thổ lộ tự lấy làm hổ thẹn trước một « quần hồng » Kim Chi, hết dám nghĩ phận đàn bà, “xướng ca vô loài”. Nhiều người biết ơn chị can đảm thét lên từ lồng ngực đất nước bị đè nặng lâu nay bởi khốn khó, nguy cơ giặc trong, thù ngoài. Đó cũng là tiếng lòng của hàng triệu con dân đất Việt. Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần chuyện nghệ sĩ với danh hiệu khen thưởng.
Có người gọi đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quang”, làm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho « bộ lông cánh » của họ – giật mình, thất kinh.
 Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ
Ở nửa bên kia của cuộc đời, nữ nghệ sĩ hẳn tường tận số phận bị khủng bố, đọa đày, trù dập, hành hạ đủ kiểu hèn hạ và ti tiện nhất suốt nhiều thập niên của rất nhiều văn nghệ sĩ tài hoa và gia đình, thậm chí cả con cháu, bạn hữu họ, chỉ vì muốn phản ánh sự thật, tự do tư tưởng, đề cao nhân phẩm… qua cái gọi là vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”; tai nạn giao thông “khó hiểu” của vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh bạc mệnh… nhưng khi BBC đề cập đến hiểm họa bị trả thù, hãm hại hèn hạ, Kim Chi – từng 10 năm bom đạn ở chiến trường miền Nam – bộc bạch: “mọi cái bây giờ nhẹ như lông hồng. Vì tôi muốn sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
Chị bảo chị là công dân, có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận”. Nhiều người nghĩ, không đơn giản vậy. Không thích, chỉ cần “tế nhị” (như nhiều nghệ sĩ khác) nại lý do muốn nhường, đại loại như thấy đồng nghiệp khác xứng đáng hơn…
Đồng ý để các bạn trẻ post lá thư lên facebook, có lẽ chẳng quá lời khi nói Kim Chi có cái dũng của kẻ sĩ “trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (Lỗ Tấn).
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái của không ít “mày râu” văn nghệ sĩ, trí thức có danh, cam chịu buông bút tắt tiếng lòng, thậm chí nhiều người “sám hối” – tự sỉ vả vô lối, vu khống đồng nghiệp, mong qua cơn bĩ cực Nhân văn – Giai phẩm. Chưa bàn đến đám “văn nô chém cả tuần không hết”, leo lẻo đầu độc nhân dân, bưng bô hót giọng “tiếng đầu lòng, con gọi Xtalin”.
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái bi hài vừa qua của tổng bí thư, chủ tịch nước, tập thể bộ chính trị, ban bí thư, trung ương đảng “quần nhau” suốt mấy tháng ròng, mà chẳng thể xử lý kỷ luật, thậm chí không dám nêu đích danh, chỉ ỡm ờ “một đ/c trong bộ chính trị”, hay “đ/c X”! Chưa bàn đến động thái các nhân vật cấp cao, báo chí “kỵ húy” gọi thẳng tên kẻ thù Trung Quốc xua quân xâm lược, bắn giết, chèn ép dân ta; và cả với sự kiện này, giả điếc trước “sấm sét giữa trời quang”.
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng
Nếu chỉ nhìn nội dung khước từ chữ ký thủ tướng, hẳn có người muốn chụp lên chị cái mũ “quá khích”, hoặc muốn nổi danh, chơi trội.
Xin cùng lắng nghe chị bộc bạch: “Phù du hết! Tôi thế này là may mắn lắm rồi, đồng đội có người còn đi mãi, không về”. Chị không quên ơn hội Điện ảnh từng quan tâm, dù lớn, dù nhỏ: “ủng hộ tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, cá nhân xuất sắc năm 2011, được tham dự Trại viết điện ảnh năm 2011. Hội viên hội Điện ảnh có hàng nghìn người, tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều, và tôi thấy vui. Nếu Hội khen tôi, có chữ ký anh Xuân Hải, chị Hồng Ngát, chị Cẩm Thúy (lãnh đạo Hội- TG) thì tôi cũng đã thấy vui và hạnh phúc lắm rồi – tôi nói thật tình lòng tôi. Tuy các anh, các chị không quyền cao chức trọng gì, nhưng là đồng nghiệp thân thương của tôi. Được đồng nghiệp có tâm – tài khen ngợi, mới thật là điều vinh dự”.
Ấm áp trân trọng đồng nghiệp, khiêm nhường và can đảm hiếm có; chắc chắn cái mũ “qúa khích” hay “chơi trội” không hợp với cái đầu cứng hơn gang thép cùng trái tim hồn hậu của chị.
Xin đừng khắt khe
Bên cạnh đa số cảm kích, khâm phục, cũng có người chỉ trích khi nghe chị nói với BBC: “Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sĩ cộng sản chính hiệu. Và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản, mong đất nước này sẽ được hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa”.
Xin hiểu Kim Chi, theo quan niệm của chị, đã là người cộng sản là phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với lý tưởng mà chị trân quý. Chính vì vậy, chị mới thẳng thắn bày tỏ không muốn nhìn thấy trong nhà chị có cái chữ ký của một người mang danh ủy viên bộ chính trị ĐCSVN, nhưng làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.
Trên thực tế, không ít người chống cộng gắt gao nhất, cũng nhìn nhận nét nhân văn cao đẹp của lý tưởng cộng sản (“lý tưởng” thôi nhé!). Xin phân biệt thật rành rẽ sự khác biệt như ánh sáng với bóng tối, như nước với lửa, như thiện với ác, giữa tính nhân văn của lý tưởng cộng sản với luận điệu tuyên truyền bịp bợm, mị dân của những kẻ khoác áo cộng sản, nhưng độc tài, cơ hội, tham nhũng, bất tài, dốt nát, trơ trẽn tham quyền cố vị, vô cảm – đè đầu bóp nặn nhân dân, kìm hãm đất nước, cốt vinh thân phì gia, cùng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hết sức méo mó như họ đã và đang áp đặt ở nhiều quốc gia.
Mặt khác, nữ diễn viên – đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi đâu phải triết gia, hay nhà nghiên cứu xã hội học, để có thể/và cũng không phải dịp thích hợp để dài dòng về chủ nghĩa cộng sản dưới con mắt kinh tế – chính trị học trong vụ này.
Chỉ chừng nửa trang giấy A4, một cách thẳng thắn, dễ hiểu và trên hết là trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, nữ nghệ sĩ đáng kính nói được điều cốt tử hệ trọng của nhân dân và đất nước (không cần quá thông minh để hiểu phía sau những câu, chữ súc tích trong lá thư – câu hỏi: tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, vẫn chễm chệ ghế Thủ tướng?), mà hàng chục cuộc họp, hàng vạn trang nghị quyết, hàng nghìn buổi diễn thuyết vô bổ, rối rắm, vẫn không bật ra nổi.
Xứ ta, nghệ sĩ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu, mấy người làm được như chị? Thậm chí, sau sự kiện Kim Chi, mấy ai lặng lẽ (chỉ “lặng lẽ” cũng đã tốt) tháo xuống, đem “phi tang” cái “của nợ” đã “trót” treo lên? Sắp tới, mấy ai khước từ trước tình huống tương tự? Rồi đây, có giảm đáng kể kẻ bon chen, chạy chọt lo lót mua danh phù phiếm? Khó nói trước, nhưng chắc chắn không ít người chẳng dám lấy làm vênh vác sở hữu kiểu chứng chỉ “vinh danh” tương tự.
Cùng cảnh chị, là học sinh miền Nam tập kết, rồi người lính Sư đoàn 304, may mắn trở về từ “cối xay thịt” Quảng Trị – B5 1972, người viết bài này tự hào là đồng đội thời thanh xuân đẹp nhất của chị – chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nơi sâu thẳm trái tim tôi, cái tên Nguyễn Thị Kim Chi lấp lánh trong số rất hiếm Nghệ sĩ cao quý đích thực của Nhân dân…
V.V.T.
Thư  từ chối Thủ tướng khen của đạo diễn NTKChi

No comments:

Post a Comment