Friday, December 14, 2012

Ngoại giao Obama: Quá khứ và tương lai



Chu Chỉ Nam - Trong thời gian tranh cử tổng thống vừa qua, ông Romney, đại diện đảng Cộng hòa và nhiều nhà báo, bình luận chính sách ngoại giao của ông Obama, từ Phi châu tới Âu châu, qua Trung Đông và Á châu, đã hoàn toàn thất bại.

Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy, không phải vì ngày hôm nay ông Obama đã thắng cử, mà trước đó, tôi đã nhiều lần bày tỏ về chính sách ngoại giao của Obama, và tôi cho rằng chính sách này đã thành công và còn mang nhiều hứa hẹn trong tương lai, nhất là đối với vùng châu Á Thái bình dương, nhất là cuộc tranh hùng Mỹ – Trung cộng.
 I) Quan niệm của những người cho rằng chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu của Obama là thất bại
Thật vậy, những người này cho rằng, cao điểm của chính sách ngoại giao của Obama là 2 bài diễn văn tại Prague, thủ đô Tiệp khắc, vào ngày 6/04/2009, kêu gọi giải trừ võ khí nguyên tử; và diễn văn vào ngày 4/06/2009, kêu gọi đối thoại giữa thế giới Tây phương và Hồi giáo.
Tiếp sau đó là Giải Nobel Hòa Bình mà ông đã được trao tặng. Nhưng thực tế chúng ta thấy gì: Chương trình thì to lớn, mộng tưởng thì vĩ đại, nhưng thực hiện thì chẳng được bao nhiêu.
Những người chỉ trích Obama, họ nêu ra từng điểm một:
Về vấn đề Do Thái và Palestine thì là dẫm chân tại chỗ, để đến nỗi bà Ngoại trưởng Do Thái nói bóng nói gió là Obama ngây thơ, khi muốn nói chuyện với Iran.
Về Iran thì nước này vẫn tiếp tục tìm cách chế bom nguyên tử.
Tại Trung Đông, những cuộc cách mạng dân chủ tại Tunisie, Ai cập, Lybie, thì kêt quả ra sao? Đó là những tổ chức Hồi giáo cực đoan, như tổ chức Anh Em Hồi giáo (Frères musulmans) ở Ai cập lên nắm chính quyền. Ở Lybie cũng vậy, và họ cho rằng đây là nguyên do xa đưa đến cái chết của ông Đại sứ và một vài người Hoa kỳ tại nước này.
Đối với Phi châu, mặc dầu là cùng màu da, nhưng ông Obama trong nhiệm kỳ qua lại ít chú ý đến lục địa này.
Về A phú hãn và Irak, mặc dầu có rút quân, nhưng tình hình tại 2 xứ này rất bất ổn, tổ chức Hồi giáo cực đoan có thể cướp chính quyền ở 2 nước vào bất cứ lúc nào.
Đối với Á châu cũng vậy, vào 2 năm đầu Obama không có 1 đường lối ngoại giao rõ rệt. Chính vì vậy mà nước Tàu, trong Hội Nghị về ô nhiễm môi trường ở Stockhom, đã trở nên kênh kiệu với ông, qua thái độ của Thủ tướng Trung cộng.
II) Quan niệm ngược lại
Quan niệm ngược lại, đảng Dân chủ của Obama trả lời lại cũng từng điểm một:
Về Do Thái và Palestine, đây không phải từ Obama, mà gần như cả nửa thế kỷ nay, bao nhiêu tổng thống Hoa kỳ, từ Dân chủ tới Cộng Hòa, đều bất lực, vì sự “ cứng đầu “ của cả 2 bên, hễ thuyết phục được bên này, thì bên kia không chịu. Kinh nghiệm là dưới thời Bill Clinton, nhiệm kỳ 2, ông đã dồn hết nỗ lực cố giải quyết vấn đề này, hòa bình gần như đã tới, chỉ trên ngòi bút. Tuy nhiên cũng thất bại.
Về Iran, việc kiểm soát những lò hạt nhân vẫn tiến hành và đây không phải chỉ có Hoa kỳ, mà còn có cả Âu châu và Tổ chức Kiểm sóat Nguyên tử quốc tế.
Về Trung Đông, đây là một thành công rất lớn của chính sách ngoại giao của Obama. Không ai chối cãi rằng nếu không có Hoa Kỳ đứng đằng sau, qua những tổ chức Phi chính phủ (ONG), phần lớn được trợ giúp bởi Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, thì những cuộc cách mạng dân chủ không thể xẩy ra ở những nước Tunisie, Ai cập, Lybie.
Chuyện chính đó là mang lại dân chủ cho những nước này, cho phép dân được bầu chọn tự do những người mình thích. Ngay cả trường hợp họ bầu chọn những tổ chức Hồi giáo cực đoan, nhưng đây là lựa chọn của họ. Hơn thế nữa, không lẽ cứ cô lập hoài những tổ chức này hay sao, càng cô lập, càng dễ đưa đến chỗ họ trở nên cực đoan, khủng bố, miễn sao họ không làm hại đến quyền lợi Hoa kỳ và hòa bình thế giới.
Đấy lại chưa nói đến sự việc là sau bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có một thời kỳ bất ổn. Chẳng hạn như cuộc cách mạng Pháp 1789, rất là bất ổn sau đó. Nhưng những kết quả nó mang lại cho dân Pháp và cho cả thế giới ngày hôm nay không ai có thể phủ nhận.
Về khủng bố, kết quả to lớn của chính sách ngoại giao Hoa kỳ là đã giết được trùm khủng bố Ben Laden, người mà chính ông Georges Bush bỏ nhiều công lao, thời giờ mà không đưa đến kết quả.
Về Á châu, công nhận 2 năm đầu của nhiệm kỳ thứ nhất, Obama hơi lơi là Á châu, nhưng 2 năm sau, nhất là nhờ bà Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, thì Obama lại chú ý mạnh đến châu Á thái Bình Dương.
Không có vị Tổng thống Hoa Kỳ nào dám kết án Trung cộng là một đại cường quốc vô trách nhiệm, ngoại trừ ông.
III)  Chính sách ngoại giao tương lai của Obama
Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đặt trọng tâm ở châu Á Thái bình dương đã được minh chứng qua việc, mặc dầu trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, phải thắt lưng buộc bụng, rút giảm ngân sách, trong đó có ngân sách quốc phòng, giảm trong 10 năm là 500 tỷ, mỗi năm 50 tỷ; nhưng đặc biệt về ngân sách quốc phòng dành cho châu Á lại tăng, cũng như Hoa kỳ sẽ dồn 60% lực lượng hải quân cho vùng này.
Thêm vào đó, vừa mới thắng cử, Obama đã đi viếng thăm Miến điện, muốn nuôi dưỡng mầm mống dân chủ tại xứ này; và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Nam Á họp ở Cam bốt. Trong chuyến viếng thăm này, Hoa kỳ muốn lập một vòng đai kinh tế, như vòng đai quân sự đã được làm trước đây, để bao vây Trung cộng.
Đó là Hiệp hội Bạn những Quốc gia xuyên Thái bình dương (Trans – Pacific – Partnership – TPP).
Thái Lan, nhân chuyến công du này đã bày tỏ ý muốn gia nhập.
Obama muốn hoàn thành cuộc đàm phán về hội TPP này trước năm tới, dựa trên căn bản trao đổi thương mại công bằng, lưỡng lợi và minh bạch. Đây là một chính sách kinh tế, ngoại giao, thương mại nhắm vào ngay “ Sân sau “ của Trung cộng. Và một khi Hiệp hội này ra đời, thì Hoa Kỳ không ngần ngại gì mời Trung Cộng tham gia, có nghĩa là bắt Trung cộng phải chơi trò ngay thẳng, có trách nhiệm, không thể kìm giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn đồng $ từ 15 tới 20% trên thị trường và ép lương công nhân, vi phạm nhân quyền, đối xử tàn tệ với thợ thuyền, để có giá thành rẻ, để xuất cảng.
Hiệp hội này không những có những nước Á châu, trong đó có Nhật, mà có cả Mễ tây cơ, Gia nã đại cũng muốn tham dự.
Từ đây, một câu hỏi đến với chúng ta: Vậy thì cuộc tranh hùng Mỹ – Trung cộng sẽ không thể nào tránh khỏi?
Câu trả lời của tôi là không tránh khỏi.
Chỉ có cuộc tranh hùng này diễn ra dưới hình thức nào? – Quân sự, chính trị, kinh tế, thương mại.
Về quân sự thì tôi nghĩ Hoa kỳ sẽ tìm mọi cách để tránh, chỉ xảy ra trong tình trạng bắt buộc. Tuy nhiên vì là một đại cường quốc, nên Hoa Kỳ phải tiên đoán tất cả mọi trường hợp, ngay cả trường hợp xấu nhất là phải dùng đến quân sự.
Theo Tôn Tử, một lý thuyết gia Tàu cách đây cả 2 500 năm:
“Phàm trong chiến tranh, thượng sách là công tâm, trung sách là công lương, hạ sách mới đến công thành.”
Công tâm là dùng chính trị, chiến tranh tâm lý. Công lương là dùng chiến tranh kinh tế. Công thành là dùng quân sự.
Mặc dầu là người Tàu, nhưng tư tưởng quân sự của Tôn Tử đã được các nhà chính trị, ngoại giao và những viện nghiên cứu chiến lược, những trường sĩ quan quân sự Hoa Kỳ nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ngay cả tổng thống G. Bush, thường có quyển sách này trên bàn, theo tiết lộ của người thân và giới báo chí.
Không ai có thể chối cãi rằng chiều hướng lịch sử nhân loại sẽ đi từ hình thức tổ chức nhân xã độc tài qua hình thức dân chủ, tốt đẹp hơn, tôn trọng con người, tôn trọng nhân quyền, mà ngày 10/12/2012 chúng ta làm lễ kỷ niệm 64 năm ngày khai sinh Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Nói một cách giản tiện, đó là lịch sử nhân loại sẽ đi tới thể chế dân chủ, dẹp bỏ mọi chế độ độc tài, và trong đó mô hình dân chủ Hoa kỳ là một trong những mô hình có sức thuyết phục nhất.
Ngược lại Trung cộng vẫn lùng thùng trong chế độ độc tài, nói đúng hơn là chế độ cộng sản, mặt trái của chế độ độc tài phong kiến.
Ngay từ điểm đầu trong cuộc tranh hùng này, Trung cộng đã thua.
Thật vậy, điều quan trọng cho một con người và ngay cả cho một xã hội, một quốc gia, dân tộc là quan niệm về triết lý và đạo đức, nền tảng căn bản để dựng lên cơ cấu chính trị và kinh tế xã hội.
Ở điểm căn bản này, Trung cộng đã sai lầm, dựa trên căn bản lý thuyết Mác xít và tư tưởng Mao. Lý thuyế này  với quan niệm duy vật biện chứng và duy vật sử quan mà Marx cho rằng là khoa học, nhưng ngày hôm nay ai cũng biết là nó hoàn toàn phản khoa học, hơn nữa nó còn phản tự nhiên, phản con người và phản kinh tế (1). Ở đây chúng ta không cần dài dòng, chúng ta chỉ cần thấy quan niệm “Bãi bỏ quyền tư hữu “của Marx là hoàn toàn phản kinh tế, mặc dầu ông cho rằng lý thuyết của ông là lấy kinh tế làm đầu.
Và sau đó, người cộng sản cho rằng có khoa học riêng biệt của giai cấp vô sản, mà theo lời của nhà văn Mạc Ngôn, nhà văn hàng đầu của Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Trung cộng:
“Nếu như khoa học của giai cấp vô sản chờ đợi một giống mới qua việc bắt lừa giao phối với thỏ, thì khoa học của giai cấp vô sản này chỉ là một bãi cứt chó“ ( Mạc Ngôn – Báu vật của đời – Theo VN Thư quán  trên Internet)
Tư tưởng của Mao thì hoàn toàn chống lại tư tưởng của Khổng Tử. Mao cho rằng “Khổng Tử là con chó giữ nhà cho bọn phong kiến“. Thế mà ngày hôm nay chính quyền và đảng Cộng sản Trung cộng vừa tôn thờ Mao, vừa tôn thờ Khổng. Có phải đây là một điều nghịch lý không?
Ngày hôm nay, mặc dầu Trung cộng phát triển kinh tế, nhưng đó là sự phát triển bệnh hoạn, bị bệnh ung thư. Nói như nhà văn Mạc Ngôn, giải Nobel văn học vừa qua, năm 2012, trong quyển “Báu vật của đời “, thì:
“Anh thấy thành phố dơ nanh vuốt, phát triển với tốc độ của ung thư ác tính” (Chương 8, Mạc Ngôn – Báu vật của đời – Theo VN Thư quán  trên Internet)
Hay:
“Cô nghĩ, Đảng đem bắn bỏ được rồi. Mọi người đều tham, tối mắt vì tiền, cuối cùng bị đồng tiền cắn chết “ (Cũng Chương 8, Mạc Ngôn – Báu vật của đời – Theo VN Thư quán  trên Internet)).
Từ đó chúng ta thấy, Trung cộng trong cuộc tranh hùng Mỹ – Trung, từ đầu đã thua ngay từ căn bản, vì dựa trên một căn bản triết lý sai lầm, không có một căn bản đạo lý vững chắc, con người chỉ tối mắt vì tiền, chạy theo tiền đến nỗi cắn xé nhau, nhất là Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng và cán bộ cao cấp thượng tầng.
Không phải tình cờ, một nhà báo, kiêm bình luận gia chính trị, đã nói: “Nước Tàu hiện nay sau Đại hội đảng thứ 18 vừa qua, giống như nước Tàu vào cuối thời nhà Thanh.”
Thật vậy, người ta còn nhớ cuối thời mãn Thanh, cũng tham nhũng, thối nát, cắn xé nhau trên thượng tầng, hai phe bảo thủ và cải cách đánh nhau, tất nhiên phe bảo thủ thắng, phe cải cách thua với cái chết của vua Quang Tự và phe cải cách, vào năm 1908, chỉ một ngày sau là cái chết của bà Thái Hậu Nhiếp chánh Từ Hi,  thuộc  phe bảo thủ. Có giả thuyết cho rằng bà đã đầu độc Quang Tự, rồi sau đó uống thuốc độc tự vẫn.
Đây vẫn là một bí hiểm của lịch sử Tàu. Nước Tàu vẫn còn bí hiểm cho tới ngày hôm nay, vì chế độ cộng sản còn bí hiểm, ác ôn, côn đồ, vô danh dự, hạ cấp hơn cả trăm lần chế độ phong kiến. Ngay cả Mạc Ngôn tả người cán bộ cộng sản, trong quyển truyện vừa nói trên, qua hình ảnh Tôn bất Ngôn, thì là một người vừa câm, vừa què, vừa ác ôn.
Sau khi Quang Tự chết, Phổ Nghi lên ngôi, do sự xắp xếp của bà Từ Hi . Nhưng chỉ 3 năm sau, thì nhà Mãn Thanh sụp đổ.
Cụ Trần trọng Kim, trong quyển Việt Nam Sứ lược có viết rằng “nhìn lịch sử, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, những triều đại, đế quốc sụp đổ là tự mình đánh mình, làm yếu mình trước, rồi ngoại quốc đến xô đổ thêm vào.”
Bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố:
“Trung cộng sẽ sụp đổ. Họ đang lo lắng và ngăn chặn lịch sử. Đó là việc làm vô ích. Họ không thể làm được điều đó. Nhưng họ đang cố duy trì, kìm hãm càng lâu càng tốt. Họ đang làm trò cười cho thế giới.”
Phải chăng trong tương lai, chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ sẽ phụ vào xô đổ  đế quốc Trung Cộng?
Paris ngày 11/12/2012
© Chu Chỉ Nam
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment