Saturday, November 24, 2012

Thâm ý Trung Quốc trong “hộ chiếu điện tử” mới



Ls. Vũ Đức Khanh và Lê Quốc Tuấn
Ý định ấn hành hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in hình tấm bản đồ cố ý muốn mô tả chủ quyền của Trung Quốc trên vùng lãnh hải đang tranh chấp ở Biển Đông và vùng biên giới Bắc Ấn đã chọc tức các quốc gia láng giềng.

Ý định này, dù cho hậu quả có thể được giải quyết một cách hòa bình, nhưng nếu không được điều chỉnh, sẽ đại diện cho một sự leo thang vốn cần phải được chặn đứng ngay lập tức.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ 15/5/2012 công dân Trung Quốc bắt đầu sử dụng hộ chiếu điện tử mới.
Trong hộ chiếu này có in hình tấm bản đồ chín vạch “đường lưỡi bò”. Bản đồ này có cái gọi là “đường chín vạch” phân ranh giới các vùng lãnh thổ trong vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp với Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam, rõ ràng phản ánh các tuyên bố chủ quyền của gần như toàn bộ vùng biển Đông của Việt Nam và phía tây Philippines.
Một chiến lược mà Trung Quốc đang buộc các quốc gia trên thế giới và trong khu vực phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả các vùng tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.
Hơn cả thế, hình bản đồ trên hộ chiếu mới còn bao gồm cả Arunachal Pradesh, Aksai Chin của Ấn độ và một phần thuộc Đài Loan như lãnh thổ chủ quyền của mình.
Phản đối
Trong một diễn biến mới nhất hôm 23/11, BBC Việt ngữ cho biết rằng "Ấn Độ và Đài Loan vừa lên tiếng phản đối, tuy mỗi bên ở một góc độ khác, trước hành động của Trung Quốc cho in bản đồ về lãnh thổ và lãnh hải vào hộ chiếu của công dân họ."
BBC Việt ngữ viết tiếp "Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh ngay lập tức cho biết họ phát hành thị thực có hình bản đồ gồm bang Arunachal Pradesh và vùng Aksai Chin cho công dân Trung Quốc đến xin visa."
Riêng Đài Loan thì cho rằng việc Trung Quốc cấp hộ chiếu cho công dân của họ với tấm bản đồ ôm trọn Đài Loan là "hành động khiêu khích, phi thực tế", theo hãng thông tấn Associated Press 23/11 đã ghi nhận như thế.
Rõ ràng động thái này của Trung Quốc đang tạo cảm giác trong dư luận rằng dường như đâu đó đang có một "cuộc chiến hộ chiếu" giữa Trung Quốc và các quốc gia có cùng tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với họ.
Cũng xin nhắc lại trước đó hôm thứ Năm 22/11, Ngoại trưởng Philippines ông Albert del Rosario đã “mạnh mẽ” phản đối hành động này trong công văn gửi đến tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lương Thanh Nghị cũng chính thức phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc phải “sửa chữa sai lầm” cố ý này.
Thậm chí, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul S. Hernandez còn tuyên bố thẳng thừng là bất cứ công dân Trung Quốc nào mang hộ chiếu này là trực tiếp vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines.
Hiện chưa rõ bao giờ hộ chiếu này sẽ được chính thức in ấn và có hiệu lực lưu hành. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những đáp trả trước phản ứng của Việt Nam, Ấn Độ và Philippines.
Theo nguồn tin của hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hộ chiếu mới phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Sổ hộ chiếu có hình bản đồ do Trung Quốc phác thảo không nhắm mục tiêu đến một quốc gia nào cụ thể. Chúng tôi mong các nước có liên quan hãy nhìn sự việc một cách bình tĩnh và hợp lý để không tạo nên những ngăn trở không cần thiết cho dân chúng ..."
Mối nguy cơ được mặc nhận từ những nước khác
Hơn ai hết, Việt Nam và Philippines nhận thức sâu sắc được mối nguy cơ ác ý tiềm ẩn này. Tuy nhiên, trước mắt thì Liên Hiệp Quốc không có khả năng gì để buộc Trung Quốc phải ngưng việc ấn hành hộ chiếu mới.
Còn đối với các nước không có quyền lợi gì cụ thể trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nếu Trung Quốc chính thức phát hành hộ chiếu này thì việc phải đóng dấu thị thực nhập cảnh vào thật chẳng phải là điều đáng bận tâm lắm, dù có thể họ biết rằng việc đóng dấu vào tấm hộ chiếu ấy là mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các khu vực mà các nước khác trong khu vực còn đang tranh chấp. Và theo thời gian, sự việc có thể chính thức trở thành một sự mặc nhiên chấp nhận yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc.
Chưa kể, việc không nước nào lên tiếng cũng đã có nghĩa là một sự việc chẳng có gì đáng ầm ĩ và một sự ngầm đồng ý rồi.
Với các nước khiếu kiện, tình cảnh thực là thảm thương. Đã không thể ngăn chặn Trung Quốc in hộ chiếu mới, họ cũng không thể ngăn chặn viên chức hải quan các nước ngoài đóng dấu thị thực trên các hộ chiếu ấy.
Riêng đối với Việt Nam, Philippines cùng các quốc gia khiếu kiện khác, việc chỉ dóng lên lời phản đối sẽ đơn giản là không đi đến đâu.

Tìm kiếm giải pháp

Có giải pháp nào cho những quốc gia phải gánh chịu thiệt hại?
Trông chờ vào Tòa án Công lý quốc tế sẽ là một sự lãng phí thời gian. Trung Quốc, trong tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ chỉ cần phủ quyết bất cứ nỗ lực nào muốn thi hành một phán quyết bất lợi cho mình.
Nếu không có một cơ quan có thẩm quyền tối cao để giải quyết, thì trong trường hợp này bên thưa kiện, quốc gia vốn gánh chịu thiệt thòi sẽ chỉ còn cách tự giải quyết trong khả năng của mình.
Biết được thực tế này, các quốc gia khiếu kiện có thể đáp ứng như thế nào? Một lời cảnh cáo nghiêm khắc rõ rệt sẽ khiến Bắc Kinh phải chú ý, tuy nhiên, chiến tranh chắc chỉ nên là giải pháp cuối cùng của tất cả các nỗ lực cần thiết.
Mặc dù cả Việt Nam và Philippines đã từng va chạm với Trung Quốc trong quá khứ, nhưng hiện nay cả họ cũng như Trung Quốc đều không muốn đi đến một cuộc xung đột bằng quân sự.
Vẫn biết một cuộc đối đầu như thế sẽ nghiêng phần thắng về phía Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh hiểu rõ một kịch bản như thế sẽ chỉ phục vụ cho việc lập tức mời gọi Hoa Kỳ và đồng minh Phương Tây nhảy vào can thiệp trong khu vực.
Các nước khiếu kiện có thể tuyên bố từ chối không cho công dân Trung Quốc nhập cảnh không?
Chắc chắn là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, Philippines, và các quốc gia khiếu kiện khác có thể ngăn chặn các công dân Trung Quốc mang hộ chiếu mới này qua lại cửa khẩu của họ. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ có thiệt hại lớn về tài chính.
Việc mất khách du lịch, chuyên viên lao động, thương gia và các doanh nghiệp sẽ có thể được cảm nhận gần như ngay lập tức.
Quan trọng hơn nữa là các nước khiếu kiện có thể từ chối nhưng lại không làm gì được khi các nước khác không có tranh chấp tiếp tục chấp nhận đóng dấu thị thực nhập cảnh cho hộ chiếu mới này.
Vậy thì làm gì bây giờ?
Khi mối đe dọa của chiến tranh không còn hiện hữu và các tiến trình ngoại giao đã được tiến hành thì họ còn có thể làm được gì khác nữa? Có lẽ giới quan chức các nước khiếu kiện hiện đang có cùng một suy nghĩ như vậy: tại sao mình không in hộ chiếu mới với tuyên bố chủ quyền của mình trên những vùng tranh chấp? Nếu Trung Quốc có thể tuyên bố và sử dụng một chiến thuật như vậy, tại sao mình lại không thể làm được như thế nhỉ?
Nếu Việt Nam, Philippines, Malaysia, và các quốc gia khiếu kiện khác bắt đầu in và lưu hành hộ chiếu mới với những tuyên bố tương tự trên cùng một lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc, hoặc tiến hành một hành động trả đũa như Ấn độ đã làm bằng cách đóng dấu bản đồ nước mình trên hộ chiếu của người Trung Quốc, và nếu những hộ chiếu này được đóng dấu thị thực cùng người chủ sở hữu đi du lịch quanh thế giới, nó sẽ khiến Trung Quốc phải tranh cãi lại.
Khi ấy cả Trung Quốc và các quốc gia khiếu kiện sẽ thấy mình cùng ở trong một vòng luẩn quẩn.
Ai cũng đều cùng tuyên bố quyền sở hữu của mình trên cùng một khu vực. Để rồi, nếu mọi bên đều khẳng định chủ quyền trên cùng một khu vực thì yêu cầu của bên nào là hợp pháp hơn cả và các yêu cầu của mỗi bên có được cộng đồng quốc tế chấp nhận ngang nhau?
Một giải pháp vĩnh viễn vô điều kiện
Tất nhiên là những điều trên sẽ không xảy ra. Rất có thể là một viên chức cao cấp nào đó trong giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định quay lại với hộ chiếu cũ. Nghĩa là từ bỏ việc in kèm hình bản đồ chín vạch “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, bất kể kết quả ra sao, tập phim này chỉ là một chương trong bộ phim dài nhiều tập - đã nhấn mạnh và củng cố sự cần thiết để phải giải quyết các tranh chấp.
Sự kiện bản đồ trên hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc có thể là một hành động có tính toán nhằm thử thách phản ứng của các nước trong khu vực kể cả Ấn Độ, một nước lớn đang có những cạnh tranh đáng kể với sức vươn dậy của Trung Quốc trên bàn cân chính trị kinh tế thế giới.
Thật không may, cho đến nay trước sự khiêu khích ngày càng tăng của Trung quốc, tình trạng rời rạc mất đoàn kết, thiếu quyết đoán, và không hành động của các quốc gia khiếu kiện đã và đang gây tai họa cho các tranh chấp tại Biển Đông và ngăn chặn các giải pháp hòa bình.
Trung Quốc từng nổi tiếng với những mưu chước kiểu đánh bùn sang ao, đặt cái cày trước con trâu. Trong khi đó Việt Nam, Philippines, Malaysia và các quốc gia khiếu kiện khác đã tiếp tục cứ phải giận bừng mặt và gần như bất lực.
Trung Quốc luôn ung dung thoải mái trong tư thế của mình. Họ có được những cách thức và phương tiện để khẳng định trường hợp của mình. Trong khi đó, các nước khiếu kiện không có gì có thể so sánh được với người láng giềng xấu bụng này.
Trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng, Trung Quốc vẫn đang tận hưởng vị thế nước lớn của mình để vừa o bế vừa tạo sức ép lên các nước chung quanh.
Chừng nào các quốc gia khiếu kiện còn tiếp tục phản ứng với Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông còn leo thang dần. Hôm nay, mối bất đồng là vì tấm hình bản đồ trên hộ chiếu. Ngày mai có thể là vì một điều gì đấy, ít hài hước hơn. Hôm nay, cuộc tranh chấp về một số hình ảnh trong hộ chiếu cũng có thể đáng buồn cười, nhưng nếu ngày mai cuộc tranh chấp leo thang dần đến việc thiết lập căn cứ quân sự trên các hải đảo thì điều gì sẽ có thể xảy ra ?
Như dự kiến, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam đang chuẩn bị gặp nhau vào ngày 12/12 để thương thảo về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông và vai trò của Trung Quốc.
Liệu sự kiện bản đồ trên tờ hộ chiếu điện tử đang dấy lên những lo lắng trong khu vực nam Á, trải suốt từ biên giới Ấn Trung sang tận vùng Biển Đông có là những giọt cuối cùng của ly nước quá đầy trong khu vực hay không?
Quả là đã đến lúc để Trung Quốc và các quốc gia khiếu kiện nên chấm dứt các trò chơi vờn nhau như thế này. Một giải pháp có điều kiện không thể là một giải pháp vĩnh viễn. Thẳng thắn mà nói, trong mối quan hệ quốc tế mang tính nhạy cảm này, khái niệm mất thể diện là lỗi thời và vô dụng.
Trong những tranh chấp về biên giới và lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước liên hệ, một giải pháp cuối cùng chỉ có thể có được khi các quốc gia khiếu kiện đều sẵn sàng trực diện giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, tinh thần nhân nhượng và tất cả đều phải sẵn sàng để chịu thiệt thòi khi cần thiết

No comments:

Post a Comment