Sunday, November 18, 2012

Quyền được chết không mất xác



Đào Tuấn - Giữa phiên thảo luận về Hiến pháp với những phát biểu hùng hồn về quyền con người, quyền công dân, Quốc hội đã im lặng khi nghe tin về hai trận động đất liên tục ở Sông Tranh, động đất to đến nỗi “chấn động đến tận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng”, cách đó lần lượt 60 và…200km.

Không ngẫu nhiên Phó trưởng Đoàn QH Quảng Nam Trần Xuân Vinh dành toàn bộ 7 phút phát biểu nghị trường chỉ để nói về quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. “Trong khi QH đang bàn bạc về sửa đổi Hiến pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì ngày hôm qua 15. 11 khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã liên tục xảy ra 2 trận động đất dữ dội làm rung chấn đến Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, khiến người dân đã bất an nay càng bất an hơn”.
Nhắc đến “đạo trị quốc”, đến tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vinh, mượn lời nhân dân tin tưởng: “Đảng, QH, nhà nước và các vị ĐBQH sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế với số vốn đã đầu tư cho Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống đã được Hiến pháp đề cập”. Cụ thể “Đó là tính mạng của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 sẽ xảy ra”.
Sau khi Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đăng đàn khẳng định “người dân yên tâm không phải đi đâu”, đã xuất hiện trong dân gian những câu chuyện tiếu lâm, từ logic của Bộ trưởng, nghe đăng đắng: Bà con yên tâm vì thủy điện chưa chắc đã gây ra động đất. Động đất thì chưa chắc đã to. To chưa chắc đã vỡ đập. Vỡ đập chưa chắc đã nổ như bom. Nổ như bom chưa chắc đã cuốn trôi. Cuốn trôi chưa chắc đã làm ai bị thương. Bị thương chưa chắc đã chết. Chết chưa chắc đã không tìm thấy xác..
Cũng hôm qua, cũng Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sau chuyến ngó nghiêng với tiền hô hậu ủng vẫn là một phát ngôn “vẫn oan toàn”. An toàn cho dù cái “cau mày” phẫn nộ của thiên nhiên đã nặng đến 4,7 độ richter.
Dường như thiên nhiên bao giờ cũng báo trước, như trước bão là gió, là những khoảng lặng.
Nghĩ cũng kỳ lạ, ai cũng sợ trách nhiệm với hơn 5.100 tỷ đã ném vào Sông Tranh 2, để ai không một ai, trừ nhân dân- nhìn thấy sự thật: Chúng ta đã xây dựng một đập thủy điện không cửa xả đáy, lúc nào cũng tích một quả bom dung tích 200 triệu khối nước trên độ cao bằng một chung cư 40 tầng, với một “chất lượng nước phun phè phè”, trong một điều kiện 3 tháng hơn 80 trận động đất. Mà vẫn bảo là an toàn, là bình thường, là trong mức cho phép và vẫn nài dân yên tâm.
Quan điểm của QH, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương là đặt an toàn của người dân lên trên hết. Đây là mục tiêu số 1. Nhưng nếu thực sự “đặt an toàn của người dân lên trên hết” thì đã không xảy ra câu chuyện rền rứ cá độ giữa một bên là tính mạng của người dân, liền kèm động đất, một bên là 5.100 tỷ, cũng chẳng phải của mình.
Chúng ta không có trách nhiệm với dân. Bởi nếu đó là trách nhiệm, thì nói như Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Lê Bộ Lĩnh: Không có chi phí nào lớn hơn tính mạng của người dân.
Không ai có thể quen dần với động đất. Không bao giờ người ta có thể quen với sự sợ hãi.
Hôm qua, trước QH, ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ví dụ việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân để khẳng định: “Nhân dân là người quyết định còn nhà nước là người chấp hành quyết định đó”. Chứ không phải là “Nhà nước đứng ra lấy ý kiến nhân dân để đi đến quyết định của mình như trưng cầu ý dân”.
Thực ra, chẳng phải to tát vĩ mô gì, QH cứ để người Bắc Trà My, người xứ Quảng được thể hiện “dân ý” qua chính công trình thủy điện đang được cá độ bằng mạng sống của chính họ.
Ừ thì quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc là những quyền hiến định, đó là thứ quyền thực to trên lý thuyết, thậm chí nằm đàng hoàng trong chương II một “đạo luật mẹ”, nhưng thực tế, có khi đơn giản hơn rất nhiều. Có khi chỉ là quyền được lo sợ của những người dân hàng ngày đang sống cùng động đất. Có khi đó chỉ là quyền được chết không mất xác.

No comments:

Post a Comment