VRNs - “Nhắn: Mẹ ơi, con nhận được rồi. Mẹ đừng lo cho con. Giữ gìn sức khỏe chờ gặp mặt đừng thăm con nữa.” Đó là những lời vỏn vẹn của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên viết ở mục “người nhận” trên “Phiếu gửi quà” ngày 15/11/2012 do mẹ Nhung gửi vào.
Lặn lội từ Bình Thuận đến trại tạm giam công an tỉnh Long An ngày 15/11 để gửi đồ thăm nuôi và xin gặp mặt con gái là Nguyễn Phương Uyên, chị Nguyễn Thị Nhung bị từ chối cho gặp mặt mà chỉ cho gửi quà. Khi viết Phiếu gửi quà, chị Nhung để trống mục “Hành vi phạm tội” vì cho rằng con gái chị mới chỉ bị khởi tố mà chưa xét xử. Anh công an tên Niết (lần trước chị Nhung nghe nhầm là Triết) nhất định bắt chị viết vào “Tuyên truyền chống nhà nước” thì mới cho gửi quà. Sau đó công an Niết hỏi chị có cần ký nhận không. Chị Nhung trả lời “cần”. Khoảng hơn nửa tiếng sau, anh ta đi ra với chữ ký của Nguyễn Phương Uyên và lời nhắn trên.
Nhận được lời nhắn, tuy chưa đọc kỹ nhưng chị Nhung rất vui và chuẩn bị ra về thì viên công an trại giam bảo chị chờ tí có bên an ninh muốn gặp. Chị phải chờ thêm hơn nửa tiếng nữa mới thấy một nhóm 5,6 công an vào.
Một ông công an hỏi chị: “chị có nhớ tôi không?”,
Chị Nhung nói “không nhớ”. Ông ta giới thiệu là Nguyễn Văn Hơn, thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Long An.
Ông Hơn hỏi: “Viện Kiểm sát trả lời cho chị chưa?”
- Trả lời rồi.
- Chị đưa cho tôi mượn.
- Bây giờ Viện Kiểm sát trả lời như vậy chị có thỏa mãn không?
- Không thỏa mãn cái gì hết.
- Nếu chị không thỏa mãn thì chúng tôi sẽ giải thích cho chị biết. Những điều chị yêu cầu như lệnh bắt, biên bản bắt, lệnh tạm giam, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can,… không có đưa cho gia đình đâu. Chỉ đưa cho người bị bắt thôi.
Tuy nhiên, liên quan đến những điều khác mà chị Nhung đề cập trong Đơn khiếu nại thì công an không hề “giải thích cho chị biết” như trên, chẳng hạn: “Công an đã vi phạm các điều luật về bắt người, tạm giam… Cụ thể: khoản 2, Điều 80, khoản 1 Điều 84, Điều 85, khoản 4 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra cơ quan Công an cũng vi phạm các qui định về chế độ tạm giam, cụ thể khoản 1 Điều 26 và Điều 30 Qui chế Tạm giữ, tạm giam (Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ) khi từ chối cho gia đình gửi dòng chữ: “MẸ YÊU CON”.”
Về lời nhắn của Phương Uyên, chị Nhung không tin con gái mình được tự do viết những điều này, vì theo chị “con nào mà không mong được mẹ thăm”. Chị nghĩ rằng đó là những điều công an nói cho con gái chị viết ra mà thôi.
Sau khi rời trại giam, chị ghé đến gia đình Đinh Nguyên Kha theo địa chỉ trên mạng để thăm hỏi người cùng cảnh ngộ và tìm hiểu thêm về những việc làm của con gái chị. Mẹ của Kha đi làm ruộng nên chỉ gặp được anh trai Kha là Đinh Nhật Uy, giám đốc công ty TNHH AT, chuyên mua bán lắp ráp máy vi tính. Uy cho biết từ hôm Kha bị bắt thì Uy cũng bị công an ra lệnh rút giấy phép kinh doanh của bản thân anh! Đinh Nhật Uy nhớ lại sự việc hôm ấy: lúc khoảng 25 công an ập vào nhà thì Uy chưa về tới. Khi về nhìn thấy cảnh hàng chục công an đang lôi hết máy tính của công ty anh ra lục lọi thì Uy phản ứng rất cương quyết trước hành vi vi phạm pháp luật của họ. Công an đã còng tay anh vào ghế, không cục cựa gì được, để tiếp tục lục lọi máy tính của anh.
Từ sau ngày Kha bị bắt, Uy có dịp gặp nhiều lần tại trại giam công an tỉnh Long An vì liên quan đến máy tính công ty. Uy cho biết có thoáng nhìn thấy Phương Uyên, nhưng Uyên ốm và xanh xao lắm, vì bị nhốt trong một nhà giam vửa kín vừa chật chội, thiếu ánh sáng.
Ngày 24/10/2012 tại cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Hơn nói rằng đã gửi “Thông báo về việc bắt bị can để tạm giam” cho gia đình Phương Uyên vào ngày 20/10/2012 nhưng chị Nhung mới nhận được Thông báo ấy qua bưu điện và con dấu của bưu điện Chợ Tân An (số bưu cục là 851000), tỉnh Long An ghi ngày 25/10/2012, tức là một ngày sau. Điều đó chứng tỏ ông Hơn là người nói dối.
Một ngày đầu tháng 11/2012 một nhóm người đi xe ôtô đến tận nhà chị Nhung ở Bình Thuận. Chỉ có một ông sinh năm 1952 xuất trình thẻ nhà báo của báo Nhân Dân và phỏng vấn ba mẹ Phương Uyên về đủ thứ thông tin của cháu. Chị Nhung nói; mấy ông bắt cóc con tôi, không hề thông báo gì hết. Tôi phải lao đao mất 9 ngày mới tìm ra con. Thử hỏi các ông làm vậy có đúng không? Nếu nhà báo viết thì có dám viết đúng sự thật này không? Nếu không đăng đúng những gì tôi nói thì đừng đăng, vì sẽ làm hại con tôi. Tôi không đồng ý cho chụp hình, chỉ ghi âm thôi. Thật sự bây giờ tôi không tin ai hết. Trên truyền hình nói cũng sai, mà các ông công an cũng nói sai, kể cả trụ sở công an bắt con tôi cũng nói không bắt,… Tôi không đặt niềm tin vào ai hết, kể cả nhà báo các ông.” Nhưng sau đó 2 ngày thì công an xã cho biết trong đoàn “nhà báo” đó có công an tỉnh Long An cải trang đi chung.
Trong thư trả lời của Viện kiểm sát tỉnh Long An về Đơn khiếu nại của chị Nhung, họ cho rằng chỉ có Phương Uyên mới có quyền khiếu nại! Còn Thanh tra Bộ công an thì trả lời Đơn khiếu nại của chị bằng Thông báo số 2490/TB-V24 ký ngày 7/11/2012 về việc chuyển Đơn khiếu nại của chị về cho Thủ trưởng Cơ quan ANĐT công an tỉnh Long An xem xét giải quyết. Đây là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của pháp luật VN. Khiếu nại nơi vi phạm pháp luật để yêu cầu họ xử lý chính họ thì sao mà làm được? Vì thế, chị Nhung đã ký Đơn tố cáo về việc bắt và tạm giam con gái chị là Nguyễn Phương Uyên.
4) Trong Đơn tố cáo có đoạn: “…mới đây trên các trang báo của nhà nước loan tin: ông Ðại tá Nguyễn Sáu – Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An, tuyên bố rằng việc bắt tạm giam con gái tôi được thực hiện đúng theo trình tự pháp luật, tức là một (1) ngày sau khi con tôi bị bắt, cơ quan điều tra của ông đã gửi thông báo cho gia đình tôi. Nhưng thực tế, con gái tôi bị bắt cóc ngày 14/10/2012 ngay tại phòng trọ sinh viên mà thông báo bắt tạm giam con tôi do Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, phó thủ trưởng cơ quan ANĐT công an tỉnh Long An, ký ngày 20/10/2012 (đính kèm). Như vậy, điều ông Đại tá Nguyễn Sáu phát biểu trên báo chí là hoàn toàn sai sự thật.”
5) Điều 334 BLTTHS qui định: “Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”
Và Điều 337 khoản 3 qui định: “Tố cáo liên quan đến hành vi bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá ba ngày.”
No comments:
Post a Comment