Nguyễn Xuân Nghĩa
Thập bát đại là một màn trình diễn huê dạng và hoành tráng của Trung Quốc
Đại hội khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Hoa đã kết thúc với một khẩu hiệu và nhiều câu hỏi. Khẩu hiệu đó là "Cải Cách". Câu hỏi là cải cách những gì, vì sao và tiến hành như thế nào?
Từ nhiều tháng qua, dư luận truyền thông Anh ngữ và Hoa ngữ đã tràn ngập tin tức, tiết lộ hay đồn đoán, bình luận về yêu cầu chuyển hướng và cải cách của Cộng đảng Trung Hoa. Xuyên qua các nguồn tin chính thức lẫn bán chính thức hoặc lời đồn, người ta được biết về các cuộc thảo luận hoặc tranh luận trong nội bộ đảng trước khi thế hệ thứ năm lên lãnh đạo với vai trò trọng yếu của nhân vật Tập Cận Bình, là Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương rồi Chủ tịch Nhà nước từ Tháng Ba năm tới sau kỳ họp tượng trưng của Quốc hội.
Về Tập Cận Bình, người ta chỉ được biết những gì lãnh đạo Trung Quốc cho biết:
Rằng đấy là một lãnh tụ có viễn kiến biết nhìn xa, đã lập thành tích quản lý tại Chiết Giang và các tỉnh thành trú phú ở miền Đông, từng tu nghiệp tại Hoa Kỳ sau khi là nạn nhân của cuộc Đại Văn Cách trong tuổi niên thiếu. Họ Tập còn có quan hệ tốt đẹp với các tướng lãnh xưa là thuộc cấp của người cha, Tập Trung Huân, cũng một nạn nhân Đại Văn Cách và là người yểm trợ Đặng Tiểu Bình trong nỗ lực đổi mới.
Trước khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, Tập Cận Bình còn gặp chuyên gia kinh tế Hồ Đức Bình, một trí thức chủ trương cải cách, con trai của cựu Tổng bí thư Hồ Điệu Bang, một lãnh tụ đổi mới bị mất chức vào năm 1987 và tang lễ năm 1989 đã châm ngòi cho vụ thảm sát Thiên An Môn....
Cũng về Tập Cận Bình, hai ngày trước Đại hội, người ta được biết qua một bài viết của thống tấn xã Reuters về những nguồn tin xuất phát từ những người gần gũi với lãnh đạo, rằng Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đã kín đáo vận động cho những biện pháp dân chủ mang ý nghĩa lịch sử.
Dân chủ ở chỗ họ đề nghị một tiến trình tuyển chọn mới. Số đảng viên được bình bầu vào Ban chấp hành Trung ương được đông hơn 8% số ghế của các Trung ương Ủy viên. Hơn 200 Trung ương Ủy viên này sẽ bầu vào Bộ Chính trị một số đảng viên cao cấp nhiều hơn số ghế 25 Ủy viên Bộ Chính trị. Nền dân chủ tập trung có vẻ đặc quánh hơn nhưng vẫn là dân chủ!
Cũng có chi tiết đáng chú ý được phóng ra ngoài là chính Tập Cận Bình soạn thảo báo cáo chính trị dầy 64 trang để Hồ Cẩm Đào đọc trong hơn một tiếng trong khi một đại biểu khóc sụt sùi đọc thơ ca tụng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước Đại hội. Nghĩa là Hồ-Tập hoàn toàn nhất trí, là những lãnh tụ gương mẫu và không có mâu thuẫn giữa hai lớp lãnh đạo vừa chuyển giao quyền lực.
Chúng ta được chuẩn bị để kết luận rằng dù thuộc phe Thái tử đảng – con cháu đại công thần – Tập Cận Bình là người quả cảm và có tinh thần cải cách. Hầu hết các nhà bình luận Tây phương đều suy diễn ngọt ngào như vậy. Vì được cho uống nước đường.
Nghệ thuật gây ấn tượng là một biệt tài của Cộng đảng Trung Hoa. Văn hoá Trung Hoa có chữ "thuật quỷ biển", nghệ thuật quỷ quái biển lận để gây ra nhận thức sai lầm về ta, về địch....
Nghệ thuật cai trị thì khác.
Xin hãy nhìn vào hồ sơ kinh tế. Sau chuyến "Nam tuần" năm 1992 của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tiếp tục cải cách kinh tế và có hai chục năm tăng trưởng ngoạn mục. Mười năm sau cùng, từ 2002 dưới thời Hồ Cẩm Đào, kinh tế và lợi tức đã tăng gấp năm và Trung Quốc đứng hạng nhì thế giới về sản lượng, chỉ thua có Hoa Kỳ.
Nhưng chu kỳ tốt đẹp ấy nay đã hết.
Kinh tế đạt mức tăng trưởng thấp hơn, bất công gia tăng cao hơn, dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương đã là hố sâu mở rộng. Và dân chúng bất mãn biểu tình đông hơn, bạo động hơn, về đủ loại vấn đề, như tham nhũng, cường hào ác bá, môi sinh bị hủy hoại, dự án bị rút ruột và gây tai nạn tập thể, v.v.... Trong cả năm qua, chính Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo đều nói đến nạn bất công, bất ổn, thiếu phối hợp và không bền vững. Khai mạc Đại hội, họ Hồ còn cảnh báo rằng nạn tham nhũng có thể làm đảng và nhà nước sụp đổ, một sự nhất trí khác của cặp Hồ-Tập.
Khi ấy, ta mới nhớ đến Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh và Ủy viên Bộ Chính trị sẽ được bầu vào Thường vụ trong Đại hội này. Tám tháng trước, họ Bạc bất ngờ bị cách chức, rồi đuổi khỏi đảng để sẽ bị truy tố về những tội danh chưa ai biết là gì. Nhân Đại hội, người ta mới được giải thêm rằng Bộ trưởng Hoả xa Lưu Chí Quần và Bạc Hy Lai đã bị kỷ luật do nỗ lực chống tham nhũng của đảng nhằm thanh lọc hàng ngũ. À ra thế!
Nhưng sau cùng thì mọi việc vẫn như cũ.
Khi mở ra công cuộc cải cách 30 năm về trước, Đặng Tiểu Bình vẽ ra cái kiềng ba chân: 1) thực tiễn áp dụng chủ nghĩa tư bản trong kinh tế để tìm mức tăng trưởng cao hơn; 2) tỏ vẻ nhún nhường về đối ngoại theo phương châm "thao quang dưỡng hối", tỏa đức sáng và che giấu ý đồ đen tối để không gây lo sợ và tìm hậu thuẫn quốc tế; 3) củng cố quyền lực đảng ở bên trên nhờ phép đồng thuận của tập thể để không cá nhân hay thế lực nào có thể phân hóa thượng tầng lãnh đạo.
Nhằm bảo đảm là đường lối đó được các thế hệ sau thi hành, họ Đặng còn chuẩn bị người sẽ kế vị, từ Giang Trạch Dân từ năm 1992 đến Hồ Cẩm Đào từ năm 2002. Quả nhiên là sau đó Trung Quốc đã đổi thay. Thế giới cũng vậy.
Nhưng ngày nay, sự thể không còn như những gì họ Đặng đã tính và cả ba chân kiềng đều ngả.
Thứ nhất, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng cao, nhưng cũng đào sâu khác biệt giữa các thành phần dân chúng và các địa phương. Khi kinh tế thế giới bị tổng suy trầm năm 2008, tập thể lãnh đạo xoay không kịp và trở lại bài bản cũ là đẩy mạnh tăng trưởng nhờ các tỉnh duyên hải thay vì nâng cao mức tiêu thụ nội địa để giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Nguyên tắc lãnh đạo tập thể qua sự đồng thuận còn dẫn đến sự hình thành của nhiều phe nhóm cùng thoả hiệp với nhau để nắm quyền mà không dám lấy những quyết định chuyển hướng quá gay gắt khi gặp biến cố kinh tế tài chánh bất ngờ của một thế giới toàn cầu hóa đã tràn ngập thông tin loại tức thì, lập tức.
Mô hình phát triển kinh tế theo chiến lược Đông Á của Đặng Tiểu Bình đã đi hết sự vận hành tốt đẹp và trở thành vấn đề hơn là giải pháp.
Thứ hai, vì kinh tế bị lệ thuộc vào bên ngoài - hiện tượng chưa từng có trong lịch sử xứ này - việc bảo vệ nguồn cung cấp và thị trường xuất cảng khiến Trung Quốc thiên về chánh sách đối ngoại năng động và thực tế hung hăng hơn. Với những phương tiện mới, Quân đội trở thành tự tin đến độ chủ quan và chủ chiến, và qua Quân ủy Trung ương còn tác động vào lãnh đạo.
Tôn chỉ "thao quang dưỡng hối" của Đặng hay khẩu hiệu "quật khởi hòa bình" của Hồ Cẩm Đào đã bị vượt qua.
Cái chân kiềng thứ ba còn bị lung lay nặng hơn. Không thể chuyển hướng về chính trị vì phải bảo vệ quyền lực đảng, tầng lớp lãnh đạo đã loay hoay với nhiều mô thức khác nhau mà chẳng tìm ra đồng thuận. Kết quả là từng phe phái tranh giành quyền bính với nhiều chủ trương cải cách khác biệt. Bên dưới, mỗi phe nhóm lại có tay chân thân tộc và vây cánh riêng trong hệ thống kinh tế nhà nước, tại các địa phương và thậm chí trong quân đội.
Họ khoanh vùng hoạt động, chia chác quyền lợi và mặc tình tham nhũng. Muốn diệt trừ tham nhũng là mặc nhiên đụng vào quyền lợi phe phái, tức là gây ra vấn đề chính trị. Vụ Bạc Hy Lai chỉ là một trường hợp. Tay đầu sỏ của hệ thống tham ô Trùng Khánh cũng là một lãnh tụ của phe "Tân tả", có tinh thần bảo thủ của Mao Trạch Đông, lại liên kết với một số phần tử cực hữu trong quân đội.
Ở dưới cùng, người dân không thể chịu đựng nổi tình trạng đó và đã có phản ứng gay gắt.
Ý thức được mức độ trầm trọng của vấn đề, cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo đều nói đến nhu cầu chuyển hướng về kinh tế và cải cách về chính trị. Nhưng không thực hiện nổi và đành trao cho thế hệ nối tiếp một di sản có nhiều rủi ro.
Thế hệ nối tiếp là Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường cùng năm Ủy viên mới của Thường vụ Bộ Chính trị cũng chẳng thể làm gì hơn là xiết chặt quyền lực và tìm cách luồn lách khỏi giông bão. Các ủy viên này đều có tinh thần bảo thủ và không dám trắc nghiệm giải pháp cải cách chính trị cho dân chủ hơn, như Ôn Gia Bảo kêu gọi hay Uông Dương đề nghị. Ôn Gia Bảo thì sắp ra về và Uông Dương, Bí thư Quảng Đông và Ủy viên Bộ Chính trị, thì không được vào Thường vụ.
Hãy nên thông cảm cho tầng lớp lãnh đạo mới. Trong hoàn cảnh bấp bênh và ngột ngạt hiện nay, bất cứ biện pháp cải cách chính trị nào, dù có nhỏ nhoi và chỉ ở dưới cơ sở, cũng có thể bung ra thành chấn động lớn.
Vì vậy, cả Đại hội 18 hay "Thập bát đại" mới thấy hoa mắt đinh tai về khẩu hiệu cải cách. Huê dạng và hoành tráng như lớp men tráng ngoài.
http://vietbao.com/D_1-2_2-67_4-200183_15-2/
No comments:
Post a Comment