Monday, October 29, 2012

Ðồng chí Ếch



Ngô Nhân Dụng - Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã khai mở một phong trào “tự phê bình, tự kiểm điểm” trước đây 100 năm khi viết mục “Tự Xét Mình,” với một bài tựa đề “Gì Cũng Cười” (trên Ðông Dương Tạp Chí năm 1913). Ông viết: “An Nam ta gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”

Nói trộm vong linh tiền bối, sau hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam kỳ thứ sáu, ai không bật cười thì không phải là người Việt Nam. Bởi vì nó kết thúc bằng một màn kịch riễu (hài kịch) nghe không thể nín cười được. Các ông cộng sản có cái tài là biến một bi kịch, một chuyện “rất nghiêm trang,” thành một vở hài kịch. Những tay hề cao thủ như Tư Vững, Phi Thoàn hồi xưa đem so sánh không đủ tài pha trò hay bằng “14 kép và 175 ủy viên múa rối,” như một nhà báo mạng trong nước mô tả.
Ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài diễn văn kết thúc hội nghị trung ương, đã diễn xuất theo kịch bản cũ, vốn là một vở bi kịch. Ông tổng bí thư lên ti vi lâm ly, “nghẹn ngào” tuyên bố “nhận lỗi trước toàn đảng, toàn dân”. Ông còn báo động rằng nạn tham nhũng, bè phái, các nhóm lợi ích riêng tư đang “đe dọa sự sống còn của đảng và chế độ”. Mà tình trạng quả thật bi đát. Không riêng cho đảng của ông mà cho cả nước, với 90 triệu người Việt đang chịu đựng cảnh vật giá gia tăng, các ngân hàng tràn ngập nợ xấu không đòi được, đồng tiền mất giá, vốn đầu tư ngoại quốc xuống thấp, các công ty xí nghiệp đóng cửa hàng loạt, bao nhiêu người thất nghiệp, sinh viên ra trường không kiếm ra việc, vân vân. Nhưng màn bi kịch của Kép Trọng bị xóa mờ ngay, bà con coi rồi quên ngay; vì màn hài kịch bắt đầu trên sân khấu với bản thông tin chính thức của đảng, được tiếp nối chương trình với màn trình diễn của Kép Tư Sang!
Bản thông tin là màn hài hước cao độ. Gần 200 đào kép thượng thặng tập họp để đấu đá, cãi cọ với nhau suốt hai tuần lễ, rồi long trọng thông báo: Chúng tôi “quyết định không kỷ luật một đồng chí trong Bộ Chính Trị;” nói giấu tên mà chả thèm nói đồng chí đó là ai, cũng không nói bàn cái gì, tại sao lại đặt vấn đề kỷ luật.
Ðây là một màn kịch chưa bao giờ thấy trên sân khấu! Nếu có một người, hay một nhóm nào đã quyết định không làm một việc gì đó thì người ta phải làm gì? Thì cứ lặng thinh cũng đủ, đem mấy chuyện khác ra nói cũng đủ mua vui khán giả. Tại sao lại phải công bố rầm rĩ lên là “Chúng tôi đã quyết định không làm một việc như thế, như thế ấy!” Giống như một ông chồng đi khuya về nhà tự nhiên đánh thức bà vợ dậy chỉ để thành khẩn khai báo: Tui không có làm gì cả đâu nhé! Hoặc giống như bài tường thuật một trận đá banh viết rằng: Các cầu thủ đã phấn đấu hăng hái suốt trận đấu nhưng không ai chạy, không ai sút, không bàn chân nào đụng vào một cái có thể gọi nó là ‘đồng chí trái banh’. Sau hai hiệp tận tình giao đấu quyết liệt, kết quả là không đội nào thắng, không ai bại mà cũng không thủ huề!” Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có sống lại, đọc bản tin của hội nghị trung ương đảng chắc cũng phải phì cười.
Màn hài kịch lên đến cao điểm khi ông chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang gọi tên một đồng chí của ông là “Ðồng Chí X,” đọc theo giọng miền Nam là Ðồng Chí Ếch: “Không phải là cá nhân đồng chí X không có lỗi!” Nhắc đến một đồng chí của mình mà không dám gọi tên thật, dùng chữ X, như một ẩn số trong bài toán đố, đúng là làm trò hề. Toán học là một môn khó hiểu. Thà rằng nói đại ra như cái ông trung tá công an văng tục “Tự Do cái CC,” mà gọi tên nhau là “Ðồng Chí Cái Xê Xê” bà con nghe còn thấy dễ hiểu hơn! Hài hước nhất là khi nghe Tư Sang nói thì ai cũng biết cái ẩn số X đó tên gọi là Ba Dũng, là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang nắm vai trò chịu trách nhiệm với 90 triệu dân! Phát ngôn như vậy thì coi người nghe ra cái gì không?
Thử tưởng tượng một bà vợ giận ông chồng đang ngồi lai rai ba sợi bên hàng xóm suốt ngày, bảo con: “Mày qua bển kêu Ðồng chí Ếch, bảo giả về nhà ăn cơm ngay, mười phút nữa không về thì tao đổ cơm cho chó nó ăn!” Phong cách các đồng chí cộng sản đang gọi tên nhau là thế đấy! Nghe rồi, không tức cười sao được? Khi làm cái trò khỉ đó trước công chúng, không những Tư Sang khinh thường Ba Dũng, khinh thường mấy ông nhà báo đang lắng nghe, mà còn coi khinh tất cả 90 triệu con dân nước Việt nữa, những con người giả thiết là có đầu óc, có suy nghĩ, và có cả quyền làm chủ đất nước nữa cơ đấy.
Cái tên Ðồng Chí X sẽ trở thành chính thức. Bây giờ báo chí Việt Nam có thể loan những bản tin, như “Ðồng Chí Ếch hôm nay đã tiếp xúc với cử tri đơn vị Hải Phòng, trừ ông Ðoàn Văn Vươn phải vắng mặt vì bận công tác riêng.” Hay là “Ðồng Chí Ếch hôm qua đã tiếp đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ðan Mạch về việc họ ngưng tất cả mọi số tiền viện trợ; sau cuộc tiếp kiến Ðồng Chí Ếch cũng nói toàn tiếng Ðan Mạch.” Hoặc viết: “Ðồng Chí Ếch đã ký nghị định 88 với một số quy định thông thoáng hơn đối với các cơ quan báo chí nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12, thay thế nội dung nghị định 67 ban hành năm 1996.”
Gần đây nhất, bản tin nhà nước có thể viết là Ðồng Chí Ếch đã tuyên bố trước Cu Hát (Quốc Hội, cái tên gọi do nhạc sĩ Tô Hải đặt), nói rằng “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Cu Hát, trước toàn đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành... gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.” Ðồng Chí Ếch còn hứa hẹn trước các đại biểu Cu Hát rằng bản thân ông và toàn bộ nội các của ông sẽ ‘nghiêm khắc với mình’, ‘đoàn kết nhất trí’, ‘nỗ lực cao nhất’, ‘hết lòng hết sức’, và ‘hành động quyết liệt,’ vân vân. Thế là xong. Ðể cho vở hài kịch đầy đủ tính chất một trò hề, bản tin cần viết thêm là “Toàn thể đại biểu nghị gật Cu Hát nghe xong đã nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh ‘tất cả những yếu kém, khuyết điểm đã gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt’ mà Ðồng Chí Ếch mới nhắc tới; sau đó ai nấy ra về thơ thới hân hoan, tiếp tục mọi việc theo đúng vết chân các thành tích huy hoàng ‘hành động quyết liệt,’ ‘đoàn kết nhất trí’, ‘nỗ lực cao nhất’, y như kịch bản cũ.”
Trước các ông bà Cu Hát, Ðồng Chí Ếch cũng thú nhận “công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu”. Nói như vậy tức là Ðồng Chí Ếch đổ hết tội lỗi trên “các thế lực thù địch,” như Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày, Nguyễn Hữu Vinh, Tô Hải, vân vân; chính họ là nguyên do gây những tác hại xấu như như là Vinashin, Vinalines, lạm phát, ngân hàng khánh tận, vân vân. Nếu không có các thế lực thù địch kể trên thì Ðồng Chí Ếch không hề phạm lỗi lầm nào cả!
Màn hài kịch không che giấu được một điều bi đát: Những người cần đầu đảng và nhà nước ai cũng long trọng nhận lỗi, nhưng không ai hề hấn gì hết! Vẫn những tay hề cũ đóng vai lãnh đạo, chỉ huy kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; vẫn theo đường lối xã hội chủ nghĩa lấy quốc doanh làm chủ đạo, vẫn bịt miệng dân, vẫn văng tục “tự do cái xê xê!” Sau cuộc cải cách ruộng đất giết chết oan hàng trăm ngàn người, Hồ Chí Minh phải đóng tuồng nước mắt cá sấu nhận lỗi, Tổng Bí Thư Trường Chinh đã mất chức, Lê Văn Lương phụ trách tổ chức, phải ra khỏi Bộ Chính Trị. Hồi đó, các lãnh tụ cộng sản mặt mũi nghiêm văn túc, bây giờ chỉ có các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng còn mang được những cái mặt khó đăm đăm như thế. Cho nên trông lại càng thêm tức cười.
Các đảng viên cộng sản có suy nghĩ chắc phải xấu hổ về màn hài kịch hội nghị trung ương đảng. Một nhà trí thức trong nước, Giáo Sư Tương Lai đã nhận xét lối nói Ðồng Chí Ếch mà không nói rõ tên là “vẫn cứ nói mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Nhưng đó chính là một truyền thống của đảng ta từ xưa đến nay: Nửa kín nửa hở, tí ti bí mật, tí ti công khai, nhưng tuyệt nhiên không có tí ti minh bạch nào cả! Ông Tương Lai còn nói thẳng: “Chuyện kỷ luật cả Bộ Chính Trị thì tôi thấy là vô duyên.” Bởi vì “nếu có kỷ luật thì kỷ luật một cá nhân, ví dụ như cá nhân tổng bí thư, người đứng đầu Bộ Chính Trị, hay là kỷ luật ông ủy viên... Tức là những cá nhân đó bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trước đảng, trước dân. Chứ làm sao có thể kỷ luật tập thể Bộ chính Trị được! Nếu có thì chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.”
Ðây là một phán quyết mà toàn dân trông đợi: “Chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.” Màn hài kịch coi mãi cùng nhàm chán rồi. Toàn dân muốn xóa đi, làm lại. Cai trị 90 triệu con người là chuyện đứng đắn. Ai nỡ đem công việc lãnh đạo một quốc gia diễn thành một trò hề như vậy?

No comments:

Post a Comment