Friday, October 19, 2012

Ma sát



Thùy Linh - “...Hội nghị TƯ 6 vừa qua đã bỏ lỡ mất một vận hội thu phục nhân tâm của đông đảo người dân...”
Bất ngờ là hiện giờ dân chúng vẫn còn quan tâm đến chính trị, đến vận nước nhiều đến thế. Nếu các chính trị gia bớt thời gian, tham khảo các diễn đàn trên các trang mạng xã hội thì sẽ thấy tấm lòng, sự bức xúc của người dân, mà hay bị qui kết là “phản động”, là “thế lực thù địch”…như thế nào. Đây là hồng phúc đấy.

Nửa tháng qua, mọi cái nhìn của những người này đều hướng về hội nghị TƯ6. Họ lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, phán đoán, mong muốn… Không lẽ họ rước tâm trạng này để mong điều xấu xa, tồi tệ đến cho bản thân và gia đình họ?
Nhưng sự thất vọng của đám đông này trước kết quả hội nghị TƯ hình như đang nghiêng quá đà về một hy vọng không nên có. Bởi khó có hy vọng một ngọn gió trong lành nào thổi mát được bên trong pháo đài được dựng trên cánh đồng bát ngát lộng gió. Nhưng có thể vì quá ngột ngạt mà những con dân sống trong pháo đài đó ngóng về ngọn gió bên ngoài. Và thế nên thất vọng?
Sẽ có một mâu thuẫn tạo ra do ma sát cực lớn giữa “ổn định chính trị” – đại diện nhà nước với “ổn định đời sống” của dân chúng. Không chỉ nhà nước mà chính mỗi người dân phải lựa chọn để giảm bớt hay tăng thêm ma sát này?
Cái cách ổn định chính trị mà chính quyền mong muốn hiện nay là “lãnh đạo và kiểm soát” từ trên xuống, áp đặt quyền lực xuống người dân không có gì bảo vệ họ, kể cả pháp luật. Nhưng để tạo ra của cải với cánh đồng màu mỡ bên ngoài, nâng cao đời sống người dân, chính quyền không thể không làm và không thể cấm người dân đến với một thế giới “kết nối và chia sẻ”. Tự bản thân điều này đã tạo ra sự ma sát giữa chính quyền với người dân và với thế giới bên ngoài.
Còn dân chúng muốn “ổn định cuộc sống” thì luôn mong muốn có sự ổn định chính trị, nhưng phải là thứ chính trị được phần đông dân chúng lựa chọn, ủng hộ, tức là họ cần sự “kết nối và chia sẻ” – không gì khác là một cuộc sống tự do, dân chủ, văn minh. Nhưng chính quyền hiện tại không đáp ứng được như chính thông điệp đưa ra ngay từ khi lập nước: độc lập, tự do, hạnh phúc. Dù bộc lộ hay ém nhẹm nỗi bất mãn chế độ (vì sự ổn định đời sống trước mắt) thì mỗi người đều chứa đựng sự ma sát lớn với chính quyền, thậm chí có thể bắt mồi lửa.
Liệu thái độ bất mãn, chán ghét, căm hận …với kết quả hội nghị TƯ 6 vừa qua đã là đỉnh điểm? Và nếu chưa phải là đỉnh điểm thì áp lực sắp tới với chính quyền là gì? Với từng người dân ra sao? Sự ma sát sắp tới sẽ gây nên hiệu ứng gì? Ai dám nói trước…
Nếu các sự cố các đập thủy điện như sông Tranh II; Hố Hô, Dakrong 3 …chưa có bất cứ một ai đứng ra chịu trách nhiệm, dù thiệt hại hoa màu của dân lên đến hàng tỷ đồng…
Vụ Đoàn Văn Vươn đã quá lâu vẫn chưa tới hồi kết. Sau nhiều tháng điều tra vẫn chưa truy tìm được thủ phạm phá nhà anh Vươn (?). Về lý, những người cưỡng chế phải chịu trách nhiệm việc này vì khu vực cưỡng chế đến báo chí còn không được bén mảng tới thì “quần chúng tự phát” có vào đấy để làm một việc vô nghĩa (với họ) và độc ác kia không? Mới đây báo chí đưa tin, mấy ông cán bộ xã liên quan đến vụ việc đã quay trở lại vị trí cũ. Hiện tại ông Lê Văn Hiền - nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - được bố trí làm chuyên viên tại Sở Nội vụ Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Khanh - nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - làm chuyên viên văn phòng tại UBND huyện; các ông Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm được quay trở lại vị trí công tác cũ, tiếp tục làm bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Như vậy anh Vươn vẫn còn trong lao lý, gia đình tan nát, vợ con nheo nhóc thì cán bộ huyện, xã bình an vô sự.
Những vụ xét xử các nhà dân chủ như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải; 17 thanh niên công giáo; ba nhà công đoàn độc lập Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng …là hết sức tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế khiến thế giới phải lên tiếng. Gương mặt đất nước nhem nhuốc chỉ vì lợi ích một nhóm người.
…v.v…vvv…
Cảnh khiếu kiện văn tiếp tục diễn ra tại Hà Nội
Vậy nên sau tất cả những thất bại, tham nhũng, rối ren, lạm phát, khủng hoảng …không có một ai bị kỷ luật, từ chức là hợp lẽ.
Hầu như chỉ giải quyết ngắn hạn nỗi lo sợ mơ hồ về sự bất ổn của chính quyền trong trước mắt, nhưng để lại hậu quả cực lớn về sự “cọ sát” giữa chính quyền và nhân dân trong tương lai. Sự cọ sát có thể tạo ra lửa… Và mong muốn “ổn định chính trị” của chính quyền là sự không tưởng. Càng đàn áp thì sự ma sát sắp tới có thể nổ tung.
Hội nghị TƯ 6 vừa qua đã bỏ lỡ mất một vận hội thu phục nhân tâm của đông đảo người dân khi họ nhất loạt ngưỡng vọng về sự thay đổi tốt đẹp. Không một thế lực thù địch nào có thể xúi người dân thả thuốc độc xuống dòng sông mà họ đang dùng. Chính quyền mong muốn ổn định chính trị bao nhiêu thì người dân cũng mong muốn ổn định đời sống bấy nhiêu, nhưng không thể là cách “ổn định” bằng bạo lực và áp chế. Hai mâu thuẫn ổn định này nếu không tiệm cận tới nhỏ nhất thì đó mới chính là sự bất ổn mà chính quyền lo ngại.
Sự cố vỡ đập thủy điện Dakrong 3 (Quảng Trị) bỗng trở thành biểu tượng vào đúng lúc hội nghị kết thúc: phát triển lộn xộn, ẩu tả, gian dối, vô trách nhiệm, vô cảm với dân…Và đập đã vỡ. Sức nước (sức dân) đang thử thách những cái đập giả dối đang xây cất khắp đất nước này.
Thùy Linh
Nguồn: buudoan.com

No comments:

Post a Comment