Saturday, October 6, 2012

Kinh tế nước Mỹ trước vực thẳm tài chính



Đoàn Hưng Quốc - Bốn năm sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu thì người ta bắt đầu nghe đến cụm từ Vực Thẳm Tài Chánh (Fiscal Cliff) có thể xảy ra ở Mỹ ngay vào đầu năm 2013. Giả dụ chính quyền không thỏa thuận được tài khoá trong hai tháng tới đây thì kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị giáng vào ba quả tạ:

1.     Nếu Quốc Hội không gia hạn thì luật giảm thuế từ thời George W. Bush sẽ tự động hết hiệu lực vào cuối năm. Doanh nghiệp và tư nhân sẽ phải đóng thêm 600 tỷ USD tiền thuế. Dân chúng bớt tiêu xài, công ty ngừng mướn người khiến nền kinh tế đang yếu ớt sẽ càng thêm trì trệ.
2.     Nếu hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ không đạt đến thoả hiệp để cắt giảm nợ công thì ngân sách sẽ tự động xén bớt 1200 tỷ USD vào đầu năm 2013: 50% quốc phòng, và 50% vào các chương trình xã hội.
3.     Nếu nhà nước mãi lo đấu đá nên không giải quyết được gì thì các công ty thẩm định Fitch, Moody‘s và S&P đã doạ sẽ hạ thấp điểm tín dụng khiến nước Mỹ khó vay nợ hơn trước.
Đa số mọi người đều tin rằng các chính trị gia đều không dám tự sát tập thể kiểu này nên sẽ phải thoả hiệp sau ngày bầu cử vào tháng 11-2012 khi thắng thua đã rỏ bày. Nhưng điều này không có nghĩa là hai bên sẽ không chơi ép nhau sát vào vực thẩm trong lúc thương thảo, và trong trường hợp lở trớn quá đà cùng rơi xuống hố thì thật là một thảm hoạ cho nền kinh tế.
Thị trường chứng khoáng trong ba tháng tới sẽ trồi sụt vì không biết tiến thoái thế nào. Chỉ dấu đầu tiên là báo cáo chi thu quý 3 của các doanh nghiệp trong tháng 10; kế đến, kết quả bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống vào tháng 11; rồi tới đầu tháng 12 khi thương vụ mùa Giáng Sinh được đúc kết lần đầu sau Lễ Tạ Ơn. Một trường hợp có thể xảy ra như giá cổ phiếu hạ thấp vì dân Mỹ lo sợ cho công ăn việc làm nên không dám tiêu xài vào dịp cuối năm; áp lực đè nặng lên Quốc Hội khiến hai đảng cầm quyền phải thoả hiệp về thuế khoá và tài chánh; nền kinh tế được kích thích nên thị trường chứng khoáng lại tăng vọt.
Bài học cho chúng ta là chuyện đấu đá chính trị nước nào cũng có, khác nhau nơi mục tiêu nhằm vì lợi ích chung hay quyền lợi bè phái, và kiểu cách có văn minh hay hèn hạ! Ngay cả trong xã hội dân chủ thì dân chúng cũng chỉ lên tiếng một lần mỗi 4 năm một lần bằng lá phiếu. Nhưng đã mở cánh cửa kinh tế tự do thì con quái vật gọi là “thị trường” lúc nào cũng rình rập bởi vì đồng tiền của nó dính liền khúc ruột. Chính sách mà sai trật là nó bỏ phiếu hạ điểm tín dụng của quốc gia, ép giá địa ốc và chứng khoáng, doanh nghiệp thua lổ và công nhân mất việc.
Thế mới gọi là trâu bò hút nhau ruồi muỗi chết!

No comments:

Post a Comment