Sunday, October 14, 2012

Khủng hoảng định chế



Đỗ Thái Nhiên - (changevietnam.wordpress.com) đã phổ biến một bài viết mang tựa đề “Canh Bạc” của tác giả Trần Minh Khôi. Đề cập đến những lao đao hiện nay của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Minh Khôi viết:

“Ông Dũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế. Cần chuyển hoá định chế chứ không phải chuyển đổi nhân sự. Định chế phải được chuyển hoá theo hướng pháp quyền hoá chứ không phải quay trở lại với đảng quyền hoá đời sống chính trị quốc gia……”
Đảng cầm quyền, ngay cả trong chế độ độc đảng, không bao giờ có khả năng kiểm soát quyền lực chính phủ của chính nó đẻ ra. Những khủng hoảng hiện nay là sự tiếp tục của chuỗi khủng hoảng mang tính hệ thống đối với những nước độc tài. ”
Đúng như tác giả Trần Minh Khôi nhận định: khủng hoảng chính trị tại Việt Nam ngày nay là khủng hoảng định chế chứ không là khủng hoảng nhân sự lãnh đạo. Có ba cội nguồn dẫn tới khủng hoảng định chế:
1. Khủng hoảng tương quan giữa đảng và nhà nước:
a) Dưới thời ông Hồ Chí Minh, đảng Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh và chính phủ Cộng Sản của thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn bó với nhau như cặp bài trùng. Đôi bên đều tuyệt đối trung thành với tư tưởng Marx Lenine, đôi bên đều tồn tại nhờ ngoại viện Nga Tàu. Xã hội miền Bắc trước 1975, một cách căn bản, chỉ có cơm gạo và súng đạn, không hề có nhóm quyền lợi kinh tế-tài chánh nào.
b) Ngày nay tại Việt Nam, về mặt kinh tế tài chánh, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuy do đảng CS đẻ ra nhưng nó không là chính phủ của đảng CS. Nó hiển nhiên là một chính phủ của tư bản rừng rú. Đảng CSVN không hề có “đảng viên tinh ròng” nữa. Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đảng CSVN là hai tập họp bao gồm nhiều nhóm quyền lợi chòng chéo lên nhau, nghi ngờ lẫn nhau, xung đột gay gắt với nhau. Nguyên tắc “đảng CS đi đôi với chính phủ CS” đã tan biến từ lâu. Đó là nguyên nhân cốt lõi của cuộc chia tay dứt khoát giữa đảng CSVN và chính phủ do đảng này khai sinh ra. Trong hiện tình Việt Nam và thế giới, đảng CSVN đẻ ra bao nhiêu chính phủ, lịch sử đảng sẽ ghi nhận bấy nhiêu lần chia tay.
2. Khủng hoảng cấu trúc công quyền:
Cấu trúc công quyền của chế độ CS là cấu trúc hình kim tự tháp. Tổng bí Thư đảng và bộ chính trị ngự trị trên đỉnh kim tự tháp. Kế đó là ban chấp hành trung ương, là thủ tướng cùng quan chức chính phủ, và cán bộ đảng viên các cấp… nằm theo đẳng cấp trên dưới, trong lòng kim tự tháp. Đáy kim tự tháp là nơi đảng CS ân cần dành cho quần chúng được quyền an hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc. Do khủng hoảng nói ở phần (1) kim tự tháp của Việt Nam hiện rơi vào đại hoạ “trên bảo, dưới không nghe” .
3. Khủng hoảng tính chính thống chính trị:
Khủng hoảng (1) là loạn quân. Khủng hoảng (2) là loạn dân. Xã hội loạn chỉ có thể ổn định bằng luật pháp. Có hai loại luật pháp:
a) Luật pháp chính thống là luật pháp do người dân làm ra (Rule of law-Pháp trị). Nói rõ hơn, luật này đươc chấp thuận bởi những đại biểu thực sự do dân trực tiếp bầu ra, xin miễn nói tới đại biểu kiểu “Đảng cử dân bầu”.
b) Luật pháp phi chính thống: luật này do quốc hội bù nhìn của chế độ độc tài đặt ra (Rule by law-Pháp quyền. Pháp quyền là công cụ giúp nhà độc tài đàn áp giới bị trị. Pháp quyền là kẻ thù của dân chủ, nhân quyền. Luật pháp Việt Nam ngày nay chính là luật pháp quyền, loại luật pháp mà mọi lương dân có nghĩa vụ phải triệt tiêu.
Luật chính thống, luật Pháp Trị rõ ràng là ý dân. Chế độ chính trị chính thống chỉ có thể ra đời từ những qui định chi tiết của luật chính thống. Nói rõ hơn, chừng nào chế độ chính trị là con đẻ của luật chính thống, chừng đó người dân sẽ tuân phục nhà cầm quyền chính thống như môt hệ quả tất yếu của vận hành chính trị xã hội.
Câu chuyện khủng hoảng định chế tại Việt Nam đã đẩy người Việt Nam đối diện với câu hỏi: Làm thế nào Việt Nam có thể thoát khỏi đại nạn khủng hoảng định chế kia? Câu trả lời xin được trình bày ngắn gọn theo lộ trình ba bước như sau:
1. Bước một: Công việc ưu tiên hàng đầu là Việt Nam phải thực hiện một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do. Cuộc bầu cử này sẽ mang lại cho Việt Nam một quốc hội lập hiến, một quốc hội đích thực chính thống.
2. Bước hai: Quốc Hội Lập Hiến sẽ nhanh chóng hoàn thành hiến pháp mới cho Việt Nam. Hiến pháp mới hình thành trên hai trụ cột (có tính gợi ý tổng quát):
a) Thay đổi cấu trúc xã hội: Cấu trúc kim tự tháp vừa bóp nghẹt tự do của con người, nhất là tự do sáng tạo, vừa dễ đẩy xã hội rơi vào căn bệnh “trên bảo, dưới không nghe”. Cấu trúc kim tự tháp cần phải được thay thế bằng cấu trúc hạch tâm. Cấu trúc kim tự tháp dễ hiểu là gia đình kim tự tháp kiểu Khổng Tử: Người Cha là cấp lãnh đạo tối cao của gia đình, nắm quyền sinh sát toàn bộ gia đình. Người cha ngự trị trên đỉnh kim tự tháp. Người Mẹ và con cái cùng tuỳ tùng quyến thuộc khác được định vị ở sườn và đáy kim tự tháp. Gia đình sinh sống theo mô thức kim tự tháp hoàn toàn lệ thuộc vào người cha. Ngược lại, gia đình hạch tâm xoay vần chung quanh quyền lợi của gia đình: biểu tượng bằng nhân của hạch tâm. Mỗi thành viên của gia đình bao gồm cha, mẹ, con cái đều là một điện tử của hạch tâm. Mọi quyết định của gia đình không ban phát từ người Cha mà từ những thảo luận của toàn gia đình, lấy quyền lợi của gia đình làm mục tiêu phục vụ. Tương tự như vậy, trên bình diện quốc gia: hành pháp, lập pháp, tư pháp không có ngành này lãnh đạo ngành kia. Quốc gia là một hạch tâm. Quyền lợi của quốc gia là nhân hạch tâm, ba ngành của tam quyền phân lập là ba điện tử của hạch tâm quốc gia. Cấu trúc hạch tâm giúp cho guồng máy công quyền vận hành rộn ràng, tự do, không va chạm, không dẫm chân lên nhau.
b) Nội dung của dân chủ: Hãy lấy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10/12/1948 để làm công cụ đo lường dân chủ thật hay giả trong từng hoạt động dân chủ của guồng máy quốc gia. Xin được nhấn mạnh rằng mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, có nghĩa vụ làm người giống nhau tất nhiên phải có quyền làm người giống nhau. Không tôn trọng nhân quyền đồng nghĩa với việc ngăn cản con người thực hiện nghĩa vụ làm người. Từ đó con người hư hỏng, từ đó an ninh trật tự xã hội bị xâm hại.
Nhắc tới dân chủ, một số người, đặc biệt là người CSVN thường cho rằng dân chủ bao giờ cũng dẫn đến rối loạn, họ lấy rối loạn giữa hai phe áo đỏ, áo vàng tại Thái Lan vào năm 2006 và các năm kế tiếp làm thí dụ điển hình. Tuy nhiên nếu bình tĩnh đọc hồ sơ chính trị của Thái Lan trong giai đoạn vừa kể, người nghiên cứu sẽ nhận ra rằng: Rối loạn xảy ra do người Thái Lan, nói rõ hơn: nhà Vua và quân đội Thái, đã không tôn trong luật chơi dân chủ chứ dân chủ chân chính chẳng bao giờ là cội nguồn của loạn lạc. Loạn lạc Thái Lan 2006 là loạn lạc xảy ra bên ngoài đấu trường dân chủ.
3. Bước ba: Căn cứ vào hiến pháp đã thành hình nói ở bước (2), quốc hội lập hiến (Cơ quan công quyền chính thống) sẽ tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết nhằm hình thành guồng máy cầm quyền tam quyền phân lập của chế độ dân chủ chính thống.
Những trình bày về ba cội nguồn dẫn đến khủng hoảng định chế tại Việt Nam ngày nay đi kèm với lộ trình ba bước giải trừ khủng hoảng là nội dụng trọng tâm của bài viết này. Nó vừa là lời chào “làm quen” đối với tác giả Trần Minh Khôi, vừa là một đóng góp khiêm cung nhất đối với công cuộc đấu tranh cho sự hanh thông của Việt sử: Lịch sử là lịch sử của những đấu tranh can trường và bất tận cho quyền được sống như một Con Người của mỗi người và mọi người.
© Đỗ Thái Nhiên
12/Oct/2012
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment