Saturday, October 13, 2012

Hai Bà Trưng và bài học “ việc nước trước việc nhà ”



Lê Phước - Sử sách Việt Nam, dù mới dù cũ, đều dành phần trang trọng nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đại Việt Sử ký Toàn thư nhà Hậu Lê, Việt Nam Sử lược -Trần Trọng Kim hay Việt Sử Toàn thư- Phạm Văn Sơn còn dành một chương riêng cho hai bà. Đó không phải ngẫu nhiên, mà bởi vì đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt Nam thời Bắc Thuộc, bởi vì cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc - Trưng Nhị có vai trò to lớn trong lịch sử Bắc Thuộc nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Và bởi vì cuộc khởi nghĩa này đã để lại những bài học quí giá mà đến hiện tại vẫn còn nguyên giá trị.

Phất cờ nương tử
Triệu Đà là tướng nhà Tần, nhân bên Trung Quốc loạn lạc mà nổi lên lập nghiệp ở vùng Quảng Đông - Quảng Tây. Năm 207 trước Công Nguyên (TCN), Triệu Đà đem binh thôn tính Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Nếu dựa theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, thì Triệu Đà chiếm Âu Lạc vào năm 179 TCN. Thế nhưng, dù năm 207 hay 179 thì việc Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc cũng đã bắt đầu thời kỳ con cháu Hùng Vương bị ngoại bang đô hộ: Thời Bắc Thuộc.
clip_image001
Hai Bà Trưng khởi nghĩa (Tranh dân gian Đông Hồ - DR)
Nước Nam Việt của Triệu Đà tồn tại đến năm 111 TCN thì mất vào tay nhà Tây Hán. Sau đó, nhà Hán đổi Nam Việt thành Giao Chỉ Bộ gồm 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ. Trị sở quận Giao Chỉ thời Đông Hán (23-220 Công Nguyên-CN) đặt ở huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ (Mê Linh sau này còn gọi là Phong Châu mà theo cách đọc của người Việt là Châu Phong). Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quận Giao Chỉ tương đương với vùng Bắc Bộ hiện tại.
Nhà Hán đặt chức Thái Thú để cai trị mỗi quận, trên Thái Thú có quan Thứ Sử là người Trung Quốc có trách nhiệm giám sát các quận. Các Lạc hầu (văn quan), Lạc tướng (võ quan) dưới quyền Thái Thú coi việc trị dân như cũ. Họ vẫn giữ quyền thế tập và chỉ phải mỗi năm nộp thuế cống cho Thái Thú.
Hai Bà Trưng là con của lạc tướng huyện Mê Linh (tức Châu Phong) thuộc quận Giao Chỉ. Trưng Trắc là chị, kết hôn với Thi Sách - con trai của lạc tướng huyện Châu Diên cũng thuộc quận Giao Chỉ. Năm 34 CN, nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, cai trị hà khắc, khiến dân tình ta thán. Vợ chồng Thi Sách muốn dấy binh khởi nghĩa để đánh đuổi ngoại xâm, nhưng chưa kịp khởi binh thì Tô Định đã đánh chiếm Châu Diên và giết chết Thi Sách vào năm 40 CN. Trưng Trắc thay chồng " phất cờ nương tử ", lãnh đạo nghĩa quân tiếp tục cuộc kháng chiến. Nhiều quận khác như Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng theo về dưới lá cờ Hai Bà Trưng. Quân Hai Bà Trưng nhanh chóng chiếm được nhiều thành trì. Tô Định bỏ chạy về nước và bị triều đình Đông Hán giáng chức. Còn Trưng Trắc thì lập tức xưng vương dựng triều Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh.
Năm 41 CN, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân mang quân tiến đánh Hai Bà Trưng. Quân hai bà bị thua phải rút về giữ đất Cấm Khê (phía tây nam huyện Mê Linh). Cầm cự được 2 năm, đến năm 43 CN, quân Hai Bà Trưng bị Mã Viện tấn công phải chạy đến xã Hát Môn huyên Phúc Lộc (Phúc Thọ, Sơn Tây). Đường cùng, hai bà gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43 CN).
Một số điểm cần khảo cứu thêm
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy rằng sách sử nào cũng đề cập, nhưng hầu hết đều rất đại khái, thiếu chi tiết và còn nhiều điểm chưa rõ. Chẳng hạn như số lượng thành trì mà hai bà chiếm được khi khởi nghĩa, sách Đại Việt Sử lược khuyết danh và An Nam Chí lược của Lê Tắc hồi đầu thế kỷ 14, Đại Việt Sử ký Toàn thư nhà Hậu Lê được biên soạn hồi thế kỷ 17, Khâm Đinh Việt Sử Thông giám Cương mục nhà Nguyễn thế kỷ 19, đều ghi là quân Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành. Thế nhưng sách Việt Sử U Linh (Tập truyện về cõi u linh của nước Việt) của Lý Tế Xuyên thế kỷ 14 thì lại chép là 60 thành, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ hồi thế kỷ 18 ghi là 50 thành.
Tên họ của Trưng Trắc cũng có điểm cần khảo cứu thêm. Đại Việt Sử Lược chép: “Có Trưng Trắc người huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) là con gái của quan Lạc tướng”. Đại Việt Sử ký Toàn Thư thì ghi: “Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên”. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì chép: “Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan lạc tướng huyện Mê Linh”. Hay như Thi Sách, thì đa số sách chép họThi tên Sách, nhưng cũng có sách cho rằng tên ông là Thi. Sử gia Phạm Văn Sơn trong cuốn Việt Sử Toàn Thư còn cho rằng Thi Sách tên đầy đủ là Đặng Thi Sách, tức cho rằng ông mang họ Đặng.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Vì nhà hay vì nước?
Bàn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có một chi tiết tối trọng cần làm rõ, nếu không thì ất hẳn ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này ít nhiều sẽ bị giảm sút. Chi tiết đó là: Nguyên nhân khởi nghĩa là gì: Vì thù nhà hay nợ nước ?
Sách Đại Việt sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê chép về nguyên nhân khởi nghĩa của Trưng Trắc như sau: “Xưa kia chồng bà Trắc bị Tô Định giết chết. Bà Trắc căm thù Tô Định, lại khổ vì nỗi Tô Định lấy pháp luật ràng buộc dân, bà bèn cùng em gái là bà Nhị khởi binh đánh”.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn ghi: “Lúc bấy giờ Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân”.
Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát hồi thế kỷ 19 cho biết:
“Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân ”.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim hồi đầu thế kỷ 20 cho biết: “Năm Canh Tý (40), người ấy (Tô Định) lại giết chết Thi Sách…Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh cùng với em là Trưng Nhị nổi lên đem quân đánh Tô Định”.
Đọc qua các đoạn trên ta có cảm giác rằng, Bà Trưng khởi binh đánh Tô Định trước hết là để trả thù Tô Định đã giết chồng bà là Thi Sách, tức mục đích chính của cuộc khởi nghĩa là vì trả thù nhà. Nếu quả thật như vậy, thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mất đi ý nghĩa thật sự của nó!
Việc nước trước việc nhà
Để hiểu chính xác nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thiết nghĩ cần đi vào bối cảnh ịch sử của cuộc khởi nghĩa. Hồi ấy, chính sách cai trị của nhà Hán đối với Giao Chỉ vốn nổi tiếng hà khắc, cái cảnh bị ngoại bang đô hộ thì ngàn đời nay vẫn lắm nhọc nhằn. Sử cũ còn chép, nhiều văn thần võ tướng của nhà Hán khi loạn lạc chạy sang tỵ nạn ở nước ra để được yên ổn, rồi bọn người di cư này được thay thế dần quan lại bản xứ. Họ lại chiếm cả một số ruộng đất ở đây, dựa vào thế họ là người của "Thiên triều". Bị xâm lăng về quyền hành, lại bị đẽo gọt cả về kinh tế, quý tộc cũng như nhân dân Giao Chỉ rất lấy làm căm phẫn.
Trước khi Tô Định đến trấn nhậm Giao Chỉ, thái thú quận Giao Chỉ là Tích Quang. Người này có đường lối cai trị mềm dẻo, biết vỗ về dân, du nhập phong tục phương Bắc dạy cho dân bản địa. Thái Thú quận Cửu Chân là Nhâm Diên dạy dân trồng lúa bởi trước đó dân Việt chỉ biết chài lưới và săn bắt. Sử cũ cho biết, Nhâm Diên còn trợ cấp tiền cho trai gái đến tuổi cặp kê làm lễ cưới, nhờ đó mà lúc bấy giờ có tới hơn hai nghìn người được lấy nhau.
Chính sách của Tích Quang và Nhâm Diên xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của dân chúng. Nhưng đây chỉ là những hạt mưa hiếm hoi trên một cánh đồng bị hạn hán lâu ngày. Sự kiện này chỉ trì hoãn được cuộc nổi loạn nhất thời mà thôi bởi Giao Chỉ bộ khi ấy như một thùng thuốc nổ chỉ đợi người ta ném xuống một chiếc que diêm là phát nổ ngay lập tức.
Huống chi câu chuyện về lòng tốt của hai vị Thái Thú nói trên chưa chắc có thật như lời nhận xét của vua Tự Đức trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: “Triệu Đà vốn là người Trung Quốc, làm vua trên nước Nam Việt và truyền nối đã ngót trăm năm. Xem bức thư trả lời Văn Đế nhà Hán thì Triệu Đà vốn là người có học thức; có lẽ nào lại chưa biết dạy dân phép cấy cày và lễ giá thú mà phải đợi bắt đầu từ hai Thái Thú ấy? Huống chi, lại bảo đồng thời có tới hơn hai nghìn người lấy nhau. Xem thế đủ thấy rõ rằng ghi chép thất thực, không đủ tin”.
Năm 34 CN, Tô Định được nhà Đông Hán phái làm Thái Thú quận Giao Chỉ. Sách sử Việt Nam tất cả đều thừa nhận một điểm: Tô Định là người tàn bạo. Đại Việt Sử ký Toàn Thư đánh giá: “Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định chính sự tham lam tàn bạo”, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng cho rằng: “Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo”, Lĩnh Nam Chích Quái chép: “Tô Định ở Giao Châu rất tham bạo”, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca nhận định: “Đến như Tô Định là người chí hung”, Việt Nam Sử Lược bàn: “Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao Chỉ đã có lòng oán hận lắm”.
Qua đó mới thấy, người Việt lúc bấy giờ oán hận Tô Định lắm, bởi thế họ mới đứng lên khởi nghĩa dưới ngọn cờ của vợ chồng Thi Sách để đánh đuổi ngoại bang. Chủ tướng của họ là Thi Sách lại bị Tô Định giết. Thù càng thêm sâu, hận càng thêm lớn, bởi vậy họ chiến đấu càng anh dũng và thiện chiến, và đã đạt được thắng lợi khi giành được độc lập cho dân tộc ngót 3 năm.
Như vậy ta hiểu rằng, nếu Thi Sách không bị giết thì cuộc khởi nghĩa sớm muộn gì cũng vẫn nổ ra, việc Tô Định giết Thi Sách đã thúc đẩy cuộc khởi nghĩa tiến gấp mà thôi và khiến cho lòng thù hận của người Việt càng lớn, đến mức mà dù thua thiệt mọi bề so với kẻ thù nhưng quân Hai Bà Trưng vẫn giành được chiến thắng.
Ngoài ra, nên nhớ rằng, nếu lòng người không thù ghét Tô Định và phản đối sự đô hộ của nhà Hán, và nếu sự thù ghét không lớn, thì ai lại có thể vì cuộc báo thù của một cá nhân mà nổi lên như giông bão như vậy? Dân Giao Chỉ, Cửu Chân nổi lên ủng hộ Hai Bà Trưng thì còn có thể cho rằng họ làm thế vì họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của quí tộc quận Giao Chỉ, chứ còn dân Nhật Nam, Hợp Phố là những dân ở xa ảnh hưởng của quý tộc Giao Chỉ mà còn nổi lên ủng hộ Hai Bà Trưng, đủ thấy mục tiêu của họ không phải để giúp một người trả thù cá nhân, mà là vì nghĩa lớn của dân tộc.
Tóm lại, khi mà toàn dân nổi lên chiến đấu thì cuộc chiến đấu phải là vì nghĩa lớn của cả dân tộc, chứ không bao giờ vì quyền lợi của một cá nhân, dù cá nhân đó có nhiều uy vọng đến đâu !
Hào khí nhất trời, danh truyền thanh sử !
Đọc kỹ Đại Nam quốc sử diễn ca ta thấy có đoạn:
“ Đến như Tô Định là người chí hung.
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.”
Theo đó ta thấy rằng, nguyên nhân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là “Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”, tức có hai nguyên nhân: “Giận người tham bạo” và “Thù chồng ”. Trong hai nguyên nhân đó, ta lại thấy việc “Giận người tham bạo” được đặt trước “Thù chồng”, tức “việc nước trước việc nhà”. Tức đánh đuổi kẻ cai trị bạo ngược đúng như mục đích mà vợ chồng Trưng Trắc đồng lòng đặt ra cho cuộc khởi nghĩa, nhưng khi chồng bà bị giết, thì ngọn lửa thù hận càng trở nên mãnh liệt hơn.
Thiên Nam Ngữ Lục ghi rằng, trước khi xuất binh đánh Tô Định Trưng Trắc đã đăng đàn khấn thiên địa như sau:
“ Tôi là con gái phụ nhân,
Thời loạn ơn chúng lập thân trợ đời "
Qua lời tế cáo trời đất trên ta thấy rõ ràng cái chí của bà Trưng là « Trợ đời », giúp nước trong thời loạn. Ta thấy toát lên một hào khí anh hùng nào thua kém đấng mày râu: " Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông".
Việt Sử Tiêu Án và một số sách sử khác còn ghi nhận một chi tiết: Khi Trưng Trắc ra quân, chưa hết tang chồng, bà ăn mặc quần áo đẹp, các tướng hỏi, bà trả lời rằng: "Việc binh phải tòng quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp để làm cho thế quân hùng tráng; vả lại lũ kia thấy thế, tâm động, nhụt bớt chí khí tranh đấu, thì ta có dễ phần thắng". Qua đó ta càng thấy rõ chí khí đặt việc quốc gia lên trên hết của Bà Trưng. Nếu là một nhi nữ thường tình, bị chuyện chồng con kìm hãm thì làm sao có được dũng mưu và cách ứng xử như vậy.
Chí khí anh hùng của hai bà Trưng được các sử gia không tiếc lời ca tụng. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Văn Hưu nói: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.
Vua Tự Đức phê trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục như sau: “ Hai bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư!”.
Sử gia Nguyễn Nghiễm đời Hậu Lê bàn rằng: “Bà Trưng Vương nổi giận, khích lệ đồng bào, nghĩa binh đi đến đâu, gần xa đều hưởng ứng, 50 thành Ngũ Lĩnh đều khôi phục được hết, dân sự đang khổ sở đắng cay, lại được trông thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng hơn người nhiều lắm, tuy rằng một đám quân mới tập hợp, mới nhóm lên đã tan vỡ, nhưng cũng hả được lòng phẫn uất của thần, nhân”.
Sử gia Trần Trọng Kim cũng không tiếc lời ca ngợi: “Hai bà Trưng làm vua được ba năm, lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời”.
Rõ ràng, nếu Trưng Trắc khởi binh chỉ vì trả thù chồng hoặc chủ yếu vì trả thù chồng, thì sử gia các thế hệ và ngay cả vị hoàng đế trí thức nhất triều Nguyễn là Tự Đức đã không phải tốn lời ca tụng đến thế !
Vai trò Hai Bà Trưng trong lịch sử
Bàn về vai trò của Hai Bà Trưng trong lịch sử Bắc Thuộc nói riêng và trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, phó giáo sư - tiến sĩ sử học Hà Minh Hồng, Trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
Đối với lịch sử thời Bắc Thuộc nói riêng, thì ta thấy khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 nổ ra và thắng lợi mới chỉ kết thúc hơn một thế kỷ đầu của thời kỳ Bắc Thuộc, tức từ năm 179 TCN cho đến năm 40 mà thôi. Nhưng thắng lợi này có vai trò mở đường cho 10 thế kỷ sau đó, tức từ thế kỷ thứ Nhất đến thế kỷ thứ Mười. Dân tộc Việt Nam liên tục nổi dậy khởi nghĩa, cho đến khi giành được quyền làm chủ và thoát hẳn ra khỏi chế độ Bắc Thuộc ấy ".
Hơn 1 000 năm, từ năm 179 TCN cho đến năm 907, các đế chế phương Bắc muốn áp đặt một chế độ cai trị áp bức, và hơn thế nữa, họ thực hiện một sự thủ tiêu nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc, đồng hóa văn hóa dân tộc, xóa bỏ quốc gia dân tộc này như là họ từng xóa bỏ Bách Việt vậy. Nhưng người Việt từ Hai Bà Trưng và sau Hai Bà Trưng đã dùng biện pháp bạo lực để chống lại bạo lực, chống lại ách đô hộ ngoại bang, chống lại đồng hóa, kết hợp với nhiều biện pháp khác để mà chống lại sự đô hộ tàn bạo của phương Bắc. Có vậy thì mới kết thúc được chế độ Bắc Thuộc, chứng tỏ là đất Việt, người Việt đến đầu Công Nguyên đã hoàn toàn đủ sức để dựng nghiệp bá vương không thua gì phương Bắc.
Chống ngoại xâm là một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất của suối nguồn lịch sử dân tộc
Còn trong lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, tính từ thời Hùng Vương, chúng ta thấy rằng, chống ngoại xâm là một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất của suối nguồn lịch sử dân tộc. Trong dòng chảy mạnh mẽ ấy có mặt mọi người Việt, và trong cái mọi người Việt ấy có cả những phụ nữ chân yếu tay mềm dám đứng lên làm nữ tướng. Trưng Trắc và Trưng Nhị là những nữ tướng mở đầu cho những nữ tướng Việt. Từ đầu Công Nguyên thì những nữ tướng này đã quyết tâm đền nợ nước trả thù nhà. Về sau thì còn có những nữ tướng khác như Bà Triệu thế kỷ 3, Bùi Thị Xuân thế kỷ 18… Tất cả đều vì lý lẽ đền nợ nước trả thù nhà cả.
Hai Bà Trưng là hình ảnh thật chứ không phải là hình tượng văn học. Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… cũng là những hình ảnh thực như thế. Những hình ảnh thực ấy của các nữ tướng lại có tính tượng trưng cho các giới trong xã hội-quốc gia, biểu tượng cho tinh thần của cả dân tộc, buộc phải đứng lên chống ngoại xâm, chống ách đô hộ tàn bạo của ngoại bang. Họ không phải là không biết phận chân yếu tay mềm, nhưng họ đã tỏ rõ cho tất cả mọi người thấy được một lẽ tự nhiên là, dù chân yếu tay mềm cũng có thể làm được việc lớn là đền nợ nước trả thù nhà. Họ đã làm được, cùng với các tầng lớp khác, cùng với toàn dân Việt, không chịu sống quỳ, không chấp nhận sự bảo hộ.
Cho nên dù phương Bắc hay phương Tây, dù thời thượng cổ hay thời trung đại, thời cận đại hay hiện đại, dù xa xưa hay ngày nay cũng đều vậy thôi: những người chân yếu tay mềm, những dân tộc như thế, không chấp nhận việc áp đặt cho dân tộc Việt Nam một nền cai trị áp bức dân tộc được.
Hai bài học lịch sử
Sử gia Hà Minh Hồng rút ra hai bài học lịch sử từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như sau:
Bài học đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là bài học “đền nợ nước trả thù nhà”. Bài học này được toát lên trong lí do mà hai chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị đã tuyên bố khi phất cờ nương tử:
“Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sử công lênh này".
Ở đây, một, hai, ba, bốn không phải chỉ là việc xếp đặt 1,2,3,4 để gieo vần, mà là muốn nói phải biết xếp nợ nước trên thù nhà, quốc gia trên dòng họ. Chỉ có như vậy mới thu được ba quân của 65 thành trì của Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Chỉ có như vậy thì mới nổi dậy lật đổ ách thống trị tàn bạo của giặc Hán được.
Bên cạnh đó, cũng nên thấy một bài học nữa dưới cờ nương tử của năm 40 ấy, đó là bài học về sự đoàn kết, cố kết vì “nghiệp xưa họ Hùng”. Chỉ có sức mạnh đoàn kết ấy để nhứt hộ vạn ứng thì mới có thể “Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thùy”. Và sau đó là xưng vương, lập triều Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh. Như vậy là sức mạnh đoàn kết từ trong nhà ra ngoài. Từ trong nhà tức là từ chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị, và các chị em ở trong dòng họ, ở quê hương ấy, rồi ra đến bên ngoài, đến cả nước như thế, cả 65 thành trì như thế, cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Như vậy thì mới đủ sức để chống chọi với kẻ thống trị tàn bạo và dựng nghiệp bá vương sánh cùng phương Bắc.
Tôi cho rằng, những bài học từ mùa xuân năm 40 ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị ”.
Hai ngàn năm giở lại trang sử cũ, ta thấy rằng trong cái mà người ta thường nói “ Trăm năm đô hộ giặc Tây, ngàn năm đô hộ giặc Tàu ”, thì trong cái “ Ngàn năm đô hộ giặc Tàu ” đó, cuộc khởi nghĩa thắng lợi giành lại độc lập dân tộc đầu tiên lại do phụ nữ lãnh đạo. Thế mới biết cái tài của phụ nữ Việt Nam, thế mới hiểu được vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Hai ngàn năm giở lại trang sử cũ, qua câu chuyện Hai Bà Trưng, ta lại được thêm một lần ôn về hai truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam là tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và truyền thống “việc nước trước việc nhà”, đặt lợi ích cộng đồng dân tộc lên trên hết. Đó cũng chính là hai sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam, đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao bão táp ngoại xâm để giữ vững nền tự do độc lập.
L.P.
Nguồn: Viet.rfi.fr

No comments:

Post a Comment