Blog Nguoibuongio - Hôm nay đọc một mẩu tin ngắn trên tường của một facebook. Câu chuyện đại khái nói về việc tăng giá xăng. Trước đó vài hôm người viết nghe thấy mấy cán bộ của Petro nói với nhau là mua được mấy xe rồi. Qua câu chuyện thì biết được là các cán bộ Petro biết trước nguồn tin xăng tăng lên trữ trước để đầu cơ. Đó là điều dễ hiểu vì sao nhiều cửa hàng xăng tăng giá.
Tuy nhiên dân Việt ít tin những câu chuyện như vậy. Nhiều kẻ sẽ nói đó là bọn '' thế lực thù địch' '' bôi nhọ Việt Nam, xuyên tạc cách quản lý hành chính ở VIệt Nam.
16 giờ 51 phút chiều nay 31/8/2012. Báo chí Việt Nam đưa tin giá gas sẽ lên 417 nghìn một bình tại Sài Gòn. Tức là tăng thêm 4, 250 nghìn đồng một kg. Một bình 12 kg sẽ tăng thêm 51 nghìn.
Nhà bạn có thể trữ xăng, nhưng mấy ai đi trữ bình ga trong nhà. Trừ khi nhà bạn sắp bị cưỡng chế kiểu như nhà Đoàn Văn Vươn. Thế nên dù mai giá gas tăng thì bạn cũng khó có thể đi mua vài bình về dự trữ từ hôm nay. Và thường thì chả ai trữ gas trong nhà, khi nào bật bếp đun thấy hết thì mới gọi gas thay.
Từ nhiều ngày nay, công ty bán gas ở 68 Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội đã bán bình ga 12 kg với giá 410 nghìn một bình. Công ty này có một cái tên rất tình nghĩa đó là công ty triangas ( Tri Ân gas) Trian co.,ltd. Số điện thoại 04 37 541 541 hoặc 04 542.542.
Hôm nay đọc tin trên báo chiều, chợt nhớ ra bình gas mới mua, xem lại hoá đơn thì mình đã bị bọn Triangas nó tăng giá trước khi bộ tài chính phê duyệt. Cô bạn gửi cho cái hoá đơn của công ty khác cũng y chang.
Ở Việt Nam là xứ sở của thiên đường, của lưu manh và lừa đảo. Chẳng ai xử lý bọn tăng giá trước khi bộ tài chính phê duyệt cả. Bạn mua hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá thời hạn....bạn cùng lắm chỉ đến nơi bán cãi lộn, mắng mỏ dăm ba câu là huề. Khó mà bạn có thể thấy chính quyền can thiệp đòi công bằng cho bạn, thậm chí là không bao giờ. Thế nên từ đó bạn phải biết toan tính, xoay sở để tự lo và đối phó với mình. Khi đi chợ nhiều người đã phải mang theo cân. Con người sống ở Việt Nam là vậy, là phải biết đối phó, biết toan tính, biết phòng ngừa.
Nếu bạn từng đi ra nước ngoài, đi nhiều nước. Bạn nhìn dòng người hối hả đi lại dù từ tàu điện ngầm, bến xe...bạn sẽ thấy gương mặt người nước khác có thể là vội vã. Nhưng ít khi họ có những nét toan tính, những lo âu, những thấp thỏm và những nghi ngại với xung quanh.
Ở nước khác những hành vi gian lận thương mại sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Có lần tôi đến Anh, vào một siêu thị cùng người bạn, trong siêu thị có bán bánh mỳ nóng, tôi chỉ ra hiệu lấy một cái. Người bán hàng gắp xúc xích, rưới cái nước trắng như kem, cho vào túi đưa cho tôi. Như thói quen ở Việt Nam, tôi chén sạch cái bánh và bỏ cái túi vào thùng rác. Người bạn mua thêm ít đồ rồi ra quầy thanh toán. Lúc kiểm đồ anh bạn hỏi cái bánh đâu. Tôi nói ăn rồi, anh bạn trợn mắt nói đã trả tiền đâu mà ăn. Tôi bảo ở Việt Nam thì mua bánh mỳ, ăn phở gì đó cứ ăn xong rồi trả tiền. Đã ra khỏi quán đâu. Anh bạn lắc đầu cười trừ, rồi anh bảo tôi dẫn ra thùng rác mà tôi đã vất cái vỏ túi. Anh ta nhặt lên rồi quay lại bàn tính tiền đưa cái vỏ túi.
Một điều lạ lùng là người tính tiền và anh ta hỏi nhau, nói nhau có vẻ rất khó xử, họ chỉ gì đó vào tôi đang đứng ngẩn ngơ, chỉ vào bụng tôi. Sau đó thì chúng tôi cũng ra ngoài siêu thị. Tôi hỏi vụ cái bánh xử lý thế nào, mình cứ trả tiền nó là xong mà, trên bao túi còn gi vạch mã số. Anh bạn cười rất khó tả, anh ấy bảo thằng tính tiền nó nói không có bánh bên trong nó không dám tính. Có trả nó cũng không dám nhận.
Nhiều người sẽ phản ứng như từng phản ứng với lời của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt về bài viết này của tôi. Nhiều kẻ sẽ nói là thích thì sang Tây mà ở, đừng xỉ nhục đất nước mình. Có những kẻ bên Tây hay đi đi về sẽ giở giọng là tôi chưa ở lâu chưa biết, bên Tây cũng lắm cái lưu manh, xảo trá lắm. Nhưng có một điều hiển nhiên là gương mặt những người nước ngoài đi siêu thị, đi mua bán gì họ không phải nghi ngờ, lo sợ như ở Việt Nam dấu yêu của tôi. Ai nghĩ tôi nhìn bản chất, sự việc nhỏ mà quy chụp thì cứ tuỳ. Sự thật rành rành ở ngoài đường chứ không nằm trong giáo trình của ban tuyên huấn trong phòng báo chí, tuyên truyền hay phòng bảo vệ chính trị nội bộ.
Quay trở lại với chuyện giá gas tăng mà tôi là người mua, trên hoá đơn là địa chỉ, số điện nhà tôi. Không phải tôi nghe từ đâu. Và chuyện cây xăng đóng kiểm kê mỗi khi sắp tăng giá là điều hiển nhiên. Nhà nước thì nói cấm những chuyện tăng trước hay ngừng bán trước khi tăng. Nhưng mọi việc vẫn cứ diễn ra như thế. Chả có bộ phận nào đi xử phạt những chuyện thế này. Điều bất lương được chấp nhận một cách tự nhiên ở xã hội Việt Nam ngày nay, đến nỗi ai cũng coi đó là bình thường.
Thế nhưng nếu vài người định tỏ ý biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chưa đến ngày giấy mời, giấy triệu tập đã dồn dập. Thậm chí là giấy triệu tập, giấy mời còn tranh nhau giữa các cấp từ cơ sở đến thành phố. Biểu tình chống xâm lược đất nước là lương tri, tự trọng lại được đối xử chu đáo và kiểm soát chặt chẽ từ mỗi bước đi lại. Từ đêm hôm trước đã có vài người canh gác nhà bạn. Còn những chuyện bất lương thì vẫn cứ xảy ra nhan nhản hàng ngày, hàng giờ. Hầu như không cấp chính quyền nào biết đến.
Thật hài hước trong khi bọn bất lương ở khắp mọi nơi. Thì khu phố nào, tổ dân phố nào cũng thấy cái công chào làm kiên cố là khu phố văn hoá. Thế thì bọn bán gas, bán xăng, bọn bán hàng điêu , gian ở đâu cơ chứ.
Hay là buôn bán bất lương là một nét văn hoá.
Tôi ước ngày mai nhận được giấy triệu tập, giấy mời với lý do đến công quyền để làm việc về mua bán gas ở cửa hàng Trian 65 Trung Văn. Để tôi còn thấy bộ máy công quyền còn tồn tại và bảo vệ quyên lợi cho người dân. Chứ không phải giấy thông báo triệu tập làm việc vì lý do '' an ninh trật tự '' như mọi lần.
No comments:
Post a Comment